Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, June 8, 2018

BAO GIỜ CHO NƯỚC MẮT CHẢY NGƯỢC?

Tác giả ảnh: Phan Văn Phú

     Người tình kiếp trước hăm hở điện thoại nói con ơi, má tỉnh rồi con à. Chúc mừng cô người tình kiếp này của lão ấy phát. Cô người tình kiếp trước của lão ấy ngồi nhớ lại những lời kể. Có một thời, hai đứa con nheo nhóc, má bỗng nhiên đổ bệnh rất nặng. Tiền công một ngày đào giếng của ba chỉ đủ tiền mua một thang thuốc cho má. Đã có lúc má tuyệt vọng, thương chồng nói anh ơi, để cho em chết đi. Anh giữ sức mà nuôi các con. Xong còn dặn dò nếu má có làm sao thì lấy dì út để các con bớt chịu cảnh mẹ ghẻ. Thế rồi trời thương, má đỡ dần và cùng ba nuôi hai đứa đến ngày hôm nay. Khi xưa ba chưa xin được làm công nhân trồng cà phê nên phải đào giếng thuê, ở nhà tập thể. Nay ba nói với má rằng em cứ yên tâm, anh bán cà lo cho em. Kế sinh nhai của ba chẳng có gì ngoài cà phê. Bán hết một mùa cà phê mới đủ chi phí mổ. Và ba đã lo được. Khi má bay ra Hà Nội để ba một mình với 1 hecta cà phê đầy cỏ, phân đợt một mùa mưa chưa bón, cỏ lạc chưa xẩy, bắp chưa vun chân. Ngày ấy bắp trong vườn mới nhú. Ngày má mổ, bắp tốt ngang đầu người. Ngày má về chắc bắp đơm bông. Lạc trong vườn chắc cũng luộc được đôi ba củ.

    Họ có những cuộc cãi vã khiến đôi lúc hai đứa con nghĩ chắc sẽ chẳng lấy ai đâu. Ba má yêu nhau đến thế còn như vậy nữa là. Vậy chứ mới xa nhau đôi ngày, hai cụ cầm hai cái smarphone chát chít, gọi video cập nhật tin tức cho nhau nghe. Đôi khi con cái nghịch ngợm, nhắn vào máy của ba rằng em nhớ anh. Thế là hai đứa con khúc khích cười khi đọc tin nhắn của đằng kia gửi lại. Khi ấy lại thích có người yêu để thủ thỉ tâm tình như ba má.

    Như ở quê nhà Nghệ An thì chị gái đẻ con, em gái xách tay nải đến nhà chồng chị chăm. Hay như dân Bình Trị Thiên thì mẹ đẻ đến xin mẹ chồng cho con gái được về nhà ngoại đẻ. Đằng này ba má mình, lập nghiệp xa, nội ngoại không dư giả gì mà có thể vào chăm hoặc ba má dắt nhau về quê sinh nở. Còn ba má? Họ tự chăm nhau. Nay má mổ, lại cũng vẫn một mình ba chăm má. Con cái thăm nom đôi ba ngày lại đi. Nước mắt sao chỉ chảy xuôi thế trời ơi…

Thị xã Bến Cát, 8/6/2018 
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, June 7, 2018

CÁC BẠN LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG BỊ ÂN-PHỜ-REN TRONG GIAI ĐOẠN NÀY?


    Những ngày này các cụ làm gì để xem được các phe choảng nhau, mổ xẻ vấn đề cho thông não mà vẫn không bị hủy kết bạn hoặc bờ lốc? Tây đang run các cụ ạ. Trâu bò oánh nhau, ruồi muỗi bẹp dí. Bên nào cũng biên hay cả. Hay thì bấm like thôi. Cơ mà sợ phe kia tìm diệt những đứa tán thành những đứa có quan điểm trái mình. Ấy là nỗi sợ thứ nhất.

    Cái sợ thứ hai, là sau khi bóp trán suy nghĩ ra từng câu câu viết hay nhất, đăng lên phát, các cụ của các phe sẽ ngồi hóng like, share và còm khen các cái. Số lượng không đạt, các cụ ấm ức trong lòng. Cảm thấy cái phờ ren lít của mình có vẻ đông mà vô dụng quá. Các cụ ngồi vạch danh sách bạn ra, ngắm từng đứa, những đứa ngồi run không dám like như Tây dễ bị ủn đít lắm.

   Thứ ba, đọc lắm thì cũng có lúc ngứa mồm nhả chữ. Biên gì? Chưa hiểu vấn đề mà biên thì bị chửi a dua. Biên những lời gan ruột đau đáu tí, ờ thì có thể là lắm like mí còm nhưng có một nỗi sợ khi bài viết hay quá, ấy là những cái share. Ý đồ của những cái share mới thực sự đáng quan tâm. Có thể bài viết ấy chả hay lắm nhưng mà chả ai biết viết hoặc biết nhưng chả muốn ra mặt. Nhân thể có kẻ biên đúng ý mình, bấm share phát. Cái share này lành tính. Share ác tính là share về nhà kèm theo những lời kiểu như cảm ơn tác giả đã lên tiếng vì thế nọ thế kia. Thế là vô tình bài viết của kẻ sĩ bị vơ vào cùng một luồng tư tưởng nào đấy. Nó được chính trị hóa lên. An ninh mạng sờ gáy các bạn ngay. Vì đôi ba lời lên mạng, tự dưng sếp đuổi việc mình do sợ rầy rà an ninh các cái. Bỗng dưng con cái mất cơm ăn. Xã hội vẫn thế…Sợ quá đi chứ.

   Vậy thôi im mồm, chờ cho qua đận này nhỉ? Không được, trang nào lâu ngày không đăng gì là được xếp vào “tàu ngầm cõi mạng”, bị ủn luôn, đếch nói nhiều. Thôi thì biên cái gì đó kiểu như hôm qua rủ bồ vào nhà nghỉ. Cả đêm chăn ga gối đệm phẳng phiu, cảm thấy đời thật hẩm hiu. Hĩ hĩ. Kiểu gì cũng có người nhảy vào còm ố ồ nhẽ thằng bồ cần uống thuốc ngâm con bổ củi ngay. Và ta sẽ thanh minh thanh nga các cái cho xôm trò. Xong bỗng dưng nhớ về những ngày mùa mưa Tây Nguyên xa xưa với kỷ niệm chơi trò ú tim, trốn sau đống củi, thấy con bọ cánh cứng mang tên bổ củi ấy. Ta bắt nó nằm ngửa rồi nó tự giật nẩy và lật úp lại nghe tách tách. Những gì liên quan đến tuổi thơ đều ngọt ngào và trung tính trong thời buổi chính trị nhiều phe. He he, từ nay Tây cứ biên về Tây Nguyên thôi. Hố hố.
Thị xã Bến Cát, 7/6/2018
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, June 3, 2018

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN -Kỳ 26: MÙA CỦI MUỒNG


    Những ngày này, nếu ai về vùng nông thôn ở Tây Nguyên sẽ được thấy những hình ảnh như này. Không phải gỗ ở rừng mà là gỗ của những cây muồng chắn gió cho cà phê. Muồng là loài cây làm đẹp cho Tây Nguyên cuối mùa khô. Bởi lá của nó là nơi đẻ trứng của những con bướm chanh di cư và lá muồng cũng là nguồn thức ăn của loài sâu sau khi trứng nở. Muồng che chắn gió và ngăn bức xạ nhiệt gây sương muối ở rẫy cà phê. Gần cuối mùa khô, người ta lũ lượt  cưa muồng nên cây trên 20 năm để bán gỗ và trồng cây mới. Mùa mưa về, muồng rợp bóng quá nên nông dân lại chặt tỉa bới cành muồng. Cành và thân muồng được tập hợp thành một đống như thế này. Khối to được bán theo giá gỗ. Cành nhỏ được bán theo giá củi. Nông dân Tây Nguyên quanh năm không phải hằng ngày đi kiếm củi mà chỉ cần hai xe công nông là đủ củi đun cho cả năm. Và bây giờ đang là mùa củi muồng.

    Những khúc củi muồng to bằng bắp đùi còn tươi hôm nay nhưng đến cuối năm nay thì nó đã khô và có để đun nồi bánh tét trong đem giao thừa của xuân sau. Còn cành to bằng bắp tay thì đến rằm tháng bảy tới đây là có thể đun nấu chuẩn bị cho mâm cỗ thức ăn trăm món, trái cây trăm màu rồi. Than củi muồng không chắc như than củi cà phê nên củi muồng gần như chỉ để đun chứ ít ai gom về làm than.

   Tuổi thơ của Tây gắn với hình ảnh ba cầm dao chặt từng cành muồng thành khúc. Má nhặt nhạnh rồi xếp lại thành bó và đem ra sau hè chất thành hàng thẳng tắp. Có những cành tươi và chắc được ba dựng lên làm giàn mướp hay bầu bí gì đó. Còn bọn trẻ con như Tây thì lén lấy mấy cành muồng nhỏ đi cắm lên đất ở bờ mương làm khung nhà rồi lại đi với tay hái lá muồng về lợp thành mái nhà, xong ngồi trong ấy chơi đồ hàng.

    Có những ngày ba má đi rong (chặt) muồng, con ở nhà phá làng phá xóm như thế…
Bến Cát, 3/6/2018
Tây Nguyên Xanh

No comments