Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, October 11, 2015

TƯỜNG THUẬT MÙA THU HOẠCH CÀ PHÊ 2015 - Kỳ3: ĐỔI MÚI GIỜ SINH HOẠT CỦA HỘI NƯỚC CHÈ XANH

October 11, 2015

Share it Please
Còn nhớ, ngày bé tẹo, Ba nhủ mình xuống mời bác nọ lên nhà uống “nác chát”. Và sau đó thì mình cũng kịp hiểu nác chát trong tiếng Nghệ Tĩnh có nghĩa là nước chè xanh. Có lẽ vì lá chè tươi bị vò vát rồi ngâm trong nước nóng một thời gian cho ra thứ nước có vị chát nên được gọi là nác (nước) chát. Người Nghệ Tĩnh có một câu nói rất hay, ấy là “Ở mô có ló (lúa) thì ở đó có dân choa”. Đất Tây Nguyên màu mỡ như thế, không có người Nghệ Tĩnh mới lạ. He he. Vâng, cái đứa đang gõ bài viết này là một người sinh ra ở Tây Nguyên nhưng quê cha đất mẹ ở Nghệ An. Những người sống trong nền văn hóa ven bờ sông Lam, ai cũng biết hội nước chè xanh. Người ở vùng thôn quê Nghệ Tĩnh ghiền thứ nước này như kiểu dân trí thức ở thành phố thích uống cà phê mỗi sáng. Uống một mình cũng buồn nên họ có thói quen mời hàng xóm sang cùng uống và tỉ tê tâm sự. Hội nước chè xanh ra đời từ đó. Khi “cuốn chiếu vào Nam” làm kinh tế mới, họ đã đem trọn vẹn hồn quê vào đây.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
Ban đầu hội chỉ gồm những người Nghệ Tĩnh xa quê thôi nhưng do Tây Nguyên là nơi tứ phương hội tụ nên lâu dần có thêm nhiều người khác vùng văn hóa nữa. Bình thường hội họp vào khoảng sáu giờ sáng. Các cụ uống no nước nậy cái đến khoảng bảy giờ thì ai về nhà nấy. Hôm nay uống nhà này thì ngày mai đổi sang nhà khác. Các thành viên trong hội cứ thế luân phiên nhau. Nhưng mùa cà phê hằng năm, múi giờ sinh hoạt của hội được thay đổi.

 Những ngày đầu mùa như thế này, hội họp vào buổi trưa. Bởi vì tránh nắng nóng nên buổi sáng người ta đi hái cà phê từ sớm và buổi chiều đi hơi trễ một chút. Họ tranh thủ hội họp vào buổi trưa. Lịch họp hội bị chuyển vào buổi tối khi cả xóm ăn trưa và nghĩ luôn tại rẫy. Lúc ấy, đã phải thuê nhân công rồi. Nội dung trong các cuộc trà dư tửu hậu chỉ toàn tiên đoán sản lượng thu được trong mùa, khen cặp người hái thuê hôm nay ngon hay dở và từ đó giới thiệu hoặc xin số điên thoại của các cặp nhân công khác. Khi nào “chợ nhân công 2015” bắt đầu họp trên toàn Tây Nguyên, mình sẽ kể cho bạn biết vì sao người ta có nhiều số điện thoại của nhân công đến vậy.

Ngày xưa, người ta om chè trong cái ấm tích như ảnh bên trên và cái ủ ấm cũng tròn trịa như thế. Ở Tây Nguyên, những thành viên của hội phải đóng cái thùng gỗ có xốp bên trong để ủ được cái ấm to gấp đôi cái ấm đun nước thông dụng trong nhà các bạn. Họ phải căn lượng nước làm sao mà chỉ om một lần nhưng đủ cho khoảng mười hai khách, mỗi vị uống ít nhất hai ly và phải đủ cho chủ nhà có nước uống sau hai bữa cơm còn lại trong ngày. Có lẽ vì thói quen phải tích trữ thức ăn cho mùa mưa bão nên món gì có thể muối chua thì họ làm. Đồ muốn để được lâu thì phải ngâm nhiều muối. Do quen ăn mặn cho nên “đọi nác” của họ cũng phải đầy mới đã cơn khát được. Vì vậy, Cơm phải đầy bát, nước phải sắp tràn ly mới được cho là mến khách. Hôm nọ, Tây mải ngắm nhan sắc của anh chàng nọ nên rót nước tí nữa thì tràn uống đùi anh ấy. Phải lấy cái lý ấy để bào chữa đấy. he he.
Buôn Ama Thuột, 11/10/2015
Tây Nguyên Xanh
Để xem các kỳ trước, các bạn bấm: Kỳ 1,  Kỳ 2

2 comments:

  1. Viết nhiều thế nên nhận đăng quảng cáo kiếm chút xiền uống trà em ạ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vấn đề là không thấy muốn được đăng quảng cáo trên trang em. anh ạ

      Delete