Té ra chỉ dẫn địa lý chả có gì cao siêu cả, có mỗi ghi cái nơi thu hoạch nguyên liệu, nơi sơ chế nguyên liệu, tên công ty đóng gói và địa chỉ, tên công ty sở hữu thương hiệu và địa chỉ. Quay sang nhìn bao bì các sản phẩm nhà mình, tuyệt nhiên chẳng thấy ghi nơi trồng hay nơi thu hoạch nguyên liệu gì cả. Ví dụ như tết Tâm Sửu năm nay trên kệ tạp hóa có bán hạt dưa của nhãn hàng Phong Ký nhưng trong ảnh bao bì các bạn có thể thấy dưới bài viết này không hề có nơi trồng. Tò mò hỏi người bán rằng hạt dưa này trồng ở đâu vậy chị. Chị chủ tạp hóa bảo hàng Việt Nam mình sản xuất, không độc hại đâu mà em lo. Tôi không lo nó độc mà tôi mông lung nghĩ về chủ quyền quốc gia, niềm kiêu hãnh của nước nhà trên từng cái nhãn hàng hóa.
Và tôi nghĩ xa hơn về những hạt cà phê quê tôi. Nó sẽ như thế nào nếu bị kết tội không rõ nguồn gốc. Trong khi bố mẹ tôi chăm bẵm, cưng chiều, nâng niu từng hạt để rồi cà phê bị rẻ rúng như một đứa con hoang.
Đây là bài viết cuối cùng của loạt bài ký sự về mùa cà phê 2020. Tròn 10 kỳ tôi cố gợi lại ký ức tuổi thơ và có cập nhật tình hình của năm nay. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến miền đất đỏ Tây Nguyên. Tôi không có gì đền đáp các bạn, chỉ có vài con chữ cho các bạn đọc thôi.
Bình Dương, 2/2/2021
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment