Từ cảnh thân cô thế cô, tự kiếm được công việc làm công nhân ở nông trường, xây nhà và rồi cái ngày ấy cũng đến, đứa con đầu lòng đỗ đại học công lập. Nó là một bước ngoặt, là sự mở mày mở mặt với đời. Bởi thế cái xóm nhỏ của tôi, có nhà tổ chức tiệc 30 mâm (mỗi mâm 10 khách), có nhà 25 mâm, hoặc bèo nhất là 15 mâm mừng con đậu đại học. Linh đình như một cái đám cưới. Quy tụ anh em từ khắp cả nước đổ về. Nói về cỗ bàn, ở Tây Nguyên chúng tôi có dịch vụ nhà hàng lưu động nên sáng nhận giấy báo nhập học, chiều gọi điện đặt mâm, gửi thiệp thì ngày mai có thể mở tiệc ngay, xong tiệc bóc phong bì trả tiền tại trận. Chủ yếu là vui chứ chả bao giờ sợ lỗ.
Năm 2008, tôi cũng đỗ đại học như bao nhiêu người khác. Nhưng tôi có một cái ơn sâu nặng với miền đất Tây Nguyên, ấy là trường đại học Quy Nhơn lấy 18.5 điểm cho ngành sư phạm Hóa học, tôi chỉ được 17 điểm nhưng vì là người con của núi rừng cà phê nên được cộng 1.5 điểm ưu tiên. Thế nhưng hôm nay, khi đứng phiên dịch trước hội đồng quản trị cty, tôi run vì ngại đám đông nhưng thấy vui hơn nhiều so với cảm giác run khi đứng trên bục giảng. Tôi chợt nhận ra rằng mình đang hạnh phúc. Nỗi hạnh phúc của một kẻ được làm nghề mình thích. Nhưng nếu khi xưa tôi học ngành ngoại ngữ thì chưa chắc có được hạnh phúc hôm nay. Bởi thế tôi mang ơn quảng thời gian học sư phạm Hóa ở Quy Nhơn vô cùng.
Tôi cứ tưởng vào đại học nghĩa là người ta sẽ dạy tôi cách “chém gió” trên bục giảng và cách soạn giáo án. Tức là tôi háo hức khi nghĩ năm đầu tiên người ta sẽ dạy cách đứng lớp luôn. Ai dè hai năm đầu tiên phải học các môn đại cương để có kiến thức chuyên sâu. Cái quy trình đào tạo rất chuẩn, ai cũng phải như thế, chỉ là do tôi lười học nên cảm xúc chán chường cứ thế trượt dài. Tôi cứ muốn làm rồi thấy thiếu gì thì bổ sung kiến thức sau. Xưa mà học mấy môn đại cương của ngành ngữ chắc tôi cũng chán như với sư phạm Hóa thôi. Là tôi sai, tôi chán học nhưng không dám bỏ vì sợ cái nỗi nhục cha mẹ phải gánh chịu. Cha mẹ làm 18 mâm cơm mời khách đến chung vui và tiễn chân tôi lên đường nhập học. Cứ nghĩ đến cả xóm xì xào cái tin tôi bỏ học mà chỉ nghĩ thôi đã hãi.
Lùn 1m43 như tôi, đành an phận làm cô giáo thôi chứ các nghề khác ai mà tuyển. Tôi chấp nhận thế và dung hòa cảm xúc bằng cách vẫn học sư phạm Hóa theo đúng nghĩa vụ nhưng âm thầm đi học một ngoại ngữ mới hoàn toàn như một đam mê. Mặc kệ đời muốn trôi đi đâu thì đi. Mỗi một giờ học ở lớp ngoại ngữ, tôi vui như kiểu lén cha mẹ đi hẹn hò với bạn. Ra trường, tôi mặc kệ cha mẹ khổ sở cầm tiền đi xin việc cho tôi. Tôi lặng lẽ chờ đến ngày các cụ thực sự rã rời, hết cửa để chạy nữa rồi tôi mới xin phép ra khỏi nhà và lên mạng gõ cụm từ “tuyển phiên dịch”. Trước đó nếu tôi có muốn đi, các cụ cũng không cho vì không tin tôi làm được. Bọn cò xin việc thì đến nhà nườm nượp gieo hy vọng.
Không có gì hạnh phúc hơn khi được làm những điều mình thích. Nhưng làm những điều mình ghét không phải lúc nào cũng cho kết quả tồi tệ. Nó cho tôi cảm giác trưởng thành. Đôi khi người ta phải hy sinh một thứ để nuôi nhiều thứ. Tôi hy sinh bốn năm học sư phạm để có đủ năng lực làm phiên dịch viên. Học một nghề nhưng làm một nghề khác. Ngưỡng cửa đại học luôn thiêng liêng và kỳ diệu.
Bến Cát, 28/8/2020
Tây Nguyên Xanh
em cám ơn những lời văn của chị,
ReplyDelete