Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, June 6, 2021

NGƯỜI ĐÀN BÀ NGHIÊN CỨU VẮC XIN NGỪA COVID-19 SINOVAX CỦA TRUNG QUỐC

June 06, 2021

Share it Please

    Những ngày ồn ã trong cái tĩnh lặng không biết vỡ khi nào, chẳng biết làm gì trong không gian cách xã hội. Lặng lẽ xem cho hết những phim tài liệu của đài truyền hình trung ương Trung Quốc về người đàn bà nghiên cứu và điều chế thành công vắc xin ngừa Covid – 19 của Trung Quốc. Tháng 12/2019 đại dịch viêm phổi Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán. Ngày 1/2/2020 Trung Quốc thành lập đề án Vắc Xin. Ngày 14/2/2020 thu được khoáng nguyên thuần hoá. Bắt đầu từ 16/2/2020 bắt đầu tiến hành thử nghiệm tính hiệu quả trên động vật.  Ngày 25/2/2020 tiến hành bảo hộ sáng chế. Ngày 28/2/2020 tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần thứ nhất trên cơ thể người. Tháng 7/2020 thử nghiệm lâm sàng lần thứ hai trong lãnh thổ Trung Quốc. Đến tháng 12/2020 vắc xin này được tiêm cho 18000 tình nguyện viên ở Pakistan để tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần thứ ba. Sau khi tuyên bố thử nghiệm thành công. Kể từ tháng 3/2021 Trung Quốc tiến hành sản xuất đại trà và xuất khẩu. Đằng sau thành công ấy, có dáng hình một người phụ nữ tên Chen Wei (陈薇Trần Vy), sở trưởng sở nghiên cứu sinh hoá, học viện quân y Trung Quốc.

    Năm 1988, Chen Wei tốt nghiệp ngành Hoá Học ở trường đại học Triết Giang, cùng năm đó thành tích học vượt trội nên được tiến cử học lên thạc sĩ ở viện nghiên cứu hoá sinh vật của đại học Thanh Hoa. Thời điểm ấy, bà bộc lộ bản tính thích viết văn và nhảy múa. Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, những khoá học của các giảng viên đến từ học viện quân y và những buổi thực hành với máy móc đã khiến bà thích được vào môi trường quân ngũ. Tháng 4/1991 bà trở thành quân nhân. Năm 1998 bà tốt nghiệp tiến sĩ. Bà làm mẹ ở tuổi 32. Sinh con một tháng sau bà đã vội vã trở về phòng thí nghiệm vì nhớ…những con vi sinh vật. Một năm sau đó, Trung Quốc xuất hiện đại dịch SARS lần thứ nhất ở Phật Sơn (2002). Từ đây việc chăm con và lo việc nhà đều trông cậy hết vào người chồng Ma Yi Ming (麻一铭 Ma Nhất Minh) một người đàn ông suốt đời tựa cửa ngóng vợ về cùng ăn cơm tối.

    Ma Yi Ming trước khi nghỉ hưu là một nhân viên của cơ quan hành chính sự nghiệp. Ông gặp Chen Wei trên một chuyến tàu hoả. Khi đó Chen Wei đi du lịch núi Thái Sơn. Lúc xuống tàu, ông bảo với Chen Wei rằng có thể cho ông số điện thoại không. Bà bảo may quá, ký túc xá mới vừa lắp điện thoại. Bà đọc rất nhanh số điện thoại nhưng ông nhớ rất kỹ. Ông bảo “khoảng một tuần nữa nếu anh đi Bắc Kinh, em có chịu gặp anh không.” Quả đúng một tuần sau thì ông đứng trước mặt bà để ngỏ lời yêu thương giữa đất trời Bắc Kinh. Năm 1992 hai người kết hôn. Từ đó ông đảm trách việc nhà để vợ yên tâm theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu.


    Khi đại dịch SARS năm 2002 xảy ra, Chen Wei cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu ra loại chất gây nhiễu chữa viêm phổi gây ra bởi virus có hình cầu gai. Bà phải ở lại làm việc ở phòng thí nghiệm với độ nguy hiểm cấp 3. Đặc trưng của phòng thí nghiệm này là vào đây phải mặc đồ bảo hộ kín, môi trường yếm khí thiếu oxi nên dễ bị đau đầu. Theo quy định, người vào phòng này chỉ được phép làm việc trong năm tiếng đồng hồ, sau đó phải đi thở oxi, khử trùng rồi mới được trở lại phòng thí nghiệm. Nhưng thời điểm đó bà đã làm việc trong đó đến chín tiếng đồng hồ. “Đái không ra nước” gần như là yêu cầu bắt buộc khi phải thường xuyên mặc bộ đồ bảo hộ, bởi vậy bà ít ăn và ít uống nước. Sau 50 ngày nhịn khát như thế, bà đã nghiên cứu thành công. Vì tiếp xúc với virus lạ và có hại nhất thế giới thời điểm đó nên hơn 100 ngày Chen Wei không gặp mặt con trai. Khi nghe vợ có cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, Ma Yi Ming cùng con trai đã ngồi trước tivi chờ đợi. Trong giây phút thấy mẹ xuất hiện, cậu bé bất giác chu môi ra hôn màn ảnh nhỏ. Cha cậu bé chụp lại và hình ảnh đã gây bão dư luận thời bấy giờ.

    Virus Ebola được chụp ảnh lần đầu tiên vào ngày 13/10/1976 trên thế giới. Trung Quốc cũng có nghiên cứu chủng virus này. Năm 2006 chương trình nghiên cứu vắc xin ngừa virus Ebola của bà và các cộng sự được ủng hộ nhờ kế hoạch 863 của chính phủ. Có ba câu hỏi mà thời điểm đó (năm 2006) bà phải trả lời trước hội đồng khoa học khi xin kinh phí nghiên cứu, đó là Ebola là gì, nghiên cứu Ebola để được gì, chế vắc xin Ebola thì ai dùng? Thời điểm đó bà không trả lời được vì những năm 2000 ấy, bà cũng không chắc chắn sẽ điều chế ra được vắc xin thành công và bà thật sự cũng không biết ai sẽ dùng. Tuy nhiên bà và các cộng sự nhận định rằng phòng ngừa Ebola rất quan trọng. Để nghiên cứu thành công, bà gửi rất nhiều thế hệ học viên của mình ra nước ngoài du học để đưa về cách nghiên cứu và tiếp cận mới trong việc điều chế vắc xin. Không ngờ đến năm 2014 đại dịch Ebola hoành hành ở Tây Phi. Đây là biến thể khác của virus Ebola cũ nên bà đích thân đến tận nơi thu mẫu và nghiên cứu. Tháng 9/2014 lọ vắc xin ngừa Ebola đầu tiên được điều chế thành công. Không lâu sau đó vắc xin được cấp phép thử nghiệm lâm sàng. Tháng 5/2015 tiến hành thử nghiệm giai đoạn hai. Và cuối cùng thành công mỹ mãn ở nơi này.

Để có được thành công, hơn nữa là phụ nữ, bà đã hy sinh quá nhiều. Thành công này không chỉ của một mình Chen Wei mà của người đàn ông cả đời chăm con cho bà yên tâm nghiên cứu nữa. Dường như người làm phim thấu hiểu cảm xúc của người chồng đáng nể ấy nên đã cố tình tạo ra nhiều góc quay dáng ông đứng ngóng vợ qua cửa sổ. Hạnh phúc của người phụ nữ là trở về có người chào đón, không bao giờ phải cầm chìa khoá khi ra khỏi nhà.

***

Tư liệu được dịch từ phim tài liệu của seri chương trình  tạm dịch Cuộc Đời Binh Nghiệp (军旅人生) phát trên kênh truyền hình quốc phòng CCTV7 ngày 29/10/2018  và chương trình thời sự tổng hợp hằng ngày phát trên kênh giáo dục CCTV1 từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2021

0 comments:

Post a Comment