Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, April 14, 2022

NGỪNG UỐNG CÀ PHÊ CHỒN VÀ HÃY CHỌN CÀ PHÊ CHẾ BIẾN ƯỚT

April 14, 2022

Share it Please
Con chồn ăn quả cà phê đấy. Tác giả ảnh: Chen Timotius

    Hôm qua đăng bộ ảnh hành trình cà phê từ ra hoa đến pha chế, có bạn comment bảo không có giai đoạn con chồn ăn rồi ị ra à. Thú vị là ngay sau đó, có một bạn trong cộng đồng nhiếp ảnh người Hoa sống ở Indonesia đăng ảnh chú chồn này để bêu rếu cái gọi là cà phê Luwak (con chồn trong tiếng Indonesia). Nó và cà phê voi là những thứ cà phê vô nhân tính nhất mọi thời đại. Tây không biết có đúng là lần đầu tiên người ta thấy hạt cà phê lẫn trong thỏi phân chồn thật không, để rồi sau này khổ cả loài chồn. Có một người bạn đã tranh cãi với Tây thế này: con chồn ăn vỏ ngọt, le cái hạt ra. Hạt lúc ấy còn chất nhầy, rớt xuống đất cùng một chỗ nên nó đùn lên thành đống lẫn đất. Chồn ăn no rồi có thói quen ị phát cho sướng ruột, kết quả là cái thỏi cà phê dính ấy ở bên cạnh thỏi phân mới ị. Mùa cà phê chín thường có mưa nên dễ hiểu rằng cà phê đã được lên men. Cái thứ men có trong nước bọt của con chồn còn dính lại. Như kiểu nước bắp Chicha cổ truyền của người Inca ở Peru được lên men bằng nước bọt phụ nữ ấy. Nó hay ho lắm. Tây đang đọc cho hết báo cáo khoa học về cách tạo các loại nước bắp Chicha De Jora của một trường đại học ở Peru, đọc xong Tây kể về cái thứ nước ấy.

    Đấy, trở lại câu chuyện của cà phê chồn và cà phê voi. Con chồn và con voi khi bị nuôi nhốt, đến mùa cà phê chín, chúng không được ăn những thứ mình thích mà bị ép ăn quả cà phê, thứ mà ruột nó không tiêu hóa được để rồi thải ra. Vấn đề là bụng con chồn nhỏ như thế thì phải bắt bao nhiêu con chồn từ rừng về mới có thể đủ lượng cà phê chồn cho cả thế giới như như hiện nay. Liệu các bạn có đang bị lừa không? Có khi nào người ta hái cà phê về, ngâm nước và đổ men vào theo chuẩn quy trình chế biến ướt rồi dán cái nhãn cà phê chồn lên không? Nếu đúng như thế thì tại sao chúng ta không từ bỏ nhãn cà phê chồn đi mà chọn ngay cà phê chế biến ướt nhỉ? Để những con chồn không bị bắt từ rừng về, nuôi nhốt làm cái cớ chứng minh họ có “cái máy hữu cơ”.

    Ngày xưa, khi kỹ thuật tạo men chưa phát triển, chúng ta chấp nhận mượn bộ lòng mề của con chồn để có được thứ cà phê chế biến ướt sơ khai đầu tiên. Ngày nay chúng ta có đủ mọi thứ để tạo cả tấn men mỗi ngày. Vậy tại sao cứ phải làm khổ con chồn mãi thế?
Bình Dương, 14/04/2022
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment