Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, July 14, 2020

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 30: BỐN TIỆC HAI NGÀY MỘT ĐÊM CHO MỘT LẦN CƯỚI CỦA MỖI BÊN.

July 14, 2020

Share it Please

    Bạn mời về ăn đám cưới, tự dưng lại muốn viết đôi dòng về cái sự cưới ở nông thôn Tây Nguyên. Khoảng 10 năm trở lại đây, ở quê mình thịnh hành phong trào “đẹp mặt trong ngày cưới”. Bố mẹ chuẩn bị một cây vàng sau đó chia ra những người trong gia tộc đại diện trao từng chỉ một. Người trao vàng phải đủ là bên nội ngoại của mỗi bên đàng gái hoặc đàng trai. Kiểu như muốn cho thiên hạ thấy gia tộc này tặng quà cho đôi trẻ chỉ có vàng, bề thế lắm lắm. Trong mắt hai họ khi đó cứ tưởng ông nội hoặc chú ruột tặng vàng cho cháu nhưng không phải, gia đình bố mẹ tự lo lấy. Cho nên sau này con của chú bác có cưới, vui thì cho không vui thì thôi chứ chẳng mắc nợ. 

   Ngày xưa, đám cưới vu quy hay tân hôn (hay lễ ăn mừng đỗ đại học) ở vùng nông thôn Tây Nguyên chỉ ăn hai tiệc. Tiệc thứ nhất là mâm cơm ngày lập dịch. Ngày này dựng rạp nên phải nhờ hàng xóm đến giúp và là ngày đón họ hàng ngoài quê vào, mấy con người xúm lại làm mâm cơm ăn với nhau. Tiệc tổ chức vào buổi tối quy mô khoảng 20 người. Tiệc thứ hai là trưa ngày cưới chính thức. Nhưng mấy năm trở lại đây nhé, tổng cộng có 4 bữa tiệc lớn nhỏ. Ngày dựng rạp, bữa cơm mừng lập dịch được ăn vào buổi trưa. Bữa này vẫn tự nấu với nhau. Nhưng đến tối, gia chủ phải đặt tiệc mời cả xóm đến ăn, quy mô khoảng 15 mâm (150 người, 6 món/mâm). Tất nhiên là họ chỉ đến ăn, không mang theo tiền mừng. 

   Tiệc thứ ba là trưa ngày tổ chức lễ cưới chính thức (10 món/mâm). Quy mô khoảng 300 khách đối với dân thường, 1000 khách đối với cán bộ làm trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tiệc cuối cùng là vào chiều tối ngày cưới (khoảng 3 mâm, ăn những mâm còn dư vì khách chỉ đi phong bì mà không tới).. Đọc đến đây mọi người sẽ nghĩ rằng trời ơi, 15 mâm đêm lập dịch đãi miễn phí thiên hạ như vậy thì lỗ, ai dám cưới xin. Không nhé, thú vị lắm, khi nhận thiệp mời, ngoài giấy báo hỷ, giấy mời ăn tiệc chính, gia đình nào được thêm tờ giấy nhỏ thứ ba ghi nội dung mời đi ăn tiệc thân mật mới thì đêm lập dịch mới đến. Và nếu như bình thường đi mừng 200 nghìn thì những người có thiệp nhỏ tự biết ngày cưới chính thức bỏ vào phong bì 300 nghìn tiền mừng. 

Tức là 15 mâm đêm lập dịch tiếng là đãi không nhưng thực ra gia chủ huề vốn. 15 mâm ấy là 15 nơi trút nhớ trút thương của những hàng xóm cũ ở ngoài quê sau nhiều năm di cư vào Tây Nguyên. Bởi vì khi có đám cưới, người ngoài quê sẽ được đặt vé máy bay giá rẻ từ trước. Có 600 nghìn một chiều bay từ Vinh vào Buôn Ma Thuột, tội gì mà không bay cho sang chảnh he he. Chiều bóc phong bì ra là vừa đủ trả tiền đặt mâm lại đủ cả tiền vé máy bay cho khoảng 10 người ngoài quê vào. Thành ra gia chủ cũng chẳng khiến người thân ở ngoài quê sợ tốn tiền vé mà không dám vào ăn cưới. Tức là cố gắng giảm thiếu cái gọi là nợ đời. 

Ở nông thôn Tây Nguyên hiện nay, dịch vụ nhà hàng lưu động khá phát triển nên mai cưới, hôm nay đặt mâm. Chiều mai bóc phong bì trả tiền tại trận. Có luôn nhân viên giữ xe cho khách ở bãi luôn. Chi phí có lời chứ hiếm khi lâm vào trạng thái huề vốn. Đa số ai cũng đi theo giá thị trường, đã có thiệp mời dù đi hay không đi cũng có gửi phong bì. Thời buổi này nhà nào cũng chỉ hai con nên trong đời gần như những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên như mình đều được bố mẹ cho 200 tiền xin việc, 1 cây vàng trao ngày cưới và 200 triệu lúc xây nhà. Bố mẹ ở thành phố giàu có nên có con tỷ này tỷ kia, bố mẹ nông thôn bọn mình chỉ có thể làm được vậy thôi. May cái là tự hiểu ngầm với nhau nên vừa đẹp mặt mà các bữa tiệc không lỗ chi phí.

Bình Dương, 14/7/2020
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Phan Văn Phú

0 comments:

Post a Comment