Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, September 29, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 3: ĐÁNH TIẾNG THUÊ NGƯỜI Ở

September 29, 2014

Share it Please
   Hôm qua, nông trường mời công nhân, các chủ hộ cà phê hợp đồng, chủ hộ cà phê liên kết đến phổ biến biên bản nghị quyết Hội Nghị Liên Tịch Về Việc Bảo Vệ Sản Phẩm Cà Phê Và Tài Sản Xã Hội Chủ Nghĩa. Nghe có vẻ chính trị thế chứ nó chỉ là một hội nghị thống nhất giữa lực lượng an ninh dân dân và chính quyền địa phương cũng như ban quản lý công ty cà phê về các điều khoản quy định tỉ lệ xanh – chín khi  hái từ vườn cây, phương án đảm bảo an ninh trong mùa thu hái...
Tác giả ảnh: Đức Thụy
   Công nhân là những người đóng sản lượng hằng năm và chưa ngừng đóng bảo hiểm xã hội. Những ai đã khoanh sổ bảo hiểm (ngừng đóng bảo hiểm) thì hầu hết đều nhận lại chính vườn cây cũ để vẫn làm theo kiểu hợp đồng khoán sản phẩm nên gọi là chủ hộ cà phê hợp đồng. Khi thành lập một công ty cà phê, ủy ban nhân tỉnh cung cấp cho công ty một tờ giấy phép sử dụng diện tích đất canh tác có bản đồ kèm theo. Sau đó công ty về chia thành đất cho công nhân thuê canh tác giao nộp sản phầm và đất liên kết. Phần đất liên kết vẫn thuộc công ty quản lý nhưng được cấp hoặc bán cho người có nhu cầu sử dụng. Mục đích sử dụng phần đất này bắt buộc phải là canh tác cây cà phê để đảm bảo quy hoạch diện tích trồng cây công nghiệp trên toàn tỉnh. Tuy nhiên người làm cà phê liên kết không phải giao nộp sản phẩm mà được đem về nhà. Vì không bị ràng buộc bởi các đợt nhập sản lượng nên các chủ hộ cà phê liên kết thường tận thu sớm hơn những vườn cây của người phải giao nộp sản phẩm. Hậu quả là kẻ xấu lợi dụng lý do đi lượm mót cà phê rụng ở vườn cây đã tận thu để hái trộm cà phê cây của vườn bên cạnh, gây bất ổn an ninh mùa thu hái. Vì vậy tất cả điều được triệu tập để được phổ biến quy định chung cho toàn mùa cà phê.
   Chính vì bị phụ thuộc vào đợt nhập sản lượng và thời tiết cho nên các chủ hộ cà phê hầu như phải mướn nhân công làm theo ngày (thường ra cổng chợ hoặc ngã ba để đón) hoặc thuê ăn ở lâu dài tại nhà. Hôm nọ có bạn ở Nam Định nói rằng cứ gió heo may thổi khắp trời miền Bắc thì thanh niên ngoài ấy kéo nhau vào Tây Nguyên làm thuê. Bạn ấy nói đúng đấy. Những ngày này, người ta hay gọi điện về quê nhà để hỏi xem ngoài đó có ai muốn vào hái cà thuê không. Người làm thuê được bao ăn ở, và được trả khoảng 3,5 triệu/tháng. Trước đây, người các miền còn hứng thú làm thuê ở Tây Nguyên chứ giờ họ đã thấy ngán nhiều rồi. Họ không ngán việc mà là ngán chi phí tàu xe. Tính ra tiền đi lẫn tiền về hết khoảng 1,5 triệu. Trong khi chủ hộ chỉ thuê trong khoảng 1 tháng 20 ngày thôi. Họ thuê vào khoảng thời gian cà phê chín rộ nhất và gấp gáp nộp sản lượng nhất. Các hãng xe thì thừa cơ mà đội giá vé lên gấp đôi bình thường. Chắc là đầu tháng 11/2014 này mới bắt đầu nộp sản lượng, lúc ấy mới đông người vào làm thuê.
  Những ngày chớm mùa này, người nông dân bắt đầu làm chòi cảnh vệ tại các rẫy để chống trộm. Buổi tối họ phải đi “ngủ lô” (Lô cà phê - đất được phân theo lô nên gọi thế). Hoạt động bên lề ngủ lô như thế nào thì các phần sau kể. He he. Giờ kể cho các bạn biết sơ sơ các chuyến xe nối Tây Nguyên với các miền.
  Người làm thuê ở Tây Nguyên đến từ nhiều miền quê trên cả nước nhưng có lẽ ít nhất vẫn là miền Tây Nam Bộ. Nếu có thì họ tập trung nhiều ở khu vực huyện Kiến Đức, tỉnh Dak Nông. Thường thì người di cư từ miền nào vào thì sẽ thuê người ở miền ấy vào làm thuê. Nhận thấy nhu cầu về thăm quê của người trong này và nhu cầu vào Tây Nguyên làm thuê nên các một số ông chủ đầu tư mua xe khách để chạy đường dài từ vùng nông thôn Tây Nguyên về vùng nông thôn của các miền. Họ hợp tác với bến xe của tỉnh nhưng khách không phải mua vé ở bến xe mà mua ở một đầu nậu ngay gần nơi khách ở và lên xe tại nơi mua vé. Ví dụ như người viết bài này sẽ lên chuyến xe chạy từ huyện Krong Pak (tỉnh Dak lak) về thẳng Chợ Tro (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Người Thái Bình thì có xe về tận Quỳnh Phụ... Người Quảng Trị có xe về chợ Đông Hà.... Cả điểm xuất phát và điểm dừng đều không phải là bến xe khách của các tỉnh. Các xe lúc từ trong này đi ra thường rẽ qua quốc lộ 29 qua huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên để đón khách miền Bắc ở đó, hoặc chạy qua quốc lộ 19 rồi men theo quốc lộ 1A kiếm tí “cháo” nhờ khách đi dường ngắn và để “bồi dường” cho các đồng chí cảnh sát giao thông dãi nắng dần sương đứng chi chít ở các tuyến đường. Khi trở vào thi đa số chạy theo đường mòn Hồ Chí Minh để trả khách trên toàn khu vực Tây Nguyên.
  Có người đã từng nói rằng người trồng cà phê giàu thế, thuê cả nhân công, nhiều cà phê thế cơ à. Không phải nhiều mà là thời tiết và tiến độ nhập sản lượng phải theo quy định nên cần người làm giúp cho nhanh. Nhiều cà nên phải thuê thì vẫn có người như thế nhưng đó gần như là những người có đất nhờ khai hoang. Không bị ràng buộc bởi các nông trường quốc doanh. Có được một hột cà phê cũng nhọc lắm, các bạn ạ.
***
Buôn Ma Thuột, 29/9/2014
Tây Nguyên Xanh
Bấm vào Phần 1Phần 2 để theo dõi từ đầu.

2 comments: