Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, November 23, 2021

NGÀY DI SẢN VIỆT NAM ĂN DI SẢN VĂN HOÁ ẨM THỰC CỦA TRUNG QUỐC

November 23, 2021

Share it Please


    Nhận lệnh tăng cường chi viện cho bộ phận đóng gói vào các khung giờ tăng ca tối trong tuần và trọn ngày chủ nhật. Mình hơi giật mình vì chưa kịp đi chợ tích trữ hàng hoá. Vô tình kêu á lên phát và than “nhưng em chưa đi chợ”. Thế là sếp dỗ dành, em cứ làm đi rồi tối về anh cho gói mì. Đi làm về, lên văn phòng uống nước thì thấy gói này trên bàn. 
     Nó là gói bún ốc Liễu Châu của Lý Tử Thất (李子柒 Li Zi Qi). Kỹ thuật chế biến món bún ốc Liễu Châu được chính phủ Trung Quốc công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào tháng 6/2021. Cô gái Lý Tử Thất ấy nổi tiếng khắp cõi mạng nhiều nước vì clip chế biến các món ăn truyền thống Trung Quốc. Cô cùng với một trợ lý và hai thợ quay phim sưu tầm các khoảnh khắc đắt giá theo mùa của năm làm kho tư liệu sinh cảnh rồi sau đó ghép nối theo kịch bản cần thiết. Vừa làm clip vừa bán sản phẩm đã quay. Mới đây cô được vinh danh là đại sứ các sản phẩm nông nghiệp cho tỉnh Tứ Xuyên.


   Thì cũng giấm, cũng nước ốc, nấm mộc nhĩ, ớt, đậu đũa muối, măng muối, cọng phù trúc chiên (tàu hũ ky, đậu bì), mà háo hức đến ứa nước miếng khi tò mò chờ đợi trong 15 phút đun kỹ cho sợi bún mềm. Miệng vừa húp xùm xụp tô bún, mắt vừa xem cảnh tác giả tô bún ấy đang chuẩn bị nguyên liệu. Vừa ăn vừa hiểu cái mà lưỡi vừa chạm vào kia từ đâu mà đến, cảm giác nó ngon tê não. Không phải ăn một món ăn nữa mà ăn cả trí tuệ của người ta. Mình vẫn luôn tự hào lạc mọc trên đất Tây Nguyên nhà mình to nhất, chẳng ngờ lạc của Trung Quốc còn to gấp rưỡi. Không đọc nhãn bên ngoài lại cứ tưởng hạt điều loại nhỏ.


Ăn no rồi mới nghĩ đến chuyện bảo tồn di sản. Với mình, nếu không học được kỹ thuật thời xưa để phục chế đồ cổ mà cố bảo vệ nó cho khỏi hư hại là một biểu hiện của dốt nát. Mình quan tâm một năm, ở Trung Quốc và Việt Nam có bao nhiêu công trình kiến trúc bằng gỗ bị cháy rụi và tìm hiểu công nghệ phục chế di sản của hai nước Trung Quốc và Việt Nam chứ không thích các bài báo hay phóng sự thổn thức sợ di sản dần mai một. Di sản mà không mai một là có lỗi với tạo hoá. Thế hệ sau phải học cách phục chế, xây mới nhưng giữ được nét cũ và lưu truyền được khoa học công nghệ mỗi giai đoạn lịch sử. Còn nếu dốt nát không học được công nghệ của người xưa thì san phẳng hết đi, dành đất cho công nghệ mới phát triển.


Bến Cát, 23/11/2021
Tây Nguyên Xanh


0 comments:

Post a Comment