Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, April 21, 2018

CÓ NGƯỜI NÂNG HẠT ĐẤT QUÊ TÔI


      Nó bảo nó yêu mảnh đất Tây Nguyên. Tôi không tin, nhưng giờ thì rồi. Nó lẳng lặng bốc một nắm đất rồi nâng niu chụp ảnh như thể nâng hoa, nâng vàng, nâng ngọc. Người ta đến với Tây Nguyên của tôi để mong khám phá cái nét “trinh nguyên” của núi rừng, thưởng thức “tiếng khóc” của thác. Còn nó, còn thiếu đặt môi hôn lên đất nữa thôi. Sao mà nó tinh tế thế, nâng niu đất nghĩa là nó sẽ có tất cả “sản vật” của mảnh đất này. Từ nông sản đến gái đẹp đều sẽ là của nó.

     Đất ấy bao dung đến nỗi sẵn sàng nuôi bất cứ đứa con nào mà người gieo mầm vào. Đất Tây Nguyên có lẽ một trong những loại đất trồng được nhiều loài cây nhất chứ còn gì nữa. Trên những hạt đất ấy, có bàn chân mềm mại của những người cô gái của núi rừng nhẹ nhàng chạm lên mỗi ngày. Đất nhảy múa, đất hoan ca tung bay theo từng bước chân của các nàng giữa mùa khô và quyến luyến bám chân nàng vào mùa mưa. Đất chung tình hơn cả.

    Có một cuộc chia tay đẫm nước mắt giữa một người con gái và những hạt quê nhà cô ấy. Hôm đó cô buộc phải rửa xà bòng cho sạch đất khắp cơ thể cô ấy. Cô ấy tắm rất lâu. Cô vặn nhẹ vòi nước, ngắm đất trôi từ bàn tay cô ấy trôi ra. Cô ấy biết đất đang khóc. Tiếng vòi nước đã át tiếng khóc của đất rồi. Đất cố bám vào kẽ móng tay mà rồi vẫn phải rời ra. Cô ấy phải xuống phố mưu sinh với cái nét tinh tươm để người ở đó không chê cô quê mùa. Có những chiều cô thèm nằm lăn lê bò toải trên hiên nhà đầy bụi như thuở nào còn thơ bé.

   Đất là mẹ, đất là cha, đất là nhà, đất là quê hương nên đất là tiền là bạc là cái cớ để người ta lừa lọc, cướp bóc của nhau. Có chút tiền, hỏi nên đầu tư gì. Người ta bảo nên đầu tư vào đất. Xem tờ báo, chuyện hằng ngày vẫn là tranh chấp đất đai. Đất không hiền như ta vẫn thấy. Cứ im im như thế mà có thể chôn vùi mọi sinh linh trên cõi đời này. Ôi đất.
Bến Cát, 21/4/2018
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Hiếu
No comments

Tuesday, April 17, 2018

MỘT NHÁT CHO ĂN MÍ UỐNG

   Xưa, công ty cũ chặn Facebook thì lâu lâu lén lút bấm bấm điện thoại như con nghiện. Nay, công ty chả chặn bất kể một trang mạng nào, ấy vậy mà không có thời gian lướt web. Thế mí nhọ cho con bé muôn đời ham xóc lọ. Chiều nay bỗng trời đổ mưa giông, chả có thằng bồ nào đi cùng để rồi cùng trú mưa, cùng ướt nhẹp rồi cùng về cái phòng nào đó…hong quần áo nên tan tầm ở lại biên mấy dòng cho khô các cái. Ngứa mồm nhỉ, chắc phun châu nhả ngọc đôi dòng cho thơm loa con nhà trồng nông sản. 
Voọc Chà Vá Chân Nâu ăn quả sung rừng - Tác giả ảnh: Lê Hải Sơn

   Ấy là, cái vụ làm cà phê giả bằng chế phẩm tầm bậy nhuộm màu pin Con Ó. Tây chả biết người đề ra cái cách làm ấy có được mẹ mang nặng đẻ đau, sau chín tháng có tâm can phèo phổi gì không, hay là cái máy robot đóng gói theo lập trình mà ác kinh hoàng thế. Thật khó tả cảm xúc quen thuộc này. Là bởi thông tin thực phẩm bẩn bị phát hiện nhiều đến nỗi độ giãy nảy của cảm xúc giảm bớt. Như kiểu hồi nhỏ, lần đầu tiên bị kiến cắn thì khóc um lên. Bây giờ kiến cắn, chúng ta ngoái cổ, oằn mình, mắt nhìn ngay về vết cắn, bĩnh tĩnh văn vê con kiến cho nó chết và ngắm nghía xem xung quanh có đàn kiến nào không. Gãi gãi đôi cái và quên vết cắn. Có người bảo thời buổi này ra chợ, thấy cái quái gì cũng nghi ngờ, không ăn thì chết nhanh mà ăn thì cũng chết từ từ, thôi nhắm mắt đưa chân vậy.

   Tây là con nhà trồng cà phê nhưng không khi nào uống cà phê vì cảm thấy cà phê không có gì hấp dẫn chứ không phải vì sợ độc. Ông anh nọ bảo anh không bao giờ uống cà phê ngoài quán mà tự pha cà phê nhà anh tự trồng cho an toàn. Mừng cho anh tránh được cà phê Con Ó nhưng đố anh né được đôi lần ăn phải rau hay các loại thực phẩm bẩn khác đấy. Anh không thể tự trồng hết tất cả. Vấn đề là tính trung thực, hiệu quả của trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm và cả cộng đồng cùng yêu cầu một cái tem chuẩn. Kiểu như tem (ROHS) chứng nhận hàm lượng chì có trong mẫu thiếc hàn kim loại vậy. Có nó thì hàng hóa được vào thị trường, không có nó thì bỏ đi. Còn về giá cả thì sao?

   Tây có ông anh, đến mùa trái cây thường nhập quả từ Tây Nguyên xuống bán ở Thủ Dầu Một. Anh kể đắng lòng lắm em ơi. Mình bán rẻ, người ta ngỡ đồ rởm mới rẻ thế. Anh ghét, anh thét giá cao, thế là mua ầm ầm. Nhà Tây quanh năm ăn mật ong hoa cà phê nhà hàng xóm nuôi, 70 nghìn một lít. Đồng nghiệp cũ ở Tây Ninh bỉ bôi trời ôi chị uống nước đường mới có giá đó chứ mật ong thật phải ở tầm giá 600 nghìn một lít. Giá cả không còn là thước đo giá trị thật của hàng hóa nữa rồi. Cái này chắc phải có cuộc cách mạng thay đổi tư duy người tiêu dùng chứ cả người trồng và người tiêu dùng như gà mắc tóc và bản thân người bán hàng, tuy có lời đấy nhưng đôi khi thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Đời cứ rẻ rúng con buôn dù biết rằng không có nghề ấy, cuộc sống không thông suốt được.

Bến Cát, 17/4/2018 
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, April 16, 2018

VIẾT CHO HẠT BỤI QUÊ NHÀ

Tác giả ảnh: Nguyễn Soa
   Nó là thứ đặc sản mùa này ở quê tôi. Bụi, ở đâu chẳng có, nhưng tôi cứ cảm thấy bụi quê mình tội nghiệp hơn bất kỳ miền quê nào khác. Nó không phải chỉ vài hạt đơn lẻ bị quẩn lên bên hè phố hay nhẹ nhàng dính vào bàn chân các thiếu nữ vùng chiêm trũng. Bụi quê tôi bị hốt lên từng luồng như bão cát miền sa mạc. Nó như kẻ không nhà, không nơi nương tựa. Nó thông thống, nó bất lực, nó thương lấy nhau nên ôm nhau trong gió xoáy tạo đám bụi đặc quánh qua quãng trời xanh. 

   Rồi nó sẽ neo đậu ở đâu sau cơn cuồng phong của trời? Nó bám vào những phiến lá ven đường khiến cho cây cối lem luốc, mất đi nét mượt mà bóng bẩy. Mùa khô thiếu nước, cây đã héo đến tội nghiệp rồi cộng thêm bụi bám nữa. Quê tôi mùa này như đứa trẻ con nhà nghèo cởi truồng không có nước tắm, rặt một màu đất phủ trên da.

   Mùa khô gió phũ phàng là thế, những tưởng mưa về sẽ sướng hơn. Nào đâu có dễ. Những hạt nước của trời lại đập vào bụi, đánh văng nó ra khỏi nơi đã gắn bó rất lâu. Mưa ơi, bụi cũng biết đau, bụi cũng có tâm hồn đấy nhé. Rồi mưa lại cuốn bụi vào dòng chảy đi lang thang khắp nẻo đường. Bụi được hôn lên đất mẹ Tây Nguyên nhưng lại chẳng được ở với đất mẹ quá lâu. Bụi bị cuốn vào suối, vào sông, đi theo con nước đắp cho đôi bờ ở miền đồng bằng xa thẳm, từ đây nó không còn là bụi Tây Nguyên nữa mà được gọi cái tên mỹ miều mới, Phù Sa.

  Bụi lang thang bốn mùa như cuộc đời một người con gái Tây Nguyên…
Bến Cát, 16/4/2018
Tây Nguyên Xanh
No comments