Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, April 30, 2020

ĐẠI DỊCH LAI RAI KÝ -Kỳ cuối: MƯỜI LĂM NGÀY ĂN CƠM BỤI KHẮP ĐÔNG DƯƠNG

April 30, 2020

Share it Please
Tác giả ảnh: Hao Jan Lin 

     Lần đầu tiên em giới thiệu người yêu, tôi hết hồn vì thoạt nhìn cứ tưởng hai em ruột vì họ quá giống nhau. Chàng sinh ra ở Giang Tây (Trung Quốc), nàng là người con của Thái Bình (Việt Nam) vậy mà hai em có cái gọi là tướng phu thê. Hai em về tới Giang Tây đón tết Nguyên Đán cũng là lúc Trung Quốc bắt đầu công bố dịch bệnh nghiêm trọng. Vài ngày sau Việt Nam ngừng các chuyến bay thương mại với Trung Quốc kèm với lời hứa hẹn hết dịch sẽ nối lại. Nhưng cái bụng bầu 6 tháng của em khó có thể chờ hết dịch. Em không có quốc tịch Trung Quốc nên không được hưởng chế độ miễn phí sinh nở ở bệnh viện. Tình hình diễn biến dịch phức tạp nên việc đặt phòng sinh trước ngày dự sinh 3 tháng như công nhân Trung Quốc cũng khá phức tạp. Hơn nữa sinh đứa con đầu tiên, người con gái nào chẳng muốn về với mẹ đẻ. Thế là em tìm cách về Việt Nam và chồng em cũng tìm cách trở lại làm việc. Tôi động viên em cứ bình tĩnh, bằng cái gọi là ủng hộ tiền phòng chống dịch, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc có công xưởng ở Đông Nam Á sẽ có cách “điều khiển” nhà cầm quyền Bắc Kinh xoay chuyển tình thế ngoại giao.

    Ngay sau khi chuyến bay cuối cùng đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về để cách ly thì báo chí bắt đầu đăng các thiệt hại do nạn xâm thực nước mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Cộng đồng mạng xã hội một lần nữa lôi nút thắt ở các đập thủy điện sông Lan Thương (đoạn sông Mekong ở Trung Quốc) ra chửi xối xả. Rất nhanh, một tuần sau, chính xác là ngày 20/2/2020 báo Tuổi Trẻ đăng tin “Trung Quốc tuyên bố xả đập nước thủy điện cứu sông Mekong”. Tôi bụng nghĩ, Trung Quốc sẽ được lợi gì từ tuyên bố này. Đúng lúc này, em thông báo hai vợ chồng đang làm thủ tục để bay sang Bangkok (Thái Lan). Ô, giữa mùa dịch còn có tâm trạng đi du lịch à? Tôi ngạc nhiên hỏi em như thế. Em nói người Trung Quốc phải sang Thái Lan, Malaysia hoặc Campuchia cách ly trong khách sạn đủ 15 ngày mới được lên máy bay nhập cảnh vào Việt Nam. Mấy ngày sau tôi hỏi đồng nghiệp sống ở Hà Nam, Giang Tô, Quảng Tây và Sơn Đông (Trung Quốc) đều có kết quả là đang chờ ở sân bay để đến các nơi quá cảnh, cách ly ở đó để được phép bay vào Việt Nam. Câu trả lời cho thắc mắc của tôi đây rồi. Các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, đơn đặt hàng được chuyển sang cho các cty chi nhánh của họ ở Đông Nam Á. Họ tài trợ tiền cho chính phủ Trung Quốc chống dịch thì đổi lại chính phủ phải tìm cách để nhân viên của họ được vào các nước Đông Nam Á để làm việc trở lại. Không có các chủ quản, công nhân bản địa làm việc với năng suất vô cùng thấp. Đó là thực tế đáng buồn.

    Sang đến Bangkok, em cùng chồng mất phí 35 USD/người/ngày đêm ở khách sạn. Hằng ngày chồng em ra ngoài xếp hàng mua khẩu trang y tế. Ở Bangkok, một ngày một người chỉ được mua 10 cái khẩu trang. Có siêu thị và khu bán cơm bụi riêng cho người sống trong khu cách ly. Em nhớ như in, đôi dép lê em mua ở bên ấy tính ra tiền Việt là 300 nghìn đồng nhưng nếu mua ở Việt Nam là khoảng 20 nghìn là cao lắm. Ở đến ngày thứ 14, em vui mừng dọn đẹp ra sân bay thì hỡi ôi bị trả về vì hãng hàng không nói em phải sống đủ 14 ngày ở Thái Lan tức là sang ngày thứ 15 trở lên em mới được lên máy bay sang Việt Nam. Cay đắng thay, ngày thứ 15 của em là sau khoảnh khắc 0h ngày 22/3/2020. Việt Nam đóng cửa biên giới với tất cả quốc gia, ngừng tiếp nhận công dân nước ngoài, chỉ đón công dân có quốc tịch Việt Nam về tránh dịch. Chỉ vì thời gian chờ gia hạn Visa ở Trung Quốc để đủ điều kiện làm thủ tục bay sang Thái Lan quá lâu mà em cùng chồng phải dở khóc dở cười xứ lạ. Việt Nam ngừng hoạt động đường hàng không. Vợ chồng em cùng với nhiều căp vợ chồng nữa thuê xe chạy từ Thái Lan sang Lào rồi Campuchia để vào Việt Nam ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) cho thuận đường về Bình Dương. Nếu như trước 0h ngày 22/3/2020 thì chồng em sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam và tiếp tục được cách ly ở Việt Nam mới được đến cty làm việc. Nhưng chậm mất rồi...

     Hai vợ chồng ôm nhau khóc. Chồng ôm bụng bầu của vợ thủ thỉ với đứa con trong bụng rằng hai mẹ con về Việt Nam mạnh khỏe nhé. Cha không được bế mẹ con vào phòng sinh. Khi con ngày con cất tiếng chào đời có thể không được cha ẳm bồng. Chờ hết dịch, cha bay sang với hai con nhé. Nói rồi vợ lủi thủi bước vào “cánh cửa Việt Nam”. Chồng tìm đường ra sân bay Phnom Pênh trở lại Trung Quốc.

     Em vào Tây Ninh, cách ly ở trường cao đẳng sư phạm Tây Ninh. Ở tổng cộng 18 ngày mới đi làm. Phòng có 4 người. Em kể, nếu trong phòng có ai phát bệnh thì những người còn lại bị xóa khoảng thời gian cách ly, bắt đầu chu kỳ 14 ngày mới. Cơm có người bưng đến tận phòng chứ không phải đi mua như bên Thái Lan. Nói là cách ly 14 ngày chứ thực tế phải lâu hơn để làm các thủ tục xét nghiệm và chờ kết quả chính thức này nọ. Thành ra em ở đó 18 ngày. Và tôi cũng kết thúc 10 kỳ sự về đại dịch đến đây. Ban đầu chỉ định viết hai bài thôi, chẳng hiểu sau kéo dài được 10 bài. Cũng xin nói luôn, vì xin việc sư phạm mãi không được. Tôi đã học tất cả ngoại ngữ có liên quan đến chủ đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam để mong xin được làm phiên dịch kiếm cơm hằng ngày. Tiếng Trung Quốc cho tôi cơ hội sớm hơn các ngôn ngữ còn lại chứ không có nghĩa là tôi học tiếng Trung để quảng bá này nọ cho Trung Hoa. Tôi tiếp cận người dân thường của Trung Quốc để biết vì sao họ giàu hơn mình chứ không phải để làm chính trị, ok? Các bạn bình luận chuẩn mực chút nha.
Thị xã Bến Cát, 30/4/2020
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment