Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, April 4, 2015

THỜI SINH VIÊN NGÓNG HIỆN TƯỢNG THIÊN VĂN

Tác giả ảnh: Duy My
   Nghe đồn chập tối nay có nguyệt thực toàn phần thì phải? Ái chà, tự dưng thích cưa sừng làm nghé quay về đại học Quy Nhơn hoà vào biển người trong sân trường tối nay quá. Hồi xửa hồi xưa, mới có hiện tượng mưa sao băng thôi mà chúng nó bu kín cả công viên và sân trường rồi chứ đừng nói nguyệt thực toàn phần như tối nay. Vui đáo để! Hồi đấy, thuở có mưa sao băng ấy, đâu khoảng năm rưỡi chiều là sinh viên hú nhau đi ăn cơm. Sáu giờ tối, từng cặp ngồi xí chỗ có tựa lưng để hóng sao băng rồi. Hễ xuất hiện một ánh sáng xoẹt ngang giời thì cả lũ vỗ tay như vừa được diện kiến người tình trong mộng. Vêu cả cổ vì ngước mặt lên giời nhưng ưng bụng lắm. Các chàng nhân cơ hội các nàng chỉ chú ý bầu giời để hôn trộm. Các nàng cũng chẳng phải dạng vừa. Biết thế nào bồ của mình cũng “phạm tội” nên tạo điều kiện thuận lợi cho họ sập bẫy rồi phạt các chàng lĩnh án tù chung thân mà tên cai ngục là các nàng. Nói theo ngôn ngữ tình yêu là sống trọn kiếp bên nhau. Báo hại một số chàng sau này không yêu nữa lại phải “chạy án” khi ra trường. He he.

    Lại nhớ lần nào đó, có nhật thực vào khoảng ba giờ chiều. Mình đang ngồi chém gió qua điện thoại với trai ở dãy hành lang giảng đường A5, bỗng nghe tiếng chạy thình thình từ trên lầu xuống. Chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả nhưng thấy người ta chạy thì mình cũng co giò phắn nhanh chứ nhỡ hoả hoạn sập nhà thì có mà lãnh đủ. He he. Một lúc sau chúng nó giành nhau từng mảnh phim chụp X-Quang để nom ông giời. Á, rõ rồi. nhật thực!. Cơ mà tụi con gái được mấy thằng bồ chuẩn bị sẵn kính râm hoặc phim chụp X-Quang để xem. Còn mình chẳng có gì cả, he he, diễn ngay cái mặt tội nghiệp, vêu mỏ ngóng đứa bạn nào quen quen. May thay lần đấy có cô bạn cùng lớp cảm động nên cho coi ké. He he. Sướng thôi rồi. Năm ấy ông giăng chỉ tóm lấy một phần bé tẹo của cụ giời thôi.

   Đến tận năm 2010 mới có công ty cổ phần Tư Duy Mới đấu thầu xây dựng hệ thống mạng internet ở đại học Quy Nhơn vì năm đó sinh viên bắt đầu nở rộ phong trào mua laptop. Nhưng trước đó, sinh viên vẫn hay hóng thông tin bằng điện thoại có kết nối GPRS. Thông tin về các hiện tượng thiên văn lan nhanh lắm. Giống như kiểu hóng tin về hiện tượng thiên văn là truyền thống của lũ làng sinh viên hay sao ấy. Chắc chắn mấy ngày hôm nay, bọn sinh viên đại học Quy Nhơn đã biết tối nay có nguyệt thực rồi. Chắc là cái sân bóng trước ký túc xá C1, ký túc xá C5 đầy ắp người. Căng-tin sẽ bán hàng đắt như tôm tươi. Ngoài công viên Thiếu Nhi sẽ có những đám người vừa ngắm nguyệt thực vừa chơi trò nói thật. Nghĩa là hỏi gì cũng phải trả lời thật nhưng cả bọn giữ kín bí mật cho nhau. Chắc là bờ biển Quy Nhơn sẽ đông vui lắm.
   Thuở sinh viên có những trào lưu mà khi qua thời ấy, ta không tìm lại được.
Buôn Ama Thuột, 4/4/2015
Tây Nguyên Xanh
3 comments

Friday, April 3, 2015

KHI NHỮNG HẠT NẮNG CUỐI CHIỀU SUM HỌP

   Cái hội nước chè xanh buổi sáng do mấy người Nghệ Tĩnh khởi xướng đã có thêm thành viên của các miền quê khác nữa rồi. Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận...đủ cả. Mùa khô, hội ít họp hơn vì chè bị hái trụi mà không có mưa cho nó nhanh mọc. Thành thử lâu lâu mới hái làm nước đãi khách một lần. Hồi mới lập hội, hễ gặp nhau là các cụ đoán thời điểm này ở quê đang diễn ra như thế như thế, Giờ mà ở ngoài ấy, chúng ta sẽ như nọ như kia. Ánh mắt các cụ xa xăm lắm. Nay đã quen với hai mùa mưa nắng, thân thiết với gốc cà phê rồi thì hỏi nhau chốt sổ bảo hiểm chưa, bao giờ đi giám định sức khỏe để làm thủ tục về hưu non. Cả đội sản xuất của nông trường nay chỉ có vài người công nhân nữa thôi. Đa số đã chốt sổ bảo hiểm, tiếp tục ký hợp đồng nhận lại vườn cây để chờ đủ tuổi về hưu. Một năm đóng tiền bảo hiểm xã hội mười mấy triệu, chịu không thấu. Loay quay là đến kỳ nạp. Có đận phải đóng trong mùa giáp hạt, túng thiếu trăm bề. Với lại tâm lý các cụ luôn sợ đóng bảo hiểm đủ năm đủ tháng rồi thì sức khỏe chẳng đủ để hưởng bảo hiểm nữa. Hái cà phê giữa mưa, lạnh run. Đi tưới trong mùa nắng, hơi đất bốc lên nghi ngút thấm vào lỗ chân lông. Tối về đau ê người. Biết có trụ được đến lúc hưởng lương hưu không?!
Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
   Có cụ vung tay chém gió, hỉ hả khoe bà vợ làm giáo viên của mình còn mấy tháng nữa về hưu mà nghe đồn các cụ bên phòng nội vụ huyện hỏi khéo kế toán rằng trường có vợ của ông cụ sắp về hưu mà sao chưa thấy đệ trình giấy tờ gì thế nhỉ. Cái ý cụ muốn khoe là anh em công nhân các trông trường cà phê và cao su thì cố “chạy” về hưu non, còn cánh viên chức và công chức muốn về hưu muộn hơn cũng khó vì...hồ sơ xin việc trong tay cán bộ phòng nội vụ nhiều quá. Năm kia năm kỉa có cô giáo bị tố cáo cố tình sửa tuổi nhỏ hơn để được về hưu muộn. Nghe bảo họ dọa cắt lương hưu của cô ấy mãi mãi. Chẳng biết giờ cô ấy ra sao. Là hội nước chè phao tin thế. Nào ai rõ thực hư.
   Có cụ bảo dạo này đi đâu cũng nghe than thở chuyện mượn cháu về chơi ít ngày. Con cái lập gia thất hết cả. Họ cũng đẻ ít con nên không muốn xa con một tí nào hết. Ông bà thăm cháu vài hôm. Lúc về nhớ quá nên một thời gian sau đến bẽn lẽn xin “mượn” cháu về chơi ít hôm. Các cụ bảo chăm cháu khổ hơn chăm con của mình. Ngày xưa, bố mẹ nó hỗn thì đánh thoải mái. Nay cháu hỗn cũng không dám đánh đau. Sợ nó về mách với bố mẹ. Chúng xót con lại trách ông bà. Cháu ốm, ông bà lo hơn ai hết. Đi bệnh viện nào khám cũng phải hỏi ý kiến bố mẹ nó chứ không tụi nó lại trách ông bà sao không đem đến viện nọ kia cho tốt. Các cụ gật gù thống nhất với nhau rằng thôi thì nhớ một tí còn hơn là sơ sểnh để cháu có chuyện gì lại bị ăn vạ. Thời buổi nhà nào cũng phấn đấu một cậu ấm và một cô chiêu là đủ nên hãi lắm.
   Tự dưng ai đó nhắc đến chuyện ông cụ nhà kia mới từ quê vào. Nghe đâu cụ không ăn tết trong này vì chán quá. Có một lô cà phê bé tẹo, canh tác hơn hai mươi năm nay rồi. Giờ các cụ nghỉ hưu, muốn bán lô. Cô con gái đầu tuyên bố nhà có bốn được đứa. Bố mẹ phải chia tiền cho bốn đứa. Mà cái nhà ấy có năm nào có cà phê trong nhà đâu. Mùa thu hái vừa xong là chủ nợ siết hết cả. Cô con gái này lấy chồng một thời gian sau bỗng dắt cả nhà về xin ở cùng với bố mẹ. Anh chồng cam phận ở rể, chịu khó làm thuê nhưng không đủ nuôi cả nhà. Giờ thì họ thả con cho ông bà nuôi, xuống Sài Gòn kiếm việc rồi. Không biết trong cái đám đình công mấy hôm trước có anh chị ấy không. Khéo họ bất mãn, lại về hằm hè số tiền bán lô của bố mẹ thì khốn.

   Hình như ở tuổi xế chiều, người ta thích nhớ để có hứng “mượn cháu về chơi” hơn là phải nuôi cháu trong khoảng thời gian vô định. Còn phải đi mượn cháu nghĩa là con cái của các cụ còn làm ăn tự nuôi sống gia đình được. Báu gì chuyện nuôi cháu cho con đi làm ăn xa...
Buôn Ama Thuột, 3/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, March 31, 2015

MỘT THOÁNG CÁC LÀNG NGHỀ Ở BÌNH ĐỊNH QUA ỐNG KÍNH CỦA PHÓ NHÁY NGUYỄN HÀ

   Mang tiếng là ở Quy Nhơn bốn năm trời nhưng tôi không hề đến các làng nghề của Bình Định.  
   Khi ra trường rồi, tôi mới biết thương hiệu bún Song Thằn nức danh thiên hạ ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định. Nghe bảo bún ấy làm từ đậu xanh và cái tên Song Thằn là được phiên ra theo thổ âm của người Bình Định. Chính xác là Sông Thần. Con sông thần ấy chính là sông Côn. Tương truyền rằng, vua chúa nhà Nguyễn nghe đồn rằng bún ở nơi đây ăn ngon lắm. Vua triệu thợ rành nghề phải ra Huế làm bún hầu ngự thiện. Nhưng trớ trêu thay, cũng công thức và nguyên liệu ấy nhưng bún không ngon bằng bún làm từ nước sông Côn. Tên gọi bún Song Thằn có từ đó.

   Tôi đã từng mua bánh tráng về biếu bố mẹ. Họ nướng lên hoặc nhúng nước để mời khách. Nghe đến danh bánh trang Bình Định ai cũng xuýt xoa nhưng thú thật tôi tiếc là hồi ấy không biết có làng nghề bánh tráng Trường Cửu (An Nhơn) để tìm về mà mua.

   Tôi được bố ưu ái gọi “con gái rượu” nên mỗi lần về thăm nhà, tôi luôn luôn nhớ mua rượu Bàu Đá cho ba. Ấy vậy mà giờ tôi mới biết làng rượu Bàu Đá ở  An Nhơn.

   Hồi còn là sinh viên, sáng nào tôi cũng ăn bánh hỏi với chào lòng nhưng chưa một lần ghé làng nghề bánh ướt bánh hỏi Nhơn Thuận (An Nhơn) để thấm chất Bình Định tỏa ra trong không gian lò bánh.

   Đã ai nghe câu “An Nhơn lủ khủ làng nghề” chưa nhỉ? Lủ khủ nghĩa là rất nhiều đấy. Nghe bảo An Nhơn còn có làng nón lá Gò Găng và các làng nghề nón lá trên toàn tỉnh Bình Định đều quy tụ về chợ nón Gò Găng để tiêu thụ.

   Cái chợ này họp từ khi trời còn tối hù cho đến sáng rõ thì tan. Hình như họp sớm để phân phối hàng đi các chợ khác của vùng khác đó. Chợ Gò Găng hoạt động như một chợ đầu mối chuyên mau bán nón lá.

   Cũng liên quan đến nón, ở Bình Định có “Làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) có tuổi đời hơn 300 năm. Gọi là nón ngựa bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ thích hợp dùng đội khi cưỡi ngựa. Thời xưa, nón chỉ dành riêng cho giới phong lưu, quyền quý, nhất là những chiếc nón ngựa có bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón. Hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa bịt bạc trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở các làng quê Bình Định trước những năm 1945.
Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam gian
Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te...” 
(trích từ bài Nón Ngựa Phú Gia, tác giả Tâm Ngọc đăng trên báo Tuổi Trẻ Online đăng ngày 31/1/2014)

   Trước khi gõ bài viết này, tôi đã “mò” toàn bộ kho ảnh trên Facebook của tác giả Nguyễn Hà. Tôi đọc được cái này “An Nhơn xưa là kinh đô Đồ Bàn. Di tích tháp Chăm còn lại 7 cụm tháp, gồm 13 ngôi tháp còn tồn tại. Các ngôi tháp này có nhiều phù điêu và tượng đá bằng Sa Thạch được người xưa điêu khắc tinh xảo. Có lẻ cái nghề phục chế tượng Chăm, phù điêu Chăm của đất An Nhơn cũng từ những di tích này mà hình thành phát triển....” Đá Sa Thạch chính là đá cát. Hình ảnh bên trên được tác giả chụp tại làng nghề điêu khắc trên đá Sa Thạch ở An Nhơn.

   Chắc nhờ địa thế hữu duyên nên từ xưa, An Nhơn đã có làng nghề đúc kim loại Bằng Châu. Ông tổ của làng này là Nguyễn Thiện gốc Ý Yên – Nam Định. Làng có hơn hai trăm năm lịch sử rồi.

   Diện tích rừng đang bị thu hẹp và nguồn gỗ phần lớn bị buôn sang nước ngoài. Ai cũng lo An Nhơn chẳng còn làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu nữa. Phải yêu nghề lắm thì làng mới trụ vững đến hôm nay.

   Thời buổi này, đồ nhựa lên ngôi. Mấy ai dùng rổ tre nữa đâu. Cùng chung số phận với nhiều làng nghề khác, đời sống của dân làng đan tre Đại Bình ở An Nhơn cũng gặp nhiều khó khăn.

   Gõ nãy giờ mà chưa kể hết tên làng nghề của An Nhơn. Nghe nói còn có làng rèn Tây Phương Danh.

Và làng gốm Vân Sơn nữa. Thiệt đúng là lủ khủ mà.

   Những làng nghề kể trên, sau này có điều kiện tôi sẽ đến thăm được nhưng cái chợ Gò Trường Úc (huyện Tuy Phước) chỉ họp một lần duy nhất vào ngày mồng một tết hằng năm thì chắc phải lấy chồng Bình Định mới mong ghé được. Nghe đồn chợ ấy mở từ giao thừa đến sáng. Chợ chủ yếu bán cau và trầu. Người ta cho rằng mua cau trầu đầu năm như là mua lộc. Nay người ta phát triển lên thành lễ hội Chợ Gò, tích hợp loại hình diễn xướng hát Bài Chòi để giữ gìn văn hóa dân gian. Tò mò cái chợ này quá à!

  Có những chiều tôi thèm được sống như hồi ở Quy Nhơn. Sáng sáng, chiều chiều được hóng gió biển. Lúc gõ bài viết này, sao tôi thèm ăn lát bánh xèo giữa đất trời Bình Định quá các bạn ơi.

   Hy vọng một ngày nào được trở lại Bình Định để ngồi lên xe ngựa dạo hết các làng nghề. Hôm nay là ngày kỷ niệm tròn 40 năm giải phóng thành phố Quy Nhơn (31/3/1975 – 31/3/2015) nên gõ đôi dòng cho đỡ nhớ...
Buôn Ama Thuột, 31/3/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, March 30, 2015

GẶP LẠI TRAI

Tác giả ảnh: Nguyễn Tấn Qua
   Sớm nay ló cổ ra kéo cổng cho bố vào cất bớt ống. Đánh mắt sang nhà hàng xóm thấy một anh nhìn quen quen đang cười nham nhở về phía mình. Ờ thì cũng phải cười e lệ đáp lễ chứ chả nhẽ không. Nhưng mà nhận ra rồi. Hẵng còn thù anh ấy từ mùa cà phê năm ngoái đến giờ. Chuyện là
   Hồi cuối mùa cà, mình đang chổng mông thở hộc xì dầu cào cà phê cho kịp cơn mưa. Anh ấy đến chơi nhà hàng xóm. Chồng của bạn mình là bạn của anh ấy. Khổ! Đang lúc lúi húi, nhem nhuốc bùn đỏ Tây Nguyên vì mưa lắc rắc mà anh ấy đứng bên hàng rào cứ í ới hỏi năm nay nhiều cà không em. Một mình em cào thì mệt lắm nhỉ. Tộ xư anh, không chạy sang giúp em cào thì thôi. Đứng đấy mà ghẹo khiến người ta ngại ngùng run tay. Là trong bụng mình chửi thế chứ ngoài mặt cười duyên dáng lắm. Gớm, cái nết mê trai không biết bao giờ mới bỏ.
   Hôm nay gặp lại, trời đang khô khốc. Cơ mà quần áo xộc xệch. Đau thế chứ lị.
Buôn Ama Thuột, 30/3/2015
Tây Nguyên Xanh
4 comments