Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, July 18, 2018

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN -Kỳ 28: ĐÃ CÓ NHỮNG CUỘC ĐI VAY NHƯ THẾ


- Chị ơi, cho em vay một tạ cà (cà phê nhân thô) với.

- Có việc gì mà phải đi vay vậy em?

- Con bé nhà em muốn phúc khảo chị ạ. Nó học chăm chỉ như thế, không thể nào rớt tốt nghiệp được. Họ chấm sai rồi.

- Ừ, tội con nhỏ. Chắc có oan gì đây. Mượn khi nào trả hả em?

- Đến mùa (thu hoạch cà phê) em trả nha.

   Đấy là mẫu hội thoại tôi thường nghe khi còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường. Tôi học dốt nhưng may mắn thi gì, đỗ nấy, dù điểm chỉ đủ đậu nên bố mẹ chưa phải bỏ tiền ra đi chạy điểm như vài đứa trẻ sinh ra ở Tây Nguyên khác. Tất nhiên không phải ai thi rớt đều chạy, chỉ là đa số mà thôi. Chúng tôi, thế hệ 9X, nhà nào cũng hai con, được cưng như cậu ấm cô chiêu thuở xưa. Bố mẹ chúng tôi chỉ bắt chúng tôi ngồi vào bàn học chứ không cho ra rẫy phụ việc chăm sóc cây cà phê bao giờ. Chỉ là chúng tôi không có nhiều chỗ vui chơi như ở phố thị thôi chứ khẳng định rằng bọn sinh ra ở nông thôn Tây Nguyên chúng tôi cực sướng. Gan ruột mà kể là sự thực nó như thế.

   Tất nhiên, có tiền đút vào nên con người đi vay ấy được nâng điểm lên thành đỗ. Đâu như hai chục triệu một cháu, giá của những năm 2006 đến 2008. Sau mười hai năm ăn học, thấy con nằm lì trong phòng khóa trái cửa lại, một hai đòi sống đòi chết thì bố mẹ nào chả cuống. Khổ, các bạn đừng gào lên là tại vì bố mẹ chiều con quá. Dù sự thật nó như thế nhưng cứ xát muối vào lỗi ấy thì tàn nhẫn lắm. Nhưng nếu những đứa đòi tự sát ấy mà được nới lỏng tư tưởng từ trước, được dạy cách định vị khả năng của bản thân và hướng nghiệp tốt thì không xảy ra nhiều bi kịch như thế. Sau này chúng ngoảnh lại, thấy tốt nghiệp cũng chả để làm gì mới thấy thương bố mẹ thì đã đi qua những ngày xanh của tuổi trẻ và có khi đã là bố mẹ của trẻ con.

   Hà Giang, một tỉnh miền biên giới. Một tỉnh đáng được ưu tiên nhất nhì cả nước nên chỉ cần đỗ tốt nghiệp thì nó sẽ có nhiều tương lai hay ho. Những suất sinh viên cử tuyển cho cán bộ nguồn và nhiều hình thái khác….Chủ trương nuôi dưỡng cán bộ hiểu địa phương là đúng nhưng tiếc là bị biến tướng đi nhiều. Nên không trách chế độ, chỉ trách những con người thực hiện chế độ. Là tôi phỏng đoán nguyên nhân nâng điểm thôi chứ tôi nào có phải cán bộ điều đa. Rặt một phường đoán mò, cá mè một lứa với dân cõi mạng thôi.

Bình Dương, 18/7/2018
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, July 17, 2018

TỈNH DẬY SAU MỘT CƠN SAY

   Tỉnh dậy sau một đêm say, đầu như có đá nhồi trong óc, tay phải chống trán kẻo nó nặng làm gãy cổ mất. Niềm háo hức nhất lúc ấy là ăn và nỗi sợ hãi nhất lúc ấy cũng là ăn. Bụng đói cồn cào nhưng ăn gì cũng thấy ngán. Cảm giác không thiết tha mọi thứ cứ len lỏi lan trong từng thớ thịt. Nhưng phải sống! Bỗng dưng trong đầu thích nghe bài hát “đi tìm câu hát lý thương nhau”. Và rồi tô bún riêu chuẩn hương vị bắc kỳ cứ lượn lờ trong tâm trí. Nếu không phải đi làm, cứ thế ngủ. Ứ ăn, thề!

   Vừa ăn, vừa mở điện thoại ra xem tối qua mình viết tin nhắn có đúng chính tả không. Say thật rồi, gõ sai tùm lum. Thương cái người đọc vãi. À, cho hắn chít vì tội để mình nhớ. Nhẽ mình yêu hắn rồi. Ôi không! Thôi lỡ rồi, cho làng luôn đi he he. Mà cái tật lúc say chữa mãi không được. Ấy là bình thường gầm gừ, đừng hòng nhắn cho ai đó nhé. Nhưng có tí bia vào thì hiền như một con mèo. Thích được vuốt ve và kể lể thương yêu các cái. Bia đúng là thuốc nói, hu hu.

   Lại xem cái cờ líp bạn bè quay lại lúc hát hò. Giời ơi, bia vào là ngứa mồm ưa hát. Mà hát thì ôi thôi dở lắm dở lắm, ngại tả vô vàn. Á lại còn nhảy nhót nữa chớ. Thiếu chưa khỏa thân múa cột nữa thôi. Hư hỏng quá, hư hỏng quá.

   Tỉnh dậy sau một cơn say, hẳn nhiên là tự thấy trưởng thành hơn một tí. Tự răn mình lần sau không bia bọt nhậu nhẹt gì nữa nhé, nhé, Ấy thế là được vài hôm ai rủ, khéo lại đi đấy. Hư hỏng rồi các trai ơi ới ời.
No comments

Sunday, July 15, 2018

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN Kỳ 27: PHONG TRÀO TRỞ VỀ THỜI CUNG TỰ CẤP



     Khái niệm đi mua dầu ăn đã không còn ở cái xóm của mình nữa. Nhà nào cũng tự trồng lạc và ép dầu đủ ăn quanh năm. Nhà mình ép được  đâu gần 50 lít, đủ nhà ăn quanh năm và tặng biếu. Năm nào chẳng có cà phê già cỗi, nông dân nhổ cây ấy để trồng cây mới. Thế là khi tưới đợt một cho mùa khô, họ đã gieo hạt rồi. Sau ba đợt tưới thì mùa mưa về. Thế rồi nửa mùa mưa thì thu hoạch lạc. Gieo tiếp đến đầu mùa hái bói cà phê lại nhổ vụ thứ hai. Thế là tha hồ lạc ăn quanh năm. Đến mùa, nom từng xe công công chở lạc đi đến chỗ thuê hấp và ép lạc mà ngỡ họ đi hội. Dầu lạc nghe nói có người hỏi mua 90 nghìn một lít, nhưng ít ai bán.

   Trưa nắng, chạy ra lô cà phê nhổ mấy vạt rau má. Rễ để chấm với tương Nam Đàn. Ăn mặn quá thì xay lá rau má, vắt lấy nước uống.  Bầu tự trồng, lâu lâu ưa chấm kho quẹt thì chạy ra bờ ranh hái trái thơm vô chiết nước mà kho cho ngọt.

    Nhà nào có con gái lấy chồng. Cha ở nhà trữ gỗ thân cà phê. Con gái có bầu, sau khi làm cái lễ xin nhà chồng cho phép đưa con gái về nhà mẹ đẻ sinh nở thì cha ra vườn đào hố, làm lò đốt lấy than để sưởi cho con gái đủ 3 tháng 10 ngày. Kỳ xưa, chỉ có người từ Bình Trị Thiên trở vào mới có chuyện sinh ở nhà mẹ đẻ. Nay người gốc Nghệ Tĩnh và Thái Bình ở Tây Nguyên cũng làm theo chứ không nghiêm ngặt nhà gái đến nhà trai chăm đẻ chứ cấm về như xưa.

    Hoa cà phê tàn, một nhà quay mật ong. Cả xóm tụ lại mua mỗi lít 75 nghìn. Thế là hỷ hỷ hả hả đôi bên. Nói luôn, bọn mình không mê mật ong rừng vì rừng Tây Nguyên ứ còn nữa he he. Một nhà nuôi lợn, cả xóm lại xúi nhau chung một con lợn rồi cất thịt trong tủ lạnh ăn dần. Cá cũng có một nhà nào đó nuôi rồi cả xóm đến đó mua.

    Ga thì một năm đổi 2 bình. Có nhà chỉ dùng 1 bình là đủ vì ra vườn là tha hồ củi cà phê để đun. Thành ra chả mấy khi các cụ trong xóm mình đi chợ. Ra chợ toàn thấy mua muối với cả mì chính. Hihi. Chả bù cho ngày xưa, có cái phong trào phải sống ăn sẵn như người thành phố mới chịu. Đi chợ về phải là tay xách nách mang đủ thứ cơ. Nay hết rồi, đỡ tốn xăng đi chợ phết hihi.
Bình Dương, 15/7/2018
Tây Nguyên Xanh
No comments