Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, May 3, 2020

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 29: NHỘNG XÚC BÁNH TRÁNG

May 03, 2020

Share it Please
Tác giả ảnh: Nguyễn  Văn Phú

    Ngoài những cánh rừng từ nhiên thì trên cả đất nước này có lẽ nông thôn Tây Nguyên là khu vực có bướm bay đậu thành từng đàn cả trăm con đậu trước sân nhà. Không phải chúng tôi sống xen trong rừng (người Kinh chúng tôi chặt rừng gần hết từ cuối những năm 90 thế kỷ trước rồi) mà vì chúng tôi trồng nhiều cây Muồng Đen để chắn gió và che nắng, ngăn sương muối cho cây cà phê, chè... Lá của Muồng Đen là thức ăn ưa thích của loài sâu được nở từ trứng một loài bướm Chanh Di Cư. Hằng năm, khi trời đang nắng khô quéo mọi thứ trên mặt đất đỏ Bazan, bỗng đâu mây được kéo về thả lây rây vài giọt nước cho đất dậy mùi thơm. Thứ hương thơm có sức quyến rũ đến nỗi hàng triệu con bướm chẳng biết ở đâu bay ào ạt chiếm không gian nông thôn Tây Nguyên. 
Tác giả ảnh: Nguyễn Văn Phú

     Tôi rất muốn ví loài Bướm Chanh Di Cư là hiện thân của nỗi khát khao đắm chìm trong tình yêu. Nó cứ bay không mỏi mệt xuyên qua luồng gió trong tiết trời nắng cháy. Chỉ cần “ngửi” được mùi hơi nước ở đâu là nhào xuống hít hà mặt đất ẩm ướt cứ như đôi lứa ôm hôn nhau sau bao nhiêu xa cách đợi chờ vậy. Khoảnh khắc nó chạm đất hút nước trông cứ như nó chết trân trong sung sướng. Sau màn “ân ái” với đất là lúc những cây Muồng trở thành “nhà hộ sinh” cho những cô bướm này. Các cô ấy đẻ những quả trứng trên phiến lá. Ít lâu rồi trứng nở ra sâu. Ôi thôi, sâu ăn trọc lá muồng luôn. Nó bò hết cuống mà không có miếng lá nào nữa, sâu rơi tõm xuống đầy mặt đất vả cả cây cà phê. Thú vị là nó không ăn lá cà phê, chỉ ăn lá muồng, lá phượng vỹ. Lái xe dưới hai hàng muồng, có dăm ba con sâu bò lổm ngổm trên vạt áo là chuyện bình thường. Sâu này không ngứa. Nó là....món ăn chơi mang tính truyền thống của người Tây Nguyên bản địa (người Kinh không được tính là người Tây Nguyên bản địa).

    Những bạn người Ê Đê của tôi mang gùi, bao nhỏ và những cái sào để rung tán cây cho sâu rớt xuống, nhặt hết về nấu. Nấu thế nào thì đợt sau có ảnh minh họa, tôi sẽ viết. Sâu may mắn còn sống sót trên cây, thu mình hóa nhộng. Những con nhộng này lại là món khoái khẩu của nhiều người Kinh. Họ bắt nhồng về xào sả ớt rồi mua bánh tráng nướng về xúc ăn. Có người bị dị ứng, ngứa khắp người sau khi ăn xong. Tôi chưa bao giờ ăn món vì sợ ngứa. Và tôi cũng không nỡ ăn bởi vì sự tận diệt làm món ăn chơi cho vui mà ngày nay lượng nhộng nở thành bướm không còn nhiều nữa. Bướm không còn bay ngợp trời như ngày xưa. Ngày nay chỉ còn vài đàn bướm bay nuối đuôi trông như dải lụa uốn bay trong gió, như dòng nước lăn luồng qua khe đá. Còn đâu cảnh đạp xe mà bướm tát vào mặt, lấy bay vơ nhẹ trên trời mà ngỡ tóm được một vốc.

*** 
(Tôi kể sự thật ở quê hương mình. Tôi ý thức việc tận diệt sinh vật tự nhiên làm thức ăn là sự phá vỡ cân sinh thái nhưng tôi không thể không phơi bày có cái gọi là món này trong văn hóa ẩm thực ở Nông Thôn Tây Nguyên được. Du khách vui lòng không thử ăn những món này)
Bình Dương, 3/5/2020
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment