Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, February 6, 2016

SỰ HÌNH THÀNH CÁI BÁNH TÉT THEO QUAN ĐIỂM CỦA TÂY NGUYÊN XANH

Tác giả ảnh: Trần Chí Kông
Ngồi chụm nồi bánh tét, đầu nghĩ vẩn vơ về nguyên nhân hình thành nó. Lên mạng gõ thì họ bảo do người Việt di cư vào nam, bị ảnh hưởng văn hóa của người Chăm nên cái bánh Tét biểu trưng cho Linga của thần Siva. Tây phản đối cái thuyết ấy. Nghe nó điêu điêu thế nào í. Theo quan điểm của con oắt Tây Nguyên Xanh thì nó phán như này: Cái bánh dài ngoẵng này phát tích từ hình dáng cái nắm xôi. 

Tác giả ảnh: Hoàng Bích Nhung
 Người Việt di cư từ Bắc vào Nam, khi đi phải mang theo cơm nắm hoặc xôi nắm. Khi nắm xôi hoặc cơm, chẳng ai nắm theo hình tròn cả, đa số là hình bầu dục hoặc rõ hình trụ. Cái bánh Chưng nguyên thủy được chia sớt cho cả gia đình người di cư. Ai cũng được cắt miếng bánh theo hình khối chữ nhật để khi nắm lại có cả nhân bánh. Mỗi một phần được lấy lá chuối hoặc lá dong để gói lại rồi bỏ vào hành lý ăn dần trên đường đi. 
Tác giả ảnh: Trần Trần
Gói bánh tròn hình trụ dễ hơn và không cần phải dùng đến khuôn nên lâu dần, con cháu chuộng cách gói này. Nó vẫn có gia vị, hương thơm như bánh Chưng mà lại dễ treo, tiết kiệm diện tích khi xách đi trên đường. Cứ như thế, đời này sang đời khác, cái bánh có hình dáng như bây giờ.
Tác giả ảnh: Hoàng Bích Nhung

Về tên gọi thì thế này. Với người tha hương, cái từ Tết nó thiêng liêng lắm. Xuân đến mà vẫn chưa đươc về nhà thì lắm khi nổi quạu khi ai đó nhắc Tết. Âm “Tết” đã  trở thành âm kỵ âm húy. Người ta phải nói trại miệng từ Tết thành Tét để gọi cái thứ bánh hình trụ mà hương vị như bánh Chưng kia. Bánh Tét ra đời trong hoàn cảnh như thế.  
Tác giả ảnh: Thanos Phan
Chẳng rõ có phải do phải chạy loạn mà người ta phải biến âm và xào xáo lại vốn từ để hình thành giọng mới hay không. Nhưng rõ ràng Tết được phát âm là Tớt và hồn bánh Chưng đươc lưu giữ trong hình hài cái bánh Tét thì quả là sự sáng tạo tuyệt vời của sự bảo tồn văn hóa.
Buôn Ama Thuôt, 6/2/2016
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Thursday, February 4, 2016

VĂN BỰA TRONG LÒNG DÂN TỘC

Tác giả ảnh: Hoàng Hà
Sáng nay mở máy lên, tự dưng Facebook hiện lên lời chúc mừng ngày tình bạn và họ bảo họ tôn vinh tình bạn nhân ngày sinh nhật thứ 12 của mạng xã hội này. Ô, thế là mình cũng chơi Facebook tròn 4 năm rồi đấy. Bốn năm được sống với danh xưng “Tây” (Tây Nguyên Xanh), bốn năm chứng kiến làng văn Việt biến thiên, bốn năm thâm nhập đời sống thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh và bốn năm yêu… những loài Voọc đặc hữu của Việt Nam. Về mặt ngôn ngữ học, Facebook góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của văn Bựa. Thứ văn ấy lưu giữ hồn cốt của dân tộc đấy nhé. Ngọc trong đá đấy, đừng đùa!
Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ
Có bạn định nghĩa Bựa là chất bẩn trong kẽ răng. Mình tra từ điển cũng nhận được nghĩa tương đương như thế. Mình nghĩ bác sĩ nha khoa gọi nó là cao răng thì phải. He he. Văn Bựa là thứ văn thô thiển mà đọc lên lại duyên và người đọc nũng nịu theo từng con chữ. Nó dùng những từ đệm không có trong từ điển để làm trợ từ ngữ khí cho câu nói. Chưa bao giờ phong trào viết văn Bựa thịnh hành như những năm gần đây trên mạng xã hội. Nhưng văn Bựa đã tồn tại cùng tinh thần Việt từ lâu lắm rồi. Thật đau khổ cho dân tộc Việt Nam, chúng ta phải gói ghém tinh hoa của văn hóa xứ mình vào một cái vỏ bọc xù xì. Để tránh bị đồng hóa về mặt ngôn ngữ, các cụ ngày xưa đã sáng tạo ra lối văn Bựa. Nó tồn tại như lẽ đương nhiên trong đời sống người lao động. Riêng âm “đéo” từ lâu đã trở thành tiếng báo động cho mọi người biết mình đang ở trong môi trường giao tiếp nào. Sau này người ta thèm đem từ “đéo” vào văn chương nhưng sợ bị cho là dung tục nên phải viết chệch âm thành “đếch”.
Tác giả ảnh: Vũ Hoàng
Đặc trưng của chơi Facebook là câu chữ càng ngắn càng rõ nghĩa càng hóm càng tốt. Vì vậy văn Bựa được tiếp nhận rất dễ dàng trên trang mạng này. Người sử dụng văn Bựa trên Facebook đã và đang góp phần cực kỳ to lớn vào công cuộc đưa từ ngữ riêng của các địa phương đến với cộng đồng. Lâu dần, văn Bựa có thêm vốn từ và nó có đẹp theo ngày tháng. Nó có vai trò hòa giải dân tộc. Văn Bựa ngày nay đã đạt ngưỡng có giọng riêng. Đó là thứ giọng phát chệch âm được hình thành từ cách biến âm của tất cả các giọng thuộc các cùng văn hóa khác. Thế nên muốn vẽ biểu đồ thanh âm của người Việt, chúng ta phải đi từ giọng Bựa mà ra để rút ngắn thời gian nghiên cứu. Các bạn đừng nói với Tây rằng giọng các miền khác nhau do nguồn nước nhé, Tây đéo tin đâu, he he.
Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ

Câu các bạn mới đọc ở trên là một dạng lai tạp văn Bựa của người thích sử dụng văn Bựa nhưng vì thiếu vốn từ Bựa nên chỉ có thể viết thế. Đa số người ta chọn cách  phơn phớt Bựa ấy để thể hiện chính kiến của mình trên mạng xã hội. Văn Bựa đang làm có vai trò điều tiết dư luận. Vì vậy, dù muốn dù không, chúng ta phải nhìn nhận ở khía cạnh tích cực để nó phát triển theo hướng có lợi. Thực ra, văn Bựa cũng chẳng cần ai công nhận tác dụng. Tự nó đã có lối đi riêng rồi. Cái đích sau cùng của nó là thứ văn sang trọng nhưng hóm hỉnh, gần gũi.
Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ

Năm 2015, làng Bựa bị khựng lại vì nhiều nick chuyên viết văn Bựa bị hệ thống Facebook ép sử dụng tên thật. Sự việc này làm ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống riêng của họ. Vì vậy rất mong mọi người vị tha với văn Bựa để nó cứu rỗi nhiều vấn đề trong xã hội. 
Buôn Ama Thuột, 4/2/2016
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, February 2, 2016

CHỊ ƠI, CHO EM MƯỢN ĐẾN MÙA TỚI EM HÁI CÀ NHẬP CHO…

Tác giả ảnh: Lê Việt Dũng
Mấy ngày cuối năm, trẻ con mở tủ ra xem mẹ mua bánh kẹo, hạt dưa, nước ngọt chưa. Đàn ông hỏi vợ năm nay nhà mình mua mấy thùng bia, mấy lít rượu nếp hả mẹ (má) chúng nó. Còn những người đàn bà lại ngồi một góc nơi nhà sau nhìn cái chái bếp. Họ thở dài đánh thượt một cái và mỉm cười lắc đầu, tự nói làm cả năm cuối cùng cái bếp là nơi xay tiền. Chả thế mà người ta lấy mốc cúng ông Công ông Táo làm ngày đầu tiên có đuôi sử dụng từ “Tết”trong cách gọi tháng ngày đó sao. Và Tết này nhà có những gì đều từ họ mà ra. Ôi đàn bà!

Sáng nay có một người đàn bà trung niên chạy ra từ chái bếp để đi vay tiền ăn tết. Đến nhà ai, cô cũng phải dùng điệp khúc “Anh chị cho em mượn năm triệu rồi sang mùa tới, chúng em hái cà tươi nhập công ty thay cho anh chị”. Mùa cà phê mới kết thúc chưa được hai tháng nhưng vòng xoay nợ đã khởi đầu. Đó là một gia đình bao năm rồi không biết cảm giác phơi cà phê trên sân là như thế nào. Chưa kéo quân đi thu hoạch thì các chủ nợ hàng phân bón, gạo, muối, thức ăn…đã vây bủa kín cửa. Tối về, họ chia nhau cân sản phẩm và bưng đi bán lấy tiền “giùm” chủ rẫy.

Chạy khắp xóm, cuối cùng cũng có nơi cho cô ấy mượn tiền. Tò mò thế! Không biết cảm giác khi cầm tiền của cô ấy ra sao. Có lẽ giống như mọi ngày giáp tết cũ? Liệu có phải cảm giác ấy là run run sợ tiền tuột khỏi tay mình dù rằng biết chắc chắn nó sẽ ra đi?

 Ngoài kia, có người đàn ông đang cầm tiền đi đong cà phê ở điểm thu mua. Cả gia đình nhà ông ấy đều làm giáo viên. Mỗi người được nhận hai tháng lương cùng một lúc. Tám tháng lương của bố, mẹ, con trai, con dâu được cộng dồn lại. Tiêu bao nhiêu đó cho tết rồi tất cả đi mua phiếu tích trữ cà phê rồi chờ giá cao thì bán lại cho đại lý để kiếm lời.

Thiên hạ nhìn vào hai gia cảnh và bắt đầu ước ao rồi cố sức ép con cái vào cho được cơ quan nhà nước…Tất cả cùng “chạy”!
Buôn Ama Thuột, 2/2/2016
Tây Nguyên Xanh


No comments

THƯƠNG NHIỀU CÁT BIỂN QUY NHƠN

Thành phố hình bán nguyệt Quy Nhơn - Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
Có viêc nên gọi điện về Quy Nhơn, tự dưng cảm giác như gọi điện về thăm nhà vậy. Quy Nhơn chưa bao giờ hết làm lòng mình ấm hay sao ấy. Còn nhớ đêm đầu tiên ngủ ở Quy Nhơn là trong một làng chài ven đô. Nó là khu phố 1, phường Ghềnh Ráng nằm bên con đèo Quy Hòa, nối Quy Nhơn (Bình Định) với huyện Sông Cầu (Phú Yên). Cả làng chài ấy chỉ có duy nhất một gia đình từ Thừa Thiên Huế dạt vô, còn lại là người Phú Yên dạt ra. Họ phát âm khá chặt lưỡi chứ không như người trong nội thành. Đêm đó, đúng nghĩa “chung giường với cát biển”.

Làng chài có khác. Cát hiện hữu khắp mọi nơi. Một người mới rời núi xuống biển học như mình thì “được ở chung” với cát là một sự kiện nên thơ kinh khủng. He he. Các bạn có hình dung được không nhỉ? Cát là cuộc sống của người ở đó. Họ không bao giờ ruồng rẩy cát. Chúng ta mà thấy đất hay cát dính quần áo thì phủi lấy phủi để nhưng hành động phủi của họ cứ như chúng ta quơ thóc khi đang phơi giữa nắng ấy. Họ sợ cát vỡ ?! Trân trọng cát đến thế là cùng. Trân trọng chứ không phải ở bẩn nhé. Cát hiện diện trên giường ngủ như một điều tất yếu. Và cát đã lấy đi giấc ngủ của mình…

Mình thấy nhột nhạt nên không ngủ được. Không gian yên tĩnh, cô bạn ngủ ngon lành còn mình nằm nghe cát kể chuyện. Có những hạt cát đã chứng kiến bao nhiêu đêm ngọt ngào của một đôi vợ chồng. Họ yêu nhau từ cái thời đường đèo Quy Hòa chưa rải nhựa. Họ vào trung tâm thành phố phải đi thuyền nhỏ. Con cái của họ lần lượt chào đời. Đứa nào cũng được gửi về Phú Yên để gần trường học nhưng chúng nhớ ông Ba bà Má (cách gọi bố mẹ rất đậm nét thân thương của Phú Yên) quá nên chúng lần lượt bỏ học rồi cũng bám biển. Nay Quy Nhơn đã có tuyến xe buýt số 9 đi đến tận Sông Cầu, Chí Thạnh nên cháu của họ không thất học nữa. Cháu của họ vẫn phải ở trọ nhưng cuối tuần về thăm nhà rất thuận tiện.

Đường hầm đèo Quy Hòa đã được duyệt kinh phí, rồi đây nơi ấy còn nhiều đổi thay. Hy vọng ngày trở lại, Quy Nhơn vẫn đón mình bằng hơi ấm của người xứ Nẫu…
Buôn Ama Thuột, 2/2/2016
Tây Nguyên Xanh
No comments