Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, July 6, 2014

CHẤM LỬNG -14

July 06, 2014

Share it Please
   
Tác giả ảnh: Bùi Duy Lộc
   Đã lâu rồi con bé ấy không viết kiểu như nhật ký. Cỗ nửa muốn có người đọc lại nửa muốn không, nên quăng cái này vào mục Ghi Chép. Bởi cái mục này có đôi lúc bị hệ thống Facebook lãng quên khi cập nhật trên trang chủ, hơn nữa người xem thấy bài viết dạng ghi chép thì đoán ngay nó dài nên không xem. Thành ra mục Ghi Chép của Facebook như một cuốn nhật ký khép hờ. Chả hiểu sao cỗ lại ưa cái sự nửa vời ngớ ngẩn ấy.
    Mấy lâu nay cỗ ngẫm một lời thoại trong bộ phim cổ trang Hàn   Quốc rằng “Hoảng Sợ có hai biểu hiện đó là Bỏ Chạy hoặc Nổi Giận”. Cỗ thấy đúng cho toàn bộ xã hội Việt Nam trong những ngày này quá. Từ khi giàn khoan 981 đâm vào lòng mẹ Biển, tàu chóp bu của nó đâm nát tàu cá ta. Làng báo chí như vỡ òa vì được chỉ đích danh cái bọn phá hoại, bởi trước đó họ phải dùng thuật ngữ “tàu lạ”. Mạng xã hội thì thôi rồi, một màu đỏ tươi tràn ngập. Có những người không đăng bài. không bấm nút thích hay bình luận cho ai cả. Có thể họ đăng nhưng chỉ là những trạng thái nhắc nhở bóng gió. Những người đó “bị” đánh giá là “nhút nhát” trước thời cuộc (trong đó có cỗ) Nhưng ngược lại, có rất nhiều người lồng lộn lên, chửi đổng, phê bình phân tích này nọ. Ồ, cỗ lại đánh giá họ đang sợ hãi. Đúng rồi, ai cũng sợ chiến tranh. Nếu ai nói không sợ, e là lời nói láo. Nhưng có một người lính từng tham chiến ở Campuchia, đánh Phun-rô ở Tây Nguyên nói với cỗ như vầy: “Ai cũng sợ chết hết cháu à. Nhưng khi chứng kiến đồng đội mình hy sinh thì không còn biết sợ nữa”. Thì ra là vậy. Lòng hận thù sẽ giúp lấn át nỗi sợ hãi.
   Chừng này năm ngoái thì cả xóm bói không ra một trái bơ. Nhưng năm nay lại có ăn. Cô hàng xóm nói năm nay không có ai mua, bơ rụng đầy gốc. Nghe nói hoa trái các nơi cũng không khá khẩm hơn. Nông sản xuống giá mất hồn. Tiền tiêu không có nhưng thấy mấy cô trong xóm lò dò đến từng nhà xin khuyên quyên góp cho Trường Sa, Hoàng Sa. Ai cũng vui vẻ đóng tiền hết. Cô dì chú bác có bữa chửi “thằng chó Trung Quốc” đã đời. Bác hàng xóm kế bên nhà không cho vợ con coi thời sự nữa. Ỗng nỏi chừng nào nghe giang hồ đồn là ngoái đó nổ súng bắn bọn Trung Quốc thì coi, chứ giờ coi điểm tin tàu bị đâm thủng, nát lòng quá.
   Còn cỗ? Cỗ đang nợ ngôn ngữ ấy một câu trả lời. Tía Má cỗ hằn học khi thấy cái điện thoại cỗ để chế độ ngôn ngữ đó. Cỗ không chịu nổi cái cảm giác ngồi học từ vựng trong tiếng lằm bằm của Tía Má cỗ phát ra do xem thời sự về Biển Đông. Hai tháng rồi cỗ không “đành” đụng vô tuyển tập truyện ngắn do một người thầy tặng để tập dịch. Dẫu biết rằng ngôn ngữ không có tội, văn hóa những người sử dụng ngôn ngữ ấy đẹp nhưng cỗ vẫn thấy có lỗi. Tẩy chay ngôn ngữ, tẩy chay văn hóa thì con người ấy không bao giờ có được cái nhìn tổng thể trên mọi vấn đề. Nhưng...cảm giác này giống như khi biết người mình yêu là con của kẻ thù.

    Không cần nói thì hình như ai cũng rõ câu trời của cỗ rồi. Có gì ngăn cản được tình yêu? Nhưng trước hết cỗ phải gặm hết 5 cuốn tiểu thuyết viết về Mậu Thân 1968 đã. Nhà thơ Lê Minh Quốc nói đúng, tác phẩm bị lãng quên không phải do nhà văn mà do người đọc. Nhà văn viết xong tác phẩm là đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của họ rồi. Độc giả phải có trách nhiệm tìm đọc để so sánh xem tình yêu qua các thời đại có gì giống và khác nhau.

2 comments: