Hết mùa thu hái, rẫy cà phê nhìn xơ xác tiêu điều. Đầu cành
loe ngoe vài ba cái lá, mùa khô bắt đầu đến độ tàn khốc nhất trong năm. Mùa mới
xong, cây nào cho năng suất thấp, chủ rẫy thấy ghét thì “lôi ót” lên hết. Ấy là
Tây đang nói đến lý do của việc nhổ cây để tái canh vào mùa mưa.
Tác giả ảnh: Trương Văn Trung |
Những ngày mùa khô này, nếu các bạn đi dạo các rẫy các phê
mà nghe tiếng rồng rộc như ai kéo cuộn dây xích thì đích thị là tiếng nhổ cây.
Dụng cụ nhổ cây như trong ảnh trên. Với ba người cùng một tổ nhổ là khỏe nhất
vì hai người kéo xích lôi cây lên, người còn lại chặt rễ bên dưới cho dễ lôi.
Nhổ có thể lâu hoặc nhanh tùy vào lúc trồng trong hố nông hay sâu và cũng do khả
năng đầu tư của chủ rẫy nữa. Đầu tư mạnh thì cây phát triển tốt nên rễ cắm sâu
vào đất, nhổ rất mệt. Người kéo nhiều khi phải đu lủng lẳng lên dây xích mà
thân cây không nhúc nhích gì. Đừng tưởng người chặt rễ khỏe nhé, rễ to và nhiều
nên chặt phờ phạc luôn. Ba người luân phiên công việc cho nhau. Đi nhổ cây mà chỉ
có hai người thì “ốm đòn”. Nhọc lắm!
Thường thì hai nhà chung nhau một bộ thiết bị rồi đi nhổ
thuê với giá mười nghìn cho đến mười hai nghìn một cây và gốc cây đó thuộc về
người nhổ thuê. Sau nay cái gốc cây ấy được bán củi với giá tám nghìn một cây
hoặc phân theo khối của xe ô tô. Nói chung là ba đấm cũng bằng một cái đạp. Bán
theo gốc hay theo khối đều như nhau cả thôi. Chủ rẫy chỉ việc chặt trụi cành lá
trên cây để cho người làm thuê tiện nhổ. Người nhổ thuê đi soát từng hàng một.
Cây nào trụi lơ là nhổ cây đó.
Nhiều chủ rẫy tiếc củi gốc cà phê, muốn đem về bán nên chỉ
thuê người cùng nhổ với mình thôi, còn thiết bị đi thuê với giá năm mười nghìn
đồng một ngày. Tính ra tiền bán gốc có khi đủ hoàn vốn thuê người nhổ. Vậy là
huề. Cái lời của người sắm đồ nhổ thuê đó là tiền bán củi gốc cà phê đấy. Thời
gian này có nhiều nhà xin nông trường cho phép nhổ những rẫy đã canh tác gần
hai mươi lăm năm. Họ đã về hưu rồi nhưng vẫn nhận lại vườn cây làm dưới dạng hợp
đồng. Họ được phép bán lô đất của mình cho ai có nhu cầu làm công nhân của nông
trường. Thường thì đất trống dễ bán giá cao hơn là lô đất có sẵn cây cà phê.
Mùa khô ở Tây Nguyên nhiều việc lắm đấy, ai siêng thu nhập cũng bộn.
Gốc cà phê già trên hai mươi năm, to, có ụ nổi đẹp thì được
mua với giá ba trăm nghìn đồng một gốc để về làm đồ mỹ nghệ. Các gốc còn lại đa
số chỉ mười nghìn đồng một gốc là giá quá cao rồi. Các nhà buôn thường mua gốc
cà phê về đốt lò làm than hoặc dùng trong các lò nấu rượu. Than củi cà phê có
nhiệt lượng cao, tro nặng và mịn, ít bay, sạch bếp nên được chuộng. Nghe nói đem
bã cà phê trên phin sau khi pha chế đi đóng thành bánh làm than cũng cháy tốt lắm.
Tây Nguyên Xanh chưa kiểm chứng chuyện này. Nếu thế thì dùng bột bã ấy làm bột
hương giống như bã mía được không nhỉ? Vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại vừa giảm
chi phí cho lĩnh vực kinh doanh tín ngưỡng.
Mấy ngày hôm nay buổi sáng có mưa dập dập nên tinh thần
chung là trong tết, nông dân cà phê phải tập trung tưới đuổi cho cây đủ sức
bung trọn vẹn lứa hoa đầu tiên. Lứa hoa này quan trọng nhất, quyết định nhất đến
sản lượng mùa cà phê 2015 tới đây. Do vậy việc nhổ cà phê phải chờ ra năm rỗi
rãi, hoa lứa đầu đã tàn mới làm được. Là mình đang nói huyện Krong Pak của mình
thôi, các nơi khác của Tây Nguyên thì không rõ. Nếu tưới trong tết thì có lẽ
khi các bạn nhiếp ảnh gia đến tham dự lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 vào
tháng 3 tới đây sẽ không gặp mùa hoa cà phê nở đợt đầu. Hoa có ba đợt nở nhưng đợt
đầu là nhiều nhất.
Buôn Ama Thuột, 3/2/2015
0 comments:
Post a Comment