Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, October 10, 2015

TƯỜNG THUẬT MÙA THU HOẠCH CÀ PHÊ 2015 - Kỳ 2: TÍCH TRỮ MĂNG KHÔ

     Sáng nay Má mua hai ký măng Le về, mình bảo ôi, nhà ta hắn sao hết từng ấy măng tươi hả Má. Má nói mua về cắt để phơi khô, mùa cà tha hồ mà xào với thịt. Té ra nhà mình giờ mới phơi măng chứ láng giềng trữ được mấy ký măng khô rồi. Giá măng le sáng nay bán ở chợ là hai nghìn đồng một ký nhưng khoảng một tháng nữa thì giá phải gấp mười như thế. Nó với cà pháo bị đội giá lên ngất ngưỡng. Ai cũng sợ khi ấy dù đắt cũng không có mà mua nên tích trữ khi giá còn rẻ.
Gùi măng Le từ rừng về - Tác giả ảnh: Hoàng Anh
     Bây giờ mới hái bói nên chưa phải thuê nhân công. Khi chính thức vào vụ thì phải hái nhanh cho kịp lứa, không là mưa nhiều, gió lay cà rụng xuống gốc. Đó là hiện tương “cà cười”. Mình sẽ kể lúc chính vụ. Nếu không phải rẫy của nông trường thì khỏe, cứ thế hốt cà rụng và phơi là xong. Nhưng những công nhân của nông trường thì cà rụng là một nỗi sợ hãi. Khi rụng, nó nhanh bị khô, đi giao nhập sản lượng sẽ hụt ký. Nộp nhiều quá, phần thu về chẳng còn bao nhiêu nữa thì chí nguy. Thế nên phải thuê nhân công. Tiền có thể trả theo ngày (công nhật) hoặc theo tháng (ăn ở luôn trong nhà chủ rẫy) nhưng bữa cơm trưa phải nấu cho họ ăn. Trăm nhà như một, cứ thịt ba rọi xào măng khô mà đem ra đãi thợ (thợ hái). “Tăng thu, giảm chi” là nguyên tắc cơ bản được áp dụng triệt để trong mùa cà phê.

Bây giờ người ta mới trở lại chợ để mua măng chứ cách đây mấy năm, chợ ế ẩm mặt hàng này lắm. Những năm đó, Tây Nguyên rộ lên phong trào trồng măng cao sản. Nhà nào cũng có một bụi măng. Một búp măng to bằng bắp đùi của người lớn. Thịt măng trắng tinh, luộc lên chỉ hơi hoe hoe chứ không vàng rộm như măng Le.  Lúc ăn thấy nó có nhiều bột chứ không dai như măng Le. Tóm lại là không loại măng nào ngon bằng măng Le cả. Lại có thêm phong trào phá bụi măng. Có nhà phải đổ dầu hoặc tấp lá, rác vào để đốt thì mới tiệt nọc được măng. Riêng nhà mình, chẳng hiểu sao bác nọ đến xin một búp măng. Bác chặt đúng một nhát dao thì lấy được măng và sau đó cây rụi dần và chết.


Nhiều khi mình nghĩ, làm ra hạt cà phê để có tiền ăn ngon. Thế nhưng ngon đâu chẳng thấy, toàn măng với cà pháo muối. Vậy tiền đã đi đâu?
Buôn Ama Thuột, 10/10/2015
Tây Nguyên Xanh
Để xem kỳ trước, các bạn bấm vào Kỳ 1 
No comments

Friday, October 9, 2015

CHUYỆN NÔNG DÂN ĐI NGHE HỘI THẢO MUA PHÂN BÓN

    Mấy hôm nay, báo đài đăng tải rùm beng về vụ các công ty kinh doanh theo kiểu đa cấp bán phân bón cho nông dân. Để Tây tả cho các bạn hình dung chuyện nông dân cà phê đi nghe hội thảo phân bón nhé.

    Trồng cà phê tốn kém phân bón lắm. Một năm có hai mùa mưa và nắng. Mùa nắng (tức là mùa khô), nông dân phải tưới ít nhất ba đợt nước (mỗi đợt cách nhau 20 ngày). Mỗi một đợt tưới, họ đều rải phân bón dưới gốc cây trước khi nổ máy phun nước. Bón để kích thích cây đơm hoa và tỉ lệ đậu trái cao. Sang đến mùa mưa, lại bón tiếp ba đợt nữa (nếu giàu thì bón bốn đợt). Mùa này bón để cho cây có sức nuôi trái. Ngoài ra còn có phun thuốc vi lượng hấp thụ qua lá. Hai năm bón phân hữu cơ (phân chuồng, thường là phân bò) một lần. Đấy, thị trường màu mỡ thế cơ mà. Gặp anh nông dân cà phê, mợ buôn phân bón nào chẳng đá lông nheo phối kết hợp với bắt tay. Các thương hiệu mới trình làng không thể so bì thời lượng quảng cáo trên truyền hình của đàn anh đàn chị nên phải chơi trò tổ chức hội thảo. Vấn đề là bọn bán hàng đa cấp đã làm xấu đi phương pháp quảng bá thương hiệu này của các doanh nghiệp chân chính.

Những cục phân bò - Tác giả ảnh: Nguyễn Huy Thành
    Còn thái độ của nông dân đối với các hội thảo ra sao? Khi nhận giấy mời đi nghe hội thảo giới thiệu sản phẩm, đã thành thông lệ, họ hỏi người đưa giấy rằng đi có được tặng gì không. Bởi vì, cuối các buổi hội thảo, những người tham dự sẽ được phát 50 000 đồng hoặc một cái tô sắt hay cái mũ… Kể cái này ra, thật xấu mặt nông dân nhưng nó có thật, đó là nhiều gia đình có cả bố mẹ lẫn con cái đi nghe hội thảo chỉ để…dành được nhiều phần quà nhất. Ban tổ chức mở miêng xin lại giấy mời rồi mới trao quà thì ngại nên cứ phát đại. Kết quả là nhiều người hằn học vì chưa được nhận quà. Nếu cuối buổi, không ai đăng ký mua sản phẩm thì doanh nghiệp cơ bản là lỗ. Thế nên mới phát sinh ra cái gọi là ban tổ chức “chìm” và “nổi”.

    Nghĩa là ngoài những người mặc áo có logo của ban tổ chức thì còn có nhiều người (của ban tổ chức) đóng giả nông dân ngồi lẫn trong quần chúng. Những “ban tổ chức chìm” này tự xưng là nông dân ở xã bên cạnh. Họ hỏi thăm và gợi chuyện khoe rằng hàng xóm của họ năm vừa rồi thu hoạch vượt mức như thế nào nhờ phân bón đang được giới thiệu trong hội thảo. Dù không được mời nhưng nghe tin ở xóm này có hội thảo nên vội đến đăng ký mua. Người nghe thấy cũng bùi tai. Khiến xui thế nào đó, mua ngay tắp lự. Dân mình có cái tính thích “chết chùm”. Thấy lão kia mua, mình cũng mua xem sao. Lỡ có chuyện gì thì cả làng cùng bị chớ riêng gì ta. Rủi mà gặp nhà sản xuất đểu thì chết thật chứ đùa.

    Chi phí trang trải cho việc đầu tư chăm sóc vườn cây cà phê chiếm một ba trong tổng số tiền nông dân thu về sau khi bán sản phẩm trồng được. Hai phần còn lại, một là dành cho việc trả tiền thuê nhân công thu hái, nông dân chỉ đút túi được một phần ba còn lại thôi. Số tiền đút túi ấy cũng dành làm vốn đầu tư cho năm tiếp theo. Đó là một guồng quay của “định luât bảo toàn tiền”. Hỏng một mắt xích là bị trật khỏi đường ray ngay. Đúng thế, tiền không tư nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, tiền chỉ chuyển từ tay người này sang người khác.

Buôn Ama Thuột, 9/10/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, October 8, 2015

PHÂN BỐ NƠI CƯ TRÚ CỦA CÁC TỘC NGƯỜI Ở TÂY NGUYÊN



Trên toàn khu vực Tây Nguyên, các bạn phương xa có thể hình dung cơ cấu sắc tộc được phân bố như này. Tính từ chân một dãy núi vào đó đến đường quốc lộ hoặc đường cái quan nhé. Vào khoảng nửa cuối thế kỷ 20, người Kinh từ tứ chiếng di cư đến và chiếm những vùng đất gần quốc lộ và tỉnh lộ rộng lớn. Người Kinh làm nhà và lập nông trường án ngữ hết mặt tiền. Anh em dân tộc thiểu số bản địa sống co cụm xung quanh những con suối, con sông ở vùng rất xa. Và lớp người thứ ba, sống xa quốc lộ nhất, chính là anh em dân tộc thiểu số từ khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam di cư vào. Họ đã quen sống ở những rẻo cao nên vào đây, họ cũng tìm địa hình tương tự. Dù họ là người Tày, Nùng, Thái. Dao, Mông hay gì đi nữa thì người Kinh ở nơi đây cứ thấy ai nói tiếng Việt với giọng lơ lớ và da trắng thì gọi chung họ là “tộc Cao Bằng” để phân biệt với anh em dân tộc thiểu số bản địa có làn da ngăm đỏ. Về sự tương tác văn hóa giữa các tộc người với nhau, mình sẽ từ từ kể cho các bạn ở những bài sau.

Có một người Ê Đê đã nói với mình thế này. Người Rang Đê (tổ tiên của hai tộc người Ê Đê và Jrai) từ các nước Đông Nam Á vượt biển Đông, ghé vùng duyên hải miền Trung và lên Tây Nguyên từ khoảng thế kỷ thứ 8. Người Ê Đê ở tỉnh Dak Lak (Việt Nam) có thể hiểu 80% từ ngữ của tiếng Malaysia. Anh bạn của mình đã dẫn khách sang bên ấy du lịch nên chứng thực về chuyện tương đồng ngôn ngữ  này.

Những lời anh ấy nói khiến hình ảnh cái nhà rông của tộc người Ê Đê nói riêng và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung cứ rập rờn trước mắt mình. Mình hình dung nó có lịch sử như này. Khi vào đất liền, đoàn người vượt biển ấy đã lật úp chiếc thuyền để che mưa nắng. Mọi người kiếm ăn khắp nơi nhưng tối về quây quần bên đống lửa để kể cho nhau nghe những mệt nhọc trong ngày. Điệu kể Khan hình thành từ đó. Một loại hình nghệ thuật không cần nhạc cụ, chỉ với giọng nói mà khiến bao nhiêu con người thích sống chậm lại một chút để lắng nghe. Càng lên vùng cao, cây cối càng nhiều. Người ta sợ thú dữ nên dựng cột cho nhà sàn và úp cái thuyền ấy lên làm mái. Thế hệ sau khi lập buôn làng mới. Họ cũng làm một cái nhà rông y hệt cái của thế hệ trước, chỉ khác là làm bằng mái lá. Nhà rông vẫn là nơi họp mặt, xử lý những vấn đề liên quan đến buôn làng. Khi gõ Google tìm kiếm hình ảnh nhà rông ở Tây Nguyên, các bạn có thấy mái nhà giống cái thuyền lật úp không? He he, tìm đi để tin cái luận điệu chưa được kiểm chứng của con oắt Tây Nguyên Xanh nhé. Mà nhà rông chứ không phải nhà sàn của từng hộ gia đình đâu nhé.


Đói bung rồi, bữa sau biên chi tiết về kinh tế của anh em các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. À, mình kêu gọi mọi người nên đặt từ “anh em” phía trước danh xưng của các tộc người thiểu số nhé. Các bạn dân tộc thiểu số tâm sự riêng với mình trên Facebook rằng họ thấy được tôn trọng và ấm lòng hơn khi có hai chữ ấy.
Buôn Ama Thuột, 8/10/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Huy Thành
No comments

Sunday, October 4, 2015

VIẾT RIÊNG CHO QUẢ CÀ PHÊ


     Mới đầu nhìn cái ảnh này, các bạn trai nghĩ ngay đến núi đồi của chị em, nhỉ? He he, tác giả ảnh nói đó là quả cà phê. Tây ứ tin nên chay lon ton ra vườn hái một quả cà phê để…so sánh. Cà phê thật các bạn ạ. Tây đoán cái ảnh này chụp lúc quả còn xanh. Chứ càng chin thì cái “núm” ấy càng teo lại, sau này nhọn hoắt. Cái “núm” ấy là tác nhân gây đau chân mỗi khi cày cà phê phơi nguyên quả trên sân đấy. Đau lắm. Nó chọt chọt làn da mềm mại dưới lòng bàn chân của Tây. Chân của Tây chai một phần vì nó đấy. Hu hu  Nó là cái rốn (he he, hơi bị lồi) nối liên với hoa.

     Hoa cà phê nở khi Tây Nguyên có cái nắng vàng và giòn nhất. Nắng giòn? Các bạn hiểu không nhỉ? Là cái nắng mà hễ phơi cái gì trong khoảng thời gian ngắn mà có thể giòn tan ấy. Nắng tháng ba Tây Nguyên trứ danh thiên hạ đấy. Hoa cà phê trắng ngần trong cái nắng ấy. Sau khoảng một tuần lả lướt với ong và bướm. Hoa chuyển dần từ màu trắng sang nâu và khô dần đến khi giòn thì rụng xuống đất, để lại những chùm quả có cái núm như thế giữa hai cuống lá đối nhau.

      Quả cà phê bước vào tuổi dậy thì là khi Tây Nguyên bước vào mùa mưa. Quả lớn dần, vỏ căng và bóng bẩy dần theo lượng mưa trời ban tặng. Nông dân sợ chúng yếu ớt, ẻo lả trước gió mưa nên phải bón phân để chúng có đủ sức bám vào cành, không bị rụng. Nuôi trái cà phê tốn kém vật vã. Thật! Cả mùa mưa, bón ba hoặc có điều kiện hơn thì bốn đợt phân. Lượng phân cho một hecta tính theo đơn vị tấn đấy nhé.

      Quả nào “động dục” sớm thì sẽ chin sớm nên mới có khoảng thời gian hái bói đầu mùa. Tháng chin, tháng mười hằng năm được xem là mùa hái bói cà phê. Ban đầu quả có màu xanh nhưng nó sẽ chuyển sang vàng khi còn chin hường, màu đỏ rực rỡ khi đủ độ chin thục và lúc chin nục thì màu đỏ tía. Vỏ cà phê khi phơi khô sẽ có màu đen và cứng cáp. Vì thế, đi bộ trên sân phơi cà phê nguyên quả dễ bị trơn trượt.

      Tuổi thơ của Tây là những chuỗi ngày trốn mẹ dưới gốc cà phê để tránh hững trận đòn, cắn mút vị ngọt trong lớp vỏ quả cà phê, cày sân phơi cà… Và những thứ hôm nay Tây có, đều nhờ cái rẫy cà phê. Thế nên Facebook của Tây có hai danh từ được sử dụng nhiều nhất. Đó là “cà phê” và “Tây Nguyên”.
Buôn Ama Thuột, 4/10/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Anh Nguyen
No comments