Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 12, 2017

LINH TINH VỚI TÂY NINH

  
   Đến với Tây Ninh và các tỉnh thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, mình cứ thắc mắc vì sao họ cũng kho cá với tương nguyên hạt đậu như xứ Nghệ nhà mình. Tất nhiên tương chẳng mặn khiến trứng nổi lên như năm nảo năm nào mình thấy Ba Má thả trứng lên thử độ mặn của muối để khỏi lo cái vại tương khỏi thối. Đi lòng vòng khắp tỉnh Tây Ninh mà chưa tìm ra cái lò tương nào. Trảng Bàng được cho là nơi được khai phá sớm nhất Tây Ninh và nay nó cũng phát triển nhất Tây Ninh. Sáng nay dạo những nơi được cho là cái nôi làng nghề của tỉnh và cũng là nơi có gốc gác miền Trung từ thời xửa thời xưa. Mong tìm chút Nghệ giữa đất trời Tây Ninh mà không thấy.


    Mà thực ra giọng của người Tây Ninh gần với âm của người Bình Định chứ chả có gì liên quan đến Nghệ Tĩnh cả. Có chăng chỉ là cái từ “mần” được phát âm thay cho từ “làm” mà thôi. Chả hiểu các cụ của mấy thế kỷ trước trốn chạy trong sợ hãi thế nào mà sửa cả giọng nói. Bỏ thì bỏ cho hết đi, tại sao chọn Quảng Ngãi là nơi vứt bỏ “chi, mô, tê, rang, rứa” ấy thế mà vào đến miền đất đồng bằng sông cửu long lại giữ lại từ “mần”. Mình vẫn tin đồng bằng ven sông Vàm Cỏ Đông là một trong những nút thắt cởi bỏ hoàn toàn giọng Nam miền trung, Cả ngày lần mò làng chằm nón và làm tương chưa ra. Chỉ gặp cảnh khoan tre làm ghế xuất khẩu thôi.
Tây Ninh, 12/8/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, August 8, 2017

KHI SỰ RẺ RÚNG TIỀN LẺ LÊN NGÔI


    Cơm hàng cháo chợ, lỡ bữa thì ăn. Trong một lần ăn cơm muộn trong quán ở cuối khu công nghiệp. Tôi ngồi một mình trong cái quán ấy, chứng kiến cô chủ lấy hai tay gom từng vốc tiền rồi loay hoay đặt vào cái bao bóng. Tôi ái ngại nên chạy lại giữ giùm cái bao cho cô ấy dễ bỏ tiền vào. Tiền ấy là tiền lẻ, toàn những tờ năm trăm, một nghìn và hai nghìn đồng cũ nát mà cô thối qua lấy lại từ tay khách trong một tuần. Tôi hỏi sao cô không đếm và xếp thành cọc tiền mà nhét như thể giấy lộn thế? Cô nói đếm chi cho cực, cô đưa cái bọc cho cái bà kia. Tôi không biết "bà kia" là ai nhưng đoán là người này hay đi gom tiền lẻ. Tôi đoán là bà kia tự đếm và đổi tổng thành tờ tiền mệnh giá lớn. Và tiền lẻ ấy sẽ đi đâu trong thời đại lạm phát này? Có lẽ nó sẽ được dùng trong đại lễ hầu đồng cầu tài lộc của các gia tộc. Tiền phải đầy mấy vali lớn, ném từng xấp tiền sướng cả tay thì cô đồng mới chịu lên hương bái thánh. Hoặc phân phối cho các nhà vệ sinh công cộng hoặc cơ sở kinh doanh xe buýt. 


   Thực tế mà nói, người ta thích "bo tiền"(cho tiền típ) luôn để khỏi phải nhận tiền lẻ. Và thế nào được cho là tiền lẻ thì tùy vào kinh tế người xài. Với người rủng rỉnh thì dăm chục nghìn là tiền lẻ. Nhưng cỡ cái đứa siêng ăn, nhác làm, thích sung sướng nhưng nghèo đang viết bài này thì phải là dư năm trăm đồng mới dám phẩy tay, nói to khỏi thối đi anh.  Tâm lý ghét tiền lẻ đã khiến tờ tiền mệnh giá nhỏ đang dần mất đi giá trị. Đỉnh cao của sự mất giá ấy là sự kiện những tờ tiền lẻ, năm trăm đồng gom lại đi trả phí giao thông đường bộ ở Cai Lậy. Nếu đòi phạt dân vì tội dùng tiền lẻ gây tốn thời gian đếm thì nhà chức trách đang ỉa vào mặt hệ thống tiền tệ hợp pháp của Việt Nam rồi. Nói cho vuông là thế. Phải như thế nào, dân mới ghét đến độ cùng nhau chơi trò mày đòi lấy tiền tao thì tao cho mày tiền khó xài chứ. Dân khôn lắm, đừng đùa!
Tây Ninh, 8/8/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, August 6, 2017

RẰNG AI ĐÃ TẠO NÊN NÓ THẾ, NGƯỜI ƠI….

Tác giả ảnh: Phạm Tuấn Vũ
   Lần mở từng tấm ảnh đã chụp trong thẻ nhớ, chợt ngẫn người bởi không nhớ mình chụp nó trong hoàn cảnh nào. Tại sao lại tím thắm thiết giữa nền xanh đậm đà như thế? Ghét bỏ chi nắng mà chỉ cho nó vừa đủ làm tỏa sang cánh hoa thế? Giận hờn chi cành lá mà để màu xanh có vùng bầm đen thế? Phải chăng lúc chụp tâm trạng đang đấu tranh, mong thoát khỏi niềm u uẩn nào đó chăng? Chịu, không thể nhớ ra nó được chụp lúc nào, cứ như cho ai mượn máy ảnh và họ chụp thử ấy.

   Xem ảnh trong không gian tràn ngập những ca từ của làn điệu chèo Giao Duyên. Cái chị sang chảnh, ngúng nguẩy, thích cái anh chết đi được nhưng vẫn giả vờ hỏi vu vơ để cho chàng phải mở lời trăm khúc sông đổ dồn một bến. Anh chẳng yêu nàng sao đến chi đây. Cái chị còn bỉu môi bảo đấy với đây không dây mà buộc, em với anh, không chuốc mà sao sao say. Cái anh đáp ngay gặp nhau đây mời người xơi nước, xơi trầu sau kết nhân duyên.. Cái chị lúc này mới thổ lộ sự hoài nghi của con tim, rằng thì kết nhân duyên sợ chàng lắm lắm. Chóng thắm mà mau phai. Nhưng thắm với phai nào ai hay biết, cái ngãi cái đã vàng, ta quyết yêu nhau.  Ướm lại lời hát với tấm ảnh, lại chắc mẩm rằng cái đứa cầm máy ảnh của mình lúc ấy đang nồng thắm nghĩ về ai đó.


   Nó yêu đến độ nghi hoặc mọi thứ xung quanh. Nó nén mọi cảm xúc vào sắc. Nó yêu ai đến độ tím tái con tim, bầm đập mọi cảm xúc. Có lúc nó ghét tình yêu như ghét sự có mặt của sắc nắng. Là ai, ai đã chụp thế? Mình không biết gói ghém cảm xúc nhiều như thế trong một bức ảnh. Hỏi khắp nơi, cuối cùng cũng tìm ra người chụp, Bài viết trân trọng tặng thằng em nhé.
Tây Ninh, 6/8/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments