Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 13, 2014

MỘT NGÀY THẤM ĐƯỢM TÌNH QUÊ

Thành phố Vinh - Ảnh: Du Muc
   Vì đói vì nghèo mà họ cuốn chiếu vào Tây Nguyên sinh sống. Họ mang hương quê tẩm ướp cho từng ngọn cỏ, giọt sương, vạt nắng nơi đất khách để hôm nay nó – một người con sinh ra ở nơi này – được sống trong bầu không khí rất Nghệ. Lâu rồi nó không được nghe tiếng Nghệ nhiều như thế. Nam Diên, Nam Yên (nay là Xuân Hòa), Nam Anh cùng quy về một mối. Chỉ cần nghe những cụm từ như “à cớm!”, “rứa chi lệ?”hay câu cửa miệng trước khi khen hoặc chê điều gì đó “mả thằng cha hấn chơ” là đã ấm lòng rồi.
   Nhà có giỗ. Anh em họ hàng xúm về nấu nướng giúp cho. Chụm củi nhóm lò, nó không để ý nên đút phần ngọn của cành củi vào bếp. Có bà già nhỏ nhẹ hỏi chơ răng rứa con ơi, quê ta là phải đun gộc trước ngọn sau con nà Thấy vui vui khi biết thêm một quan niệm của xứ Nghệ. Nghe bảo củi ở miền ngược nên đun ngược. Cái gì ở miền xuôi mới đun xuôi. Sáng sớm nó om chè vào cái nồi vốn dùng để nấu bánh chưng ngày tết. Nó lăng xăng vặt lông gà, pha nước mắm, bóc hành tỏi, gói cuốn ram và ham hóng chuyện người lớn. Ôi, người lớn hôm nay đã khiến nó sờ sợ khi ra ngoài xã hội. Nó sợ yêu trúng anh em họ hàng mà không biết, sợ chửi người nhà mình mà không hay. Người lớn phân bua cách xưng hô. Người lớn kể gốc tích của dòng tộc. Người lớn dặn có giỗ lễ thì lo mà đi để mà biết mặt anh em. Người lớn chép miệng than rằng giờ giỗ lễ đặt nhà hàng lưu động hết nên anh em vội vã gặp nhau, vội vã ăn, vội vã nhổm đít ra về lo công việc khác. Đi ăn cỗ ở nhà họ hàng cũng một người đại diện gia đình như ăn ở nhà ngươi dưng chứ ít đi đông đủ cả nhà để được giới thiệu họ hàng nên ra đường đánh nhau, vào bệnh viện thăm mới biết là anh em.
Thành phố Buôn Ma Thuột - ảnh: Trần Bảo Hoài
   Nó ghiền ngắm những bà già quấn tóc quanh đầu và cột khăn nhung lên trên, miệng bõm bẽm nhai trầu, lâu lâu lấy ngón trò và ngón cái miết mép miệng vành chữ O rồi lại mấp máy môi nói chuyện. Nó mặc đồ bộ nên cả áo và quần cùng một loại vải. Các bà nói Nghệ An ta quần với áo mặc khi mô cũng khác màu con ạ, Thời giừ bay mặc khác choa mọi chầu. Nó tò mò hỏi vì sao, các cụ chỉ nói đó là vì quy ước từ xưa để lại, không ai cãi và cũng không hỏi vì sao.
   Nó muốn về quê, cái nơi mà đã nuôi dưỡng Ba Má nó và khiến xui họ vào Tây Nguyên lập nghiệp để rồi tạo ra nó – một người con gái Tây Nguyên mang dòng máu Nghệ lấm bụi đỏ Bazan.
Buôn Ma Thuột, 13/9/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Thursday, September 11, 2014

ĐÊM NẰM NGỦ VỚI DẾ GIUN

Tác giả ảnh: Vũ Thành Chung
   Đọc câu: “đêm Đà Lạt ngủ với dế giun” trong bài thơ Đêm Đầu Tiên Ngủ Tại Đà Lạt của nhà thơ Lê Minh Quốc tự nhiên mình muốn tìm một chú dế để ngủ cùng với tham vọng hiểu được tâm trạng tác giả. Mới hay mình bỏ lơ tiếng dế từ khi nào. Mình coi tiếng dế như tiếng nó cần phải có của đêm nên lắm khi không để ý dế đang kêu. Đọc xong bài thơ ấy thấy yêu đêm Tây Nguyên vô vàn. Những con dế, chúng cứ kêu lít chít luỵt chuỵt tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp ong ong bên tai. Bên cửa sổ, ngoài vườn có một gò mối. Lấy một hòn đá ném lên đó, có tiếng tuyền âm thanh đều như quân cờ Đô-mi-nô đổ rồi lặng ngắt. Cứ như bọn mối nín thở, dừng việc gặm nhấm để nghe ngóng hành động của con người.
   Quay trở lại với câu thơ của nhà báo Lê Minh Quốc, câu thơ ấy không những đúng với Đà Lạt mà gần như đúng cho cả Tây Nguyên. Lâu lâu vẫn có bạn Facebook nhắn tin bảo Tây ơi, nhớ tiếng dế inh tai mà dai dẳng ở Buôn Ma Thuột quá. Tiếng mà họ nghe là tiếng của dế trong phố. Tiếng dế ở vùng thôn quê Tây Nguyên dường như còn vang vọng hơn. Màn đêm nhẹ nhàng buông, sương lả lướt rơi trên lá cành, tiếng ve gọi đêm vừa mới dứt một chút là những chú dế hắng giọng ở khắp khơi. Ở vùng xa phố thị vắng xe cộ nên đàn dế độc xướng trong đêm. Âm thanh cứ như thể phát ra ở dưới cái gối của mình thì làm sao mà ngủ được? Ấy thế mà dân xứ núi ngủ vẫn ngon vì đó là âm thanh họ không muốn thiếu nếu xa nhà. Bởi đêm không tiếng dế thì Tây Nguyên không còn là Tây Nguyên nữa. Tiếng dế như là tiếng ngáy của mặt đất Tây Nguyên sau một ngày nâng đỡ cho những bàn chân đi bươn chải kiếm sống. Những bước chân liêu xiêu của kẻ đang chịu cảnh điêu đứng vì giá nông sản bấp bênh, bước nhảy của người hạnh phúc vì nhận được niềm vui, bước đi đều của quân nhân gìn giữ đất, tất cả đều đè lên mặt đất thân yêu. Đêm về, đất mượn tiếng dế để thay lời muốn nói với con người.
Đọc thơ của lữ khách Lê Minh Quốc trong đêm tiếng dế kêu có nhiều cảm xúc quá.
ĐÊM ĐẦU TIÊN NGỦ TẠI ĐÀ LẠT
Đêm nằm ngủ với dế giun
Sương rơi tôi uống giọt buồn lạnh môi
tiếng gà khản giọng bên đồi
tôi đi. Tôi đứng. Tôi ngồi mộng du
bốn bề cây cỏ hoang vu
tôi nằm ngủ với mùa thu một mình
chém cha mắt liếc đa tình
hôn Đà Lạt giữa chập chùng sương đêm
hôn ngọn cỏ mướt chân thềm
hôn ngôi sao đứng khóc trên đỉnh trời
và hôn từng giọt trăng rơi
tôi hôn tôi chạm môi tôi lúc nào?
đêm nằm ngủ giữa đồi cao
thơ ghi trên cỏ xin trao tặng người
khi vừa đến tuổi ba mươi
tôi gặp Đà Lạt biếng lười phục sinh
No comments

Sunday, September 7, 2014

SUY NGẪM NHÂN DỊP TRUNG THU

  Có thể lúc tôi gõ bài viết này thì ở một đất nước theo đạo Hồi nào đó có một đứa trẻ bị mẹ hoặc ông bà ngoại giết hại vì bé là con hoang. Cầu mong những điều mới gõ là không có. Báo chí thống kê rằng năm 2013 ở Pakistan có khoảng 1100 trẻngoài giá thú bị giết chưa đầy 45 phút sau khi sinh. Bệnh viên chỉ cho gái chửa hoang sinh nở ở đó nếu gia đình cam kết sẽ tự tay giết đứa bé chứ bác sĩ không “làm giúp” điều này. Đã có lắm cảnh người mẹ trẻ lầm lỡ nước mắt lưng tròng, cắn răng bóp cổ đứa con mình mới đau đớn sinh ra. Kinh! Mới đọc đến đó thôi mà thấy luật trong đạo Hồi hà khắc đến cỡ nào.
   Việt Nam chúng ta, nghe kể, cũng có một thời gái chửa hoang bị cạo đầu, bôi vôi, thả trôi sông. Nay ta thoát cảnh ấy, thâm chí bây giờ có nhiều mẹ chồng tương lai xúi con trai “dui” con gái nhà người ta đi. Nếu có thai thì mới cưới, nếu không thì thôi. Họ sợ lấy phải gái mắc chứng vô sinh. Kết hôn rồi mà bỏ thì thương mà vương lại chẳng có cháu nối dõi. Có lấy người khác thì con trai họ vẫn mang tiếng một đời vợ rồi. Cô dâu chui cửa sau nhưng bố mẹ vẫn cười tươi hơn hớn trong lễ cưới là chuyện thường tình. Quan điểm nay đã thoáng đến như vậy rồi mà đi suốt chiều dài đất nước, chúng ta không khó để có thể viếng những nghĩa địa hài nhi. Số nấm mồ nhiều đến chóng mặt. Đó là chưa nói đến sự thật rằng mỗi một nấm mồ là tầng tâng lớp lớp các cháu dược xếp lên nhau vì quỹ đất hạn hẹp. Tất cả các cháu hầu như đều là kết quả của những cuộc tình vụng dại và bố mẹ các cháu phá đi khi còn ở trong bụng. Không hiểu nổi! Không hiểu là vì sống trong thời đại phương pháp ngăn ngừa nhiều, trình độ dân trí cao, xã hội hô hào hướng thiện mà tồn tại sự thật đau đớn ấy.
  Nói vậy chứ vẫn có cha Bông ở mãi đâu đất An Giang, bố Thực ở Nghệ An và nhiều người khác không lập gia đình mà tình nguyện nuôi những đứa trẻ bất hạnh như con của mình. Tự dưng thấy họ vĩ đại. Ngược lại, có những kẻ đội lốt vĩ đại để kiếm tiền bằng cách mua bán trẻ em, ấy là chuyện ở chùa Bồ Đè trên đất ngàn văn hiến. Cuộc sống lắm khi buồn cười thật, có kẻ xé toạc niềm tin để rồi phát sinh người vá víu.
   Đâu đó vẫn còn tồn tại cuộc tranh cãi rằng có nên tiêm liều thuốc nhân đạo cho các cháu bé mắc chứng bệnh nan y chết để các cháu không phải sống lay lắt, chịu đựng những cơn đau khủng khiếp không. Còn đó nhiều y bác sĩ đang cố gắng cấp ghép thụ tinh nhân tạo cho những cặp vợ chồng đang khát khao tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ.Trẻ em dễ thương, đáng yêu thế cơ mà. Và dưới đây là hình ảnh tuổi thơ. Cảm ơn thiên chức của nghệ thuật nhiếp ảnh nhé!

Tác giả ảnh: Nguyễn Hà 
Tác giả ảnh: Kẻ Lông Bông
Tác giả ảnh: Nguyễn Bình
Tác giả ảnh: Khánh Khùng
Tác giả ảnh: Khung Long
Tác giả ảnh: Ngọn Lửa Già HP
Tác giả ảnh: Le Hoan
-Tác giả ảnh: Nguyễn Kiều Phương
Tác giả ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng
Tác giả ảnh: Phan Lâm
Tác giả ảnh: Vũ Thành Chung
Tác gả ảnh: Huỳnh Ngọc Chung
Tác giả ảnh: Trần Bảo Hoà
Tác giả ảnh: Trần An
Tác giả ảnh: Trần Thi
Tác giả ảnh: Tuan Tran
Chúc các em nhỏ nhân dịp Trung Thu vui khoẻ, hay ăn chóng lớn nhé!
Buôn Ama Thuột, tết Trung Thu năm Giáp Ngọ 2014
Tây Nguyên Xanh
No comments