Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, June 9, 2022

KHOẢNH KHẮC CUỘC ĐỜI

June 09, 2022

Share it Please

     Với rừng và biển Việt Nam, tôi có hai khoảnh khắc lóng ngóng trong sung sướng khi làm tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã. Đầu tiên là khoảnh khắc bế cá thể Voọc Chà Vá Chân Đen vào lòng để chờ xe nhân viên cứu hộ linh trưởng đến rước. Thứ hai là khoảnh khắc này, được sờ vào một cá thể rùa biển. Ấy là đêm cuối cùng tôi được theo các bạn cầm bộ đàm đi thực hiện phiên canh rùa đẻ trên bờ biển của vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận). Đêm ấy trăng sáng lắm, những người có kinh nghiệm bảo với tôi rằng chắc không gặp đâu vì rùa ngại ánh sáng đèn điện và ánh trăng. Ban ngày chúng tôi dọn rác cho bờ biển cũng nhằm loại bỏ hết những mảnh chai có thể phản chiếu vào mắt rùa. Nhưng đêm ấy tôi vẫn muốn đi để trọn tình với biển. Chúng tôi cứ lững thửng bước, bỗng chị trưởng nhóm, kéo tay mọi người lại và chỉ về phía xa xa, có cát đang văng tung toé. Nó! Trời ơi, còn ai vào đây nữa, mẹ rùa đang đào ổ. Chúng tôi, những đứa tình nguyện viên, sau bao nhiêu khao khát đã được gặp. Mừng mà không được reo lên, chúng tôi chỉ có thể bóp lên bắp tay của nhau để chia vui. Tôi được hướng dẫn ngồi né hướng gió để tránh hơi người khiến rùa sợ. Các bạn cùng nhóm tiếp tục hành trình cho đến hết bờ biển để xem còn có mẹ rùa vào nữa không, còn tôi lót dép ngồi lên bãi cát gìn giữ sự bình yên cho mẹ rùa yên tâm đẻ trứng. Khoảnh khắc có ích phết đấy!

     Mẹ rùa đào ổ trong mấy tiếng đồng hồ nên tôi thoả sức đặt chân trần lên bãi cát mịn. Ngửa cổ lên trời thưởng trăng. Những cơn gió nhẹ đùa vui với mái tóc. Sóng biển vào bờ trêu ghẹo, hôn hít, mơn trớn những ngón chân. Mặt biển lấp lánh ánh sáng trăng. Bên cạnh mình, một mẹ rùa thong thả hất từng vốc cát văng lên. Nó đang cố gắng để làm tròn thiên chức. Nó gợi cho tôi nhiều ý niệm lúc ấy: mẹ, sự sinh nở, những đau đớn, tình yêu và sự hy sinh. Tôi cứ miên man nghĩ, kiên nhẫn đợi chuyên gia bảo tồn đến hướng dẫn cách bấm mã số theo dõi lên thân rùa sau khi nó đẻ xong.

     Chúng tôi cứ thế đợi cho đến khi rùa rời ổ, bò trở lại biển. Lúc này chúng tôi mới được phép sờ lên rùa và chụp ảnh kỷ niệm với sứ giả của đại dương. Ôi lần đầu tiên tôi được nghe tiếng rùa thở phì phò như một con bò luôn ấy. Nó cũng khoẻ kinh khủng. Tám chín con người gồng mình giữ rùa để bấm số mà nó cứ kéo chúng tôi thẳng tiến. Nó cứ như cỗ xe tăng sẵn húc bất cứ đâu trên hành trình của mình. Bấm số xong, tất cả chung tôi vẫy tay tiễn mẹ rùa ra biển. Các bạn đọc đến đoạn này sẽ thấy chúng tôi bị hâm. Nhưng không các bạn ạ. Lúc ấy tay tự động vẫy chứ chúng tôi không kiểm soát được cảm xúc.

     Mẹ rùa đi rồi. tất cả háo hức kiểm tra xem có trứng trong ổ không. Hôm ấy không có. Các chuyên gia bảo rằng cái đuôi rùa có vai trò như cái nhiệt kế. Nó đào xong ổ, nó cắm đuôi xuống kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm. Khả năng nó biết bãi cát ấy ẩm nước nên nó không đẻ. Nếu gặp những mẹ rùa trẻ, chưa có kinh nghiệm, mẹ trẻ ấy sẽ đẻ. Và công việc của tình nguyện viên là đưa trứng về bãi cát khô ráo để đảm bảo có rùa con ra biển.

     Trân trọng cảm ơn những cá nhân, tổ chức đã chung tay xây dựng lên căn nhà Hero House cho các tình nguyện viên có nơi ăn ngủ ở vườn quốc gia Núi Chúa. Và cảm ơn chương trình bảo tồn rùa biển của Gia Đình Em Yêu Thiên Nhiên đã giúp cho Tây được vinh dự có được khoảnh khắc tuyệt vời này.

Bình Dương, 9/6/2022
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment