Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 22, 2020

CÁI GIÁ CỦA THIÊN VỊ TRONG BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC.

August 22, 2020

Share it Please

     Hôm nay, tôi lấy 5 tấm ảnh của cùng một tác giả chụp hai động vật gây cảm xúc trái ngược cho người xem. Ấy là gấu trúc và rắn. Gấu trúc được yêu bao nhiêu thì rắn bị ghét bấy nhiêu. Chết một con gấu trúc có thể khiến hàng triệu người khóc thương nhưng chết cả tấn rắn cũng chẳng khiến ai quan tâm. Cùng chung số phận hẩm hiu như rắn, những loài động vật có khả năng sát thương con người như báo, chó sói cũng bị ngó lơ. Hậu quả là “38% báo tuyết, 77% chó sói, 81% báo đốm và 95% chó sói lửa đã biến mất. Theo một nghiên cứu mới được nhóm nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vừa công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu lịch sử, khảo sát bẫy ảnh đặt tại 7.830 địa điểm khác nhau ở các khu bảo tồn loài gấu trúc. Họ phát hiện gấu trúc thì nhiều nhưng bốn loài động vật là báo, báo tuyết, chó sói và chó sói lửa gần như đã biến mất khỏi các khu bảo tồn này kể từ khi có những ghi chép thống kê về chúng vào khoảng 60 năm trước”. (trích báo Tuổi Trẻ Online ngày 6/8/2020) 

     Nếu ai xem chương trình văn nghệ Đông Tây Nam Bắc 东西南北 phát trực tiếp vào chiều cuối năm âm lịch của đài CCTV, trước lúc mặt trời lặn, năm nào họ cũng dành mấy phút cho việc vào khu bảo tồn để “hỏi thăm sức khỏe” của quốc bảo (gấu trúc). Họ giỏi quảng cáo cho gấu trúc đến nỗi nhiều nước chấp nhận tốn hàng tỉ đô la thuê gấu trúc của Trung Quốc về kinh doanh vé vào vườn thú ở nước họ. Để rồi khi cặp gấu đẻ ra con non thì báo chí lại được hàng triệu lượt xem bài báo phân tích con gấu con ấy thuộc sở hữu của nước nào, khả năng khi nào sẽ về Trung Quốc. Vừa rồi, một vườn thú ở Canada phải trả gia đình gấu trúc về Trung Quốc vì ảnh hưởng từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán khiến cho nguồn cung cấp tre cho gấu bị khan hiếm. Trung Quốc nó lấy luật bảo tồn động vật quý hiếm theo công ước quốc tế ra phạt chết toi đứa nào hại chết quốc bảo nhà nó, thật chứ đùa à. 

     Còn với rắn, xin thưa, rắn có trong câu cửa miệng chào nhau của loài người chúng ta từ thời săn bắt hái lượm nhé. Bởi tổ tiên chúng ta mò mẫm trên mặt đất để nhặt quả, hạt cây để ăn nên thường xuyên “mó phải” rắn. Bởi nỗi sợ chết vì rắn độc cắn mà loài người thuở ấy mỗi lần gặp nhau là hỏi “có gặp rắn không?”. Câu ấy thông dụng như câu chào “ăn cơm chưa” (vì sọ đói nên hay hỏi nhau) trong thời hiện đại của chúng ta vậy. Vâng, sợ rắn là một nỗi sợ thâm căn cố đế có từ ngàn đời. Kẻ viết bài này thích ngắm ảnh rắn thế chứ thú thật là gặp rắn ngoài đời cũng sởn gai ốc. Nhưng chính nỗi sợ này của con người đã khiến tính đa dạng sinh học trong tự nhiên bị xâm hại nghiêm trọng. Rắn không độc bị dùng roi điện chích về làm thức ăn, rắn có độc bị ngâm rượu khiến cho những con chim diều hâu, đại bàng bị đói vì mất nguồn thức ăn. Đến lúc có nạn rắn lục đuôi đỏ uốn lượn trước cửa nhà vào mỗi tối thì người ta mới ngấm trái đắng vì không có nhiều loài chim chuyên ăn rắn nữa. Và nạn chuột ngoài đồng lại tăng đột biến khiến lúa của nông dân bị cắn phá khủng khiếp vì thiếu rắn bắt chuột. Chắc các bạn đã từng đọc về câu chuyện tận diệt con muỗi ở thành phố nọ, hậu quả là chính người dân ở đó phải sống trong hoang mang vì mấy năm liền không nghe tiếng chim hót. Vì chim ăn muỗi nhé, không có thức ăn nữa nên chim bay đi. Cứ như loài chim biến khỏi thành phố vậy. Sống giữa thinh không là sư tra tấn tâm lý khủng khiếp nhất. 

    Vì vậy nếu muốn sống trong bình yên, xin hãy cho những con muỗi, con rắn hổ chúa hay những con rắn độc “đáng ghét” khác cũng được sống trong bình yên các bạn nhé. Đừng lấy lý do chúng ta còn nghèo, thôi thì hy sinh vài ba con rắn bán lấy tiền ăn xài rồi mai này giàu lên ta bảo tồn sau. Chúng ta đang tự hại chính mình vì cố thông cảm cho hoàn cảnh người săn bắt động vật hoang dã đấy.

Bình Dương, 22/08/2020 
Lời: Tây Nguyên Xanh 
Ảnh: Burrard Lucas

0 comments:

Post a Comment