Không đỗ đại quốc lập thì bố mẹ cho tiền học trường đại học dân lập. Ra trường, bố mẹ bán hết cà phê cho mỗi đứa trung bình hai trăm triệu để lo đút lót tiền xin việc. Nhà nào cũng thế. Những đứa 9X chúng tôi đều được căn dặn rằng nhà mình không giàu kếch xù như dân Sài Gòn nhưng các con muốn học tới đâu, bố mẹ lo đến đấy. Nhưng nói rằng chúng tôi không biết tí gì về mùa cà phê thì cũng không đúng lắm. Chúng tôi cũng có phụ bố mẹ cày đảo cà phê phơi giữa sân.
![]() |
Tác giả ảnh: petani kopi arabika |
Ấy là những buổi chiều không đi học thêm, ngồi trong nhà làm bài tập gì đó, canh khoảng 30 phút thì đội nón ra chà đôi bàn chân lên sân cà phê. Cà càng khô, lòng bàn chân càng đau vì những mấu nhọn trên quả khô chọt vào và rất dễ trượt chân nữa. Sau này bố đóng cái cào cà phê có răng bằng miếng gỗ to, bên trên có cột hòn đá lên cho nặng. Chúng tôi chỉ việc kéo chứ không cần dùng lực đè xuống cho sát đáy sân. Thằng bé ở đảo Java (Indonesia) đang phụ bố mẹ cày cà phê trong ảnh này làm tôi nhớ những ngày tháng ấy quá đỗi.
![]() |
Tác giả ảnh: Capim Branco & São Silvestre |
Tuy nhiên, tôi có tìm hiểu cách phơi cà phê của một số nước như Brazil, Ethiopia, Ấn Độ và vài nơi của Indonesia thì thấy họ không đổ cà lên đất mà dựng những dàn cao và đặt lưới lên. Cà phê được đổ lên lưới và việc đảo trở hoàn toàn bằng tay. Tôi chưa có dịp tìm hiểu lịch sử chế biến cà phê trên thế giới. Và cũng không uống được cà phê nên không thể đánh giá được sự khác nhau của hương vị nếu chế biến ướt thì sao mà chế biến khô thì sao, nếu phơi tiếp đất hoặc phơi cách đất ra sao nhưng nhìn ra thế giới thì rõ ràng họ khác ta nhiều lắm. Khác nhau về cấu trúc cây trồng trong lô cà phê, khác nhau cách thu hoạch, cách phơi. Tiếc rằng tôi dốt tiếng Tây Ban Nha và Đồ Đào Nha nên chưa thể tìm hiểu hết được cách đối xử với cây cà phê ở các nước đã từng là thuộc địa của hai đế quốc này.
0 comments:
Post a Comment