Bây giờ gần như không còn nữa chứ những ngày này của hai mươi năm trước, cả xóm tôi ai cũng gọi về quê (Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Quảng Trị…) để hỏi có con ai của hàng xóm cũ lớn rồi mà muốn vào hái cà thuê hay không. Thời ấy nhé, sáng sớm khoảng 4h cả xóm rủ nhau ra bến xe dắt người về. Thường các xe đi thẳng từ huyện nào đó ở miền bắc rồi vô đây cũng đỗ tại huyện có người di cư. Ví dụ ba tôi là người Nam Đàn nên chỉ cần ra nhà xe chạy từ chợ Tro vào tận huyện Krong Pak nhà tôi. Ba má tôi gọi điện tìm một người nhưng thường khi vào thì họ sẽ vào nhiều người lắm. Gần như thanh niên cả xóm ngoài đó kéo nhau vô hết. Thế là ba tôi và những người đồng hương, thậm chí khác quê miễn là sống cùng xã ở Dak Lak cứ rủ nhau đứng trước cửa xe, sau khi hỏi con cái nhà ai thì câu cuối cùng là “mi cho có về ở với nhà choa không”.
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên như tôi thích có người ngoài quê vào lắm. Vì ông bà nội ngoại thường gửi quà vào. Thường là khoảng hai ba chục ký lạc củ đủ ăn cho cả năm, một can năm lít tương Nam Đàn, chạy sang nhà bạn Quảng Bình thì được ăn khoai déo, bạn gốc Thái Bình lại được ăn bánh cáy, Huế thì đương nhiên được ăn ké mè xửng. Ba tôi thường mời người đưa quà ấy ở lại ăn cơm. Má tôi ra sau vườn hái bông hoa chuối, tôi được giao nhiệm vụ bóc lạc để chút nữa má xào hoa chuối với lạc. Em trai tôi được giao nhiệm đi lấy bánh tráng nướng để về xúc với hoa chuối và xị rượu cho ba mời khách. Chúng tôi cứ thế vừa ăn vừa hóng chuyện tuổi thơ của ba kiểu như cái thời ba lên núi Đại Huệ cắt cỏ cho bò ăn chẳng hạn.
Chúng tôi cứ mường tượng quê cha đất tổ qua lời kể như thế chứ số lần về thăm quê đếm chưa hết ngón tay một bàn. Cái thứ duy nhất chúng tôi còn chút giống người Nghệ Tĩnh ấy là còn giữ được giọng nói.
Bình Dương, 11/10/2022
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment