Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, February 13, 2019

CHONG CHÓNG LON BIA NGÀY XUÂN

     
    Đọc đâu đó, người ta viết rằng khi con người còn sống bằng cách săn bắt hái lượm thì câu chào nhau thường là “có gặp rắn không?” Là bởi va phải rắn khi mò mẫm trên mặt đất. Khi xây dựng được nhà cửa rồi, vẫn bị ốm đau hoài nên nên gặp nhau lại hỏi “có khỏe không?”. Dân số tăng nhanh, thiếu cái ăn nên hễ gặp nhau lại hỏi nhau “ăn cơm chưa?” Ngày nay, nông dân Tây Nguyên có một thời hễ gần tết là hỏi “nhà năm nay mua mấy thùng?”. Thùng ở đây là thùng bia lon. Có thưở ngày tết đến chúc tết, nhà nhà có một két chai nước khoáng Phú Sen và mấy két chai bia Sài Gòn đỏ, khay bánh kẹo hạt dưa mà có mấy khoanh bánh đồng tiền nổi tiếng của Phú Yên thì tết được cho là ấm no. Nhà nào có bia lon 333 mới được cho là sang trọng. Tết đến nhìn bàn thờ gia tiên hoặc ông địa có cúng bia lon thì thôi rồi, nể gia chủ lắm. Tự khi nào bia trở thành thước đo mức độ “giàu”. Mấy thùng bia rồi thương hiệu nhà sản xuất bia ấy là gì. Nay đỡ rồi, kéo nhau đi cả đoàn đến từng nhà trong xóm, mỗi nhà lấy ba bốn lon chia nhau vào cốc nhỏ cho mười mấy ông, hô to 1 2 3 zô lấy hào khí năm mới cho gia chủ rồi hớp nhanh sang nhà khác. Thấy bia đã biết khiếp rồi.

    Chính giữa cái thuở bia 333 mới “lên ngôi”trong lòng người Tây Nguyên ấy, Tết năm nọ má mua cho ba đâu 5 hay 10 lon bia gì đó. Đâu khoảng mồng 5 tết, ba bắt đầu soạn ống máy chuẩn bị cho mồng 6 đi tưới nước cho lô cà phê. Ba gọi Tây và thằng em lại cho hai cái chong chóng. Cánh chong chóng được ba cắt ra từ vỏ lon bia. Ba cắt rồi uốn hình, ra vườn chặt cành cà phê khô thẳng, đóng đinh vào đầu cán thế là xong. Hai đứa vui reo lên, cầm chong chóng giơ ra phía trước chạy vòng quanh sân cho nó quay.

    Năm nay mồng 4 tết cháu gái (con em trai) Tây ra đời, bỗng dưng Tây muốn tết năm tới bồng nó, cầm chong chóng chạy khắp sân như năm xưa cha nó cùng o ruột của nó đã từng. Thế là hì hục làm một cái này, Làm xong nhìn nó quay trong gió vào những giờ đồng hồ cuối cùng trước khi rời quê hương đi làm xa, lòng thấy ngổn ngang xốn xang. Gõ đôi dòng cho có kỉ niệm với tết quê nhà.

Buôn Ama Thuột, 13/2/2019 (mồng 9 tết Kỷ Hợi)
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, February 12, 2019

NGHĨ XA GẦN TỪ MỘT GÓI CÀ PHÊ


1.
Nó là gói cà phê bột mới đi rang xay về. Gọi là rang xay cho nó nghe có vẻ thuần chất cà phê sạch tí thế thôi chứ không phải lấy cà phê nhà mình đem đi thuê rang xay, mà là ra đại lý chuyên thu mua nông sản mua hạt nhân thô rồi thuê họ rang xay luôn. 98% cà phê bột nguyên chất các bạn trên cả nước được người dân các tỉnh Tây Nguyên tặng đều mua từ đại lý hết vì ít ai tự lấy cà phê nhà trồng do không ai chứa cà phê trong nhà nữa. Trữ cà phê nhà một thời gian sẽ có con mọt nhảy tong tóc như con mát nhỏ xíu mắt thường khó thấy hay có ở ổ rơm của gà. Và không khí trong kho thường khô. Bụi từ kho chứa cà phê chả hiểu vì sao nó đen ngòm mà gây viêm tai mũi họng kinh niên, Với lại để trong nhà độ ẩm luôn bị chênh lệch quá mức khiến thua lỗ trọng lượng khi bán. Ai cũng khiếp nên phơi khô, xay ra nhân thô xong thì tìm đại lý chuyên thu mua cà phê để ký gửi ở đó. Chờ khi cần mới bán…Vậy nên mới có chuyện hàng trăm gia đình điêu đứng vì chủ tiệm thu mua cà phê tuyên bố vỡ nợ.

2.
Ban đầu họ đóng gói trong túi có hình vẽ logo của đại lý rang xay, mình (và nhiều người mua làm quà khác) yêu cầu đổi túi trơn bóng, không chữ để người được tin tưởng cà phê nguyên chất đến từ xứ quê mùa. Là bởi mình đem biếu gia đình mà gửi xe trong dịp tết này. Nhà họ giàu quá. Một viên thuốc 7 triệu, một ngày uống 3 viên, uống đến khi hết có hạt trong mạch máu trong não mà họ vẫn duy trì đều đặn được thì nói thật là cao lương mỹ vị gì họ cũng có hết rồi. Tặng quà gì để thay lời cảm ơn là một vấn đề. Thấy họ thích uống cà phê nguyên chất, mua tặng họ nhưng nói thật là nguồn hạt cà phê này có thật sự sạch hay không thì…mình cũng không tự tin lắm. Bỗng dưng nghĩ lớn hơn về cây cà phê quê nhà. Mình cứ hình dung cà phê Việt Nam đem ra nước ngoài chắc chắn cũng sẽ bị rẻ rúng, bị nghi ngờ không sạch. Thước đo nào tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng đây?

3.
Hơn một lần mình viết lên blog rồi, mình đăng những bài viết về cà phê Tây Nguyên không phải kinh doanh cà phê bột mà để cho các bạn đọc cho vui thôi. Mình không thích tặng, mua giùm cho ai tất cả những mặt hàng nuôi trồng ở Tây Nguyên hết. Lâu lâu nể quá, mua giùm cho bạn bè, bị chê đắt rẻ các cái. Mình thấy tổn thương khi thấy nông sản quê nhà bị nghi ngờ về chất lượng. Mình không có cái kiên nhẫn, cái gan của người kinh doanh nên thôi không mua bán giùm ai nữa hết. Nói thế để các bạn biết đọc thôi nhé, đừng gửi nhờ mua he he.
Buôn Ama Thuột, 12/2/2019
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, February 11, 2019

ROI CÀ PHÊ


    Nó là cái roi cà phê. Tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Tây Nguyên như Tây đa số đã từng được “thưởng thức” cảm giác bị roi này quất vào mông. Phê lắm luôn, he he. Nó mới được Tây bẻ trên cây cà phê xuống đấy. Nó khô rồi. Khi còn tươi, nó có lá, tất nhiên! Lá mọc ở mấy cái mắt gai gai ấy đấy. Hoa cũng đơm nụ rồi hết quả dính vào đó. Đến cuối mùa mưa, các cụ nông dân hái trái chín rồi. Còn cuống quả ở lại trên cành. Cành chuyển màu từ xanh sang đen dần dần rồi khô cứng. Sau tết, các cụ nông dân đi bẻ cành khô (cành tăm) vào ngày ra quân đầu năm mới. Bẻ rồi các cụ ôm về dùng nhóm bếp. Lâu lâu con cái nói không nghe còn có cái mà vụt cho nó ngoan he he. Vì nó có mấy cái mắt nom như mắt của dây thép gai thế cho nên đánh vào bắp chân, đau ám ảnh.

    Tây ấy hử, ăn đòn nhiều lắm. Một là, do đi học không ghi bài mà ngắm thằng bạn cùng bàn. Bài kiểm tra điểm thấp. Ăn đòn! Hai là, trốn nhà đi chơi, bố mẹ đi lô (rẫy cà phê) về không có chìa khóa vào nhà. Nhà ở đầu xóm nhưng chơi trò bẻ cành muồng lợp mái nhà với thằng bạn ở tít tận cuối xóm. Mẹ hét khan cổ không thấy đâu, mẹ thất thểu lòng vòng trên các con đường gọi Tây ới, Tây ời, vừa thấy mặt con gái cái là mẹ ghé ngay vào vườn cà phê bên đường, bẻ cái roi đánh luôn. Tây ngu cực, người ta bị đánh thì xin lỗi để chỉ bị ăn một hai roi thôi. Còn Tây á, há mồm than đau chứ không nhận lỗi một câu. Vậy chứ thằng mối tình đầu, nó chỉ nói mỗi câu anh không yêu em nữa, mình chia tay nhé, thế mà Tây khóc lóc, nhận lỗi, van xin nó đừng bỏ Tây. Cái độ bất hiếu và dại trai của Tây thì các bạn đừng hỏi nữa. Haizzz.


   Cứ thế, Tây dựa vào tiếng viu viu (sau mỗi lần quất trong không trung trước khi đánh vào bắp chân) của roi cà phê mà lớn lên. Roi cà phê đánh đau da thịt đến nỗi Tây bỏ bầu trời xanh biếc, bỏ thảo nguyên mênh mông mà về cắm rễ nơi ồn ào phố thị. Người cầm roi sợ Tây khổ, không muốn Tây lại tiếp tục lầm lũi bên gốc cà phê nữa nên đánh, đánh cật lực, đánh cho Tây khao khát chân trời mới, công việc mới, Roi cà phê đánh bầm bắp chân, bắp tay rồi lại hết nhưng những lọc lừa nơi phố thị mãi ám ảnh, mãi đau. Roi quê nhà vẫn hiền lành hơn cả.
Buôn Ama Thuột, 11/2/2019 (Mùng 6 tết Kỷ Hợi)
Tây Nguyên Xanh
No comments