Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 15, 2020

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN -Kỳ 31: CÀ LÊN THÌ TRẢ BẰNG CÀ, CÀ XUỐNG THÌ TRẢ BẰNG TIỀN

August 15, 2020

Share it Please
Tác giả ảnh: Siam Travel

     Tôi không biết miền trồng lúa đối xử với hạt lúa như thế nào chứ ở miền núi Tây Nguyên chúng tôi, cà phê, hồ tiêu… được coi như vàng. Phương thức vay mượn giống như vàng. Từ bé tôi đã quen nghe câu “cà lên thì trả bằng cà, cà xuống thì trả bằng tiền” từ cái hội “nác chát”, chuyên mời nhau uống nước chè xanh mà người xứ Nghệ nhà tôi vẫn lưu giữ thói quen. Cũng có kiểu vay vàng, vay tiền nhưng phổ biến nhất vẫn là vay bằng những bao cà phê khô. Thu hoạch xong, phơi khô và xay rồi thì chúng tôi điện ra đại lý, yêu cầu họ tự thuê thợ đến bốc vác ra ký gửi vào kho của họ chứ chúng không để trong nhà dù chỉ một hạt vì sợ lên cơn hen. Muốn hành hạ ai đó, hãy cho họ ngủ trong kho cà phê nhân thô. He he. Khi có người vay, người ta sẽ gọi điện ra đại lý hỏi cà hôm nay bao nhiêu, họ bảo 33 chẳng hạn. Thì sau này khi trả, nếu giá lên 34 nghìn/kg thì phải bằng đúng số ký lô cà phê đã mượn. Nếu giá 32 nghìn/kg thì trả số tiền tương đương để mua được từng ấy ký lô đã mượn trước đó bằng giá hiện tại. Chúng tôi không đánh lãi nhau chỉ có hình thức giao kèo kiểu ấy.

     Nhưng con nợ nào cũng uy tín được như thế thì đỡ. Đa số mượn có 2 tạ cà phê mà đến tận 3 năm sau chưa trả. Người ta thường tìm cách để lấy. Ví dụ lấy theo kiểu hốt cà tươi tại lưới trải dưới gốc cây. Người ta cho rằng bao nhiêu ký tươi thì ra một ký khô. Nếu chủ nợ là công nhân của công ty cà phê quốc doanh thì a lê hấp, mày nộp sản lượng cho tao nhé, coi như trừ nợ. Bởi vậy, không có nghĩa rằng đi hái cà thì có cà chất trong nhà. Đọc thôi, các bạn đừng có ý định tỏ lòng thương cảm như kiểu người vay nợ luôn ăn ở tốt, còn chủ nợ luôn ác như địa chủ ngày xưa. Cứ suy nghĩ như thế thì xã hội này sẽ nghèo đói trong sự mất nết đấy. Có vay có trả, khất nợ thì đi ở đợ, thế thôi!

     Những chủ nợ thường là gia đình có vợ là giáo viên, chồng là nông dân cà phê. Đơn giản là bởi vì rau trong vườn, gà trong chuồng rồi, đi chợ chỉ mua mắm muối, gạo, xăng xe, tiền đi đám này nọ đã có lương của vợ lo. Vợ mà dạy các môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh thì còn giàu nữa vì có lớp dạy thêm ở nhà. Lớp 30 cháu mà mỗi cháu 180 nghìn một tháng thì lương về gửi ngân hàng thôi he he. Thành ra cà phê thu về chỉ để giành xây nhà, cho vay lấy lời, mua đất ở Đà Nẵng, Sài Gòn, Bình Dương, mua xe máy, già rồi thì sắm ô tô đi cho oai. Buồn cười, giờ nhà nào cũng có 3 cái xe máy trong nhà. Một cái chuyên đi ra lô cà phê (cái này thường là xe Dream màu nho khao khát một thời, một cái cho vợ đi chợ kiểu xe tay ga của nữ ấy, một cái cho chồng đi chơi, cái này thường là Air Black. Chưa kể con trai có xe Exciter ở nơi lập nghiệp, con gái có cái xe phải gió gì tay ga xịn xò ở nơi lập nghiệp.

    Đấy, tôi vẫn chưa cảm nhận được cái sự nghèo của quê tôi. Các anh chị à, những cái thiếu thì là thiếu chung chứ chả riêng ai. Buôn Ama Y Thuột mà đòi sầm uất như Sài Gòn thì đương nhiên là vô lý, điều ấy không có nghĩa là tội nghiệp Buôn nhà tôi. Các bạn đừng có lấy cái trò từ thiện ở miền biên giới Tây Nguyên ra mà dẫn chứng này nọ nhé. Mỗi một người dân miền biên giới là cột mốc sống của đất nước. Ai làm cột mốc không công cho nhà anh. Cuối năm lo mà gửi quà lên tiếp tế chứ gọi là từ thiện cho nó nhã. Một sự trả phí sòng phẳng.

Bình Dương, 15/8/2020 
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment