Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, March 21, 2015

HÌNH NHƯ

Hình như anh vẫn bước trên con đường ấy
Chờ đợi em và muốn thấy dáng em
Hình như anh vẫn nhớ kỉ niệm ngày hôm ấy
Anh nắm tay em bên thềm và nói lời yêu thương
Hình như không gian còn phảng phất
Hơi ấm nồng nàn của những nụ hôn say
Hình như nỗi nhớ đang dày vò hai đứa
Hình như lệ ướt mi cho mắt em cay.
Buôn Ama Thuột, 21/3/2015
Tây Nguyên Xanh
***

Hôm qua , 20/3, ngày Quốc Tế Hạnh Phúc, có chùm ảnh gia đình sói trong rừng rất tình cảm quên đăng nên giờ đăng bù. Cơ khổ, ngày hạnh phúc mà lòng người hâm thôi rồi. Biên thơ buồn thõng thượt he he. Nhớ người yêu nên biên như thế đấy các bạn ạ. Ảnh của tác giả Burrard Lucas. Hãy hạnh phúc nhé những người tôi yêu




2 comments

BƯỚM SÂU MUỒNG ĐÃ VỀ VỚI TÂY NGUYÊN

   Đồng bào đang có máy ảnh chú ý! Trưa nay, Tây vừa để ý không gian và thấy bướm đã bay với mật độ loãng khoảng 3 con trên một mét khối không khí. Khoảng hai mươi ngày nữa thì chúng ta tưởng chừng như có thể vốc bằng tay, đi giữa đường, cánh bướm đánh vào má của chúng ta. Kỳ lạ thay, nhiều như thế, tưởng là bắt được chúng lúc bay thế mà không được. Muốn hiểu cảm giác mệt nhoài vì “theo ong bướm” thì dành tiền đến với Tây Nguyên mùa này, bạn ơi! Hiện tượng bướm sâu muồng hay còn goi là bướm xanh bay ngợp trời chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm và trong khoảng hai tháng trước khi mùa mưa chính thức bắt đầu.
Tác giả ảnh: Hòa Carol
   Người Tây Nguyên quen gọi là bướm sâu muồng vì nó đẻ trứng ở cây Muồng Đen (Muồng Xiêm) chuyên che bóng mát cho cây cà phê. Nó chỉ đẻ trứng trên cây muồng chứ không đẻ trên lá cà phê. Sâu cũng chỉ ăn lá muồng chứ không ăn lá bất kể cây nào khác có trên mặt đất. Thế mới tài! Sau khi sâu nở ra, nó ăn vỏ trứng rồi gặm nhấm hết lá cây muồng trong những ngày đầu mùa mưa nên dân gọi là sâu muồng. Sâu muồng không gây ngứa, nó thân thiện với da tay của con người. Nhộng muồng và sâu muồng xào sả ớt là một món ăn giúp cho anh em dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tăng sức đề kháng sốt sét trong mùa mưa đấy nhé. Đó là văn hóa ẩm thực của họ. Đừng ai dùng thuật ngữ “kinh dị” áp đặt vào nhé.
Bướm bay đi tìm nước uống và thường sà xuống thành đàn rất đẹp trên đất ẩm ướt. Vì thế các bạn chụp ảnh chịu khó ra vùng ngoại ô thành phố khoảng 20km, tìm mép sông, mép suối để chụp. Nếu không thì các bạn vào nhà dân xin nước rồi tưới lên nền đất – nơi mà các bạn muốn chúng đậu. Kiên nhẫn chờ đợi bướm cảm nhận hơi nước từ đất bay lên rồi chúng sẽ đậu. Bướm dễ đậu nhất là lúc ban trưa nắng gắt nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc các phó nháy và người mẫu có thể bị say nắng hoặc cảm sốt vì nghịch nước dưới nắng nóng.

   Chắc nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và mừng ngày Giải Phóng đã có nhộng sâu muồng rồi. Nói như thế để các bạn biết mà chuẩn bị đến Tây Nguyên vì lúc đó bướm bắt đầu ít dần, thay vào đó là sâu rơi đầy đường. Riêng với Tây thì năm nay Tây muốn có ảnh bướm đậu để minh họa cho kỳ cuối cùng của seri MÙA TƯỚI CÀ PHÊ. He he. Tây có nhời xin ảnh trước nhé!
Buôn Ama Thuột, 21/3/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, March 20, 2015

THÔNG BÁO KHẨN VỀ CON KHỈ ĐUÔI LỢN Ở SƠN TRÀ ĐANG XÔN XAO DƯ LUẬN


Hai ngày qua, có rất nhiều tin tức liên quan đến 1 con khỉ trên đỉnh bàn cờ, với rất nhiều tin tức trên báo, Cilp...tràn ngập trên mọi phương tiện, và những thành viên trong group mình cũng rất quan tâm. Do vậy, mình xin viết vài dòng sau những gì mình đã quan sát và ở lại trên đỉnh bàn cờ để quan sát bạn khỉ này. Hy vọng 1 lần nữa, mọi người sẽ có thông tin chính xác nhất và rỏ ràng nhất về bạn khỉ này.
Bạn khỉ này tên là Khỉ đuôi lợn phía bắc (tên tiếng anh: Pig-tailed macaque), sống trong các khu rừng tự nhiên theo kiểu gia đình. Con khỉ này là 1 cá thể đực trường thành. Theo quan sát về tập tính, cá thể này chắc chắn được ai đó nuôi nhốt khá lâu và tải thả về rừng Sơn Trà. Tuy nhiên, ở Sơn Trà không có loài khỉ này sinh sống (Chỉ có duy nhất loài Khỉ Vàng). Do đó, cá thể này bị cô lập, đơn độc, và không quen với việc tự tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên. Vì đã bị nuôi khá lâu, nên cá thể này đã quen với những thức ăn có sẵn và sự thân thiện với con người. Do đó, việc con khỉ rất dạn, tiếp xúc gần với du khách là điều rất dễ hiểu.
Vì đâu có những tin tức về "Khỉ thành tinh", "Khỉ cắn người", "Khỉ thích tấn công phụ nữ", "Khỉ lạ"...? Đó là chiến thuật của báo chí và truyền thông. Nếu ai đó viết "Con chó cắn người" thì sẽ không có ai đọc tin tức đó. Nhưng đổi lại cái TIT "Hi Hữu Người Cắn chết hàng loạt con chó" thì sự việc trở nên ghê ghớm. Và chuyện con khỉ đuôi lợn ở Sơn Trà - cũng gần tương tự như vậy. Đừng tiêp cận vấn đề ở hướng đỗ lỗi cho con khỉ, cho sự lạ lùng hay thành tinh...
Nếu đúng, chúng ta nên làm gì đó để mọi người được yên tâm, hiểu được lý do, và cảm nhận được sự gần gủi với thiên nhiên và thiên nhiên cũng rất thân thiện với con người. Các loài động vật hoang dã không bao giờ chủ động tấn công con người trong mọi trường hợp. Như vậy, chúng ta đã làm gì sai?
- Thứ 1: Khi đi du lịch ở các khu rừng tự nhiên, không nên mang theo thức ăn và cố tình cho động vật ăn
- Thứ 2: Không gây ồn ào, la ré, còi xe, nẹt pô....làm động vật mất bình tĩnh, lo sợ, và có phản ứng tự vệ
- Thứ 3: Tuyệt đối không được cố gắng tiếp cận gần với động vật, không dùng tay sờ lên người động vật, hoặc dùng vật cứng để ném, xua đuổi....
- Thư 4: Hãy luôn là du khách thân thiện, đi nhẹ, nói khẽ, chỉ nhìn, ngắm và cảm nhận...
Với con khỉ đuôi lợn đang ở trên đỉnh bàn cờ. Hãy tạm thời không lên khu vực này, và đợi cho lực lượng kiểm lâm bắt được cá thể này và di chuyển đến khu vực khác an toàn. Đừng cố gắng hiếu kỳ, gây hoảng loạn cho động vật, rồi bị phản ứng tự vệ của nó làm cho bị thương rồi kêu gào - đỗ lỗi.

Bài và ảnh của nick Facebook Tuan Greenviet.
4 comments

Wednesday, March 18, 2015

DUYÊN TA NHƯ RỨA... BUỒN KHÔNG HỠI NGƯỜI?

Sông Lam - Tác giả ảnh: Quốc Đàn
   Vì cái câu kết ấy của bài hát Thương Về Xứ Nghệ mà mình đã có những ngày nghỉ lễ thang thang khắp Quy Nhơn để nghe cái tiếng “rứa” đậm chất Bắc Miền Trung. Những hôm đó, mình ra cây ATM rút tờ tiền mệnh giá 100 000 đồng và xài cho bằng hết. Không bao giờ đưa về dù chỉ là một nghìn lẻ.

   Khởi đầu ngày nghỉ lễ luôn ăn sáng ở quán bún trong con hẻm Vy Vy (bên hông đại học Quy Nhơn, tên do sinh viên tự đặt) Hẻm này có vài ba người Nghệ sống. Có một cụ già rồi, chuyên ăn sáng ở đó. Nghe cái tiếng chi mô tê răng rứa của ông cụ mà sướng lỗ tai ghê. Hồi ấy chưa có máy tính, thích tải nhạc nổi trội của tháng trên trang Zing nên ăn sáng xong thì vào quán internet của một chú nói giọng Nghệ để truy cập. Cũng trong con kiệt (hẻm) ấy luôn.
Sông ở Huế - Tác giả ảnh: Nguyễn Đức Liêm
   Trưa ăn ở quán Bánh Canh Bà O, vào đó để được ăn và được nghe cái giọng Bình Trị Thiên êm êm dịu dịu.giữa đất trời Quy Nhơn. Cũng với chi mô tê răng rứa mà nghe hắn ngọt hơn giọng Nghệ của mình. Ăn xong lại đạp xe về cổng phụ chùa Minh Tịnh để uống nước mía do một người phụ nữ Hà Tĩnh bán. Cái xưởng gỗ chuyên tiện nạng và gậy chống ngay trước cửa chùa ấy là của đôi vợ chồng người Hà Tĩnh ấy. Hồi xưa cô chú theo lệnh chuyển công tác vào đất Quy Nhơn này. Hỏi cô rằng người Nghệ mình ở Quy Nhơn có nhiều không cô. Cô nói nhiều lắm, hội người Nghệ ở xứ Nẫu thường họp mặt vào lễ 2/9 hằng năm.
Hồ ở Bình Định - Tác giả ảnh: Phong Thanh Dương
   Uống nước xong, mình vòng vèo quanh thành phố. Lên đường Trần Hưng Đạo ghé nhà sách Đại Chúng. Hiệu này có thâm niên 50 năm cung cấp nghiên mực thư pháp cho dân chơi tranh, chữ ở thành phố. Hiệu do một người gốc Bình Trị Thiên mở. Bình thường muốn mua bút mực danh tiếng của thế giới thì hình như người Quy Nhơn tìm về hiệu này đặt hàng trước tiên. Cái hay của hiệu là vẫn có người nói giọng Bình Trị Thiên để chào khách. Thích tai nên mình mua cái gì đó cho vui. Cái hộp bút của mình có đủ loại văn phòng phẩm là vì thế.
   Chiều tối, đói bụng rồi. Mình ghé quán bún trên đường Lê Lai. Quán này không có ai nói giọng Nghệ hay Bình Trị Thiên nhưng gốc gác tổ tiên của ông chồng ở Nghệ An. Bà chủ quán khoe là cha chồng và má chồng còn nói giọng Nghệ rặt ri luôn á. Hình như họ vào đây sau biến cố năm 1954. Ăn xong, còn bao nhiêu tiền nữa thì hình như ra ngoài bờ biển, mua mấy lát xoài hoặc cóc chấm muối ớt rồi vừa ăn vừa hóng gió. Ôi biển, giá mà cái câu “Tây Nguyên gần biển, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy hải sản” là đúng. Hu hu, nhớ!
   Hôm nay xem người ta phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng về hoàn cảnh ra đời bài hát Thương Về Xứ Nghệ. Nhạc sĩ bảo bài hát được viết lần đầu tiên vào năm 2000, viết được đôi câu và ông cứ để thế. Mãi sau này, khi người ta có ý định làm một tuyển tập những bài hát về xứ Nghệ, ông mới viết tiếp và có tác phẩm cho hôm nay chúng ta nghe.
   Mình “ghét” nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng quá đi. Nhạc sĩ nỡ để cho chàng trai ra xa xứ khi trở về tìm người yêu thì nàng đã đi lấy chồng. Đồng ý là văn nghệ thì phải có tí buồn, tí đau mới làm nên chút lắng đọng. Nhưng mà nghe mấy câu cuối: “Ngày về, nàng đã vu quy. Duyên ta như rứa, buồn không hỡi người” khiến mình nao lòng quá. Nghe cứ như phận gái bọn mình không kiên nhẫn được. Chờ không nổi nên lấy chồng. Đùa chứ đoạn kết ấy đã tôn vinh niềm đau đáu và tình yêu quê hương trường tồn với thời gian. Nhớ quê hương như nhớ người yêu cũ. Buồn lắm, nhớ lắm nhưng không trách cứ gì cả. Không có quê hương bản quán, ta biết giấu buồn và nước mắt vào đâu?
Buôn Ama Thuột, 18/3/2015
Tây Nguyên Xanh


2 comments

Sunday, March 15, 2015

KỂ KHỔ DÙM CHO CÁC PHÓ NHÁY


   Hầu như bài viết nào trên Facebook và Blog của Tây đều có ảnh minh họa. Cái blog của Tây cài đặt đoạn mã trong bảng code giao diện cho phép hiển thị ảnh nhỏ ở mục bài viết mới, nếu không có ảnh tích hợp trong bài viết thì mục ấy nom xấu lắm. Còn với Facebook, do truyền thống của làng chơi mạng xã hội này là xem ảnh rồi đọc lời và hơn nữa tính năng ẩn bớt những trạng thái cũ trên dòng thời gian khiến Tây sợ một lúc nào đó tìm lại không có nữa nên phải dùng ảnh như một hình thức lưu bài viết. Khi cần chỉ cần lục album ảnh là ra. Tây  không có máy ảnh nên phải đi chôm ảnh của mọi người. Chẳng qua đăng lên Facebook, sợ tác giả ảnh hò hét tẩy chay kẻ ăn trộm nên ngoan ngoãn ghi tên tác giả và nguồn ảnh thôi. Hã hã.

   Hôm nay, 15/3, là ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam. Chả nhẽ há mõm chúc các bạn đang-dùng-máy-ảnh-để-làm-nên-nghệ-thuật những câu đại loại như sức khỏe dồi dào, nhể? Sáo rỗng bỏ mẹ ra, các bạn nhể? Thôi thì kể khổ dùm các bác phó nhòm nhá. Rằng thì là mà, nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật tốn tiền, tốn thời gian, hao sức khỏe.

   Vì sao tốn tiền? Thì đây, các bạn nom cái ảnh bên trên đấy. Phải tốn tiền mua máy ảnh. Sá gì chuyện máy ảnh, mua ống kính để chụp những đối tượng mình cần mới đáng lưu tâm kìa. Chụp chim muông, trăng gió, phong cảnh trên trời hay những con côn trùng bé tí tị ở dưới đất đều phải dùng ống kính thu nhỏ hoặc phóng đại. Các chi phí xe cộ để đến địa điểm chụp cũng phải tốn chứ. Xăng dầu chứ có phải nước lã đâu. Đến nơi hội hè chụp ảnh thì cũng tốn tiền ăn ở chứ.
   Những khi cần chụp toàn cảnh một nơi nào đó, ngày xưa các nhà làm phim và các anh phó nhòm phải thuê trực thăng để tác nghiệp. Nay đã có thiết bị Flycam hay BeetleCopter để tác nghiệp rồi. 
   Những thiết bị này đem camera bay theo hướng mà người điều khiển từ xa muốn. Một cái Flycam giá bèo cũng đã ở mức ba mười triệu đồng rồi. Rủi ro lạc mất thiết bị lại rất lớn vì nhiều yếu tố kỹ thuật trong quá trình thực hành. Ảnh trên đây là một cái BeetleCopter của nhiếp ảnh gia Burrard Lucas.
   Thế kỷ 21 này là thời đại hoàng kim của máy ảnh số và cũng là kỷ nguyên của sự giao thoa giữa nghệ thuật nhiếp ảnh và nghiên cứu khoa học. Một vài nhà nghiên cứu cần ảnh của những loài động vật. Họ vào các rừng để chụp ảnh. 
   Có thể họ dùng ống kính dài để chụp, cũng có thể họ dùng xe có gắn ống kính, ngụy trang chạy trên nền đất để tiếp cận động vật ở cự ly cực gần. Thiết bị này cũng điều khiển từ xa. 
   Hậu quả là có lúc do thú rừng hiếu kỳ nên nhiếp ảnh gia bị thú rừng gặm hoặc dẫm gãy vỡ  thiết bị. Tuy nhiên sản phẩm họ thu về là những tấm ảnh mê hoặc lòng người. Khiến người ta yêu động vật hoang dã hơn, nhiều người đi theo tiếng gọi của tình yêu nhiếp ảnh hơn. Về tốn tiền, tạm nói thế đã nhé!
   Còn tốn thời gian thì quá rõ rồi còn gì. Ngồi nắn nót săn cho được góc ảnh xuất thần là cả một sự kiên trì đấy. Nếu như yêu nhiếp ảnh, cứ có thời gian rỗi là đi chụp thì hầu như ngày nào các bạn cũng phải đổ sức cho công việc hoặc cho niềm đam mê. Mà mê thì sẽ mệt. hê hê, tốn sức là thế.
   Tuy nhiên nếu phải mất nhiều như thế để được hòa vào thiên nhiên, gần gũi với các loài động vật thì cũng cũng đáng nhỉ? Chẳng hạn như nhiếp ảnh gia Burrard Lucas, anh đi chụp một gia đình Cầy bốn ngón. Những con Cầy leo trèo, hết ngồi lên ống kính lại leo lên đầu, mò lên lưng anh. Chúng quấy như thế nhưng anh rất vui khoe với mọi người về sự thân thiện đó.
   Một kẻ chuyên chôm ảnh như Tây ấy mà, thích hình đẹp lắm. Viết thì dở nhưng ham được nhiều Like nên dùng tiểu xảo tích hợp hình đẹp ngây ngất vào bài viết để câu View. He he. Nói không phải khoe chứ Tây cũng chịu khó theo dõi biến động của làng chơi ảnh trong một tháng để ngày cuối cùng hàng tháng tung ra một bộ ảnh đấy. Úi giời, viết lách dài lê thê, may ảnh của các bạn phó nháy đẹp nên còn có lượt xem. He he.
   Cái đẹp không bao giờ bị ngăn trở bởi ngôn ngữ và sắc tộc. Lại khoe tiếp với các bạn rằng năm nay Tây đã sưu tầm được một bộ ảnh văn nghệ dân gian của Indonesia. Tây thích văn hóa dân gian, thích ảnh đẹp. Vừa hay, có một bạn Indonesia đăng ảnh văn hóa cổ truyền của quê hương bạn ấy. Thế là Tây có ảnh. He he. Tiếng Anh tuy dốt nhưng nhờ Google Dịch mà bọn tớ hiểu nhau phết đấy.
   Có những cặp vợ chồng quen nhau và lấy nhau sau các chuyến đi “phượt”. Họ đều thích chinh phục thiên nhiên và dùng nhiếp ảnh để ghi lại chứng tích. Khi họ cưới nhau, Tây hỏi vì sao mà anh gặp được chị. Chú rể khai thật, Tây mới biết đó. Hiện nay có rất nhiều đôi vợ chồng đều chơi ảnh. Cuối tuần, cả đôi đi du hý khắp nơi. Tối về đăng ảnh lên Facebook. Bạn bè phương xa ngưỡng mộ, hẹn gặp nhau giao lưu. Nhờ mạng xã hội và nhờ nhiếp ảnh mà họ có rất nhiều bạn cùng chí hướng.
   Tuy nhiên, còn đó những chuyện buồn. Lâu lâu ta được nghe ai đó phát biểu rất hồn nhiên thể hiện sự “cố tình mù mờ” về luật sở hữu trí tuệ. Đạo ảnh, đạo ý tưởng ảnh là những từ khóa phổ biến trên thanh tiềm kiếm Google. Hy vọng nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có nhiều thành tựu hơn nữa.
Buôn Ama Thuột, 15/3/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Burrard Lucas
Nguồn ảnh: Burrard-Lucas Photography
No comments