Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, December 8, 2020

MÙA CÀ PHÊ 2020 - Kỳ 2: TỰA CỬA NGẮM CÀ TRONG MƯA

December 08, 2020

Share it Please
Tác giả ảnh: NTQ

    Dak Lak đang mưa, gọi điện về nhà, thấy Ba Má nói thế. Mấy hôm nay không thuê được ai hái nên đành ở nhà. Mưa mà, giờ cả vùng, nhà ai cũng đều có tâm lý chờ đến tuổi được nhận lương hưu là bán lô mua ô tô. Chả mấy ai chịu đi làm ngày mưa như ngày xưa. Mình lại nhớ đến những ngày tháng tựa cửa ngắm những hạt mưa rơi lã chã trên đống cà tươi ở trước sân nhà. Cà còn nguyên quả mới hái về mấy hôm, không có nắng để phơi thì chớ lại còn gặp mưa nên nó cứ xanh đỏ vàng đầy sân chứ không chuyển màu vỏ sang đen. Loại này không được phủ bạt gì cả, cứ thế để nó ngấm nước mưa.Thú vị là ngâm nước cả tháng nó cũng không nảy mầm nên không sao. Nhưng mà lỡ thò chân đạp xuống đống cà ấy thì thôi đi, nóng thôi rồi. xới lên là khói bốc, mốc ở trong lộ ra.Thế nên cứ cào ra cho mưa rửa trôi lớp mốc này rồi lại cào cho rửa trôi lớp mốc khác. Cứ thế quả cà phê teo tóp theo một cách khác, ấy là nhân bị teo. Rất lạ là ngâm trong nước cả tháng trời, sau này phơi hoặc sấy khô thì nhẹ và hạt teo tóp hơn loại đem về phơi được nắng ngay sau khi hái. Và khốn nạn nhất là nó bị đen nhân chứ không phải màu xanh ngọc. Đi ký gửi hoặc bán ở đại lý, chủ tiệm trừ phần trăm độ ẩm với trừ phần trăm hạt đen bằng cách quy ra số ký, xót hết cả ruột. Ảnh máy đo độ và các lớp vỏ cà phê sẽ được đăng ở mấy kỳ sau. Năm nay kết hợp sưu tầm ảnh mùa thu hoạch ở Java, Indonesia nữa nên mái thoải ảnh he he.

Có hai mùa cà mưa dầm mưa dề mà mình nhớ nhất là mùa năm 2006 và mùa 2011, trời mưa từ khi hái bói đến ngày 30 tết mới hửng nắng. Bình thường nhé, bắt đầu hái bói vào cuối tháng 8 âm lịch, tập trung toàn bộ nhân lực hái trong hai tháng 9 và 10 là xong. Riêng tháng 11 phơi, xay, tháng Chạp dí vòi bơm bằng mô tơ từ giếng lên xối nhà và sân cho trôi hết bụi trấu cà phê rồi ăn tết. Thế mà hai năm ấy, chiều ba mươi tết mới nhặt được những hạt cà phê cuối cùng trên sân tạm gọi là khô, có thể tích trữ được đến ra tết để xay ra nhân xô. Mấy tháng cuối cùng của năm, mưa lâm thâm, lạnh căm căm, mặc áo mưa đi hái cà. Căng bạt lưới che mưa để ăn trưa. Bưng chén cơm lên nước trôi theo đất nhỉ tong tong xuống chén cơm và khay đồ ăn. Bởi vì trải qua những cảnh như thế nên ba má cũng như các phụ huynh ở quê mình, ít ai cho con cái ra ngoài lô phụ giúp việc chăm sóc hoặc thu hái cà phê. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nhà trồng cà phê như mình, chỉ có ăn, đi học thêm ở nhà thầy và ngủ. Cái nhà cũng không phải quét, chén không cần rửa. Không đỗ đại học quốc lập thì bố mẹ chịu khó cắn răng đóng học phí cho học trường dân lập. Không bao giờ để con phải ở quê làm cà phê, trừ khi con thực sự chán học, muốn ở nhà mua lô trồng cà. 

Mình cứ ngỡ cái sự mưa của hai năm ấy là bất thường, nhưng té ra theo như người thầy dạy Toán của mình nói thì mưa như thế mới đúng thời tiết của Tây Nguyên thời những năm 76 đến 80 của thế kỷ 20. Cái thời heo rừng còn vào quấy phá lớp học ở một trường tiêu học cách Buôn Ma Thuột 38 km. Cái thời mà cô cả trò cùng ôm nhau khóc vì sợ thú rừng ấy. Rừng bị chặt nhiều quá nên Tây Nguyên nắng nhiều hơn mưa, bọn mình sinh trưởng trong thời biến đổi khí hậu nên cứ thấy những gì vốn dĩ của miền đất này thì lại thấy xa lạ. 

Bình Dương, 1/12/2020
Tây Nguyên Xanh
---
Kỳ sau: KỶ LỤC MẤT MÙA, HÁI 20 CÂY CÀ MỚI ĐẦY MỘT BAO URE

0 comments:

Post a Comment