Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, April 13, 2021

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 31: HÀNH TRÌNH XIN VIỆC CỦA MỘT GÁI QUÊ

April 13, 2021

Share it Please
     (Mến tặng những bạn giáo viên đang thất nghiệp)
Chúng tôi sinh ra ở làng quê trồng cà phê Tây Nguyên. Học dưới mái trường bình thường nhưng mà ô tô của các thầy dạy toán lý hóa đỗ ở góc sân, xe máy SH của cô dạy tiếng Anh ở dựng ở nhà xe. Các cô văn sử địa muốn vay tiền đầu tư bất động sản thì tìm mọi cách chuyển về những điểm trường thật xa xôi (cách quốc lộ 30 km) để được lương cao hơn (nhân hai lần hệ số thu hút 70% tức là được hưởng 140% thì phải) xong rồi vay ngân hàng trong ba năm, lấy lương gán nợ dần dần. Các thầy dạy toán lý hóa đi ô tô hay các cô Anh Văn đi xe SH chẳng có gì là ghê gớm cả. Thời buổi dốt hay giỏi cũng phải đi học thêm. Rau cỏ gà qué trong vườn sẵn, Đi chợ chỉ mua chút muối, mì chính với thịt lợn. Tiền chả để làm gì ngoài xây nhà và mua xe. Trong mắt chúng tôi, giáo viên cũng là một nghề kiếm tiền, không quá nể thầy cô như trên tivi hay rao giảng. Đôi khi có nghe ai đó kể rằng những năm bao cấp, thầy cô lội bộ đi dạy vào điểm trường vào ngày mưa. Ơ thì đó là khó khăn chung của đất nước chứ có phải lúc đó cả nước giàu mà Tây Nguyên nghèo đâu.

Khi chúng tôi bắt đầu học lớp 5 thì gần như đứa nào cũng đã được ở trong căn nhà xây…rộng như cái biệt thự ở phố. Lên lớp 10, bố mẹ bắt đầu hỏi khéo rằng lớn lên con thích nghề gì. Bạn cùng lứa, đứa thì muốn làm công an, đứa thì ngân hàng, có đứa muốn làm luật sư. Bố mẹ chúng nó phát hoảng luôn. Vì ngày con đỗ vào ngành chỉ lo đầu vào không lo đầu ra hoặc việc được ở tòa án thì thường bố mẹ cũng hô bán cái rẫy một hecta. Riêng tôi, cứ chiều về mẹ quét nhà để lau thì thấy có bụi phấn rơi đầy góc tường. Mẹ đã đoán tôi sẽ thi ngành sư phạm. Mà sau này tôi thi thật, học đại học ngành sư phạm Hóa thật. Ừ thì lùn 1m43, tôi có lựa chọn khác sao? À, các bố các mẹ hỏi như thế để chuẩn bị tích trữ tiền hoặc cà phê lo chạy việc cho chúng tôi khi ra trường.

Khi chưa ra trường, những cánh cò cánh vạc đã ghé nhà hỏi thăm con bé nhà anh chị lắm nay ra trường chưa nhỉ? Tháng ba có chỉ tiêu, tháng tư chạy việc, tháng bảy ra trường và tháng tám đi học lý luận chính trị, tháng chín bắt đầu đi dạy và ngày hai mươi tháng mười một dọn bánh kẹo hạt dưa chờ đón những đứa học trò đáng yêu đến tặng hoa. Chúng tôi được vẽ vào đầu tương lai tươi sáng như thế với điều kiện đưa trước cho cò 100 triệu. Khi có quyết định với dòng chữ ‘hợp đồng chờ chỉ tiêu biên chế” thì đưa thêm 80 triệu nữa. Mỗi một năm học mới chỉ cần đưa 10 triệu thì hiệu trưởng các trường sẽ ký hợp đồng để câu giờ chờ biên chế nhà nước ấy mà. Ok, tiền bố mẹ tôi có, không dư giả gì nhưng mà đủ để cho tôi không bị đối xử như một kẻ tàn tật. Tôi còn nhớ cầm cái hồ sơ xin việc, thằng cò con vạc nào cũng không quên đay nghiến khéo bố mẹ tôi rằng con bé nhà anh chị lùn như thế, anh chị phải xin việc cho cháu nó nhanh mà lấy chồng chứ nó ế tội lắm. Khi hỏi vì sao không xin được, câu trả lời luôn luôn là vì con bé lùn quá, không ai nhận vô đứng lớp. Cả cái huyện của tôi có tận 500 giáo viên bị sa thải cùng một lúc vì bị cắt hợp đồng. Tất nhiên là dù có 180 triệu, tôi vẫn không thể trở thành cô giáo nên mới có bài viết này cho các bạn đọc chứ làm gì có cô giáo nào thời nay dám kể lên mạng rằng tôi tốn bao nhiêu tiền để được cầm phấn.

Mẹ tôi đã ăn cơm hộp, ngủ trước nhà bọn cò mấy ngày thì mới gặp được nó để đòi tiền. Chờ nó lừa đứa khác để có tiền nóng trả ngay cho mình. Khi mẹ lấy lại được 100 triệu từ nhà nọ cũng là lúc tôi leo lên xe khách đi đến những nơi mà không có người thân thiết. Tự nhủ, nếu tự kiếm được cái ăn thì không nhờ vả bất cứ ai, nếu bất tài chết đói thì phải chết nơi không ai biết mình là ai. Rồi tôi lơ ngơ gõ “tuyển phiên dịch tiếng Trung” trên Google. Gửi đại cái mail và tôi được mời đi phỏng vấn ở một cty trong khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh với chức danh nhân viên phòng kế hoạch sản xuất của cty sản xuất vải. Vì máy tính cty dùng hệ điều hành hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc nên đương nhiên tôi được chọn. Bây giờ tôi làm costing cho cty khác ở Bình Dương chứ không phải Tây Ninh nữa. Hành trình ấy cũng dài nhưng nó là câu chuyện khác. Kể cái này ra để cho ai đó học sư phạm ra mà thất nghiệp thì đừng nản. Biết đâu được trong cơ thể bạn đang có một năng lực gì đó mà bạn chưa bao giờ nhân biết và sử dụng nó. Hãy làm những gì mình thích, trước khi tự cho mình chìm vào tuyệt vọng. Gọi là chết không hối tiếc ấy. Niềm đam mê sẽ cứu sống bạn.

Bến Cát, 13/4/2021
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment