Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, January 9, 2015

SAO GIỜ ANH MỚI TỚI?

Tác giả ảnh: Cf Kozy
   Anh đến Tây Nguyên trong những ngày mùa khô đạt độ tàn khốc nhất. Anh hỏi sao  không thấy Dã Quỳ nở vàng khắp lối. Anh thất vọng vì Dã Quỳ không tỏa hương ngào ngạt như Huệ, như Nhài, như bao loài hoa khác ở quê anh. Anh than quê em sao nhiều bụi đến thế.
   Có quá đáng không anh? Khi mà anh chỉ ngồi ở nhà để nghe ai đó nịnh hót về Tây Nguyên. Đâu phải cứ mùa khô là có hoa Dã Quỳ, đâu phải cứ hoa là phải có hương thơm. Anh có biết Dã Quỳ nở là lúc nào không? Là vào những ngày trời trút những hạt mưa cuối mùa. Bầu trời bàng bạc, không gian ẩm ướt, cuộc sống thê lương. Dã Quỳ đã cứu rỗi cho Tây Nguyên. Loài hoa ấy bung cánh hết mình và khoe sắc vàng hết mình cho đời. Nó cho đi tất cả, đến chút hương cũng chẳng còn. Dã Quỳ cũng như một cô gái vui tươi hay cười hay nói. Cô ấy cười cả ngày nhưng tối về ôm mặt khóc, ai hay? Ấy vậy mà vẫn bị chê vô duyên. Anh ngại mưa ngại ướt, chờ nắng lên mới lên với Tây Nguyên thì lỡ hẹn Dã Quỳ là đúng rồi. Kêu gào chi hỡi hả tỉnh yêu khi hoa kia đã nở, nhụy kết hạt trao tay ai rồi.
   Anh chờ đất khô mới đến, bảo sao đường không lắm bụi cho được. Anh bâng quơ chê gió chê bụi hay mượn đó để chê em không quyến rũ? Mỗi sáng anh uống cà phê nhưng có bao giờ anh nhớ đến em – người con gái lớn lên bên rẫy cà phê, lem luốc suốt hai mùa mưa nắng. Em không biết nói ngọt, đon đả đón anh như bao cô gái miền xuôi khác. Anh không chọn lúc nào, lại chọn ngay thời điểm dân khắp Tây Nguyên xay cà phê. Hỡi ôi cái sức mạnh của gió trời kết hợp với sức thổi trấu của máy móc, bảo sao đường không lắm bụi hả anh yêu?
   Em ghét anh. Ghét cái ôm ấm áp của anh khiến cho em không giận lâu hơn được. Ghét ánh mắt ăn năn của anh mỗi khi làm em buồn. Ghét luôn bờ môi tham lam, thả lời ong bướm khiến em say. Em yêu anh!
***
   Quỳ này là Quỳ ở Gia Lai, nỏ phởi Dak Lak quê em mô. Lâu ni em mót đâng ảnh Dã Quỳ lắm rùi nhưng cố chờ cuối mùa hoa cho hấn....độc. he he. Cái lời văn chỉ mang tính chất lấy cớ để đăng ảnh. Các trai cứ yên tâm là em hãy còn chửa có ai nhóe. Tán nhanh kẻo thằng khác nó nẫng mất. Hã hã
Buôn Ama Thuột, 9/1/2015

Tây Nguyên Xanh
4 comments

Thursday, January 8, 2015

PHỐ

Tác giả ảnh: Du Muc
   Lâu lắm rồi không ra khỏi nhà, “may mà ốm” để được đi Phố. Thuở nhỏ cho đến bây giờ ý nghĩa của câu nói ấy không khác nhau mấy. Nhà cách Buôn Ama Thuột có 20 cây số mà mỗi lần được lên đó luôn là một sự kiện trọng đại. Chỉ khi sốt khi đau mới được lên phố để....khám. Đầu năm học mới cần mua sách tham khảo nhưng ngay ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 trẻ con đứa nào cũng nài nỉ bố mẹ cho đi Phố chơi với lý do rất ưng tai đó là nốt công đi mua sách. Con cái chăm học thế cơ mà (!?) Cái gì của Phố cũng ngon. Ai mua được mẫu đậu khuôn ở trên Phố về ăn rồi miêu tả độ béo ngậy khiến dân huyện đổ xô lên Phố kiếm vài miếng. Cũng cái kiểu áo ấy mà mua ở chợ Phố thì được cho là bền hơn mua ở chợ huyện. Đầu mùa cà phê, cứ phải lên Phố mua bạt lưới mới tin tưởng được độ chắc chắn của nó. Dù cho các tỉnh khác gọi thành phố Buôn Ma Thuột là Ban Mê Thuật, Ban Mê Thuột, Buôn Ma Thuật, Buôn Mê hay Ban Mê gì đi nữa thì trước cửa miệng của mỗi con dân tỉnh Dak Lak chỉ có một từ mà thôi. Phố! 
   Không khí ấm dần lên trên con đường tiến gần về Phố. Nó đúng cả về khí hậu lẫn lòng người. Phố có thể thay đổi từng ngày nhưng chỉ ít một thôi, có đến nỗi đột ngột đâu mà mỗi lần ngồi trên xe cứ hình dung Phố sẽ như này như nọ. Mọi ý nghĩ mới cứ như phủ định ý nghĩ cũ để rồi chợt thở phào khi thấy Phố vẫn thế sau bao lâu không gặp. Phố ơi...
   Chạy ngang hiệu ảnh Sơn Nữ, tự dưng nhớ thời kỳ “Anh Xin Được Bù Đắp Cho Em”. Cái thời ấy, hình như là những năm đầu của thế kỷ 21. Rộ lên cái phong trào các cặp vợ chồng rủ nhau đi chụp lại ảnh cưới. Trước đó rất lâu, nhiều lắm, những anh chàng bỏ ruộng vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Một ngày nọ họ bị nụ cười tỏa nắng của ai đó làm cho mê mẩn. Họ viết thư về xin (thực ra là báo cáo) bố mẹ cho phép được lấy nàng nhưng trong lúc chờ hồi âm, họ đã mua vài gói kẹo, mấy điếu thuốc lá gọi là ra mắt cơ quan coi như lễ cưới. Họ biết rằng bố mẹ nghèo, có tiền vào đây đã là khó lắm rồi chứ đừng nói bày mâm cơm đãi khách. Mấy năm sau, khi cà phê, cao su, tiêu, điều....có thu hoạch rồi chàng mới có điều kiện dắt ‘cả trâu lẫn nghé” về thăm quê, thắp nén hương lên bàn thờ gia tộc báo cáo cái chuyện “ăn đời ở kiếp”. Mãi gần mười lăm năm sau họ mới có điều kiện bù đắp sự thiệt thòi cho vợ bằng việc chụp ảnh và trao nhẫn cưới. Ôi một thời những ông bố bà mẹ thẹn thùng trốn con cái dạo đại lộ Nguyễn Tất Thành để ghé Sơn Nữ. Nghĩ đến lại thấy thương thương tội tội.
   Vào đến bệnh viện, thấy những đôi dép tổ ong lượn qua lượn lại và những cái dáng cũ kỹ vì nắng mưa trong bộ quần áo mới toanh. Màu áo phản ánh cơ hội mà chủ nhân mặc nó là rất ít. Vâng, đó là những ông bố, bà mẹ làm nông ở huyện phải bồng con đi khám trên Phố. Tất cả đều muốn con mình được chăm sóc ở nơi có tiện nghi tốt nhất để chúng nó khỏe mà vươn cao vươn xa...
   Chào Buôn Ama Thuột với cái nhìn mông lung hướng về người đàn bà đang phì phèo với điếu thuốc trên tay. Hình ảnh ấy khó quên quá....Một cái nhìn không gợi lên ý nghĩ gì cả, sao vẫn neo mắt vào?
Buôn Ama Thuột, 8/1/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, January 6, 2015

LÊN ĐỜI TIVI

Tác giả ảnh: Hoa Cuội
   Hai cụ đang ngồi xem tivi, Tía bẩu:
    - Bầm nó ơi, mình cưới nhau dễ chừng hơn hai nhăm năm rồi nhẩy?
    - Biết rồi lại còn hỏi. Để yên cho người ta xem phim nào.
Bầm đang mải xem cô diễn viên Hàn Quốc nước mắt tuôn khi thằng bồ buông nhời chia tay. Tía hình như muốn được Bầm duyệt chuyện gì đó liên quan đến tiền nong thì phải. Thấy ông cụ ngó ngó nghiêng nghiêng, bỗng mở cái thiệp mời dưới ngăn bàn lên xem chăm chú, nhẩn nha nói:
    - Cái Tây nhà mình cũng to to tuổi rồi Bầm nó nhể?
    - Ơ, sao cái nhà anh này lắm “nhể” thế? Nói nhanh chuyện chính xem nào.
    - Tây nhà mình đến tuổi làm đỏm rồi. Cũng xinh ra phết (?!). Trai trong buôn lấp ló đâu đó nhìn trộm nó đã lâu. Anh tính đưa cái tivi này xuống nhà dưới cho chúng nó đến vừa xem vừa tán con mình. Bầm nó lại ưa xem tivi. Hay là mua thêm cái tivi đời mới về để phòng khách này cho hoành tráng nhể?
   Ái chà, thế là đã ra vấn đề. Tía muốn mua tivi mới mà lôi cái sự nhớn gái của mình ra. Thảo nào dạo này Tía siêng lướt mấy trang web hàng hóa của các siêu thị điện máy. Bầm nghe đến cái từ “mua” là giật thon thót, tập trung chuyện trò ngay:
    - Tivi có rồi, mua làm gì nữa. Trai không tán cái Tây ở trong nhà mình thì chúng dắt díu ra gốc cà phê mà chuyện trò. Gớm, ngày xưa các cụ tán nhau ở bụi tre , bờ sông....muỗi cắn sưng chân mà tình yêu vẫn mượt mà ghê gớm. Đấy, kho tàng ca dao dân ca vĩ đại của dân tộc đấy. Kệ chúng nó đi Tía nó ạ.
    - Đấy, đấy! Cái anh muốn nói với Bầm nó là chuyện ấy. Cho chúng nó tán nhau dưới gốc cà phê trong tiết trời gió mát trăng thanh như này thì có mà tạo điều kiện cho mấy thằng kia “bợ vàng” trước khi mình được thách cưới. Phải hết sức tỉnh táo và kiểm soát con mình thật chặt trước âm mưu diễn biến của bọn đang yêu, Bầm nó ạ.
   Sau một hồi bô lô ba la đàm phán thì Tây Nguyên Xanh có cái tivi mới để xem. Nói thật là đoạn chữ dài ngoẵng ở trên chỉ sử dụng với mục đích khơi mào cho cái sự khoe của. He he.
   Thế là nhà mình đã dùng cái tivi thứ tư. Cái đầu tiên là Sanyo mua đầu năm 1996, cuối năm ấy bị trộm lật ngói, đạp chân lên bàn thờ rồi trèo xuống cuỗm cả tivi, đầu băng và ampli, chỉ để lại cặp loa thùng. Hồi đó cả xóm đang ghiền bộ phim La Hán Tế Thế (phiên bản sau này là Tế Công), Phạm Công Cúc Hoa... Bọn trẻ như mình tiếc hùi hụi. Tía tức quá, sang năm 1997 xây nhà. Lấy giấy tờ xe máy, chứng minh thư cho chủ cửa hàng cầm để đổ vật liệu. Ơn trời, xây xong nhà thì giá cà phê lên. Tiền có được nhờ mùa thu hái năm ấy và tưới thuê trong mấy mùa khô trước đủ để trả hết nợ xây nhà. Tết Nguyên Đán năm 1998 có tivi Sony để coi. Phim hài Ghen do nghệ sĩ Minh hằng, Quốc Khánh, Chí Trung đóng những vai chính là phim Việt đầu tiên sau khi mua tivi mới.
   Thời kỳ đó phim Việt vẫn khai thác nhiều về đề tài hậu chiến và định kiến xã hội Việt Nam có từ xa xưa. Các phim hay có cái cảnh đôi trai gái ngồi sau lũy tre làng, chụm đầu vào nhau, ống kính máy quay hướng lên ngọn tre có mặt trăng chênh chếch. Sang cảnh sau đã thấy nhân vật nữ nôn ọe tùm lum. Cả làng bàn tán xôn xao. Bi kịch trong phim bắt đầu được xoáy từ đây. Ấy vậy mà mình vẫn chết mê chết phim Việt. Phim Việt trên VTV1 ở khung 10h sáng, trên VTV3 lúc 3h. Nhất là Điện Ảnh Chiều Thứ Bảy và Văn Nghệ Chủ Nhật xem không sót buổi nào. Từ Dải Lụa, Hương Bạc Hà, Hoa Xuyến Chi, Người Vác Tù Và Hàng Tổng, Mẹ Chồng Tôi, Của Để Dành, Chuyện Nhà Mộc, Đất Và Người....của truyền hình phía Bắc đến Mẹ Con Đậu Đũa, Đồng Tiền Xương Máu, Ám Ảnh, Người Đẹp Tây Đô,...của truyền hình phía Nam đều xem qua. Thế hệ diễn viên đóng những phim ấy nay đã thành cán bộ quản lý các nhà hát trên cả nước rồi. Ít thấy họ lên màn ảnh nhỏ nữa. Và mình hình như cũng hết hứng xem phim Việt rồi. Đơn giản vì phim thời nay trang điểm diêm dúa hơn thời xưa, diễn viên sợ mất đi hình ảnh đẹp mà xả thân không hết mình vào nhân vật, bối cảnh phim thời nay chủ yếu là ở trong phòng ốc. Xem ngột ngạt “bỏ mẹ”.

   Chán Sony, mua cái Darling về xài mười năm rồi hôm nay đổi lại Sony nhưng to hơn, mỏng hơn và hiện đại hơn. Mình đang nghĩ rồi đây thế giới sẽ có tivi mỏng hơn nữa để treo trường và có khả năng uốn cong màn hình để thích hợp với thiết kế của nhà thông minh. Cái nhà ấy diện tích nhỏ nhưng được thiết kế xếp nội thất thành lớp rất tài tình. Tổ tiên chúng ta sống trên nhà sàn để tránh thú dữ, rồi đây loài người sẽ đồng loạt ở nhà sàn nhưng là vì cần rau xanh không độc. Dưới nhà sàn được trồng rau để ăn, trên nhà sàn có thiết bị khúc xạ ánh sáng để cho rau xanh có thể quang hợp. Đó là giải pháp ưu việt cho nhà ở thành phố cần diện tích trồng rau xanh. Ôi chỉ định  khoe tivi mà lẩn thẩn nói cái gì thế này?
Buôn Ama Thuột, 6/1/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Monday, January 5, 2015

TIÊU ĐỎ, TIÊU TRẮNG, TIÊU ĐEN, TIÊU CHỢ VÀ TIÊU THUỐC SÚNG

Nguồn ảnh: Báo Đất Việt
   Sau mùa cà phê là đến mùa tiêu Tây Nguyên. Thời điểm này tiêu bắt đầu già, Nhà mình cũng có tiêu nhưng chỉ lẹt phẹt mấy trụ trồng cho vui để làm quà gửi ra Nghệ An thôi. Quanh năm ăn lạc và tương từ Nam Đàn gửi vào nên khi ai đó về Nghệ thì gửi tiêu ra. Cả nội cả ngoại, hàng xóm bốn góc nương của ông bà và cả gia đình người mình nhờ chuyển nữa thì phải cần khoảng 10 lon đong bằng ống sữa bò. Ở chỗ mình nằm trong vùng quy hoạch diện tích cây cà phê của Việt Nam nên chỉ có thể trồng tiêu trong vườn hoặc bám theo hàng muồng chắn gió ở ngoài bìa lô cà phê. Không được phép trồng sâu vào xen canh với cà phê trên rẫy. Huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai mới đúng là khu quy hoạch chuyên canh Hồ Tiêu của Tây Nguyên. Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi viết ở trang 480 trong cuốn Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật, 1995) thì Tiêu có nghĩa là cay. Cây cho quả có vị cay, sinh sản ở nước Hồ nên gọi là Hồ Tiêu.
   Tiêu có giá gấp đôi gấp ba cà phê nên trộm tiêu còn kinh hoàng hơn cả trộm cà phê nữa. Chúng nó (cái bọn trộm) chặt dưới gốc rôi cứ thế lôi tuột xuống cả cành lá quả nhét vào bao rồi chuồn. Ai sống nhờ cây tiêu mà nhìn cảnh ấy thì tự tử sướng hơn sống. Nghĩ đến cảnh ấy nên bố mẹ mình thẩm nhủ non trong nhà còn hơn già ngoài đồng, hái hết đem về nhà phơi. Vừa rồi trời mưa xầm xì, trái lại non nữa nên bị dộp hết. Dộp là trạng thái rỗng ruột của quả tiêu khô đấy. Mình cứ tưởng chẳng ai thèm mua, Hầu như hạt nào cũng cũng vỡ vụn khi bị bóp, thế mà vẫn bán được 80 000đ/kg. Hỏi ra mới biết họ mua về làm Tiêu Chợ (tiêu bán ở chợ). Các bạn có công nhận mua tiêu bột ở chợ về thấy có mùi tiêu nhưng ăn không cay không. Là vì tiêu non bị loại ra phơi riêng trong quá trình thu hái trộn với một ít tiêu chất lượng đấy.
   Ban đầu mình tưởng người ta dùng tiêu dộp ấy để sản xuất đạn hơi cay phục vụ cho công tác an ninh quốc phòng. Cô tiểu thương bảo tiêu thuốc súng phải là loại tiêu chắc, đạt trên 80 dzem cơ. Cân Dzem là một thiết bị để đo độ ẩm của tiêu. Người ta đổ tiêu cần mua vào một cái ống có dung tích của một kilogam tiêu chuẩn độ ẩm. Người ta dùng cả cái cần gạt riêng của cân để gạt ngang miệng của ống đong. Dựa vào khối lượng hiển thị trên cân mà phán tiêu khô hay còn ẩm. Cái máy đo độ ẩm cà phê còn được bảo quản bằng hàng rào thép gai, dây xích cỡ bự và có chó cảnh vệ nữa kìa. Giá của cân này đắt lắm mà  Hôm nào kể chuyện đi bán cà phê cho các bạn biết chút chơi. He he.
   Nhà mình chỉ bán tiêu Đen. Loại này chiếm 80% sản lượng tiêu của cả nước. Thực tế thì thước đo trình độ sản xuất Hồ Tiêu của một quốc gia là sản lượng tiêu Trắng (tiêu sọ) và tiêu Đỏ hằng năm. Tiêu Trắng chính là sọ của tiêu sau khi tách vỏ. Khi người ta cần độ cay nhất của tiêu và không thích mùi hắc (do vỏ mang lại) thì họ dùng tiêu Trắng. Lấy phương diện gia vị cho dễ hiểu, các món ăn biến từ thực phẩm có mùi tanh thì người ta chuộng tiêu trắng hơn là đen. Tiêu trắng được tạo ra bằng cách ngâm quả tiêu xanh vừa mới thu hoạch từ cây, sau hơn năm ngày thì tiến hành tách vỏ. Quá trình này đòi hỏi phải có trình độ khoa học kỹ thuật cao mới làm ra thành phẩm có giá trị được nên các chuyên gia luôn khuyến cáo nhân dân không nên sản xuất tiêu trắng một cách tự phát. Còn tiêu Đỏ chính là quả tiêu chín muồi, có màu đỏ rực, được phơi như thế nào đấy để vẫn giữ được màu đỏ trên vỏ khi khô. Các bạn đừng có truy vấn công dụng của tiêu đỏ, khiến cho Tây Nguyên Xanh ú ớ ngọng mồm. Tây mà ngượng thì lần sau chỉ đăng status than nhớ người yêu chứ không thèm kể chuyện nông sản nữa đâu. He he.
   Công dụng của tiêu thì các bạn gõ Google là ra đấy. Nói chung là phải như thế nào thì giá của nó lúc nào cũng trên dưới 140 000đ/kg chứ nhỉ. Năm ngoái có thời điểm giá lên 190 000đ/kg. Giàu chưa? Giàu cái con khỉ ấy. Tiền nào của ấy, cái gì cũng có giá của nó. Hôm nào hóng được nỗi khổ người trồng tiêu thì kể cho. Tóm lại là đừng dại mà khen dân làm nông sản lưu niên giàu. Ăn đấm như chơi đấy. He he.
Buôn Ama Thuột, 5/1/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments