Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 18, 2013

ANH CÒN NHỚ?

Ảnh: Hoàng Trọng Muôn
ANH CÒN NHỚ?

Anh có nhớ...
Hôm trời mưa giông bão tố
Một nhánh lá môn...
Hai đứa che ở trên đầu

Anh có nhớ...
Hôm đi học muộn
Cô giáo phạt quỳ
Anh về làm đồng hồ lá chuối tặng em

Anh có nhớ...
Chiều quê mát mẻ
Có hai đứa trẻ
Ngồi trao nhẫn cỏ cho nhau...

Hình như anh....
Không còn nhớ người em ấy nữa
Không mặn mà với bến sông quê nữa
Anh chỉ mặn mà với phố xá xa hoa
--------------------------------------------------
18-5-2013
Tây Nguyên Xanh
8 comments

Tham luận: DÂN CA VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI

DÂN CA VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI
( Tham luận của nhạc sĩ HỒ HỮU THỚI )

  Dân ca xứ Nghệ nói chung, Ví, Giặm nói riêng đều xuất phát từ lao động sản xuất; mới đầu còn thô sơ, mộc mạc, về sau do tác động của nhiều yếu tố khác nhau đã hình thành những điệu hát dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người.
Ví, Giặm là hai thể hát khác nhau, theo PGS Ninh Viết Giao:
Ví là “ví von”:
              “Thân em như hạt mưa sa
       Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng”
   Ví là “Với”, bên nam hát đối đáp với bên nữ.
Ví là “Vói”, bên nam đứng ngoài đường, ngoài ngõ hát vói vào trong sân, trong nhà đối đáp với bên nữ đang quay xa, kéo vải...
   “Giặm” là xuất phát từ tính phân đoạn trong một bài hát giặm; Giặm là giắm vào, diền vào như giắm lúa, điền nan trong một cái rổ; Riêng ý kiến của PGS Ninh Viết Giao: “Giặm là tiếng vang lại của tiếng nói con người nơi núi rừng, nhất là khi chúng ta đi vào những khu rừng có nhiều vách đá thẳng tắp cheo leo, khi nói một câu chúng ta thường nghe lại tiếng nói của chính mình”. Hát giặm có hai hình thức: Hát giặm nam nữ và hát giặm vè (tức vè sáng tác theo thể hát giặm).
    Ví, Giặm xứ Nghệ lúc mới ra đời chỉ là những câu hát riêng của chị em trong lúc lao động một mình, về sau có sự tham gia của những chàng trai, câu hát trở nên tình tứ, dịu dàng, uyển chuyển. Đặc biệt, từ khi có các nhà nho, nhà trí thức bình dân và một số nhà khoa bảng có danh tiếng tham gia, câu hát đã có thêm chất trí tuệ, chất uyên thâm, nho học; Buổi đầu đi chơi hát phường Vải họ thường bày câu hát cho bên nam, gọi là thầy gà. Rồi bên nữ cũng vậy, những buổi hát thế nào cũng mời cho được thầy gà. Dần dần các thầy gà trở thành người hát chính thức trong các cuộc chơi.

     Ví , giặm không chỉ hát đơn lẻ mà đã trở thành quy cách hát ví và thủ tục hát giặm (thủ tục hát giặm chỉ có trong hát giặm nam nữ). Quy cách hát ví thường có 7 bước, 3 chặng; Chặng 1 là các bước hát dạo, hát chào, hát mừng và hát hỏi; Chặng 2 là các bước hát đố và hát đối; Chặng 3 chặng quan trọng nhất, có nhiều câu hát hay gồm các bước: hát mời, hát xe kết và hát tiễn. Quy cách này đã hình thành trong dân gian từ lâu đời, mang tính chất nguyên hợp (Phoncolo). Quy cách này chỉ thể hiện đầy đủ trong hát ví phường Vải, còn các điệu ví khác không có hoặc không đầy đủ.
     Về thủ tục hát Giặm nam nữ cũng có 3 bước cơ bản: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Trong bước hát dạo có khi chỉ hát chào, hát mừng, hát hỏi thay cho hát dạo còn hát đối hầu như vắng bóng. Quy cách hát cũng rất đơn giản, không đầy đủ như hát Ví. Vai trò nhà nho ít tham gia hát Giặm, nếu có chỉ là những nhà nho biết hát và thích hát, còn làm thầy bày, thầy gà thì rất khó. Vì hát Giặm nam nữ có bài tới ba, bốn chục câu; Thậm chí năm, sáu chục câu mà người hát phải hát liền một mạch thì không thể gà được.
    Bên cạnh việc hình thành quy cách hát và thủ tục của cuộc hát, tính chất, không gian và thời gian của hát dân ca nói chung, Ví, Giặm nói riêng cũng là một vấn đề quan trọng cần tìm hiểu. Hát Xoan Phú Thọ là hát nghi lễ, hát ở cửa đền; Hát Quan Họ là hát giao duyên, hát trên sông, hát sau đền, hát trong hội Lim; Còn Ví, Giặm xứ Nghệ là hát trong lao động, hát trong lúc đang kéo sợi, dệt vải, đan lát rổ, rá, đi cấy, đi gặt, hái củi, chèo thuyền trên sông... với những tên gọi khác nhau như: ví phường Vải, ví phường Đan, ví phường Cấy, ví phường Củi... Về thời gian, khắp vùng xứ Nghệ ở đâu cũng vang lên câu Ví, câu Giặm, hát suốt quanh năm, hát cả bốn mùa, hễ nam nữ có dịp gặp nhau, cùng nhau lao động là cùng nhau hát Ví, hát Giặm.
   Đôi nét khái quát trên để thấy rằng: Ví, Giặm xứ Nghệ, những giá trị vốn có mà chúng ta tiếp cận hôm nay không phải là bất di bất dịch, mà đã có sự bổ sung, hoàn thiện dần theo điều kiện phát triển của xã hội qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Ví dân ca là văn nghệ tự túc của người dân lao động, họ tự ngẫu hứng sáng tác và lưu truyền từ đời này sang đời khác; Quá trình ngẫu hứng sáng tác và diễn xướng truyền miệng là quá trình bổ sung, hoàn thiện và có thêm nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên, dù bổ sung, hoàn thiện đến đâu thì dân ca nói chung, Ví, Giặm nói riêng vẫn nằm trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc, là tài sản vô giá của đất nước Việt Nam.
   Vậy, Ví, Giặm xứ Nghệ trong đời sống đương đại thì sao?
   Trong đời sống đương đại Ví, Giặm vẫn tồn tại, nói đúng hơn là tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ, khác với khái niệm bổ sung, hoàn thiện của thời kỳ còn mang tính chất nguyên hợp (Phoncolo), chưa bị ảnh hưởng các trường phái âm nhạc chính quy khác. 
    Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, khi phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh bùng nổ, câu Ví, câu Giặm chuyển tải nội dung đấu tranh của công nhân Trường Thi, Bến Thủy, của nông dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Và không những câu Ví, câu Giặm chuyển tải nội dung mới, mà còn có cả sáng tác mới có dấu ấn tác giả, mang đậm chất Ví, Gặm xứ Nghệ.
    Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lại xuất hiện những câu Ví, câu Giặm chuyển tải các nội dung: Tố cáo chiến tranh, tiễn người thân lên đường nhập ngũ, những mất mát hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ; Kể cả những sáng tác mới của các tác giả mang đậm chất Ví, Giặm như: “Cùng nhau đi hùng binh”, “Ta lại đào công sự”, “Thần sấm ngã”...
    Hòa bình lập lại, miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, cùng miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Câu Ví, câu Giặm lại tiếp tục chuyển tải kịp thời, đầy đủ những nội dung mới của thời kỳ này. Câu Ví, câu Giặm không chỉ đứng một mình mà còn liên kết với nhau thành những tiết mục hoạt ca, hoạt cảnh để chuyển tải nội dung lớn hơn, phong phú và đa dạng hơn. Đặc biệt, từ khi phong trào sân khấu quần chúng của tỉnh phát triển (1960), nhiều vở kịch ngắn (kịch hát dân ca) xuất hiện, trong đó có các vở “Không phải tôi” của Nguyễn Trung Giáp, “Khi ban đội đi vắng” của Nguyễn Trung Phong, “Hỏi ai quan trọng” của Nguyễn Tiến Đang... Nhất là từ khi Đoàn Dân ca Nghệ An được thành lập (1973) (nay là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), hàng chục vở diễn được thể nghiệm thành công; Ví, Giặm xứ Nghệ không chỉ là điệu hát độc lập mà còn là lời hát của nhân vật trong các vở diễn sân khấu. Và một điều tất yếu là phải cải biên và phát triển Ví, Giặm xứ Nghệ, vì các làn điệu nguyên gốc trong những vở diễn hiện đại không đủ sức để chuyển tải tâm trạng, tính cách của nhân vật, nhất là những xung đột kịch sâu sắc. Nhiều làn điệu cải biên và phát triển Ví, Giặm xứ Nghệ đã đáp ứng được yêu cầu hình thành và phát triển bộ môn sân khấu “kịch hát dân ca xứ Nghệ”. Những làn điệu đó không chỉ sử dụng trong một vở mà nhiều vở diễn khác nhau, gọi là đa dùng; Không chỉ sử dụng trong sân khấu mà còn sử dụng độc lập trong các cuộc giao lưu gặp mặt thân mật, tiệc cưới, mừng sinh nhật…
     Nhiều thập kỷ qua, phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhiều lễ hội dân gian, truyền thống được phục dựng, một số lễ hội mới cũng được hình thành và phát triển như: Lễ hội làng Sen, Lễ hội uống nước nhớ nguồn, Lễ hội sông nước Cửa Lò... Gần đây nhất là phong trào đưa dân ca vào trường học đã thực hiện hơn một thập kỷ qua trong hầu hết các trường phổ thông ở Nghệ An. Ví, Giặm xứ Nghệ thực sự đã đi vào đời sống cộng đồng, bằng những chương trình, tiết mục hát dân ca của các đội nghệ thuật quần chúng; Bằng những giờ dạy hát dân ca trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Bằng những giờ dạy hát dân ca của các thầy cô giáo trong các trường phổ thông; Và bằng những cuộc liên hoan hát dân ca hàng năm của tỉnh, của Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An tổ chức. Tháng 6 này là cuộc Liên hoan Ví, Giặm xứ Nghệ lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Vinh, có sự phối hợp của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
    Ví, Giặm xứ Nghệ không những đi vào đời sống cộng đồng người Nghệ ngay chính quê hương, mà cả người Nghệ xa quê và những người không phải quê hương xứ Nghệ nhưng rất yêu thích dân ca xứ Nghệ. Họ được gia đình, người thân thường xuyên gửi tặng những đĩa hát dân ca, tiếp xúc với những vở diễn sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ trên Đài Truyền hình Trung ương, những chương trình dân ca nhạc cổ Bắc, Trung, Nam trong đó có dân ca xứ Nghệ trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Họ không những tiếp xúc với các làn điệu Ví, Giặm nguyên gốc được đưa vào sân khấu thể nghiệm, đưa vào các chương trình hát dân ca, mà còn tiếp xúc với những bài ca đi cùng năm tháng như: “Trông cây lại nhớ tới Người”- Đỗ Nhuận, “Câu hát quê hương”- Hồ Hữu Thới -Nguyễn Trọng Tạo, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”- An Thuyên…
    Ví, Giặm xứ Nghệ trong đời sống đương đại không còn có không gian thật và môi trường diễn xướng vốn có, mà thay vào đó là sự tái hiện bằng sân khấu, sàn diễn các không gian và môi trường diễn xướng cũ. Người diễn xướng là diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên và những người yêu thích dân ca, nhất là học sinh trong các trường phổ thông. Các nghệ nhân hát Ví, Giặm xứ Nghệ tuổi cao, sức yếu đã lần lượt ra đi, số còn lại chỉ đếm đầu ngón tay. Họ không còn đủ sức để tham gia diễn xướng như ngày xưa, chỉ làm được một số việc như: hát cho các nhà sưu tầm, nghiên cứu ghi âm để gìn giữ cho muôn đời sau, hát để truyền dạy cho lớp trẻ, trao đổi những vấn đề mà báo chí và các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu…
   Ví, Giặm trong đời sống đương đại cũng không còn có hình thức văn nghệ tự túc như ngày xưa ông cha ta đã làm. Mặc dù ở đâu đó, trong các đội nghệ thuật quần chúng, thỉnh thoảng vẫn có các tiết mục tự biên, tự diễn; Nhưng tự biên, tự diễn ở đây vẫn khác với ngày xưa, tự biên tự diễn ở đây có dấu ấn tác giả, văn nghệ tự túc ngày xưa là của nhân dân. 
   Vậy, cần phải tiếp tục làm gì đối với Ví, Giặm xứ Nghệ trong thời gian tới?
   Không phải đến bây giờ mới đặt vấn đề cần phải làm gì và làm như thế nào đối với tài sản vô giá Ví, Giặm xứ Nghệ, mà năm, sáu chục năm qua chúng ta đã làm, kết quả đạt được đại bộ phận người dân xứ Nghệ đều biết. Công việc cần làm hiện nay là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lập Hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận “Ví, Giặm xứ Nghệ là Di sản phi vật thể của nhân loại, cần bảo vệ khẩn cấp”. Lập Hồ sơ khoa học trên cơ sở những giá trị vốn có của ông cha để lại, không thể đưa những kết quả cải biên, phát triển Ví, Giặm xứ Nghệ vào Hồ sơ khoa học. Vì vậy, cần gấp rút tiến hành việc điều tra, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ kho tàng dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ một cách khách quan, khoa học; Cần phục dựng lại một số quy tắc và thủ tục hát dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để tuyên truyền rộng rãi ra cả nước và bạn bè quốc tế; Cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, định kỳ tổ chức Liên hoan Hát dân ca... Làm cho Ví, Giặm xứ Nghệ đi sâu hơn nữa vào đời sống cộng đồng, được cộng đồng đón nhận, lưu truyền gìn giữ và phát huy, cộng đồng là chủ nhân của dân ca Ví, Giặm.
   Trong đời sống đương đại, không chỉ có cách làm là đưa Ví, Giặm vào các tác phẩm lớn như: kịch hát dân ca, kịch hát mới phát triển Ví, Giặm, thanh xướng kịch, opera, operette dựa trên chất liệu dân ca xứ Nghệ mới đáp ứng được đời sống tinh thần của nhân dân. Chúng ta đang ở ngay chính giũa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển tiềm năng du lịch, trong đó kể cả di sản Ví, Giặm xứ Nghệ, là những sản phẩm vô giá để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Chỉ cần tổ chức những chương trình hát dân ca Ví, Giặm ngắn gọn, nhỏ nhẹ ở các điểm du lịch quan trọng, có thể làm thỏa mãn đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Chính đây mới là cái cần làm đối với dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại, còn cái mới (ví, Giặm cải biên và phát triển), họ đã được nghe nhiều trên hệ thống thông tin đại chúng.
   Ví, Giặm xứ Nghệ trong đời sống đương đại chắc hẳn còn nhiều cái phải bàn và nhiều việc phải làm. Một số nét khái quát trên là quá trình chúng tôi sống với Ví, Giặm, lặn, ngụp cùng Ví, Giặm để làm nghề, xin được nêu ra để cùng tham khảo. Hy vọng, Ví, Giặm xứ Nghệ sớm được UNESCO công nhận là “Di sản phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp”. Đến lúc đó, nhân dân xứ Nghệ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung sẽ cùng vui mừng chào đón lễ vinh danh Ví, Giặm xứ Nghệ.

Đăng lại bài trên:  Blog Nguyễn Trọng Tạo 
No comments

MỒ CÔI

MỒ CÔI
(Xót thương tặng 4 đứa trẻ mồ côi ở xóm Nam Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Ảnh trên báo Dân Trí Online

Sáng ra ôm cha ôm mẹ
Chào: "con đi học"
Trưa về cất sách
Lục cơm. Cơm lạnh!
Lục nồi. Nồi không!
Mẹ ơi
Cha ơi
Đi đâu chưa về....
Bỗng...
Đời con
Còn gì?
Còn mảnh khăn trắng
Còn một nỗi đau
Còn một nỗi nhớ
Trọn đời tang thương
Vì một cân cá nuôi con
Vì một chén gạo
Con mất cha mất mẹ mãi mãi
Đời con ân hận một cõi trăm năm

------------------------------------------------
18-5-2013
No comments

Thursday, May 16, 2013

Khi chàng đa cảm làm phó nháy

    Chàng làm ngành du lịch, cuộc sống nay đây mai đó. Nói suốt, cười suốt, khách khứa suốt và nhậu suốt. Nghiệp du lịch nói thế. Mặt ngoài là một thế giới nhưng trong lòng lại một thế giới hoàn toàn khác. Ẩn chứa đằng sau vẻ bề ngoài vui tươi, mạnh mẽ ấy là con tim đầy nhạy cảm. Chàng nhạy cảm đến mức tự thấy mình là người đa cảm.



   Cánh hoa tàn rơi đầy trên phố, chàng cũng không nỡ bước chân lên. Có lẽ chàng mãi trân trọng và yêu cái đẹp của loài hoa, cho dù nó đã héo úa tơi tả. Khẽ khàng, nhẹ nhàng chàng cúi xuống nhặt một cánh hoa lên lòng bàn tay. Chàng thương cho một kiếp hoa khoe hương sắc. Đến cuối cùng cũng bị dẫm đạp lúc tàn phai. Chàng bỗng nghĩ: "Có khi nào ta già cỗi, thế giới này sẽ đồng loạt phủ nhận ta. Có lẽ nào đời bạc bẽo đến vậy"


    
  Bên kia đường, có đôi bạn trẻ đang tựa vào nhau tâm sự. Hình như họ đang yêu. Ừ....hình như thế. Chỉ mình chàng là hãy còn lông bông giữa chốn hồng trần này. Vì sao ư? Vì nhiều lý do tưởng chừng như vụn vặt nhưng lại có sức cản trở hạnh phúc đến với chàng ghê gớm. Chỉ cần nghĩ đến công việc nay đây mai đó của chàng thì chẳng có nàng nào dám trao hết con tim. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm trái tim chàng nức nở.
    Đêm nay, một mình chàng trà đá với cà phê. Cô đơn quạnh quẽ nhưng là dịp để chàng chiêm nghiệm lại những gì đã qua...



   
    Chàng vẫn hay như thế. Thích cho mình một không gian riêng. Nơi góc quán, nhìn phố xá lên đèn, dòng người xuôi ngược, tai nghe một bản tình ca êm đềm, mắt từ từ đóng lại rồi mở ra....Còn trơ trơ đó những muộn phiền vương vãi. Mệt mỏi, ưu tư, biết bao giờ lắng đọng cho lòng chàng nhẹ nhõm.



   Hà Nội đêm nay lỗng lẫy mà kêu sa quá. Đã bao lần chàng làm khách ở nơi này. Nhưng chưa lần nào chàng thấy chán Hà Thành cả. Ngắm mãi, ngắm hoài, ngắm như muốn chiếm trọn chút tinh túy của màn đêm phố thị.  




    Chợt chàng mỉm cười vì nghĩ tối hôm trước còn ngắm cầu Thuận Phước của Đà Nẵng. Thế mà tối nay chàng đã nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Chàng tự an ủi: "thôi thì nay đây mai đó cũng có cái hay, biết được nhiều điều, thấy đươc nhiều thứ, âu cũng là sự bù đắp giữa chốn thế thái nhân tình".
   Một luồng suy nghĩ chợt tới: "không lẽ mình cứ để mọi thứ trơn tuột vậy sao? Phải giữ lại những khoảnh khắc như thế này, phải có người ta thấy những gì họ không được nhìn thấy". Và thế là chàng rẽ lối tim mình chào đón tình yêu nhiếp ảnh  Một bộ môn nghệ thuật của kỷ nguyên công nghệ số.

     Kể từ ngày có máy ảnh, cái gì hiển thị trước mắt chàng đều có thể hình dung ra nét nghệ thuật chân phương của nó cả. Một cái xe của người bán hoa dạo nhìn rất bình thường trong mắt mọi người nhưng trong mắt chàng đó là chiếc xe đang chuyên chở cái đẹp. Một cái đẹp tự nhiên thuần khiết của các loài hoa. 



   Lang thang trên phố, Tình cờ gặp người con gái dáng hình thon thả, thướt tha trong tà áo dài truyền thống. Chàng cũng vội ngắt một cành hoa dại, nhờ nàng đón nhận, làm duyên để chàng xin một kiểu ảnh. Đặt tên cho nó là "Bất Chợt". Với chàng, phụ nữ là hiện thân của những ẩn số. Chàng giải mãi, giải hoài mà không có đáp số. Đúng là bài toán của tạo hóa.


  Hai đường thẳng song song, cuối cùng cũng gặp nhau ở nơi vô tận. Nhiều khi đứng giữa con đường, chàng vẫn hay tự hỏi: "Ở cuối đường, anh có gặp được em không?". Hình như chàng đang nhớ ai mà không biết có ai nhớ chàng không nữa.



"Đời nhiều ngã rẽ, xin em hãy chọn ngã rẽ vào lòng anh em nhé". Đứng giữa ngã ba đường, chợt lòng chàng vang lên câu nói ấy.


"Ở nơi đây anh thầm chúc em vãi xinh tươi như đóa hoa kia. Anh yêu em nhiều". Chàng thầm chúc nàng....

   
  Nhiều khi chàng muốn rũ bỏ những phồn hoa phố thị, chàng tìm đến những miền quê thanh bình của đất nước. Hình như ở đâu cũng vậy, cuộc sống nơi chiêm trũng luôn ẩn chứa những nụ cười rạng rỡ. Cho dù chân tay họ lấm lem quanh năm. Không như người thành phố. Sạch áo ráo tay nhưng giết người bằng ba tấc lưỡi.


   Chàng cảm nhận tình yêu bên cây lúa, gốc rạ sao mà bình dị đến thế. 


Sau mỗi chuyến công tác dài ngày, trở về từ trăm phương ngàn hướng, chàng lại cô đơn bên chiếc bàn làm việc. Lại những lo toan vụn vặt của đời thường. Tan sở, chàng lại chọn cho mình một thú vui đó là đạp xe ra dọc bờ biển.


   Một mình trước biển khơi, chàng thấy nỗi lòng mình như diệu vợi. Chàng học cách vị tha của biển. Dù ai ném gì ra biển, dù ai dẫm đạp lên biển. Biển ngàn năm vẫn hiền hòa, vẫn vỗ về tràn ngập những yêu thương. Biển cho cá, cho muối mặn, cho ngư dân một cuộc sống mưu sinh. Ôi, sao biển bao la và thánh thiện đến nhường ấy. Chẳng trách gì ai ai cũng yêu biển, chàng cũng thương thầm mất rồi biển ơi.
  Ai cũng biết tên chàng là Trần Thanh Liêm và xin trân trọng giới thiệu chân dung của chàng - tác giả của tất cả những tấm ảnh ở trên:

Khuôn mặt bầu bĩnh, vừa đủ nét đáng yêu để bao cô gái phải rung rinh. Ấy thế mà chàng hãy còn cô đơn lắm. Hãy nhẹ nhàng với chàng từ cái cách gọi tên chàng quý vị nhé!

   
   Lại sắp đến một kỳ nghỉ cuối tuần, chúc quý vị tràn ngập những yêu thương và bình yên nhé !

Buôn Ma Thuột, 16/5/2013
Tây Nguyên Xanh - Hạt Vừng Lép
******************************************************
Xin lưu ý: Tác quyền của tất cả những bức ảnh trong bài viết này thuộc về tác giả Trần Thanh Liêm. Mọi sao chép in ấn hình ảnh, xin hãy để ghi tên tác giả Trần Thanh Liêm.
8 comments

Tuesday, May 14, 2013

QUÊ HƯƠNG QUA ỐNG KÍNH CỦA PHÓ NHÁY VÕ TRIỀU HẢI

     Hắn tên Võ Triều Hải, Là người Đà Nẵng nhưng xuất thân trong gia đình làm nông ven sông Thu Bồn. Hắn cao to và nhìn khá được trai. Tuổi thơ của hắn nghe đâu cũng dữ dội lắm. Dân làm nông mà. dù ở xứ đàng Trong hay đàng Ngoài thì cũng khổ như nhau cả thôi. Hắn không muốn có một cuộc sống đầy lam lũ bên gốc rạ cái rơm nữa. Hắn quyết đổi đời bằng cách thi đỗ đại học. Và hắn đã có tấm vé vào ngành công nghệ thông tin của một trường ở Đà Nẵng. 

    Tất nhiên rồi, ra trường hắn xin việc ở đấy và nghiễm nhiên trở thành người phố thị. Nhưng cuộc sống sạch áo ráo tay không làm bôi xóa miền ký ức của hắn. Hắn nhớ dòng sông êm đềm nơi quê nội. Nhớ những hôm ngồi nghịch rơm ngoài đồng. Cái mùi ngai ngái của bùn lầy tưởng chừng như hắn đã quên hẳn để làm người thành phố, thế mà hắn đếch quên. hắn lại nhớ cái mùi ấy. Hắn nhớ quá và chiều hôm ấy hắn quyết định trở về thăm quê.


    Đà Nẵng - Quảng Nam có gì mà xa xôi. Nhưng sao hôm nay hắn thấy đường dài lê thê thế. Nhìn rặng cây xanh ngắt hòa quyện màu trời trong trẻo, lớt phớt những đám mây nho nhỏ in trên mặt nước yên ả, hắn như muốn cuốn mình vào dòng sông ấy để gội rửa hết những mệt mỏi của chốn xa hoa phố thị để trở lại với chính mình của ngày xưa. Ngày xưa ư, hắn hiền lắm. Hắn chân chất lắm. Hắn không có những phút giây cười nhạt nhẽo như bây giờ. Và nói thật bây giờ hắn tự thấy mình "đểu" hơn thời mới biết cắt lúa chăn trâu. Đành chặc lưỡi chứ biết làm sao. Đời bon chen nó thế.


    Hắn không kiềm chế được nữa. Dừng xe, hắn sải từng bước dài xuống bờ sông. Nước sao cứ mãi hiền hòa như thế để hắn phải say cảnh vật dân dã. Say còn hơn say vợ hắn hồi mới cưới. Nhưng...lúc này, hắn quên phắt cái chuyện mình đã có vợ. Nhìn con đò neo đậu bến sông, hắn mênh mang nhớ mối tình với người em thuở mười bảy xuân xanh. Thương lắm, yêu lắm. Chia tay nhau cũng ở cái bến sông này. Trời ơi, sao muốn thấy ánh mắt người đến vậy. Nhưng thôi....còn gì mà đợi mong nữa. Nắm tay lên vạt cỏ mà tim hắn như nát


Bờ bên kia, lũ vịt nhà ai đang tắm sông, chúng kêu càng cạc nghe vui tai quá thể. Hắn đứng trân người. như thể đang nghe ngóng âm điệu của quê hương xứ sở. Hắn yêu quê thật rồi. Đến tiếng vịt kêu cũng làm hắn trân trọng đến thế.


Xóm nghèo của hắn đấy. Những ngôi nhà e ấp sau lũy tre như người thiếu nữ ngại ngùng nhìn người yêu bên vành nón. Không khí mát mẻ trong lành quá. Về tới nhà, hắn chào Ba Má. Trút bỏ hành lý, hắn đi chân đất ra đồng thăm bà con lối xóm đang làm ruộng. Đặt chân trần lên đất quê, sao nghe mát rượi cả tâm hồn lẫn thể xác đến thế. 


Trên đồng, chị Hai con ông Sáu đang cùng chồng tưới cho ruộng rau mới mọc. Anh chị lấy nhau từ hồi hắn còn học lớp mười hai. Hắn nhớ cái ngày cưới của anh chị lắm. Vì ngày ấy....hắn chính thức bị mấy nhỏ trong xóm trêu với em Hạnh - mối tình đầu của hắn đấy. Đi giúp đám nên hắn và Hạnh chạm mặt nhau hoài. Cãi nhau chí chóe. Vậy mà thương nhau chi lạ. 
Nay anh chị đã có hai đứa con rồi. Nghe Ba Má nói nhà cũng cơ cực lắm. Nghe vậy hắn lại thấy may vì mình thoát nghèo lên thành phố sống.


Bên kia hình như có người đang vâc cuốc ra về. Đúng rồi. chị Năm Thu, chị gái của em Hạnh chớ ai. Hồi hộp quá. Chẳng hiểu sao hắn như vậy nữa. Hắn muốn chạy lại hỏi thăm tình hình em Hạnh nhưng ngại quá. "Hạnh ơi, anh bội ước với em rồi. em ơi". Lòng hắn đang thét gào câu nói ấy. Ngại ngùng. Hắn rảo bước thật nhanh lên bờ ruộng để tránh mặt chị.


Nãy giờ nhìn khói bay nghi ngút mà chẳng hiểu vì sao. Thì ra người ta đang đốt rạ ngoài đồng. Nhìn khói đen tan dần trong khoảng không vô tận. Hắn ước mọi đau khổ, mệt mỏi đều có thể tan biến như màu đen của khói kia trong không gian vũ trụ.


- Hải mới về hả cháu?
Giật mình khi nghe tiếng hỏi như chào của ai đó. Hắn định tâm rồi quay sang nhìn vội. Bỗng hắn vội vã thưa:
- Dạ, cô Ba. Con mới về. nãy giờ con không để ý thấy cô Ba. con xin lỗi cô nghe. 
- Tối qua nhà chơi cho vui nghe. Cô về đã.
- Dạ.
Khi hắn cất tiếng dạ thì cô đã đạp xe qua phía sau người hắn. Hắn ngoái cổ nhìn chiếc xe đạp cũ kĩ của cô Ba. Cô ruột hắn đấy. Cô không nói thì tối nay hắn cũng sang nhà cô chơi


Hắn lại miên man tản bộ trên đường quê. Bất chợt gặp con trâu đang phe phẩy đuôi ăn cỏ. Không biết con cái nhà ai đang chăn trâu nữa. Lâu quá rồi. thành viên mới của xóm làng. Hắn không biết hết được. Mênh mang. suy tư, trời cũng muốn tắt ánh sáng rồi. Thôi trở về nhà Ba Má thôi. 
Hắn về, ăn tối với Ba Má. Nghe những câu chuyện xóm giềng bên mâm cơm. Cảm giác thời thơ ấu là đây. Thuở ấy mấy anh chị em quây quần. Nay kẻ ở Sài Gòn. Kẻ ở Vinh. Chỉ có hắn là gần nhà nhất. Thôi đành vậy. 


Cơm tối xong. Hắn sang nhà cô Ba chào hỏi chút xíu. Gặp dượng Ba đang chơi cờ với thằng Út. Mải suy tư thế cờ nên nói chuyện dượng cứ ậm ừ cho qua. Hắn không chạnh lòng vì điều đó. Hắn chỉ thấy cái nét hiện đại đã xâm nhập xóm nghèo của hắn. Thay vì uống trà thì nay người ta đã biết nhâm nhi cà phê bên bàn cờ. Có lẽ quê hắn nay không còn quá nghèo như thời hắn bé thơ nữa. Cũng mừng cho quê hương. 
                                          ***
Chơi được có ngày thứ bảy. Chủ Nhật hắn phải trở về để thu xếp cho chuyến công tác Hà Nội. Hắn lại về con phố Đà Nẵng thân quen. với những con đường rộng và tấp nập xe cộ. Có cuộc gọi:
- A lô.
- Anh về tới đâu rồi vậy
- Anh tới phố rồi em. Anh đến nhà giờ đó mà.
- Dạ
Vợ hắn lo lắng nên gọi hỏi thăm đấy. Phải cất ký ức xưa để về với vợ thôi. 

Đánh mặt sang nhìn sông Hàn. Thì ra con thành phố mình sống cũng có những giây phút thanh bình đến vậy sao. Có lẽ lâu nay hắn bon chen vì mưu sinh nhiều quá mà không nhận ra nét quyến rũ của thành phố thân thương.
Hắn về với vợ. về với cặp con sinh đôi của hắn. Yêu chúng quá. Xa Ba có một hôm mà chúng làm như lâu lắm rồi. Chúng giả vờ ngó lơ.  Sao mà đáng yêu đến thế.
Chuẩn bị hành lý. Sáng hôm sau hắn ra sân bay....
***
Hắn có chuyến bay sớm. Đây là chuyến công tác dài ngày. Hắn dậy sớm, bước chân đi khi vợ và hai con đang ngủ. Hắn sợ hai đứa con khóc um lên vì không muốn cho Ba đi.


Bình mình lên trên từng con phố. Người người ra tắm biển, tập thể dục. Có mấy đứa trẻ đang tung bóng trên mặt nước. Trẻ thành phố vẫn hay chọn trò này làm thú vui vận động.


    Ra Hà Nội, Một mình cô đơn trống vắng. Chiều chiều vãn cảnh hồ Gươm, hắn thầm nghĩ tháp Rùa ở bờ bên kia như đang cô đơn giống mình...
    Những tưởng cuộc đời Võ Triều Hải chẳng có gì để mà kể. Thế mà tôi xoi mói đâu ra mà nhiều chuyện rông dài thế nhỉ. Đời người mà, như một cuốn truyện vậy. Nó có nhiều tập. Nhưng tôi chọn một tập ở giữa để kể cho quý vị nghe. Hy vọng nghe xong thì quý vị được mãn nhãn vì hình ảnh minh họa và hài lòng vì câu chuyện do tôi kể. 
    Trân trọng cảm ơn quý vị đã đọc câu chuyện trên. Nhưng xin lỗi, trên đây chỉ là câu chuyện do tôi hư cấu để giới thiệu những bức ảnh mà tôi cho là đẹp của tác giả Võ Triều Hải. Xin trân trọng giới thiệu chân dung phó nháy Võ Triều Hải:


Lưu ý: Bản quyền của những bức ảnh trong bài viết đều thuộc tác giả Võ Triều Hải

Buôn Ma Thuột, 14/5/2013
Tây Nguyên Xanh

18 comments

Monday, May 13, 2013

ƯỚT NHÒE MỘT SÀI GÒN TRONG TÔI

Ảnh: Thiên Quang
Một ngày Tây Nguyên lặng gió. Bướm bay lả lướt trên nền đất đỏ Bazan. Tây Nguyên sắp chuyển mùa. Rồi đây Tây Nguyên sẽ có sáu tháng “trắng trời mùa mưa”. Nghĩ đến mưa, tôi lại nhớ mưa Sài Gòn. Sài Gòn có những cơn mưa không báo trước, không dấu hiệu mây đen và gió giật như mưa Tây Nguyên. Mưa Sài Gòn êm đềm lắm. Tựa như nước mắt người con gái vậy. Bỗng dưng rơi, bỗng dưng tan và ở đâu nắng lại chan hòa trở lại.
Phố Sài Gòn năng động, chen chúc, hối hả những dòng người ngược xuôi. Hình như mưa cũng thích nghi với nhịp sống Sài Gòn. Mưa xối xả, hối hả rơi để rồi lại trả lại bầu trời xanh trong cho phố xá tươi vui. Mưa để quán cà phê Sài Gòn thêm đông khách. Để người ta có cơ hội nhìn lại con đường mình vẫn hay đi qua. Và hình như mưa còn là cái nguyên nhân hờn giận cho những đôi lứa yêu nhau, là kỷ niệm đáng nhớ cho những kẻ đang yêu và xé lòng cho những ai chia ly trong một chiều mưa ấy.
Mưa Sài Gòn đã đi vào trong thơ, trong văn, trong ca từ của không biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ. Nhưng có lẽ mưa Sài Gòn vẫn mãi là nguồn cảm hứng vô tận những ai rung cảm với đất trời.
Có người nói với tôi rằng “Sài Gòn đắt đỏ lắm em ơi”. Ừ, Sài Gòn có phần đắt đỏ. Nhưng mưa Sài Gòn còn đắt đỏ hơn. Dưới cái nắng Sài Gòn vàng hoe lóa mắt. Tôi những tưởng dù phải trả bao nhiêu tiền tôi cũng trả để có được một cơn mưa xoa dịu cái nóng. Nhưng trời vẫn không mưa. Nàng mưa Sài Gòn kiêu lắm. Nàng thương thì nàng cho mưa lất phất ướt đường về. Nàng giận thì nàng làm ướt sũng làn tóc ai. Nàng mà chảnh thì đố Sài Gòn có nổi một hạt mưa. Đáng yêu lắm mưa Sài Gòn à.
Độ này mấy năm trước, tôi có chuyến thăm và làm việc ở Sài Thành. Năm ấy lúc chia xa, Sài Gòn tiễn tôi bằng một cơn mưa xối xả. Mưa làm tôi lưu luyến quá. Lưu luyến một Sài Gòn đậm nét duyên tình trong tôi.
Thương nhớ một Sài Gòn yêu.
4 comments

Sunday, May 12, 2013

GỬI QUY THÀNH

Cây Trúc trong hoa viên trường đại học Quy Nhơn
GỬI QUY THÀNH
Sáng ra
Mở mắt
Nhớ trường
Nhớ lớp
Nhớ cả những gì đã phôi pha

Còn ta
Một mình
Hoang mang
Nuối tiếc
Thuở vui tươi ấy bây giờ con đâu

Nơi đó
Biển phố
Bình yên nhé người
Hãy giữ nụ cười và một nụ hôn say

Nhớ người
Thơ tôi như lạc vần
Tâm hồn như lơ đãng
Ánh mắt kém trong veo
Treo lơ lửng nỗi nhớ khó tàn phai

******************************
Phố núi Buôn Mê gửi lời thương nhớ phố biển Quy Nhơn
Buôn Ma Thuột, 12/5/2013
Tây Nguyên Xanh
4 comments