Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, July 3, 2014

TỚP LEO NHÂN MÙA THI ĐẠI HỌC

  Từ bé đến giờ, em chạy không thoát một chữ “Quảng”. Này nhé, em sinh ra rồi tập nói ở nơi toàn người Quảng Nam di cư vào. Thấy em có dấu hiệu “kết trai Quảng” từ thuở mới lọt lòng nên Tía em chuyển gấp nhà lên Buôn Ma Thuột sống. Cụ sợ em quên cha đất mẹ Nghệ An hay sao ấy. Đùa chứ Tía Má nhớ quê nên muốn sum vầy với người đồng hương để mà ăn đời ở kiếp cùng nhau. Tía xây nhà mới lại vẽ một bản thiết kế rặt ri xứ Quảng. Nhà có một cái gác lửng ngay chính thất để thờ cúng tổ tiên.

   Chưa hết, ngày đi thi đại học, em còn nhớ lâu, vướng sâu vào cái nhìn với cả giọng nói của một đồng chí chỉ có nửa chất Quảng. Tía hắn người Huế, Má hắn người Quảng, gia đình định cư huyện Núi Thành (Quảng Nam). Hắn có chất giọng Huế pha Quảng, ối trời ơi, ngọt thì thôi đi, khỏi tả. Em gặp hắn cũng trong những ngày hừng hực không khí thi cử ở điểm thi Tuy Phước (Bình Định) của năm 2008. Giờ nhớ lại, em hãy còn rung rinh quá xá.
Nguồn ảnh: Internet
   Em mò xuống đất Võ vào chiều 1/7/2008. Em “ngủ chung” nhà với hắn từ đó cho đến hết trưa 5/7/2008. Các cụ bảo rồi, khôn ba năm dại một giờ, cơ mà thế hệ 9X của chúng em thì thú thật là nếu không có các phụ huynh đi kèm thì thế nào chẳng mười lăm là xong xuôi mọi sự. Đấy! Nói ra lại làm mất hết cả sự nền nã của giống cái. Hã hã. Đùa chứ phòng trọ có khoảng 15 cháu, thêm phụ huynh đi kèm nữa là cả 30 mạng. Có những đứa sợ mệt do say xe sẽ ảnh hưởng việc thi nên đến trước đó mấy ngày. Chúng chiếm giường hết rồi, bọn em phải ngủ đất. Chẳng có chiếu nên nằm la liệt trên sàn nhà, lấy sách làm gối, lấy áo đắp cho đỡ lạnh. Chúng em chia thành hai phe, phe ngủ giường và phe ngủ đất. Phe ngủ đất bọn em hung dữ quá nên lúc nào cũng dành phần tắm cho đồng bọn sớm hơn bọn phe kia.
    Nhất cự li, nhì tốc độ. Em chạm mắt cái anh “Quảng pha Huế” cả ngày, cộng thêm cái độ nhiệt tình trong các cuộc nói chuyện của em thì các cậu các mợ mường tượng ra sự thể rồi đấy. Nói thật là trái tim nhấp nhổm thì em có nhưng mà ngồi ở xó để nhớ mong người thì chưa đến mức ấy. Căn bản là hồi đó em đi thi khối A cho biết mùi sĩ tử thế chứ em mong mỏi cho khối B ở Huế là chính. Sáng ngày 4/7 thì Toán, chiều thi Vật Lý mà tối 3/7 em hãy còn lấy tài liệu môn Sinh Học ra đọc. Còn hắn thì lo lắng ôn thi nên chẳng để ý em đang nhìn trộm làn da trắng bóc của hắn. Mỗi lúc hắn cười thì thôi đi, ai nói rắn là một loài bò, em cũng gật. Đêm mồng 4/7, nhà trọ tổ chức buổi liên hoan nhẹ để sáng mai thi xong thì “vòng xe lăn bánh tiễn người đi khuất xa chân trời”. Em ngỡ ngàng với giọng hát của hắn luôn. Hình như mê quá nên sáng mai tính nhầm kết quả bài toán. Khà khà. Chết chửa? Cái tội mê trai. May mà vẫn đỗ chứ không thì Tía Má cho lấy chồng sớm rồi. Không khéo giờ này có cả rổ con nhỉ?
   Thấy không khí thi thố tràn ngập làng Facebook. Em góp vui tí thế thôi. Mà này, các cậu các mợ kin kín miệng dùm em, đừng cho gã người yêu của em biết. Gã ghen thì nhọc công em tán lâu nay lắm.
Buôn Ma Thuột, khuya 3/7/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, July 1, 2014

MÙA CỦI

   Ở Tây Nguyên, mỗi năm có hai mùa củi lớn, ấy là mùa củi cà phê ở cuối mùa khô và mùa củi Muồng Đen hay còn là muồng Xiêm (do sự nhầm lẫn với muồng Hoàng Yến – quốc hoa của Thái Lan) ở giữa mùa mưa. Sau mỗi mùa thu hái cà phê thì những cây kém chất lượng thường hay bị nhổ gốc để mùa mưa tái canh, vì vậy hình thành mùa củi cà phê. Những gốc có thâm niên trên hai mươi năm, dáng hình nhiều ụ nổi thì được các nhà xưởng điêu khắc săn lùng với giá 300 000đ/gốc. Còn lại thì chủ yếu để đốt thành than thương phẩm. Than củi cà phê chắc, cháy lâu và đượm, nhiệt lượng lớn nên được chuộng hơn các loại than củi khác.
   Lúc cây cà phê mới được trồng tái canh, người ta trồng cây hoa Muồng Vàng để chắn gió. Khi cây được khoảng ba năm tuổi trở lên, những rặng Muồng Vàng yếu ớt không thể che gió cho chúng được nữa thì người ta thay thế Muồng Vàng bằng Muồng Đen. Chúng cùng họ muồng và màu hoa đều vàng như muồng Hoàng Yến nhưng chỉ khác về hình dáng của cụm hoa thôi. Vào mùa mưa hằng năm, nhờ có nước thương xuyên mà Muồng Đen phát triển tán rộng, che bóng của cà phê nên nông dân phải đi chặt ngọn, tỉa cảnh muồng (ở đây người ta quen dùng thuật ngữ “đi rong muồng”.) Mùa củi muồng phát sinh là vì thế. Những gia đình không có rẫy hay mua củi muồng về đun bếp cho cả năm. Than củi muồng dễ vụn nên hầu như ít được chế làm thương phẩm.
    Mấy hôm nay, dân trồng cà phê í ới nhau mượn thang, mượn cái ngoèo, dao đăn để đi rong muồng. Chuyện bị té thang, dao rớt hay cành muồng rơi trúng người không phải hiếm. Sáng có người mượn thang, tối về làng xóm gọi nhau đi thăm người mượn thang ấy là vì thế. Ngoài rong muồng thì những ngày này, chủ rẫy cà phê phải đi cào lá khô dưới gốc để bón phân mùa mưa. Đào “hố ép xanh” cho cà trồng dặm, hoặc cày rãnh để bón phân hữu cơ. Hố ép xanh là những cái hố được đào rồi sau đó người ta chặt cành lá cây Dã Quỳ hoặc cây Bơm Bớp (cây cộng sản) nhét ép xuống hố đó. Sau nhiều ngày mưa thì lá cành mục nát tạo thành phân hữu cơ. Những hố như thế này đặc biệt hữu hiệu cho những cây cà trồng dặm. Cà trồng dặm là những cây trồng thế chỗ cho những cây năng suất thấp đã bị nhổ sau mùa thu hoạch.
    Trong bức ảnh dưới đây là “bãi chiến trường” sau một hồi chủ rẫy rong muồng. Cây nhìn trống troảng vì bị cặt cành, mặt đất đầy lá khô và cảnh nhỏ, có mấy chú bò của mấy em bé từ hai buôn Bu và buôn Cang thuộc xã Ea Knech, huyện Krong Pak, tỉnh Dak Lak dắt đến. Củi được tập kết thành một đống để chờ xe công nông đến chở. Tây Nguyên Xanh cập nhật hình ảnh và tin tức nóng hổi tại “mặt trận sản xuất” ở Tây Nguyên. Không biết tình hình biển đảo ra răng? Lạy trời, đừng có suốt ngày đăng tải những hình ảnh tàu ta bị đâm nát mà người già Tây Nguyên muốn đứng trên đỉnh núi bắn đạn ra tận biển Đông cho tàu của Trung Quốc nát bét, trẻ con muốn đứng trên đỉnh núi bắt chim đái ướt mặt quân xâm lược ngoài biển.
    Sầu riêng rụng, Tây đi nhặt quả đây! Thật đúng là sầu riêng! Ăn vào, đứa nào đứa nấy buồn tê tái vì mụn nổi đầy mặt. Thượng Đế đặt cho cái tên như thế là không oan đâu Vui Chung ạ!

Buôn Ma Thuột, 1/7/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, June 30, 2014

CHỢ QUÊ

   Sáng nay đi chợ với mẹ, tự dưng cụm từ "chợ quê' cứ lởn vởn trong đầu. Ờ thì chợ ở nơi cắt rún hay được gọi là chợ quê nhỉ? Lấy khái niệm ấy để gán cho chợ quê nhé, chứ chữ 'quê" cũng lắm lời giải thích òm. Trong văn thơ thì người ta vẽ cảnh chợ quê bằng lời sao mà hay ho thế. Còn chợ ở Dak Lak quê mình có gì nhỉ? Thử làm "họa sĩ lắm mồm" (Vẽ xấu nên phải đấu mồm để tranh mình được công nhận có giá trị) xem nào....
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
   Cách chợ một khoảng xa xa là có mấy mí (mẹ) người Ê Đê mặc váy đen ống đứng, cõng gùi trên vai. Hình ảnh này cũng chẳng khác người Kinh ngày xưa mặc váy quảy quang gánh đi chợ là mấy. Những bộ váy áo mà các bạn thấy trong các thước phim tài liệu hay ảnh nghệ thuật chỉ được mặc trong dịp lễ tết thôi. Thường phục của họ là váy đen ống đứng và dài phủ mắt cá chân. Thời tiết Tây Nguyên buổi sáng thường se se lạnh nên các mí mặc áo choàng. Thành ra ít khi biết được hoa văn của vải áo thường phục như thế nào. Nhà có mấy trái bơ, bắp, dâu da hay vài chùm chôm chôm ngon thì các mí hái xuống, gùi ra chợ bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm khác.
   Lại gần cổng chợ hơn tí nữa là hình ảnh các con buôn chạy theo "xin như ép” các mí bán lại cho họ những thứ có trên gùi. Họ mua rẻ của người đồng bào rồi bán đắt cho người đi chợ. Những con buôn ấy tìm cách ép giá và bủa vây các mí vì sợ người đi chợ nẫng tay trên mất. Người Kinh ở Dak Lak thích mua bán với người Ê Đê lắm. Nói một cách miệt thị thì họ khoái "hàng Tộc" - một loại hàng hóa vừa rẻ lại vừa ngon. Mua được rồi họ còn dương dương tự đắc rằng "Tộc ngu bỏ mẹ, trả rẻ thế mà vẫn bán". Có đứa "họa sĩ lắm mồm" biết không thể đánh võ miệng với các con buôn để giành công bằng cho các mí nên đành nuốt buồn bước nhanh ra khỏi nơi tràn ngập sự ức hiếp ấy.
   Vào trong chợ, tất nhiên rồi, la liệt hàng quán, tiếng bán mua, tiếng gà vịt kêu, tiếng chặt xương xắt thịt có đủ. Chợ ở xứ tứ phương hội tụ nên đặc sản miền nào cũng có bán. Những người xa quê thèm hương vị quê nhà nên không sợ ế. Cơ mà yếu tố độc hại thì có lẽ chợ trên cả nước này đều có chứ chẳng riêng gì cái chợ quê này. Những cảnh báo trên tivi khiến người ta chuộng hàng “Tộc” nhiều hơn. Có câu chuyện như này, cô giáo nọ muốn mua một con gà “tộc” về ăn nhưng năn nỉ thế nào cũng không làm các a mí, a ma đồng ý bán. May mà cô ấy là giáo viên chủ nhiệm của con gái chủ nhà, nhờ con bé tác động nên mới mua được con gà đấy. Vì ở chợ họ bị ức hiếp nên họ ghét người Kinh lắm. Người đồng bào ở Tây Nguyên họ rất nhạy cảm. Họ luôn bị ràng buộc với ý nghĩ dân tộc mình là thiểu số nên họ hay bị tổn thương vì những điều mà người Kinh thấy bình thường. Các thế lực thù địch nắm được chuyện này nên đã đi sâu vào lòng của đồng bào ta. Người Kinh ở Tây Nguyên nếu không thay đổi trong cách nhìn nhận miệt thị về người đồng bào thì coi chừng bị trả giá đắt giữa “chợ đời”.
    Có một “bộ tộc” khiến người Kinh ở chợ quê mình ngại giao thương, ấy là “Tộc Cao Bằng”. Tộc danh này là do người Kinh tự đặt cho những người dân tộc thiểu số từ các vùng núi phía Bắc di cư vào Tây Nguyên sống. Từ xưa đến giờ vẫn có người đồn rằng các dân tộc ở phía Bắc có ma gà, bùa ngải nhiều nên sợ tiếp xúc. Mình nhớ là có người dặn rằng nếu gặp rổ trứng ngon thì đừng khen đẹp kẻo dính bùa ngay lập tức. Thực ra “Tộc Cao Bằng”, họ ý thức được phải kiên cường mới sống được ở xứ Người nên hơi gai góc một chút. Tuy nhiên, do thiểu số nên họ phải dùng sự đồn đại về bùa ngải như là vỏ bọc bảo vệ thôi.
    Mình muốn biết cái chợ “thuần Kinh” như thế nào nên ngay sau khi nhập học ở Quy Nhơn hơn một tháng thì mò về xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định chỉ để ăn sáng bên gánh hàng giữa chợ quê nơi ấy. Sau này đi bất cứ nơi đâu thì mình đều đi chợ cho biết. Nhưng cuối cùng vẫn thích đứng giữa cái chợ nhốn nháo phức tạp ở Dak Lak quê nhà. Lạ ghê!
***
Buôn Ma Thuột, 30/6/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments