Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 5, 2017

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN-Kỳ 24: NÔNG DÂN CHO CON ĐI DU HỌC

    Cuối tuần, gọi điện về thăm nhà, đang hóng tin gà ở nhà đẻ mấy lứa, chó đẻ mấy con, mẹ chợt nói đội ta (nơi tôi sống là một đội sản xuất được phân chia theo lô đất của nông trường chuyên canh cà phê) sắp có hai đứa sang Nhật du học. Oạch! Oách xà lách nhể? Oách ở đây là bố mẹ dám tự bỏ tiền túi ra cho con sang nước ngoài du học. Bởi người ta đang có tư tưởng “ba đấm bằng cái đạp”. Tức là bị ăn ba quả đấm cũng đau bằng một cái đạp.

    Chúng tôi, thế hệ 9X đậu đại học, bố mẹ làm cỗ gần 20 mâm đãi khách ăn mừng. Cái sự đỗ vào trường công lập khi ấy nghe nó oai oai thế nào, nói chi xa, cách đây có 10 năm chứ mấy. Xong, nuôi ăn học chán chê rồi ê hề đem tiền đi cạy cục chạy việc mãi không được. Lứa chúng tôi tẩu tán đi làm trái ngành hết. Tôi cũng thế, nhờ hồi đại học có lén bố mẹ (các cụ cấm) đi học thêm một ngoại ngữ thứ hai phòng thân nên giờ may còn có cái mà …bỏ vào mồm.  Rút kinh nghiệm từ những đứa kiểu như tôi, các ông bố bà mẹ của thế hệ @ (tạm dành cho các bạn bạn sinh sau năm 2000) ngày nay tính thế này, thôi bỏ mấy trăm triệu cho nó sang Nhật du học, nó được đào tạo nơi tiên tiến, vừa học vừa làm lại rành nghề và khôn con ra. Tiền nuôi ăn học trong nước cộng 200 triệu (giá phổ thông để xin làm giáo viên hiện nay ở Tây Nguyên) ấy sẽ dung đầu tư cho con đầu tư chất xám ở Nhật Bản.

   Nói thì nói vậy chứ kinh tế của hai gia đình cũng thuộc hạng cứng cựa đấy. Một gia đình là bố làm công nhân trồng 1 hecta cà phê của công ty (canh tác theo hình thức giao khoán sản phẩm) cộng thêm 1 hecta cà phê liên kết (chịu sự quản lý của nhà nước về mặt quy hoạch cơ cấu cây trồng nhưng thu về trọn vẹn, không đóng cho công ty. Mẹ là giáo viên tiểu học vùng sâu vùng xa, lương khoảng 8 triệu một tháng. Rau trong vườn, gà trong chuồng nữa nên chức danh giáo viên của mẹ có thể dung thế chấp vay ngân hàng rồi hang tháng trừ lãi vào lương của mẹ để nuôi con ở nước ngoài.  Gia đình thứ hai thì bố mẹ đều thuần nông thôi nhưng là sở hữu 3 lô cà phê của cty. Mỗi năm thu về ít thì 9 tấn cà phê nhân xô, trúng mùa thì 11 tấn. Cà xay xong, chuyển ngay vào kho cà phê của bác ruột là chủ vựa cà phê lớn nhất nhì cái huyện. Giá khi nào cao nhất ông ấy đánh hơi được nên khi đến lúc là hú em ra lấy tiền bỏ ngân hàng. Bao nhiêu mùa như thế rồi nên nay xác định bố mẹ ở nhà ăn rau dưa, cà phê cho con đi du học hết.

   Chẳng biết ngồi lê đôi mách gõ chuyện xóm giềng lên Facebook có xấu tính lắm không nhưng Tây chỉ muốn cho các bạn biết nông thôn Tây Nguyên qua các thời kỳ. Có thể văn Tây dở nhưng Tây tin các bạn có thể đồng hành với hơi thở nhịp sống của người Tây Nguyên mỗi ngày he he
Tây Ninh, 5/8/2017
Tây Nguyên Xanh


No comments

Thursday, August 3, 2017

QUY NHƠN NGÀY VỀ SAU NĂM NĂM


Đầu năm đã tự hứa với lòng mình sẽ về Quy Nhơn trong năm nay và mình đã giữ lời hứa. Không hề ngạc nhiên với những thay đổi của Quy Nhơn mà mình sướng. Sướng điên lên được. Mọi ngóc ngách chỉnh sửa của thành phố đều làm mình hài lòng. Quy Nhơn cách đây 5 năm, lúc mình ra trường, giống như một cô gái nhút nhát sống nơi làng chài.

 Nay trở về, vẫn cô gái ấy nhưng cô mặc Bikini chào đón. Cô ấy kẻ chân mày, tô son rất đẹp. Đường chân mày ấy chính là những vải hè lát đá. Sang trọng lắm! Cái khu lấn biển bằng cách hút cát ngoài khơi vào ấy giống cái cái áo ngực giúp tôn cái căng tràn của cô nàng Quy Nhơn. Eo Gió và Eo Nín Thở là bai bên eo của cô nàng ấy, cong cong, mướt mát, gợi cảm vô ngần. Khu du lịch ở Kỳ Co là cái mông gợi cảm của nàng. Biển xanh trong đến nỗi đến nơi là muốn…lột hết ra đắm mìn vào đó. Tuyệt vời, Quy Nhơn chưa bao giờ nữ tính như thế.

Nó phải như thế mới được chứ. Quy Nhơn phát triển một cách hợp lý lắm luôn ấy. Nào mình có nghĩ được rằng có ngày Quy Nhơn có khách Châu Âu lang thang và chụp ảnh trên phố như ở Sài Gòn, Hội An, Nha Trang đâu chứ. 

Thành phố làm cái bình phong ngay sau tượng đài, Phía sau tượng đài là con đường có hang loạt trụ sở của các ngân hàng lớn, con đường tài lộc của thành phố. Có cái bình phong che chắn, thấy nó ổn thế nào ấy và quảng trường mới lại tạo cổng giao tiếp với biển. Tuyệt!


Về trong sự vội vàng, chưa kịp sống lại kỷ niệm thời sinh viên thì đã phải ra đi. Có lẽ phải quay về lại lần nữa. Vẫn chưa uống tách trà Trinh Nữ nào quán Cung Đình ở Phạm Hùng, vẫn chưa ăn Chè Nhớ Ngô Mây, chưa ăn bánh xèo Ngô Văn Sở, chưa ốc Chương Dương, Chưa đi bộ hết con đường Mai Xuân Thưởng, con đường đi xin chữ năm xưa để nay biết them một ngoại ngữ mới, con đường rẽ đời mình sang một hướng hoàn toàn khác mình tưởng tượng. Thương lắm Nẫu ơi…
Quy Nhơn - Tây Ninh, tháng 7/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, July 31, 2017

ANH VỀ

   Anh về, cả cái làng ấy xôn xao kinh lắm. Có người đồn anh được người ta phẫu thuật thay đổi khuôn mặt và sửa vân tay rồi cả giấy tờ nhân thân sửa như một người mới. Người ta cứ chờ xem có ai ở cái ngóc ngách xa xôi hẻo lánh nào đó có ai chết mà gia đình chưa làm giấy khai tử thì anh được hoán đổi thân phận với người ấy.

   Miệng lưỡi thiên hạ cũng khiếp. Chuyện lùm xum làm giấy chứng tử chậm trễ mãi đâu ngoài thủ đô hoa lệ lại bị thêu dệt thành người ta cố tình làm giấy chậm trễ để cứu anh. Rõ rang không phải thế mà ai ai cũng tin lời mụ quán nước ngồi dưới cây bồ đề đầu làng. À, cái cây hiếm hoi trong hệ thống làng xã thời công nghiệp hóa đấy. Mụ hàng nước ấy mà kể chuyện thì chỉ có tin sái cổ. Lúc cao trào mụ còn chém tay nghe gió sượt qua tóc mái người nghe, cặp ngực đẫy đà của mụ nẩy lên hay háy. Nom đã gì đâu á! Là các quý ông kháo nhau thế. Mụ phịa rằng :

   Người ta đem giấu anh ở cái nơi, tất nhiên, rất kín. Anh hốt hết thóc của hợp tác xã trong thời buổi cả làng đi vay giống lúa về gieo vụ ấy. Có chết ông người không chứ. Rũ tù thật đấy, đùa đếch!. Rằng thì có ông cụ xấu số nên rời xa cõi tạm, người nhà đi xin giấy chứng tử. Thì là dân lóp ngóp đi lên ủy ban với ai con mắt sưng húp vì khóc cha mà nữ cán bộ thong thả ngồi đếm xem thiếu đứa cấp dưới nào chưa like cái ảnh con mẹ ấy mới đăng, cả buổi chả có tấu sớ gì đệ trình lên xin duyệt, bỗng nhằm đúng lúc thằng bồ yêu qua mạng nhắn tin em có nhớ anh không.  Mẹ mẻ liền gửi ngay biểu tượng con chuột kiễng chân thả tim. Nhắn qua chát lại, “nàng ta” quên béng đi cái vụ phải ký. Gặp tôi á, tôi đấm cho mắt nó sung vù như mắt người nhà ông cụ luôn. Hai tay mụ hàng nước chống lên bàn, mông căng đét, cái coóc xê vất vả nâng đôi gò bổng đảo của mụ đang rung lắc, miệng khảng khái phán thế. Và mụ cúi xuống, giọng thỏ thẹt làm như bí mật lắm: cái gì cũng có quy trình cả. Phải chờ trung ương ra lệnh chứ. Bắt dân chờ đợi là có mục đích cả, nó có ý định thay tên đổi họ rồi, suýt chút nữa để xổng mất thằng ăn trộm thóc, nhể? Nó mà dùng chứng minh thư của ông cụ để sống thì có mà khởi tố cái con mắt dọc của tôi đơi nời.

   Eo ôi, mụ ấy bịa bặt kinh quá. Mong anh về cho sáng tỏ mọi nhẽ. Nhưng anh về, cái làng này lại thêm lắm chuyện. Anh về thật! Chào anh.
Tây Ninh, 31/7/2017
Tây Nguyên Xanh

No comments

Sunday, July 30, 2017

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 23: RỦ NHAU ĐI HỌC BẰNG LÁI Ô TÔ


Bố vừa mới a lô khoe bố thi sát hạch xong rồi, nay có bằng lái xe ô tô ngon lành cành đào rồi nhé. Con trai làm trong cty sản xuất ô tô còn con gái làm ở cty sản xuất lốp xe cũng ô tô luôn chẳng nhẽ bố …không biết lái ô tô. Mình hỏi ngay ơ thế bố ơi, xe đâu mà lái hả bố, anh già nhà mình bảo từ từ sẽ có. Xóm mình cỡ năm nữa thì nhà nào cũng có ô tô con ợ. Nay ai cũng lợp mái tôn làm gara trước sân hết rồi. Mình mắt tròn mắt dẹt khi nghe bố đọc tên những chú cùng đi học lái xe với bố. Gần chục người! Té ra học lái xe ô tô đang là mốt ở quê nhà.

Rằng thì là bây giờ các anh chị già trong xóm của mình ở cái tuổi không vướng chạy cơm từng bữa cho con nữa. Nhà nào cũng hưởng lương hưu hàng tháng rồi vẫn tiếp tục làm công nhân hợp đồng nên đất trồng cà phê vẫn còn. Rau hái trong vườn, gà nuôi trong chuồng, lợn thì hứng lên là chung đụng với nhau một con lai  rừng của nhà cuối xóm nuôi xong về bỏ trong ngăn đông lạnh. Chi phí ăn uống nói chung là…không tốn lắm. Trở trời trở gió, ốm đau gì thì có mấy chục ký tiêu hạt bám quanh thân muồng ngoài rẫy lo thuốc men. Giá cà phê đắt gấp ba lần cà phê nên nhà ai cũng có nó. Mỗi năm trung bình một hecta thu về ba tấn cà phê nhân xô.  Giá cà phê cứ khoảng bốn chục nghìn một ký thì ba mùa cà như thế là các cụ đủ mua con xe bốn chỗ tạm được một tí rồi.

Từ trước đến nay, chỉ có cán bộ nông trường hoặc chủ doanh nghiệp thu mua nông sản mới có ô tô đi thăm rẫy mỗi độ thuê nhân công thu hái hoặc bón phân, tưới nước thôi. Chứ nông dân bình thường, dành tiền mua lên đời đầu máy xe công nông là ghê gớm lắm rồi. Cái gì mà mười bốn, mười sáu ngựa rồi thì hai hai, hai bốn ngựa ấy. Hơn nhau ở cấp độ mã lực hay sao đó. Tây biết đâu được đấy.

Có cái xe thì đơn giản nhưng nuôi nó là một chuyện không hề đơn giản. Hù các cụ đủ kiểu nhưng xem ra cái sự tự lái xe giữa đường mà không ngại mưa nắng cứ phải được ưu tiên hàng đầu. Trong một diễn biến khác, con gái của người nông dân cà phê kia vẫn thích thong dong đi làm bằng xe đạp, chiều về dắt xe qua bãi cỏ vắng chụp choẹt ra tấm ảnh ở trên cùng bài viết he he.
Tây Ninh, 30/7/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments