Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, January 9, 2022

XUÂN NGHĨA BỨT PHÁ TRONG KHÓ KHĂN

January 09, 2022

Share it Please
Nguồn ảnh: CCTV


     Đây là hình ảnh đội múa toàn người câm điếc thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ sáu của đoàn văn nghệ người tàn tật Trung Quốc. Và đây là tiết mục duy nhất trong lịch sử làm đại nhạc hội đón năm mới của Trung Quốc phải giới thiệu hai lần bởi phải dùng ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ cử chi. Ấy là tiết mục múa Phật Bà Nghìn Tay được truyền hình trực tiếp trong đêm giao thừa năm 2005.

    Tôi thích tìm hiểu cách áp đặt tư tưởng của Đảng Cộng Sản vào đời sống văn nghệ của các nước theo chế độ XHCN nên khá quan tâm đến đại nhạc hội đêm giao thừa của đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc. Đó là một sân khấu mà lên diễn một phút, cả đời sống hào quang. Bởi vậy không dễ gì được lựa chọn diễn trong thời khắc cả tỷ dân quây quần ăn bánh bao, mắt dán lên tivi.

    Những nghệ sĩ câm điếc này đã được công nhận tài năng trên sân khấu quốc tế rồi mới được biểu diễn trên khấu của đêm giao thừa trong nước. Các diễn viên múa không nghe được nhạc, họ nhìn vào hai biên đạo ở hai bên góc cánh gà để biết cách phối hợp với âm thanh. Đoàn do diễn viên khiêu vũ thế hệ thứ nhất Zhao Li Gang (Triệu Lập Cương 赵立纲) và điều khiển vũ đạo Tai Li Hua (Thái Lệ Hoa 邰丽华) cùng với sự chỉ huy phối hợp âm nhạc của “phiên dịch” ngôn ngữ cử chỉ Li Lin ( Lý Lâm李琳).

    Sau một đêm biểu diễn tối giao thừa năm đó, cả đất nước Trung Quốc có cái nhìn khác hẳn đối với người tàn tật. Người bình thường không chỉ có cái nhìn tò mò về người tàn tật nữa mà bắt đầu tiếp xúc và tôn trọng khả năng của người tàn tật. Đoàn văn nghệ người tàn tật Trung Quốc bắt đầu bận rộn hơn với những buổi diễn ở 103 quốc gia. Miệt mài lăn lộn từ sân khấu sang trọng đến bãi cỏ ven sông để biểu diễn cho mọi tầng lớp người dân. Năm 2013, liên hợp quốc lấy hình ảnh múa Phật Bà Nghìn Tay để in tem bưu điện lưu niệm như một sự vinh danh cho tiết mục múa.

    Sau đêm diễn giao thừa sẽ có các chương trình kể chuyện hậu kỳ nên đảng Cộng Sản mượn câu chuyện vượt khó của các diễn viên câm điếc để muốn gửi thông điệp năm mới vươn lên bứt phá đến toàn dân. Cho người dân thấy được thành quả trước rồi mới kể cho người dân hành trình vượt khó để thành công. Chứ không được làm ngược lại theo cái kiểu vì thương người tàn tật mà đẩy cảm xúc dư luận lên, tìm cách đưa họ lên sân khấu vì sự thương hại. Làm kinh tế xây dựng đất nước cũng thế, cho người ta thấy được mình đã làm được gì chứ đừng ngồi hứa mình sẽ có thể làm được gì.

Bến Cát, 9/1/2022
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment