Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, May 20, 2020

CŨNG…MỘT THỜI TÌM NGUYÊN LIỆU LÀM CHỮ

May 20, 2020

Share it Please
Tác giả ảnh: An Bình

     Đọc cái tin “Công trình chữ Việt Nam song song 4.0” vừa được công nhận sở hữu trí tuệ. Chợt nghĩ, làm chữ là thú vui của khá nhiều người. Mình có quen một anh bạn facebook, anh ấy dùng chữ cái của tiếng Nga để ký âm cho chữ tiếng Việt viết hằng ngày trong sổ nhật ký. Nhiều người khác cũng tìm ngôn ngữ khác để tốc ký cho tiếng Việt. Có một dạo, Tây cũng a dua theo phong trào tạo chữ mới cho tiếng Việt khởi xướng ở làng weblogs. Cơ mà khi đó đang thất nghiệp đâm ra mơ mộng tạo mật mã để bán cho trùm mafia kiếm đôi tỉ ăn xài he he. Rằng là phải tự tạo ra cho được tiếng nói và chữ viết mới. Thế ngồi mày mò thiết kế âm và khẩu hình cho ngôn ngữ mới. Tiếng Việt thì sưu tầm giọng người dân ở huyện Gia Kiệm (Đồng Nai) tức là cái giọng Bắc 54 và giọng các cha xứ ở nhà thờ, giọng của anh Nguyễn Hữu Chiến Thắng ở phía Bắc và giọng của anh gì đó ở miền Nam mà hồi xưa chuyên đọc lời bình cho chương trình thế giới động vật. Tiếng Trung Quốc thì sưu tầm âm cuốn lưỡi của tỉnh Thiên Tân, âm trề lưỡi của tỉnh Hà Nam và âm rướn hơi trong dân ca của tỉnh Hồ Bắc. Nghiên cứu một chút về hiện tượng cuốn lưỡi toàn phần trong tiếng Triều Tiên và cách gói hơi nơi vòm họng của người Mông Cổ. Nghiên cứu một chút về sự tương đồng trong cách tạo âm tiết cuối cùng của chữ cái trong tiếng Nhật và tiếng Tây Ban Nha. Đau đầu thiết kế cho được nhạc điệu cho ngôn ngữ mới để nó không mắc chứng “xơ vữa động mạch”.

    Tiếp đến là tìm nguyên liệu chữ cái để ký âm. Nếu như chữ Hán mang dáng dấp của những dải lụa ngắn dài xếp lên nhau thì chữ của người Khmer (đặc biệt là lúc viết hoa) mang hình thể của những đám mây. Các nguyên âm được sắp xếp ở những vị trí xung quanh phụ âm trông như đính kim cương long lanh lên chiếc vương miện. Cách thứ hai là làm như mấy ông bà ở Pakistan ấy, các chữ cái trong tiếng Urdu của họ được biến đổi hình thể tùy vào vị trí đầu, giữa hay cuối chữ. Cách thứ ba, ấy là chọn cách sắp xếp chữ tương tự như tiếng Hàn Quốc. Chữ được tạo ra phải có hình khối như mây, mềm như lụa và lấp lánh kim cương mới chịu.

    Cuối cùng là ngữ pháp. Bổ ngữ của danh từ thì có lẽ là học lỏm cách bài trí của tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt. Tân ngữ của động từ thì một là dùng như mấy động từ phản thân trong tiếng Tây Ban Nha, hai là sắp xếp như trong tiếng Nhật và tiếng Hàn. Còn về các dấu hiệu của các thời hiện tại, tương lai, quá khứ, đương nhiên là chọn cách của tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Trung Quốc cho nó dễ.

    Lên dây cót cho tiến trình “ngâm cứu” là như thế. Bỗng một ngày đang tìm đường ra sân bay, ngơ ngơ thế nào dừng ngay trước cửa học viện Kỹ Thuật Mật Mã. Hết hồn, có học viện này thật à. Mọi ý chí tạo chữ đều tan biến sau khi biết có học viện này. Là bởi người ta có hẳn một trung tâm nghiên cứu mật mã hẳn hoi. Cái mình tạo ra chắc gì đã vượt qua tầm kiểm soát quy luật của người ta đã nắm. Thế là thôi, sun vòi. Hĩ hĩ.

Bến Cát, 20/5/2020 

Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment