Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, December 4, 2013

CHUYỆN LÀM BIẾN TƯỚNG ẢNH

December 04, 2013

Share it Please
Tây Nguyên Xanh: Tôi lại muốn quay trở về với câu nói rất xưa nhưng chưa bao giờ cũ của người miền Nam: “Thấy vậy mà không phải vậy”. Nhiều khi nó sát sàn sạt với thông tin trên mạng xã hội.
   Mới đầu, tôi cũng như những người không thuộc giới nhiếp ảnh khác, tôi cực kỳ thị cái gọi là photoshop. Cụm từ này theo tôi hiểu là tên một phần mềm chỉnh sửa hình ảnh. Nó có thể làm biến tướng ảnh. Thế nên có chuyện một cô nữ sinh tự sát vì bị người tình đem ảnh đi chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop thành một bức ảnh cô ấy lỏa thể trên giường. Rồi anh ta phát tán ảnh khắp nơi. Giới nhiếp ảnh giải thích là anh ta đã ghép khuôn mặt cô gái này vào thay thế khuôn mặt một cô gái bán dâm khác trong ảnh. Vì những vết hằn tương tự như thế nên người ta vẫn hay có giọng điệu mỉa mai khi phát âm cụm từ photoshop.
   Nhưng gần đây, khi tôi tham gia mạng xã hội Facebook, tôi được chiêm ngưỡng những bức ảnh thu hút tầm nhìn và hơn nữa là được trò chuyện với những người chơi ảnh nghiêm túc. Họ khảng khái nói với tôi rằng ảnh đẹp là nhớ rất nhiều vào kỹ thuật chỉnh sửa ảnh qua photoshop trong giai đoạn hậu kỳ, tên tuổi của nhà nhếp ảnh được gắn liền với những góc đặt máy tạo ảnh, còn photoshop giúp cho bức ảnh được trong hơn, đẹp hơn, phù hợp với ý tưởng của người chụp hơn. Photoshop không có nghĩa chỉ là cắt cúp mà tiện ích của nó thì vô vàn. Chẳng thế mà người ta đã phải dành nửa năm để đào tạo xong một khóa photoshop căn bản đó sao? Chúng ta không phủ nhận vai trò của một thời đại dùng máy ảnh cơ và chui vào căn phòng có ánh đèn đỏ rực để tráng phim làm ảnh. Nhưng phải nói sự ra đời của photoshop là thành quả lao động của những lập trình viên kết hợp với nhiếp ảnh gia. Nếu chúng ta xem photoshop giống như cái phòng có ánh đèn đỏ rực – tạm gọi là phòng tráng phim – đó thì sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn.
Ảnh được lan truyền trên mạng xã hội Facebook
   Lại quay về với chuyện làm biến tướng ảnh. Tôi mê ảnh đẹp cho nên thích sưu tầm ảnh. Đặc biệt là ảnh về chủ đề văn hóa cuộc sống của người Tây Nguyên. Nhiều khi sưu tầm được ảnh một cụ bà đang nhâm nhi rượu cần, hay một cụ ông suy tư trong làn khói phát ra từ tẩu thuốc. Tôi muốn đăng lên mạng xã hội nhưng ngại, Ngại ảnh mình yêu thích bị gắn những câu đùa cợt vào trong ảnh bằng photoshop. Người ta có thể gắn những lời thoại bông đùa đó vào ảnh của mọi lứa tuổi nhưng xin đừng áp dụng với người già. Họ tội nghiệp lắm. Những nếp nhắn trên khuôn mặt họ đáng để được nể trọng hơn là đùa cợt. Những ngày trong độ tuổi xế chiều, họ muốn làm trẻ hóa bằng việc tham gia thế giới công nghệ, hoặc chụp ảnh với những thứ đồ chơi của trẻ con cũng không được sao. Người già nhưng tâm tưởng không già, điều đó quá tốt. Vậy mà...những bức ảnh ấy bị ai đó gắn vào những câu vốn chỉ dùng cho lứa tuổi vị thành niên rồi tung lên mang xã hội để cùng nhau hả hê cười.
Tác giả ảnh: Nguyễn Na Sơn
   Giữ nguyên ảnh nhưng biến tướng ý tưởng ảnh cũng lại là một vấn nạn nữa. Chắc không ít người còn nhớ vụ nhà nhiếp ảnh Nguyễn Na Sơn phải lên tiếng trên báo chí về việc ảnh của anh bị người ta lợi dụng để câu ‘like” trên Facebook và làm người khác động lòng để kiếm tiền nhờ sự quyên góp vào tải khoản hỗ trợ nhân vật trong bức ảnh. Thức tế hình ảnh này đơn thuần chỉ là anh trai chạy lại vỗ về cho em gái bớt sợ hãi khi thấy người lạ bước vào nhà. Nhiếp ảnh gia đã nhanh tay ghi lại được khoảnh khắc đáng quý này và chia sẻ cho người khác xem. Thế nhưng một fanpage nào đó. Lấy danh nghĩa là cứu giúp hai đúa bé trong ảnh để mà thu hút tiền đóng góp của cộng đồng. Một hành vi lừa đảo tàn nhẫn khi gán cho nhân vật trong ảnh một hoàn cảnh đáng thương.
   Lâu lâu mạng xã hội lại xôn xao vì ảnh một đứa trẻ đang cấy lúa. Những lời văn đẫm nước mắt đi kèm ảnh khi đăng khiến cho ai nấy phải ướt lòng. Nhưng tại sao họ không nghĩ rằng trẻ con ở độ tuổi lên năm lên mười rất thích bắt chước người lớn. Có khi nào vì thấy bố mẹ cấy lúa mà chúng muốn hòa mình vào cuộc lao động cho vui và hoạt cảnh đáng yêu ấy được ghi lại nhờ máy ảnh? Tôi lại muốn quay trở về với câu nói rất xưa nhưng chưa bao giờ cũ của người miền Nam: “Thấy vậy mà không phải vậy”. Nhiều khi nó sát sàn sạt với thông tin trên mạng xã hội.
   Mong rằng khi đăng ảnh thì nên đăng kèm nguồn ảnh hoặc tác giả ảnh để cho người xem có thể tìm đúng địa chỉ để xác minh ngôn từ nói về ảnh, để những người sáng tạo nghệ thuật không nơm nớp ví sợ bị đạo ảnh. Và cuộc vui, phút ngậm ngùi trên mạng xã hội luôn lành mạnh!
Buôn Ma Thuột, 4/12/2013
Tây Nguyên Xanh

3 comments: