Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, November 28, 2015

NÁU MÌNH TRONG PHỐ

Tác giả ảnh: Trần Nghĩa
    Một mình với một đĩa món ăn nhanh giữa thành phố sống vội trong không gian âm thanh mở-cho-có-chứ-không-nhất-thiết-phải-hiểu-lời. Chẳng biết buồn hay vui. Chỉ muốn thử xem khả năng thích nghi của mình như thế nào. Mình không trách phố mà thực ra cũng chẳng có quyền trách phố. Bởi phố chẳng có lý do gì phải giống miền núi nơi có những rẫy cà phê và những luồng gió thông thống phập phù mái tôn. Phố cần phải không lời để hoàn tan mọi thứ tạp âm do con người tạo ra. Phố là thước đo mức sống cho nông thôn. Phàm là cái gì dùng để làm chuẩn mực thì đều bị ghét. Và huhu, bao nhiêu áng văn thơ tỏ vẻ yêu quê và ghét phố ra mặt rồi nhỉ?

Hàng ở phố dường như không phải chủ yếu dành cho người ở phố mà dành cho người tỉnh lẻ. Bởi người ta cần dựa hơi phố để khoa trương cái giàu của mình. Bộ quần áo sẽ được người ta trầm trồ khen nhiều hơn nếu mua ở phố. Sao thấy thương biển hiệu của phố quá. Nó to hơn cửa ra vào.  Nó sừng sững như mời chào người xa đến và chờ kẻ đã hứa trở lại. Từng cái biển đứng san sát nhau, chữ to đùng như mắt ai mở to ngóng trông

Giá mà phố biết nói chuyện để hỏi rằng có bao giờ phố khóc không? Hằng ngày phố phải chứng kiến bao nhiêu đứa con tha hương rớt nước mắt nhớ quê nhà. Chẳng lẽ phố không hề động lòng vì họ? Phố vẫn im lặng. Khi lặng nghĩa là sự đau đã đạt đến độ chai lì. Phố ơi!
Sài Gòn, 28/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

NHỚ SÂN CÀ PHÊ PHƠI

Tác giả ảnh: Thuận Ánh
Hình ảnh này cực kỳ kinh điển ở vùng nông thôn Tây Nguyên đấy các bạn ạ. Cái sân đầy cà phê và xung quanh có mấy thanh gỗ hoặc ống nước rào lại cho cà khỏi lăn do mưa trôi hoặc do chó, gà bươi giỡn. Kiểu nhà trong ảnh được xây dựng vào khoảng những năm 1990 – 1995. Ở chỗ mình, những ai được nông trường cho phép “ăn trắng” (không phải nhập sản lượng của mùa năm đó) thì mới có thể xây nhà vào thời gian đó. Từ 1996 đến nay, kiến trúc nhà của ở Tây Nguyên khác hẳn. Cái này, Tây sẽ kể trong loạt bài Kiến Trúc Nhà Cửa Của Người Kinh Ở Tây Nguyên từ năm 1976 - 2016 

   Gọi điện về nhà, Má nói Ba đã nhập xong đợt hai rồi, còn vài tạ của đợt cuối cùng nữa là hết mùa. Nếu nông trường không kéo rề đợt nhập thì chắc nộp xong lâu rồi. Năm nào cũng phấn đầu trước ngày 7/11 âm lịch thì hết mùa cà. Chắc năm nay cũng thế. Tự dưng nhớ cái sân phơi cà phê quá. Nhớ xa hơn nữa cơ, ấy là thời nông dân chưa dám sắm máy xay xát quả tươi. Mọi nhà đều phơi cà nguyên quả từ lúc hái về đến khi lắc nghe hai hạt nhân nhảy tưng tưng trong vỏ. Khi hái về dù hái còn xanh, hay vàng hường hoặc chín đỏ thì lúc khô cũng chỉ một màu đen xì như ảnh bên dưới.

Trong mùa cà phê, có những ngày xuất hiện lớp sương mỏng dánh xanh dương ám quanh không gian nhìn ngang. Có hôm mưa còn rơi ướt quần áo, lạnh căm căm nữa. Nếu mẻ cà phê nào bị phơi trong thời tiết ấy thì oải lắm. Nhất là cà phê đã xát vỏ. Nó nhanh đen nhân. Vì thế, phơi cà còn nguyên quả trên nền đất vẫn ổn nhất. Dù nó lâu khô nhất nhưng hạt nhân sau khi xát vỏ có màu xanh đẹp nhất

Thôi nhé, nhớ nhà. Biên tí cho có chữ Tây Nguyên trên Facebook. Tự nhiên sợ mất chất Tây Nguyên. Ở quê mà có kế sinh nhai thì chả ai dại xa nhà làm gì, có phỏng? Đừng đứa nào trêu anh lúc này, anh đang nhớ nhà. Hu hu.
Sài Gòn, 27/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, November 26, 2015

KỈ NIỆM VỚI LẦN ĐẦU GẶP NGƯỜI CHĂM

Đến Tây Ninh 3 ngày rồi nhưng chưa đi bảo tàng tỉnh nên chẳng biết phân bố sắc tộc và sinh vật ở nơi đây như nào cả. Bảo tàng chính là tim gan phèo phổi của một tỉnh mà. Thế quái nào hôm nay được thoả cái thèm nói chuyện với người Chăm khi đang chờ kết quả xét nghiệm máu ở bệnh viện. Mình rất mến cách trị thủy của người Chăm và rất tò mò vì sao họ khó bị ảnh hưởng cách ăn mặc của người Kinh đến thế. Cứ nghĩ phải về tận Ninh Thuận mới được gặp. Ai dè ở phường 1 (thành phố Tây Ninh) có hẳn nhà thờ Hồi giáo của anh em Chăm. He he, thông tin mới hóng được từ một phụ nữ 50 tuổi, lấy chồng từ năm 17 đến nay đã có 6 đứa con. 3 đứa đang học đại học ở Malaysia. Người Chăm ở Tây Ninh nói được tiếng Việt và tiếng Campuchia.

Mình hỏi nếu con cái của người Chăm đi làm ở các cơ quan thì làm sao anh em mình giữ được sắc áo. Cô ấy bảo là vẫn mặc quần áo truyền thống từ nhà đến cơ quan. Vào phòng rồi mới thay đồng phục, không bao giờ được thay đồ của cơ quan ngay tại nhà của mình chứ đừng nói là muốn mặc quần áo thường phục như người Kinh. Cô cho mình ăn một cái bánh tét nướng, nó bé như một vắt xôi. Cô bảo người Chăm theo đạo Hồi như cô đi đâu cũng phải đùm đồ ăn theo chứ không ăn ở quán được. Cô không được chạm vào con heo cũng như không được ăn thịt của nó. Riêng thịt bò thì phải do chính gia đình mình làm thịt sau khi đã hành lễ với con bò đàng hoàng nên không thể mua thịt sẵn ngoài chợ. Mình quên hỏi các loại cá.

Lần đầu tiên được sờ vào cái áo dài và ngắm kỹ cái khăn của người Chăm đấy. Vải hôm nay mình được sờ là vải Ton. Mình thấy cô ấy có mặc quần dài. Mình thốt lên rằng ối giời ơi, con tưởng phụ nữ chăm không mặc quần dài chứ. Cô bảo là phải mặc chứ, nếu không thì ai gọi là áo dài làm gì. Hi hi, có được gặp mới biết mình chỉ được cái tính chảnh chọe làm như hiểu biết văn hóa lắm chứ thực ra dốt toẹt!

Tò mò rồi đấy, Tây Ninh ạ. Mai anh đi công chứng giấy tờ, anh ghé bảo tàng nó tròn méo như nào. Hic!
Tây Ninh, 26/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, November 22, 2015

ANH BẦN GHẸO GÁI

Thành phố Vinh
     Giang hồ đồn rằng hôm nay là ngày Di Sản Văn Hóa Việt Nam 23/11.  Từ hôm nay, thi thoảng, Tây sẽ giới thiệu tất cả những bài dân ca ba miền mà Tây thích và có tích hợp hình ảnh của miền quê ấy cho các bạn nghe và xem. He he, chữ của Tây còn ảnh đương nhiên Tây thó của bạn bè Facbeook trên cả nước. Dù sinh ra ở Tây Nguyên nhưng xứ Nghệ là quê cha đất mẹ nên Tây ưu tiên giới thiệu dân ca Ví Giặm trước nhé. Xứ Nghệ (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) nhà Tây có một anh chàng tên Bần. Anh chàng được cô gái nọ bật đèn xanh cho phép hẹn hò nhờ trả lời được các câu đố. Nàng bảo cho chàng một nắm ngô rang, nếu chàng gieo nơi nào mà nó nảy mầm thì nàng theo về làm dâu. Ối trời ơi, không ưng thì nàng nói toẹt ra, Đố thế thì hỏng não con người ta mất. Ấy vậy mà anh Bần trả lời cực kỳ khéo, rằng gieo hạt ngô đã rang chín ấy vào cái nơi quanh năm nắng không khô, mưa không ướt được thì đưa Bần đúc mọc liền. Hã hã. Quả này nàng mà cho anh ấy gieo trong đêm gió mát trăng thanh ấy nhỉ?

     Cô gái này thực ra cũng thích có bạn tình lắm. Chẳng qua cô phải chảnh để tự nâng cao phẩm giá lên thôi. Bằng chứng là lúc ngồi một mình, nàng hát như đánh tiếng thế này: “Đến đây đàn hát vui chơi. Ánh trăng tỏa xuống như chờ đợi ai. Sông kia bên lở bên bồi. Mong con đò cập bến để tìm người trao duyên.”. Chàng nghe được tín hiệu tốt lành nên mới mạnh bạo, giả vờ nói to rằng nghe đồn ở đây có chim Quy đêm thường hay hót, bay đi đâu khó tìm. Vừa thấy nàng đứng ở đằng xa, chàng than mình “Vội vàng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người hát hay. Bần đây đang trống trải mong gặp gái thuyền quyên. Muốn chung hội chung thuyền, chung lò gang bếp lửa để thân Bần bớt khổ.”

     Nàng bị chàng chào bằng chị. Nàng hờn, Chàng đổi thành chào o. Nàng xị mặt tiếp, Chàng gọi em thì nàng mới chịu mỉm cười nguýt yêu cho một nhát. Nàng gọi đểu cái tên Bần (nghèo) của chàng thành Đần (ngốc). Phải chăng nàng ngấm ngầm trách chàng ngốc quá nên mãi giờ mới tìm gặp nàng? Nghi lắm! Các bạn phải nghe kết hợp với giai điệu mới thấy được cái hay của hạt ghẹo trong dân ca Ví Giặm.
Núi Hồng sông Lam
     Dù có nhiều nét riêng nhưng dân ca xứ Nghệ vẫn có cùng nền tảng tư duy của người Việt nói chung. Trong bài hát Bần Hát Ghẹo này chẳng hạn. Người ta lấy những câu đố về “bạc tình, lắp bắp, than phận” để nhắc nhở ai phải tránh xa. Các câu đố tương tự như thế, các bạn có thể nghe thấy trong rất nhiều làn diệu dân ca khác. Một vài lời giới thiệu của Tây không thể diễn tả hết cái hay của bài hát được. Các bạn bấm vào link này để nghe nhé.
Bản hát nghiêm chỉnh đây:
Còn hát trên bàn rượu đây, cười vỡ bụng luôn:

 
Miền Tây xứ Nghệ
Bà Rịa - Vũng Tàu, đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Cảnh Hùng
No comments