Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, June 1, 2013

QUÀ QUỐC TẾ THIẾU NHI

     Cô gái ấy tên là H’Tây Niê. Nàng là người Ê Đê, nhà ở Buôn Mê. Ama Ami của nàng trồng cà phê. Nàng đang tuổi mải mê kiếm trai bắt về làm chồng. Môi nàng đỏ như hoa Pơ Lang. Tay của nàng mũm mĩm như búp măng non trên rừng. Cho đến bây giờ, nàng vẫn không biết tính tuổi của mình vì ngày xưa H’Tây đi học không nghe Thầy Cô môn Toán giảng bài mà lo nhìn xem có bạn nam nào vừa ý để lớn lên bắt cóc về làm chồng. Người Ê Đê của nàng có tục cưới xin không giống của các bạn người Kinh đâu. Khác ơi là khác ấy. Thật đấy! Nàng vốn tính tò mò. H’Tây để ý từng sự khác nhau giữa người Kinh và Ê Đê. Cô thắc mắc, tại sao người Kinh không gọi bố là Ama, gọi Mẹ là Ami như cô bé. H’Tây thích chơi với ngườ Kinh lắm. Thế là H’Tây lập một trang Facebook mang tên Cô Bé Tây Nguyên để kết bạn. 
    Ham chơi quá nên suốt ngày H’Tây bị Ami mắng: “ Đã hơn hai mươi mùa rẫy rồi mà không biết làm gì hết cả. Cứ thế này, con trai trong Buôn không ai ưng cái bụng cho mày bắt về đâu. Con chim trên rừng nó biết hót để gọi bạn tình. Con cá dưới nước nó biết bơi nhẹ nhàng để không bị bắt thịt. Mày có biết làm những điều ấy không hả H’Tây ơi. Bọn mày bây giờ sướng rồi. No cái bụng, ấm cái da nên không biết khổ là gì nữa. Từ ngày có cái điện, mày đòi mua cái máy gì gì tao không biết nữa. Từ lúc mặt trời mọc cho đến khi con chim non về tổ, mày chỉ bấm bấm, chọt chọt. Rẫy không làm, củi không kiếm. Giàng ôi. Nó không nghe lời của tôi nữa rồi”.
   Sắp đến ngày Quốc Tế Thiếu Nhi thấy lũ trẻ trong buôn được mấy anh cán bộ cho quà, H’Tây buồn quá. Đã mấy mùa rẫy rồi H’Tây không được nhận kẹo nữa. Hình như anh cán bộ không thương H’Tây nữa. Tự nhiên hôm này H’Tây thấy tủi thân, thế là H’Tây khóc hu hu .
   H’Tây đang khóc thì bỗng có một chàng trai có nụ cười đẹp như hoa bắp trên đồi đến hỏi:
      - Sao không đi chăn bò mà ngồi khóc ở chân cầu thang thế H’Tây ơi.
      - Hức…hức…hức! Dù H’Tây có chăm chỉ như con ong rừng thì anh cán bộ cũng không phát kẹo ngày Quốc Tế Thiếu Nhi cho H’Tây nữa. Hức! H’Tây buồn lắm. Hu..hu..Hức..hức!
Chàng trai ấy là Y Biên Êban. Nhìn chàng như con trâu trong chuồng. Y Biên cười, lộ rõ hai hàng răng trắng như hạt bắp tươi. Y Biên bây giờ là bí thư chi đoàn của Buôn rồi nên bạo dạn lắm. Không ngại ngùng khi đứng trước con gái nữa đâu. Y Biên bảo:
      - Đừng khóc nữa. Mình sẽ cho H’Tây kẹo mà. Nhưng H’Tây phải hứa là ít chơi Facebook đi. Kẻo da H’Tây sẽ nhăn nheo như chiếc váy mặc lâu ngày. Cái mông sẽ dẹt như cái chiêng. Nên dù H’Tây có bắt ai về làm chồng thì họ cũng không ưng cái bụng đâu.
   H’Tây nghe đến chuyện không được ai thương nếu còn chơi facebook nhiều. Cô sợ quá. Cô dự tính buổi tối sẽ đi ngủ sớm. Chỉ khi con gà ò ó o thì cô mới lại ngó ngàng đến cái in-tờ-nét. Nhân quà của Y Biên xong. H’Tây vội vàng chụp ảnh rồi đăng lên Facebook khoe gói quà ấy. Hình như cô vẫn ngây thơ như hồi cô lên sáu tuổi.
    Con ve rừng cứ oe oe oe những tiếng hãi hùng đón chào màn đêm đến. Khi đàn dế bắt đầu chí chóe gọi nhau thì H’Tây cuộn thân mình trong chăn ấm. Đêm cao nguyên, trời se se lạnh. Mặc cho sương giáng ướt mềm hoa cỏ, cả núi rừng Tây Nguyên vẫn truyền hơi ấm cho nhau. Nhẹ nhàng, rừng núi cho ta một màn đêm kỳ ảo.
*********************************************
   Ngày quốc tế thiếu nhi, không biết viết gì cả. Nay Tây Nguyên Xanh được tặng quà nên viết cái truyện dở hơi này cho có kỷ niệm. Chúc các cháu bé nhân ngày Quốc Tế Thiếu Nhi được vui vẻ. Mong rằng các bé sẽ được hưởng một mùa hè đúng nghĩa. Và chúc các bậc phụ huynh có đủ sức khỏe để chăm sóc các bé thật tốt nhé.
Buôn Ma Thuột, 31/5/2013
Tây Nguyên Xanh
------------------------------------------
Quà của Tây Nguyên Xanh nhân ngày 1/6 đây nè hihi

2 comments

THI TỐT NGHIỆP

Ảnh: Phan Hoàng Giám 
    Thấy cả Buôn đang xôn xao chuyện ngày mai có kỳ thi chi chi đó của lũ học trò cấp 3. Tự dưng mình nhớ những ngày này của 5 năm trước. Mình cũng là một con oắt học trò, mắt thâm quầng, cổ sâu hoắm như cái ngoắc đèn. Gớm. Hồi nớ chăm chỉ quá cơ. Có dám lơ là theo trai đâu. Sợ rớt tốt nghiệp thấy má luôn.

     Ngày ấy mình quan niệm thế này: “nhất thủ khoa, nhì đủ điểm”. Vậy nên đủ điểm đậu thôi. Cần chi cho nhiều nếu không có khả năng thủ khoa. Hehe. Thừa điểm cũng chẳng để làm gì. Danh sách các môn năm ấy là: Toán, Văn, Anh, Lý, Sinh, Sử. 


     Trong đó điểm môn Toán sẽ bù môn Văn. Môn tiếng Anh sẽ bù môn Vật Lý. Môn Sinh học bù điểm môn Lịch sử. Các môn Văn. Lý, Sử đặt chỉ tiêu mỗi môn 0,5 là được. mà mình tính rồi. Môn Văn thì học phần giới thiệu hoàn cảnh ra đời tác phẩm và mục giới thiệu tác giả thôi. Còn phần làm văn thì đề cho chọn phân tích văn xuôi hoặc thơ. Đương nhiên chọn thơ để khỏi cần phải nhớ dẫn chứng cho mệt. Làm phần mở bài mượt mà một tý. Còn lại thì vứt. Nghĩ chắc chẳng có có bà cô ông thầy nào nỡ lòng cho zero cả nhể. Hê hê. Lịch sử mới vui. Học nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử thôi. Đằng nào ông các bà ấy chẳng ra mấy cái mục như rứa. Vật lý thì học lý thuyết thôi. Không học công thức gì sất. Bù lại môn Sinh học, Anh văn và Toán thì học chết bỏ luôn. Nhớ từng milimet cuốn sách giáo khoa sinh học. Anh văn thì đọc tất cả các sách tham khảo có trên thị trường. Toán cũng thế. 


    Đến ngày cứ thế mà thi. Khà khà. Thế là đậu bố nó cái tốt nghiệp. Rồi cũng cắp đít đi thi đại học như ai. Cả một hành trình câu zai chứ có thi thố chi mô. Quá trình thi đại học ra răng. Bữa mô kể tiếp hỉ?


Buôn Ma Thuột, 1/6/2013
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, May 28, 2013

CHƯA


Chưa đủ tinh tế
Để nhìn lá rũ trong đêm mà đoán ngày mai mưa hay nắng
Chưa đủ kiến thức
Nhìn trăng thâm quầng mà đoán thời tiết mùa trăng sau
Chưa đủ nhạy cảm
Để nhìn kiến chạy mà biết sắp có cơn dông
Chưa đủ mỏng manh
Để cảm nhận được hướng gió qua lông tơ da thịt
Không hiểu
Vì sao Thanh Long khoe sắc mỗi đêm thâu
Sáng về
Hoa rả rời như ả điếm hoang vừa đi khách
Không biết, ngàn đời ta không biết
Chỉ biết âm thầm lặng lẽ vượt thời gian
-----------------------------------------------
Buôn Ma Thuột, 28/5/2013
Tây Nguyên Xanh
4 comments

Nhạc phẩm: TÌNH CA MĂNG ĐEN

Đức Mẹ Măng Đen . Nguồn: ảnh: tuoitre.vn
    Tây Nguyên, một vùng đất trù phú về tiềm năng kinh tế, chiếm vị trí chiến lược về quân sự và là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho biết bao con người trót dấn thân vào con đường nghệ thuật. Mà cho dù là người không am hiểu nghệ thuật cũng không khỏi nao lòng khi xa cách Tây Nguyên. Quanh năm nắng chán rồi lại mưa. Gió thổi vi vu, cây cối lao xao theo ngọn gió. Ấy thế mà Tây Nguyên mãi như một cô nàng đỏng đảnh khiến bao chàng viễn xứ phải khao khát say mê. Có lẽ vì vậy Tây Nguyên “rủ rê” được nhạc sĩ Ngọc Tường- Một người con Bình Định lên và ở mãi cho đến bây giờ. Để rồi chất Tây Nguyên dần dần len lỏi vào từng dòng xúc cảm trong các sáng tác của anh.
Đồng bào ở Kon Tum có lẽ sẽ không bao giờ quên Ngọc Tường - cha đẻ của bài hát “Tình Ca Măng Đen”. Một bài hát gần như là thương hiệu của xã Măng Đen nói riêng và tình Kon Tum nói chung.
“Em lên với Măng Đen, nơi lắm mưa nhiều gió. Mang theo nắng đồng bằng Nghệ Tĩnh ở trong tim…”. Mở đầu bài hát như một sự khái quát chung cho điều kiện tự nhiên và xã hội ở nơi này. Phải! Măng Đen có nhiều người gốc Nghệ Tĩnh vào di trú lắm. Măng Đen có nhiều mưa nhiều gió và có cả nắng. Nhưng cái hay của người sáng tác là đưa hình ảnh mưa gió gắn vào những nốt nhạc đầu tiên để tạo cảm giác mênh mang cho người nghe. Và sự gán ghép cái nắng Tây Nguyên với cái nắng xứ Nghệ để mà nói lên sự gắn bó của người xứ Nghệ với mảnh đất Măng Đen.
Ai sinh ra màu đỏ của nền đất Tây Nguyên và ai đã quan niệm màu đỏ là tượng trưng cho sự tươi thắm của tình yêu để người nhạc sĩ có cái cớ mà gieo vần cho bản nhạc thế này đây: “thương lắm màu đất đỏ như mối tình thủy chung”
Càng nghe, ta càng hình dung được hình ảnh của Măng Đen ngày xưa hoang sơ lắm. Lọt thỏm giữa cánh rừng Trường Sơn, Ngày ngày dòng suối nỉ non tâm tình với núi. Rồi con suối được ngăn dòng để mang điện về cho những mái nhà tranh nghèo của đồng bào nơi đây:
“Ngày nào đến Măng đen trong mái tranh lộng gió,
   Nay con suối đưa dòng điện về thay trăng sao…”
“Nàng Măng Đen” vốn thướt tha, yêu kiều và lộng lẫy nhưng vì đẹp quá mà nàng có quá nhiều kẻ muốn chiếm đoạt về tay. Hết Pháp rồi đến Mỹ, chúng hòng chiếm nàng cho bằng được. Chiếm không được chúng liền thả bom để hủy hoại nhan sắc của nàng. Ngày ấy…nàng xác xơ tiêu điều tưởng chừng như đã chết. Nhưng không! Nàng vẫn sống. Chàng trai xứ Nghệ năm nào đã yêu nàng trọn con tim, chàng từng bước bù lại nét xuân xanh cho “cô nàng Măng Đen”:
     “Chiều nào anh đến thăm em.
   Gặp em lưng đồi vàng nắng,
   Những hố bom thù năm xưa.
   Đã hóa điệp trùng ngàn xanh.
   Lá rừng reo vui trong đó.
   Thành bản tình ca như tình em thiết tha…”

 Yêu chàng và biết ơn chàng nhưng nàng hiểu chàng cũng có quê hương để về và để nhớ. Đành dứt lòng, nàng trao chàng cành phong lan – biểu trưng tiêu biểu của núi rừng- rồi nhắn nhủ anh hãy về với xứ sở ấy. Một niềm hạnh phúc vỡ òa trong tim khi chàng đáp trả:“Anh ở lại Măng Đen, anh chẳng về đâu, anh ở lại cùng em”.  Ôi Còn gì hạnh phúc hơn thế nữa.
 Thi ca nghệ thuật thật là lạ. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã khôn khéo lồng ghép tình yêu đôi lứa vào tình yêu quê hương đất nước. Có lẽ vì tình yêu nam nữ là một thứ tình cảm gẫn gũi và dễ lay động lòng người. Hà cớ chi lữ khách Ngọc Tường không nói “tôi yêu mảnh đất Măng Đen” cho ngắn gọn. Mà cứ phải rông dài biện hộ cho “sự yêu” bằng một bản “tình ca Măng Đen”. Phải chăng nhạc sĩ cũng học tập người xưa?

Cuộc sống nhiều mệt mỏi, nhiều sự bon chen và những áp lực vô hình. Cho nên ngày càng nhiều người tìm đến âm nhạc để mong có được sự đồng điệu qua bài hát. Có lẽ cũng nhờ vậy mà những bản tình ca sống mãi trong lòng mọi thế hệ. Với chất liệu âm nhạc dân gian đương đại, tôi nghĩ nhạc sĩ Ngọc Tường đã thành công khi đưa hình ảnh mảnh đất cũng như tình người Măng Đen nói riêng và Tây Nguyên nói chung đến với công chúng yêu âm nhạc.
Buôn Ma Thuột 5/2013
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Sunday, May 26, 2013

LÒ BÁT QUÁI VÀ TÔN NGỘ KHÔNG DƯỚI GÓC NHÌN CỦA HÓA HỌC

Nguồn ảnh: Internet
    Nguyên nhân thật sự việc Thái Thượng Lão Quân không thể đem Tôn Ngộ Không luyện hóa là thời cổ đại lò luyện đan là lò đốt bằng than đá, cao nhất chỉ có thể đạt tới khoảng 1200℃, mà Tôn Ngộ Không đúng Thạch Hầu – khỉ đá, thành phần chủ yếu là si-líc, điểm nóng chảy vào khoảng 1600℃ cho nên không luyện hóa được!
    Như vậy mắt Tôn Ngộ Không tại sao lại bị luyện thành hoả nhãn kim tinh đây? Thực ra thì si-líc ở trong lò bát quái tại 1200 độ C nhiệt độ xảy ra thủy tinh hóa, cho nên biến thành thủy tinh, có tác dụng như kính chiếu yêu là có thể thấy được yêu tinh quỷ quái. Như vậy lò bát quái tại sao lại bị hỏng? Thì ra là Tôn Ngộ Không cấu tạo không chỉ gồm si-líc, còn có một bộ phận là CaCO3, trong lò bát quái tại 1200 độ C tác dụng, CaCO3 bị phân giải: CaCO3=CaO+CO2 (phản ứng nung vôi). CO2 sinh ra làm áp suất lò bát quái bên trong tăng cao, cuối cùng dẫn đến lò bát quái nổ tung, Tôn Ngộ Không phá lò chui ra!    Như vậy Tôn Ngộ Không phá lò ra sau vì sao trở nên cuồng bạo? Bởi vì hắn trên người CaCO3 biến thành CaO, hấp thu nước trong không khí phát sinh phản ứng hoá học tạo Ca(OH)2 và sinh nhiệt(phản ứng tôi vôi sống), cho nên cuồng bạo.
    Như vậy sau này Tôn Ngộ Không vì sao lại ôn hòa? Lại còn cùng Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh? Thì ra là Như Lai Phật Tổ đem Tôn Ngộ Không nhốt ở dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, hàng năm mưa gió, Tôn Ngộ Không trên người CaO lại hấp thu nước mưa, sau đó toàn bộ thành Ca(OH)2 rồi nên không sinh nhiệt nữa, cho nên tính tình cũng là biến thành ôn hòa rồi.
    Sau lại Tôn Ngộ Không tại sao có thể thành Phật đây? Thì ra là ở trên đường sang Thiên Trúc, Ca(OH)2 trên người Tôn Ngộ Không không ngừng hấp thu CO2 trong không khí (nhất là ở Hỏa Diệm Sơn), cuối cùng khi đến Tây Thiên thì lại biến hết thành CaCO3 hình thành tinh thể đá vôi, trở thành Kim Thân cực kỳ cứng rắn
Nguồn bài viết tại: Facebook Tạp chí dạy và học Hóa Học 
7 comments