Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, December 27, 2015

BÁNH TRÁNG TÂY NINH

December 27, 2015

Share it Please
Bốn năm ở Quy Nhơn, mình đã từng bị ám ảnh bởi tình yêu bánh tráng (bánh đa) của người hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Về Tây Ninh sống, mình còn thấy lạ lùng hơn nữa. Người Tây Ninh ăn bánh tráng như kiểu chúng ta thích cắn hạt dưa, hạt dẻ hoặc hướng dương trong ba ngày Tết ấy. Cứ buồn buồn là kiếm bánh tráng chấm muối tôm ăn luôn. Tuần đầu tiên nhận việc, cấp trên chuyển mình xuống tuyến dưới làm chung với anh em đi ca rồi mới vào văn phòng chính. Đến là thương cho anh em đi ca, họ ngại mình mách lẻo với sếp tổng kho nên lén lút ăn bánh tráng. Bánh tráng này mỏng còn hơn loại chúng ta dùng nhúng nước để cuốn với rau và thịt luộc. Nó mỏng đến nỗi cứ bỏ vào miệng là mềm ra ngay ấy. Khi một cái gì đó được sử dụng ở mức độ bằng mọi giá phải có thì các bạn hình dung ra tình yêu của người Tây Ninh với bánh tráng như thế nào rồi đấy.

Ruộng Tây Ninh không được màu mỡ cho lắm nên hạt gạo làm ra chỉ đủ nấu cơm thôi chứ ít khi dùng làm bánh. Thế mạnh của Tây Ninh là củ mỳ (sắn) nên đi đâu cũng gặp bánh tráng mỳ. Tây Ninh có thương hiệu bánh tráng phơi sương Trảng Bảng cực kỳ nổi tiếng. Tây Ninh quanh năm có sương khá dày vào ban đêm. Bánh tráng sau khi phơi khô thì được nướng rồi đem đi phơi sương. Cái tấm liếp đựng bánh ấy được thường được đặt trên luống rau vừa được tưới lúc chập tối để bánh hấp hơi nước đều hai mặt. Bánh tráng này dùng để cuốn rau.
Chái bếp quê - tác giả ảnh: Lê Duy
Tuy nhiên, có một loại bánh tráng phơi sương nữa nhưng mà không trải qua giai đoạn nướng. Hôm vừa rồi, đồng nghiệp chở mình vào thị trấn Gò Dầu ăn bánh tráng chấm sốt me. Nghe tên, ban đầu mình nghĩ nó sẽ cuốn với cái gì đó rồi chấm sốt me cơ. Ai dè không phải, nó đơn giản chỉ là bánh tráng sau khi phơi khô thì đem đi phơi sương cho nó mềm ra và cứ thế chấm với nước sốt me chứ chả ăn cùng thứ gì nữa hết. Ấy vậy mà ghiền đó nha. Do bánh tráng đang ở độ khô giòn được phơi sương nên các lỗ khí trong bánh bị nhíu lại, bánh bền chặt hơn. Trong lúc ăn, nước bọt tiết ra hòa quyện với cái sự dai dai, mềm mềm kết hợp vị bùi của lạc đâm nhỏ, vị chua của nước sốt me chín, cứ phải gọi là ngồi xỏ rễ ở quán luôn.

Chưa hết, khắp các tạp hóa ở Tây Ninh đều bán la liệt bánh tráng đỏ choe đỏ choét hoặc có chấm đỏ. Ấy là bánh tráng ớt và bánh tráng tôm. Những loại bánh tráng này không ai nhúng nước bao giờ cả, Cứ thế nhai bỏm bẽm thôi. Tây Ninh là xứ trồng ớt nên dân tình khá chuộng loại quả có vị cay này. Người ta hòa vào bột một nắm muối ớt rồi tráng bánh lên. Nhà có điều kiện thì rắc tôm khô giã nhỏ lên bánh vừa mới tráng rồi đem đi phơi.


Các loại bánh tráng mè (bánh đa vừng) bằng bột gạo ở Tây Ninh cũng có nhưng nghe chừng không dân dã như bánh bột mì. Còn nhiều loại và cách ăn bánh tráng khác nữa. Tây cứ viết đại khái thế đã. Để Tây sống lâu lâu ở đây rồi hóng được gì lại biên tiếp cho các bạn hiểu về Tây Ninh hơn chút. Tạm thế đã, hôm sau biên về văn hóa dùng muối của người Tây Ninh. 
Tây Ninh, 27/12/2015
Tây Nguyên Xanh

3 comments:

  1. Bánh tráng và bánh canh Trảng Bàng nổi tiếng. Có lần đi thăm Củ Chi, bác tài không ngại mua thêm 40 cây số đường để đến Trảng Bàng ăn bánh tráng. Ấn tượng nhất là đĩa rau sống để cuốn kèm. Nhiều thứ không có tên, chỉ ở Tây Ninh mới có. Nhìn đã thấy ngon! Không rõ bạn Tây xuống Tây Ninh làm báo hay dạy học!

    ReplyDelete
    Replies
    1. dạ cháu làm nhân viên máy tính trong công ty dệt may bác ạ

      Delete
  2. Hau chơi FB và Bloc Blac cũng có lợi cho công việc đấy chứ! Tha hồ có vải đẹp, áo quần "mốt"...Đề nghị Giám đốc cho làm trưởng phòng NHUỘM để sử dụng kiến thức Hóa kẻo phí...He he he

    ReplyDelete