Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, February 2, 2023

XÃ HỘI GIA TỘC CỦA NGƯỜI PAIWAN Ở MIỀN NAM ĐÀI LOAN

February 02, 2023

Share it Please
(Quý tặng các bạn Ê Đê ở cao nguyên Dak Lak)

    Các bạn Ê Đê cho rằng họ có gốc là tộc người Hà Mỗ Độ ở hạ lưu sông Trường Giang, Trung Quốc. Tộc người này đã chèo thuyền vượt biển sang Đài Loan trước khi tìm đường đến các đảo ở Malaysia, Indonesia, Phillipines và Việt Nam. Nhân thể thành viên chi hội nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) tại Đài Loan đăng ảnh cảnh sống của tộc người Paiwan (排灣 trong các nghiên cứu Hán văn ) ở miền nam Đài Loan. Tôi dịch một bài nghiên cứu của nhân viên viện nghiên cứu trung ương Sinica, Đài Loan về tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo này.

Tác giả ảnh: Jeff  Wang


    Họ có tôn ti trật tự thứ bậc rất chặt chẽ trong gia đình. Thuật ngữ xã hội gia tộc (house society) lần đầu tiên được dùng bởi nhà nhân chủng học người Pháp Claude Lévi-Strauss khi ông nghiên cứu thứ tự xã hội của tộc người Kwakiutl Indian ở Bắc Mỹ. Ông chỉ ra rằng hệ thống dòng dõi đơn phương của nhân chủng học truyền thống không thể giải thích tổ chức xã hội của người Kwakiutl. Bởi vậy ông dùng thuật ngữ xã hội gia tộc để thay thế. Đơn vị xã hội cơ bản của tộc người Kwakiutl là “numayama”. Nó không thuộc chế độ mẫu hệ hay phụ hệ. Các thành viên của một “numayama” cùng chung tổ tiên, nguồn gốc quê hương và niềm tin tín ngưỡng. Một căn nhà của gia tộc có ba đặc điểm: Một là, nó có một cái tên xuyên suốt thời gian và không được phép biến mất. Hai là, có thể được trang trí tỉ mỉ (nhất là mặt trước). Ba là, căn nhà là nơi hành lễ cúng bái. Nói cách khác, những đặc trưng quan trọng của xã hội gia tộc là, căn nhà là một đơn vị của xã hội và căn nhà có nhiều gian phòng (kiểu chung cư) nhưng người sinh sống trong đó phải cùng huyết thống, dâu rể và con cháu.

   Nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss cũng cho rằng các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo cũng có xã hội gia tộc. Thuật ngữ “umaq’ trong tiếng nói của người Paiwan cũng được dịch là nhà hay gia đình. Nhưng thực tế nghĩa của nó rất phức tạp và đóng vai trò then chốt để hiểu văn hoá của tộc người này. Người Paiwan sống ở miền bắc và trung Đài Loan sử dụng thuật ngữ “umaq” để biểu thị sống chung trong làng và thuật ngữ “tapau” để biểu thị cái chòi canh ở cánh đồng. Trong khi đó người Paiwan sống ở phía tây cao nguyên miền trung và phía nam ngoại ô Chunri sử dụng “tapau” để biểu thị là nơi cư trú còn thuật ngữ “umaq” lại là mồ mả. Nhìn vào lịch sử di cư của tộc người này trước thế kỷ 17, cho thấy người ta đã di chuyển từ khu vực gần các đỉnh núi phía bắc và nam núi Đại Vũ. Người di cư gọi nơi này là pa-uma-umaq có nghĩa là quê hương. “Umaq” có nghĩa cơ bản là nơi sống, nơi mà ở đó theo truyền thống họ thực hiện nghi thức an táng trong nhà. Như vậy nhà cho người sống và mộ cho người chết trở thành một. Lúc này thuật ngữ “umaq” trở thành nơi mà một người Paiwan sinh ra và nằm lại mãi mãi sau khi mất.

    Trong văn hoá của người Paiwan, gia tộc là một thực thể bền vững và luôn hiệp trợ trong hệ thống xã hội. Mỗi gia tộc có một cái tên (ngadan na umaq), thường là tên của căn nhà. Một căn nhà có thể thay đổi chủ sở hữu nhưng tên của nhà vẫn giữ nguyên. Và nếu gia đình chuyển đến nhà khác ở, tên căn nhà cũng không đổi. Nếu xây nhà mới thì sẽ đặt tên mới cho nhà. Nhưng nếu chủ nhà tháo rời căn nhà và xây lại thì tên căn nhà không được phép thay đổi.

    Nhìn vào lịch sử phát triển của tộc người này, chế độ phong kiến đã gần như giúp cho người Paiwan giữ vững được nếp sống truyền thống xã hội gia tộc.

***

Nguồn tham khảo nội dung file PDF: Kuo, S. (2021). The House Society of Paiwan Tribe in Southern Taiwan. Academia Letters, Article 3734.

0 comments:

Post a Comment