Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, April 14, 2021

ÂM NHẠC DÂN TỘC MÔNG CỔ Ở TRUNG QUỐC:: THẢO NGUYÊN CỦA CHA, DÒNG SÔNG CỦA MẸ

April 14, 2021

Share it Please

 
    Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên của Việt Nam nên khi học bất kể ngoại ngữ nào, tôi đều tìm hiểu về thảo nguyên của những đất nước có sử dụng ngôn ngữ ấy. Trong 56 dân tộc của Trung Quốc, tôi có cảm tình với các bài hát mang âm hưởng dân ca Mông Cổ và thậm chí các bài hát hiện đại mà do người Mông Cổ hát tôi cũng thích. Họ ở nơi khí hậu lạnh, cấu tạo niêm mạc của hệ hô hấp dày hơn bình thường nên chất giọng của họ trầm, ấm và khỏe hay sao ấy. Tôi thích cái giọng ồm ấy. Việt Nam có nghệ sĩ Mai Hoa hát nhạc phim Đất Và Người, Đường Đời….của nhạc sĩ Trọng Đài. Cái giọng ấy giống của người Mông Cổ lắm. Tôi khá bất ngờ khi nghe một nhạc sĩ người Mông Cổ kể rằng cái máu âm nhạc trong ông có từ bé bởi vì hồi xưa, cứ mỗi lần ông làm sai, mẹ không đánh, không mắng mà chỉ ngồi hát những làn điệu dân ca trong đó kể lể những lỗi sai cho ông nghe. Câu chuyện về những sáng tác của nhạc sĩ này, để bài sau tôi viết. Bài này tôi chỉ muốn nói về bài hát để đời của một nữ nhà thơ Mông Cổ đang sống ở Đài Loan. Tôi rất thích bài này.

    Ở tuổi ngoài 60, nhà thơ Xi Mu Rong 席慕容 đang sống ở Đài Loan mới viết được tên của mình bằng tiếng mẹ đẻ. Rời khu tự trị Nội Mông Cổ từ rất sớm vì cha của bà được nhà nước cho đi du học nước ngoài, đương nhiên nhà nước Trung Quốc phải đưa bà về ở với người Hán để cha của bà “yên lòng” học và nghe theo tiếng gọi của Đảng. Sự thoát ly này khiến bà hoàn toàn không biết một tí gì về tiếng Mông Cổ, cũng chẳng có trung tâm ngoại ngữ nào ngôn ngữ ấy ở nơi bà sống hồi trẻ. Mãi sau này bà chuyển sang Đài Loan sống, tìm được một lớp dạy tiếng Mông Cổ nên theo học. Một đứa ttrẻ thường được mẹ xoa đầu khen ngợi khi nó biết được nét chữ đầu tiên, còn bà, ở tuổi xế chiều ấy, mẹ đã không còn. Bà không biết chia sẻ niềm vui sướng với ai. Bà đem chuyện này kể cho người bạn thân cùng sắc tộc với mình là ca sĩ gạo cội của nền âm nhạc dân tộc Trung Quốc, De De Ma 德德玛. Nghệ sĩ De De Ma khi ấy đã vô cùng nổi tiếng với nhiều ca khúc của nhạc sĩ cũng người Mông Cổ Wu Lan Tuo Ga乌兰托噶. Nữ nghệ sĩ De De Ma đã khuyến khích cô bạn Xi Mu Rong của mình biết lời cho bài hát nào nó mà diễn đạt nỗi nhớ thảo nguyên Mông Cổ của họ. Sau đó De De Ma lại đem ca khúc đến nhờ nhạc sĩ Wu Lan Tuo Ga phổ nhạc cho nó. Kết quả là bài hát Thảo Nguyên Của Cha, Dòng Sông Của Mẹ 父亲的草原,母亲的河 đã trở thành huyền thoại khi ai đó nhắc đến âm nhạc dân tộc Mông Cổ lời viết bằng tiếng Hán.

父亲曾经形容草原的清香

Cha đã từng hình dung hương thơm của thảo nguyên


让他在天涯海角 也从不能相忘

Khiến cho Người dù ở chân trời hay góc bể cũng không thể quên.


母亲总爱描摹那大河浩荡

Mẹ thường vẫn hay miêu tả dòng sông ấy cuồn cuộn


奔流在蒙古高原 我遥远的家乡

Chảy từ cao nguyên Mông Cổ, quê nhà xa xôi của tôi.


如今终于见到辽阔大地

Hôm nay cuối cùng cũng được ngắm đồng cỏ mênh mông


站在芬芳的草原上 我泪落如雨

Đứng trên thảo nguyên thơm ngát, lệ con tựa mưa rơi.


河水在传唱着祖先的祝福

Tiếng sông trôi dào dạt như lời chúc phúc của tổ tiên.


保佑漂泊的孩子 找到回家的路

Phù hộ cho đứa con phiêu bạt tìm được đường về quê hương


啊! 父亲的草原

À á ơ, thảo nguyên của cha


啊! 母亲的河

Hà há ha, dòng sông của mẹ.


虽然己经不能用 不能用母语来诉说

Dù không thể dùng tiếng quê để tỏ lòng


请接纳我的悲伤 我的欢乐

Xin Người đón nhận nỗi đau và niềm hân hoan này


我也是高原的孩子啊

Con cũng là một đứa trẻ của thảo nguyên


心里有一首歌

Trong lòng có một bài ca


歌中有我父亲的草原 母亲的河

Tiếng hát ấy có cao nguyên của cha, dòng sông của mẹ.

    Những ca từ ấy khiến một người cũng đang xa thảo nguyên như tôi không thể nào không xúc động. Đã sinh ra là con của thảo nguyên trọn kiếp chúng tôi vẫn bám gốc rễ ở thảo nguyên. Sống giữa thị thành, đôi khi tối nằm ngủ, chúng tôi mơ mình đang chạy nhảy trên bãi cỏ quê nhà.
Bình Dương, 14/04/2021
Tây Nguyê Xanh

0 comments:

Post a Comment