Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 31, 2013

TỤC CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI K'HO

HÀ ANH
 "Trên xứ Cao nguyên, nơi mà các chàng trai không cần phải là con nhà giàu mà vẫn có vợ; nơi mà các cô gái muốn có chồng phải có tiền bạc, của cải và lặn lội đi "bắt chồng", và cũng chính các cô phải là người chủ động cho chàng ăn “trái cấm”.
Thiếu nữ muốn lấy chồng phải… “ăn cơm trước kẻng”
   Với người K’ho dưới chân núi LangBiang ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, để chính thức trở thành vợ chồng bắt buộc họ phải có với nhau một vài mặt con...
   Lúc này, nhà gái mới giết heo, mổ trâu tổ chức đám cưới mời phía nhà trai, anh em họ hàng, buôn làng tới ăn mừng. Từ nay đôi lứa mới chính thức thành vợ thành chồng.

Nguồn ảnh: Báo Dân Trí
   Người K’ho dưới chân núi LangBiang, phụ nữ luôn là trụ cột chính trong gia đình gần như quyết định mọi vấn đề hệ trọng. Và ngay cả trong hôn nhân, họ cũng sẽ là người chủ động đi bắt chồng về nhà ăn nằm với mình.
   Theo luật tục khởi thủy của người K’ho, trai gái chỉ được phép cưới nhau khi đã có con, nếu không có con thì không được tổ chức đám cưới. Và khi đã có con thì dứt khoát phải tổ chức đám cưới, dù là có già đến sắp chết, vì có cưới nhau họ mới có thể dựng vợ, gả chồng cho con cái sau này. Không một gia đình của tộc người này chịu cho nhà gái bắt con mình về ở rể khi bố mẹ nhà vợ vẫn chưa cưới nhau.
   Lễ đi hỏi của nhà gái thường bắt đầu vào lúc 17 giờ khi mặt trời đã khuất dưới dãy núi Langbiang. Người K’ho quan niệm ban đêm con người sẽ được thần linh chứng kiến, tác hợp cho đôi trẻ. Khi được sự đồng ý của nhà trai, hai bên đi đến bàn bạc và nghe nhà trai… “ra giá” tiền và bao nhiêu sính lễ. Đặc biệt, những chàng trai có học hoặc những gia đình giàu có thì “giá” cao hơn!. Ngày xưa sính lễ trong một đám cưới thường là: trâu, bò, heo, cồng chiêng, váy, khố, vòng, nhẫn... Nhưng ngày nay tất cả được quy ra tiền và vàng. Muốn có được một tấm chồng, nhà gái cũng phải có ít nhất là 01cây vàng và 30 triệu đồng tiền mặt.
   Cẩn thận không mang tiếng với buôn làng
   Với người K’ho, lễ cầu hôn thực chất là một cuộc đấu trí giữa gia đình hai bên mà bên nào thua lý, yếu lẽ sẽ bị thất bại. Khi nhà trai từ chối gả con, phía nhà gái sẽ tiếp tục thuyết phục: “Con anh chị hôm nay còn trẻ, không có kinh nghiệm, ngày mai nó sẽ lớn. Người ta có sức đi làm được mười ngày con anh chị cũng sẽ làm được bảy, tám ngày đó thôi”.
   Nếu người con trai thật sự không bằng lòng để người con gái bắt mình về nhà họ sẽ trả lời: “Hôm nay con không lấy, ngày mai con cũng không lấy. Con đâu ở dưới nước mà sợ”, sau đó tháo vòng vừa được nhà gái đeo vào cổ bỏ xuống bàn.
   Việc từ chối cầu hôn này sẽ làm tổn thương danh dự của phía nhà gái, buộc nhà trai phải bồi thường danh dự bằng tiền hoặc sản vật trị giá từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Nhà gái chỉ cầm vòng tay về, còn toàn bộ số tiền trên sẽ dành cho người mai mối.
   Theo luật tục của người K’ho, đối với con trai đang trong thời gian có người con gái săn hỏi bắt về làm chồng sẽ không được để ý đến người con gái khác. Và cũng không cho phép bất cứ người con gái nào đến đặt vấn đề bắt người con trai này về làm chồng.
   Với người K’ho gia đình thường không cấm đôi lứa yêu nhau. Khi đã ưng cái bụng của nhau, nếu thích hai người có thể được tự do chung sống như vợ chồng mặc dù phía nhà gái chưa chính thức đi hỏi.
   Khi hai người đã ở với nhau như vợ chồng, nhà gái vẫn sẽ lựa chọn ngày lành tháng tốt sắm vòng tay đến nhà trai hỏi xin bắt chồng về cho con.
   Thế nhưng, cũng có những chàng trai K’ho vốn “cứng đầu” không chịu nhận trách nhiệm làm chồng mặc dù trước đó đã ăn nằm với người con gái từ lâu. Những người con trai “dám làm không dám chịu” này.
   Theo một số người lớn tuổi kể lại, đã từng xảy ra trường hợp anh con trai “xù” bằng cách chối bay, chối biến việc đã ngủ với cô gái khi cô gái quên lấy bằng chứng. Còn nếu người con trai công nhận đã ngủ với cô gái nhưng không chịu cho bắt, sẽ bị buôn làng phạt rất nặng (thường là trâu, heo, rượu cần). Nếu không chịu nộp phạt sẽ khó sống yên với buôn làng.
   Nếu nộp phạt ít, nhà gái có thể tự ái bỏ về mà không cần bất cứ vật phẩm phạt vạ nào từ phía nhà trai. Những người con trai này sẽ bị nhà gái xem là “đĩ đực”, coi thường và khinh rẻ. Đối với tộc người K’ho ở chân núi Lang Biang, ai bị xem là ‘đĩ đực’ và bị coi thường thì rất khó có người xin bắt về làm chồng.
   Cho đến nay, hầu như bà con dân tộc K’ho chưa bao giờ biết hoặc nghĩ tới chuyện ly hôn. Cho dù cuộc sống ở vùng cao đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại và vẫn còn vất vả nhiều. Nhưng tất cả những điều đó không làm thay đổi lòng chung thủy vợ chồng của bà con dân tộc K’ho nơi đây. Đó cũng là điều đáng mừng do họ biết sống và tuân thủ luật tục tốt đẹp, lâu đời của dân tộc mình.
Nguồn bài:http://dantri.com.vn/du-lich-kham-pha/chuyen-trai-gai-an-trai-cam-duoi-chan-nui-langbiang-773710.htm  
   Bình luận của chủ trang: Tôi thích nội dung bài viết này của tác giả Hà Anh trên báo Dân Trí nhưng tôi không thích tiêu đề của bài báo. Tiêu đề như vậy là khiếm nhã đối với một nét đẹp của một tộc người K'ho.
2 comments

LẤY ĐĨ VỀ LÀM VỢ CÒN HƠN LẤY VỢ VỀ LÀM ĐĨ

LẤY ĐĨ VỀ LÀM VỢ CÒN HƠN LẤY VỢ VỀ LÀM ĐĨ
    Đó cái ý phảng phất trong đầu tôi khi đọc xong cuốn tiểu thuyết Gã Tép Riu của tác giả Nguyễn Bắc Sơn. Cốt truyện dường như khai triển từ cái tứ “ Đĩ ” mà ra. Một chặng đường dài từ cô gái học ngành cảnh sát ở trình độ trung cấp, có tố chất cầu tiến và cuối chặng đường là một con điếm Nguyễn Diệu Thủy núp dưới cái chức danh hào nhoáng trong nội các trung ương. Mỗi một nút thắt con đường đều được Diệu Thủy khai thông bằng những màn “mây mưa” có kỹ nghệ. Cô ta nghệ thuật đến mức đưa tiền lo lót nhờ Thầy làm giùm cái luận văn thạc sĩ và  luận án tiến sĩ bằng cách hẹn thầy ở quán cà phê đèn mờ, rồi đặt một chiếc hôn dài, còn tay thì mở cái cúc áo của Thầy rồi nhẹ nhàng cho phong bì rơi vào áo. Cô còn là con con điếm có đầu óc. Cô biết ai trên quyền ai, nên cho ai viên kẹo ngọt để thăng tiến quan trường. Và sau đó cô vẫn đến với họ như một sự trả ơn mà quên đi mình đã có chồng rất mực yêu chiều vợ.
    Trần Xuân Tùng – một nhà báo tâm huyết với nghề, sau này được cân nhắc lên làm quản lý ở Sở thì anh là một con người biết trăn trở với thời cuộc và dám làm vì những trăn trở ấy – chỉ vì thường xuyên góp ý và hướng dẫn cách làm việc cho vợ mà anh bị vợ ghét rồi dần dần nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn trong công việc tràn vào buồng the dẫn đến hạnh phúc tan vỡ. Nó vỡ cũng vì một lý do nữa đó là : “Có con chân bấm rễ bàng. Không con thiếp chỉ làm bạn qua đường cùng anh”. Đứa con trai của duy nhất của Thủy và Tùng hy sinh trên biển. Thủy mải chăm lo má phấn môi son, bán trôn nuôi quyền cho đến khi cần sinh nở để gia đình yên ấm thì quá muộn.
    Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã “nhồi, bóp” cuộc mâu thẫn trong công việc của đôi vợ chồng trí thức này đồng thời đánh dấu sự hiện diện của con đĩ tên Đào Thị Dự trong cuộc đời của nhân vật Tùng. Dự - một con đĩ thành thật đến mức như muốn trần truồng cho Tùng xem những vết tích sau những lần đi khách –  coi trọng văn chương nhưng lận đận trên con đường khoa bảng, làm thêm ở quán Chiều Tím để có tiền ôn thi đại học, những mong bán trinh với cái giá ba mươi triệu để sống thì đau đớn tột cùng khi nhận ra số tiền ấy thuộc ngân hàng địa phủ. Đời ca ve của cô bắt đầu từ đấy. Bằng việc kể lại con đường dẫn Dự đến với thế giới đàn bà, tác giả đã bóc cái nón mẽ của những kẻ trân-trọng-trinh-tiết-con-gái.
    Những kẻ ấy hành xử thế nào nhỉ? À! Đầu tiên họ đưa cho Dự con dao (để cô giết hắn nếu bị hãm hiếp) và một số tiền xứng đáng cho việc “ngắm cái đẹp”. Đúng lời hứa. Hắn chỉ ngắm. Lần thứ hai hắn trả tiền để chạm vào hiện vật bằng môi. Dự chẳg mất gì mà lại có thêm tiền mua sắm. Đến lần thứ ba thì phong bì dày cộm gấp sáu lần cái trước, Dự đã tin hắn mà không bóc phong bì. Và cô đã cho ong lấy mật hoa. Lúc về bóc phong bì thì hỡi ôi....sao cô nhớ mẹ đén thế. Thằng đểu ấy đã đánh vào niềm tin non nớt của cô gái thôn quê nơi phố thị. Khi thằng đểu mà rành rẽ hành vi của người quân tử thì quả là vô cùng đáng sợ. Tùng nghe rõ, nghe kĩ từng chi tiết một. Nghe và cảm nhận sự thành thật đến nao lòng của một cô gái điếm. Tùng muốn nghe cô kể chuyện bởi vì ấn tượng cách nói rất văn của cô gái tiếp viên trong lúc anh đi kiểm tra tình hình kinh doanh quán karaoke. Tùng muốn lôi cô ra khỏi chốn bùn nhơ ấy. Đúng lúc “vợ bất chiều chồng” cộng thêm sự đồng điệu giữa hai kẻ thích văn chương, thế là gái điếm Đào Thị Dự trở thành vợ chui của gã tép riu Nguyễn Xuân Tùng.
    Chỉ vì vạch ra cái sai của cấp trên (trong đó có vợ anh) trước cơ quan đoàn thể mà Tùng vị Thủy cạch mặt trong ngôi nhà vốn đã lạnh tanh ấy. Có người lại bóng gió cho biết vì sao vợ anh được thăng chức nên Tùng chẳng thấy áy náy gì nhiều vì việc có vợ chui. Hôn nhân của họ kết thúc bằng một phiên tòa “ê mặt”. Hai kẻ trí thức lột trần chuyện buồng the ra cho bàn dân thiên hạ cùng rõ. Nếu Diệu Thủy không muốn hạnh hạ chồng bằng cách không chấp nhận ly hôn thì không đến mức Tùng phải phanh phui “mặt nệm trải giường cưới có mấy bông hoa”. Tòa tuyên án ly hôn cho hai người. Truyện kết thúc ở đấy. Nhưng ai cũng rõ ngay sau đó anh chàng Tùng ngoài đời sẽ đăng ký kết hôn với cô Đào Thị Dự ngay. Rõ ràng là nhân vật Tùng ấy thà lấy đĩ về làm vợ còn hơn lấy vợ về làm đĩ.
    Đấy là cái cốt của truyện, còn da thịt của truyện là những câu chuyện liên quan đến nghiệp viết, nghiệp quản lý. Truyện nói nhiều về ngành xuất bản và những ứng xử của các bên liên quan đến những vấn đề tương đối nhạy cảm của cuộc sống đương thời. Tôi thích tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn vì thích lối viết có thiên về khẩu văn. Tác giả đã đưa những từ ngữ truyền khẩu (không có trong bất kỳ cuốn từ điển nào) vào trong lời thoại của nhân vật. Điều này hình như chỉ trong các cuốn tiểu thuyết mới có chứ những truyện dài kỳ trên các tạp chí thì họ không dám dùng. Văn trên các tạp chí trang nhã quá cho nên lắm khi tôi thấy gượng gạo nên nhác đọc.
    Tôi có cảm giác như toàn bộ cuốn tiểu thuyết chính là nội dung một cuộc tâm sự dài giữa hai người đàn ông. Người đàn ông ấy kể và Nguyễn Bắc Sơn chấp bút. Không biết có phải do câu viết đầu cuốn sách, tác giả nói “Bối cảnh trong cuốn sách này hầu hết là có thật, với khá nhiều sự việc thực” mà tôi đâm ra quy kết như vậy. Dẫu biết rằng truy chụp ý tưởng văn chương là một điều không nên nhưng tôi vẫn muốn nói ra cái cảm nhận ấy. Hy vọng có nhiều tác giả dám viết và dám in để cho mọi người có cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống muôn màu.
    Nhân đây tôi rất trân trọng tấm lòng một người bạn Hà Nội luôn nhớ về Tây Nguyên đã tìm mua và gửi tặng Em Gái Tây Nguyên cuốn tiểu thuyết này. Mạng xã hội Facebook và blog đã cho tôi cả một tủ sách quà tặng bốn phương đấy các bạn ạ.

Buôn Ma Thuột, 31/8/203
H’Tây Niê
1 comment

Friday, August 30, 2013

NGƯỜI "CHÀ VÀ" Ở VÙNG SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY

DƯƠNG PHẠM
   Ở phía Tây của tỉnh An Giang, giáp đất Campuchia, nhắc đến người Chà, cư dân nơi đây lại đồn thổi rất nhiều chuyện huyền bí. Người ta đồn rằng, người Chà có nhiều bùa ngải, phép thuật, luyện thiên linh cái để giết người… Thôi thì có đến cả chục câu chuyện kinh hãi.
   Thế nên, mặc dù người Kinh sống ngay cạnh người Chà, nhưng ít giao lưu. Khi tôi bày tỏ ý định vào “vương quốc người Chà” bên bờ sông Tiền, ông thầy thuốc kiêm thầy bùa dưới chân Núi Sam, thuộc đất Châu Đốc cứ khuyên tôi không nên vào, vì một là họ không tiếp, hai là họ thả bùa mất mạng!
   Bỏ qua những lời đe dọa mang đầy sự huyễn hoặc, tôi qua phà Châu Giang đến xã Đa Phước thuộc huyện An Phú, nằm ngay bên sông Tiền và sông Bình Di, vùng đất với những ngôi nhà sàn đơn sơ tránh lũ và những nhà thờ uy nghi chả khác nào vùng Tây Á của người đạo Hồi.
    Chạy xe trên con lộ nhỏ dọc sông Bình Di dẫn ra cửa khẩu Long Bình, tôi thực sự lạc vào một vương quốc khác lạ. Trên con đường lộng gió, những người đàn ông đội mũ vải, mặc váy hoa phấp phới với đủ màu sắc đi lại thong dong, đạp xe thong thả trên đường.
    Những cô gái vấn khăn quanh đầu, che kín cổ. Các cô gái đạo Hồi che kín mặt, chỉ hở đôi mắt, nhưng có vẻ đạo Hồi ở xứ này không khắc nghiệt lắm với phụ nữ, nên ra đường họ chỉ đội khăn theo tượng trưng mà thôi.

Trong văn hóa của người Chà, người phụ nữ làm chủ gia đình
    Tôi tạt vào một nhà thờ, gặp mấy người đàn ông mặc váy ngồi quây quần dưới nền nhà học kinh. Thấy khách lạ, cả nhóm người nhìn tôi ngơ ngác. Tôi giới thiệu là nhà báo, nhóm người này cùng đứng dậy bắt tay, niềm nở, khác hẳn với lời “dọa” của ông thầy bùa, cũng như người dân vùng Châu Đốc.
    Tuy nhiên, khi thu thập thông tin, họ không trả lời, mà chỉ tôi đến gặp ông Cả Musa. Với người Chà, ông Cả Musa giống như trưởng bản, già bản của các dân tộc phía Bắc.

    Ông Cả Musa là kho tri thức của người Chà, ông nắm rõ lịch sử, văn hóa, tập tục của dân tộc mình. Ông là người cai quản phần tâm linh, được người dân coi trọng, và lời nói của ông được mọi người lắng nghe.
    Hỏi chuyện bùa ngải, ông gạt phắt đi. Ông Cả Musa khẳng định rằng, người Chà ở đây không hiểu bùa ngải là thứ gì. Đó là thứ người dân trong vùng gán oan cho người Chà.
    Theo ông Cả Musa, người Chà ở vùng đất này thường được gọi là người Chà Châu Giang, vì gắn với vùng đất Châu Giang. Ngoài ra, còn được gọi là Tây Chăm, để phân biệt với người Chăm ở nơi khác.
    Người Chà có hơn 20.000 cư dân (trong tổng số 400 ngàn người Chăm), có mặt ở vùng Châu Giang từ đầu thế kỷ 19. Vị tướng Thoại Ngọc Hầu khi thực hiện công trình kênh Vĩnh Tế, đã huy động một nhóm người Chăm vào vùng đất này. Đào xong kênh Vĩnh Tế, tướng Thoại Ngọc Hầu đã chia đất vùng Châu Giang cho người Chăm làm sinh kế.
    Sau này, một nhóm người Chăm gốc Malaysia, gọi là Chăm Chà Và đến sinh sống. Đó cũng là lý do người dân quanh vùng gọi người Chăm nơi đây là người Chà Và, rồi sau gọi tắt là người Chà.
    Người Chà ở vùng đất nhỏ này theo Hồi giáo chính thống, nên còn được gọi là Chăm Islam, hay Chà Islam, với phong tục, tập quán tương đối khác biệt với người Chăm ở những vùng khác trong cả nước.
    Theo ông Cả Musa, đàn ông người Chà vùng Châu Giang mặc váy từ bé cho đến khi chết. Chiếc váy của người Chà có nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau, từ màu sáng, sặc sỡ, cho đến tối màu. Nhìn vào chiếc váy đó, người Chà dễ dàng phân biệt được địa vị của họ trong cộng đồng, tuổi tác, có gia đình hay chưa.
   Các chàng trai chưa vợ người Chà thường mặc váy nhiều màu sặc sỡ, với nhiều hình nổi bật nhằm… thu hút phụ nữ.
   Những chiếc váy được cắt khá đơn giản. Đó là một tấm vải lớn, được quấn quanh hông 1,5 vòng, xếp chéo. Váy mỏng hay dầy cũng không quan trọng, bởi bên trong họ mặc thêm một chiếc quần soóc, để đảm bảo kín đáo tuyệt đối.
   Với người Kinh, việc mặc váy thể hiện nữ tính, còn đàn ông Chà mặc váy thể hiện nam tính. Điều đặc biệt nữa là chiếc váy họ mặc dài chấm gót chân, chứ không… hở hang và cũn cỡn như những cô gái người Kinh vẫn phóng xe máy vun vút, tốc cả váy trên con lộ dẫn qua vùng Châu Giang.
   Tôi hỏi ông Cả Musa rằng, việc mặc váy như thế có khó dễ gì cho việc lao động, đi lại không, thì ông lắc đầu bảo không ảnh hưởng gì cả. Người Chà trong cộng đồng vẫn mặc váy đi làm, lái xe, giao lưu với cộng đồng khác quanh vùng.
    Điều khá thú vị ở người Chà vùng này, ấy là người phụ nữ đóng vai trò chủ nhân trong gia đình. Chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng nữ thần vẫn tồn tại đến ngày nay.
    Văn hóa người Chà cho rằng, đàn bà lo việc trong gia đình, giữ gìn gia phả, và đó là những việc quan trọng trong gia đình. Đàn bà Chà đều biết dệt vải. Những chiếc váy hoa mà đàn ông mặc là tác phẩm của người phụ nữ Chà chăm chỉ, khéo tay.
    Điều khá lạ nữa, đó là đàn ông lo việc cơm nước, nấu ăn. Đàn ông học nấu ăn từ một ông thầy cả trong cộng đồng. Món ăn của họ là thịt bò. Điều lạ nữa là họ tự nuôi bò, tự giết bò để ăn. Họ không ăn thịt bất cứ con vật nào khác và không mua thịt bò từ cộng đồng khác.
    Mang chế độ mẫu hệ, nên những đứa trẻ sinh ra mang họ mẹ. Việc cưới xin, lấy chồng là do nhà gái đứng ra lo lắng. Đàn ông ở rể nhà vợ cho đến chết. Khi đàn ông chết đi, nhà gái có trách nhiệm thờ cúng. Khi hết tang theo phong tục, thì nhà gái sẽ trả cốt cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ.
    Phụ nữ Chà được thừa kế tài sản từ gia đình, dòng họ và người con gái út được có quyền lực cao nhất gia đình khi được phân nhiệm vụ săn sóc nhà thờ để thờ cúng tổ tiên và nuôi dưỡng cha mẹ già.
    Phong tục cưới xin của người Chà ở vùng đất này cũng có nhiều chuyện lạ. Khi chú rể được rước về nhà vợ, thì hai người phải thực hiện một thủ tục khá buồn cười, đó là thi mò tiền.
    Ông Cả, người đứng đầu trong vùng sẽ là trọng tài của cuộc thi. Chiếc xô đựng đầy nước được đặt ngay cửa phòng hoa chúc. Ông Cả sẽ bỏ tiền xu vào xô nước. Khi ông Cả ra hiệu, cả hai cùng lao đến dùng 2 tay vớt tiền trong xô.
    Nếu chú rể vớt được nhiều tiền hơn, thì sẽ được chia sẻ một số quyền lực trong gia đình, còn vớt được ít tiền hơn, thì hoàn toàn chịu sự chỉ đạo của vợ. Xong thủ tục này, họ vào động phòng hoa chúc và chính thức thành vợ chồng.
    Sống giữa vùng sông nước Cửu Long, nơi ăn nhậu là thói quen thường ngày của đàn ông, nhưng người Chà không bị ảnh hưởng. Đàn ông Chà ở đây không bao giờ uống rượu bia, hút thuốc, cờ bạc. Những thú vui, tệ nạn đó được quy định rất ngặt nghèo trong giáo luật và không bao giờ có chuyện họ vi phạm.
    Với những phong tục, lối sống hoàn toàn riêng biệt, người Chà vùng Châu Giang, đã tạo ra những nét văn hóa vô vùng độc đáo, có phần bí ẩn.

 Nguồn bài viết tại: Báo VTC online 
1 comment

Wednesday, August 28, 2013

MẢI MÊ


(Qúy tặng những em bé và người già chăn bò qua ngõ nhà tôi) 

Chiều Ban Mê

Mưa mê mải rớt

Gió mê mải thổi

Em mê mải gọi

Anh mê mải đi

Đàn bò mải mê gặm cỏ

A Mí mải mê nhặt nấm

A Tay mải mê đào đế

A Tay Mne mải mê bắt rắn

Chiều nay có kẻ thất tình làm thơ

Buôn Ma Thuột, viết lúc tiếng ve cuối ngày cất lên, 27/8/2013 - H'Tây Niê
3 comments

Tuesday, August 27, 2013

THẦN TƯỢNG

Tác giả ảnh: Anh Tuấn
    Hồi bé tí ti, thấy người lớn nghe Chế Linh, Hương Lan, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung hát. Mình còn con nít mà. Thích học theo người lớn nên cứ ngồi tẩn mẩn nghe nhạc với các cụ. Nghe mãi cũng quen, mà nghe quen rồi thì hay thấy trống vắng khi không có tiếng nhạc. Thành ra cũng khá thần tượng các ca sĩ ở hải ngoại.
   Lớn lên tí nữa, xem phim trên ti vi thấy người ta chạm hai cái môi vào nhau thì mình bắt đầu hỏi mẹ “Họ làm gì thế Má ơi”. Mẹ cú vào đầu một cái bảo “con nít con nớt mà hóng hớt chuyện người lớn”. Bức xúc quá. Mình đem nỗi ấm ức này hỏi thằng bạn (mình ngu thế, ai lại hỏi bạn trai thế không biết). Thằng bạn nói đó là hôn. Mắt mình long lanh, nhìn thấy thằng này biết nhiều hơn mình. Thần tượng nó thế.
   Sau cái vụ tìm hiểu định nghĩa “hôn là gì” thì mình bắt đầu biết rung rinh con tim. Thấy bạn nam nào cùng lớp mà da trắng, môi đỏ, mắt bồ câu là xoắn xoét kiếm cớ rơi cái bút gần bên nó để nhờ nó lấy hộ, từ đó thì bắt chuyện với nó luôn. Còn bạn nam nào học giỏi thì cứ kiếm bài toán khó mà đem đi thắc mắc. Lắm thằng nó cáu, nó chửi: “con này ngu mà lì ”. Nói chung thời đi học thì thằng nào học giỏi đẹp trai thì mình nhìn nó với ánh mắt ngưỡng mộ. Sau này mới biết người ta định nghĩa kiểu nhìn ấy là “cái nhìn thần tượng”.
    Cũng chỉ vì “thích” mấy bạn nam đẹp trai, học giỏi ấy nhưng họ chẳng ngó ngàng đến nên mình rơi vào trạng thái “thất tình giai đoạn nhẹ” và chuyển sang “yêu thầm”. Mà đã yêu thầm thì càng thích nghe nhạc buồn buồn, than trách người thương “sao phũ phàng em thế”. Hồi ấy thích nghe những câu như “sao anh bỏ ra đi, em nào có tội tình gì....” hay là “anh chỉ biết câm nín nghe tiếng em khóc, biết làm gì cho em khi không được bên em. Thà làm đau chính anh hơn gấp trăm ngàn lần. Còn hơn trông thấy em đau đớn vì ai....”.  Dòng nhạc với những ca từ tựa tựa như thế thì thường được hát bởi Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Đan Trường, Lương Bích Hữu, Quang Vinh, Vân Quang Long, Ưng Hoàng Phúc, Lý Hải. Lưu Gia Vỹ, Thanh Thảo, nhóm nhạc MTV...Nước láng giềng Trung Quốc thì có Triệu Vy, Tô Hữu Bằng, nhóm nhạc F4...Hồi đó đó, mình thấy bạn bè truyền tay nhau nghe nên mình cũng a dua họ. Cũng lại tẩn mẩn nghe cho “kịp thời đại”. Mình là dân 9X mà. Không biết những dòng nhạc ấy thì đến trường bị coi là lạc hậu. Bạn bè mình thần tượng những người hát ấy lắm.
   Nhưng nghe là nghe vậy nhưng mình thích nghe anh Trọng Tấn và chị Anh Thơ hát lâu lắm rồi cơ. Hình như hồi học cấp hai hay sao ấy. Cứ có chương trình âm nhạc nào mà có tiếng hát Anh Thơ, Trọng Tấn thì mình nghe đắm đuối. Đến nỗi hồi ấy và cho đến tận bây giờ, chỉ cần nghe giọng Trọng Tấn hát thì mẹ mình vẫn trêu “Người yêu của bé Beo kìa”. Beo là biệt danh của mình lúc ở nhà. Mình gầy quá nên mẹ hay gọi như vậy. Mình thích dòng nhạc của anh Tấn và chị Thơ hát. Sau này mới biết đó là nhạc mamg âm hưởng dân gian đương đại.
   Vào đại học thì mình bắt đầu yêu thật. Và thì tình yêu sinh viên mà. Vỡ choeng một tiếng. Đóng cửa cái sầm và khóc thút thít, rồi lại “sao anh bỏ ra đi....”. Nhưng bỗng một ngày đẹp trời, mình thích nghe hát Xẩm, thích tìm hiểu về hát Bội, hát Chèo, Chèo Văn, hát Xoan, hát Ví Dặm. Từ hồi đó đến bây giờ. Mình quên hẳn dòng nhạc mà “ông hoàng nhạc pop” Đàm Vĩnh Hưng đang nổi tiếng. Mà mình không biết đó là nổi tiếng hay tai tiếng.
   Hồi đó bộ phim Vườn Sao Băng do Đài Loan sản xuất nổi như cồn. Nhóm nhạc F4 chỉ được biết đến sau khi bốn thành viên thủ vai bốn chàng nhân vật chính trong phim. Lũ choai choai như bọn mình khoái những bộ phim “bom tấn” này lắm. Bọn mình tuy lít nhít nhưng mà cực ham xem phim hun hít. Thích nhất là xem hoạt cảnh hôn dưới mưa. Lãng mạn thôi rồi. Đâm ra thần tượng diễn viên.
   Vì chưa có nhiều máy tính để vào internet như bây giờ nên bọn phổ thông cùng trang lứa với mình hồi đó siêng đọc báo Mực Tím lắm. Hễ có thông tin gì về thần tượng của bọn nó là chúng khoe ầm ầm. Hoặc vô tình đọc được scandal (vụ bê bối) liên quan đến thần thượng của bạn bè thì chúng thổi phồng lên. Thành ra chuyện đánh nhau vì thần tượng mình bị bếu rếu xảy ra rất phổ biến.
   Mình nghĩ chỉ có lứa mình với như vậy. Ai ngờ bọn choai choai hậu sinh bây giờ cũng “khả ố’ có số. Chúng tự lập Fanpage (tạm dịch “trang của người hâm mộ”) trên mạng xã hội Facebook. Chúng không tiếc lời khen những người được nhà quản lý lăng xê trên Fanpage ấy. Chúng chèo kéo người ủng hộ bằng cách bấm nút “like” (thích) trên Facebook. Trang nào có nhiều cái Like thì trang ấy “hiển nhiên” là hot (nóng hổi). Đi đâu chúng cũng vênh mặt vì thần tượng của mình có nhiều “Like”. Nhiều khi chúng thấy chán thần tượng của mình lắm rồi nhưng chúng không muốn bẽ mặt vì sự từ bỏ. Cho nên cố gượng gạo bao biện cho “cố thần tượng” của mình.
   Chẳng biết đánh nhau vì thần tượng thì chúng được lợi gì nhưng hình như những kẻ muốn-được-nổi-tiếng-nhưng-không-qua-con-đường-khổ-luyện được hưởng lợi. Mấy kẻ đó tâng bốc bọn lít nhít thần tượng mù quáng lên hàng “Fans nhí” để dựa vào đó mà ngoa ngôn lộng ngữ. Họ đếm cái “like” trên Facebook rồi tự phong mình là ông hoàng bà chúa.
   Cái thuật ngữ “Fan” trong tiếng Anh có nghĩa là người hâm mộ (Trang 427, Từ điển Anh-việt, nhóm soạn giả  Hoàng Thu, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Ngọc, Trần Thùy Linh. NXB Từ Điển Bách Khoa, 2008). Lâu nay người ta quen thói cho nên vẫn nói một cách thừa chữ rằng “Fan hâm mộ của....”.Đó là lỗi của giới truyền thông. Không biết các Fan của những người thường xuyên gây tai tiếng có thành phần tuổi tác như thế nào nhưng hình như thế hệ 9X nằm trong số Fan này rất nhiều. Nhiều đến nỗi hễ mình đi đâu đó, tự giới thiệu là dân 9X thì không ít các cô các chú nghĩ mình là “đũa mốc mà chòi mâm son”. Dân 9X chỉ biết lai căng thì ngồi cùng mâm với các cô các chú tôn sùng truyền thống dân tộc mà làm gì. Không biết những “Fan Nhí” cuồng nhiệt đến mức nào mà ố cả một cộng đồng sinh vào những năm 90 của thế kỷ XX.
    Họ đang hâm mộ những kẻ không biết nói một lời nói cảm ơn (dù là khách sáo) với những người bậc cha bậc chú đã góp ý thẳng thắn với mình. Thần tượng của họ như thế. Thảo nào báo chí có thể sưu tầm được những câu chuyện có thật về việc cháu đánh ông đánh bà, con đánh mẹ đánh cha. Đó là cái giá của việc thần tượng người hay khoe.
   Con người ta thường hay thần tượng những gì mà mình không đạt được. Khi đã đạt được rồi thì không còn trân trọng như xưa nữa. Ai chứ như mình đây, hay cả thèm chóng chán lắm. Nay thần thượng người này. Mai thần tượng người khác. Thành ra không biết thần tượng ai. Chỉ xấu hổ cho ai tự cho mình là thần tượng.

Buôn Ma Thuột- 27/8/2013 – H’Tây Niê
No comments

Monday, August 26, 2013

Bộ ảnh DÁNG SEN 2013 sưu tầm từ mạng xã hội Facebook trọn mùa sen 2013

  Tử thuở xa xưa, hoa sen đã đi vào thi họa. Vì phẩm chất “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” ấy mà sen được nâng niu trân trọng hết mức có thể trong đời sống tâm tưởng của con người. Phật giáo xây dựng hình tượng đức Phật an tọa trên đài sen. Những thiếu nữ thành phố chịu bước chân xuống bùn lầy chỉ để được làm duyên làm dáng chụp ảnh với những đóa sen. Người ta ví má hồng của người thiếu nữ như một cánh sen cơ mà.
1. Tác giả ảnh: Thanhcong Media
    Người thiếu nữ muốn được tạo dáng bên sen, còn bản thân người chụp ảnh cũng muốn có những thước ảnh đẹp về sen. Hoa sen giống như một liều thuốc gây nghiện cho những ai đã trót dấn thân vào con đường nhiếp ảnh vậy. Họ tôn hoa sen lên bằng một cách gọi gợi cảm là “nàng sen”. Họ chụp đủ các kiểu “e thẹn” của nàng sen trước gió, trong màn sương long lanh dưới ánh nắng đầu tiên của buổi sáng.
2. Tác giả ảnh: Lê Hải Sơn
    Có vô vàn cách thể hiện tình yêu với nàng sen. Một nhà thơ có thể làm cả một bài thơ ca ngợi vẻ đẹp sen. Một người nhạc sĩ phổ nhạc thơ sen hoặc tự viết một bản nhạc liên quan đến sen. Một nhà văn có thể viết hẳn một cái truyện ngắn kể về cuộc sống của người dân quanh một mùa sen nở. Người họa sĩ trao cả tấm lòng vào một bức họa sen. Có người nói “ôi dào! Thằng chụp ảnh thì có gì mà trao hết tấm lòng, hoa đấy, thấy cái là chụp chứ đầu óc nghệ thuật nỗi gì”. Sai đấy! Nói như vậy là sai đấy. Đồng ý là có thấy thì mới chụp được nhưng phải thấy như thế nào, thấy ở góc độ nào thì có thể tôn lên vẻ đẹp của một loài hoa. Một bông hoa có thể bị khiếm khuyết một cái cánh nhưng chụp ở một góc khuất cánh ấy thì có bức ảnh đẹp mỹ mãn. Sau đây ta cùng quan sát một vài góc máy qua ảnh của các tác giả: 
    Đầu tiên chúng ta ngắm ảnh của tác giả Võ Triều Hải, tôi sưu tầm bốn bức ảnh chụp hoa sen của người này. 
3.  Tác giả ảnh: Võ Triều Hải
   Bức ảnh đầu tiên chụp nghiêng một đóa hóa sen. Ở góc máy này ta thấy hoa sen như đang cô đơn. Giống như một cô nàng xinh đẹp thế, trắng ngần thế mà cô đơn trong đêm tối. Ảnh nhìn rất mênh mang.
4.  Tác giả ảnh: Võ Triều Hải
     Cũng bông sen ấy, nhưng ảnh "có nắng" hơn một chút, lộ rõ nhụy sen một chút, và đặc biệt là có một chú ong đang hút mật và lấy phấn hoa, Ảnh trông vui hơn và tươi hơn 
5. Tác giả ảnh: Võ Triều Hải
   Tôi cũng chọn một bức ảnh chụp nghiêng như tấm ảnh số 3 của tác giả Võ Triều Hải nhưng lúc này màu hoa sen là hồng không phải trắng. Cũng góc máy ấy nhưng màu sắc thay đổi, Hình như cũng làm cho ý tưởng ảnh của tác giả cũng thay đổi chút ít. Chất liệu ánh sáng, phối cảnh xung quanh trọng tâm ảnh cũng khác nhau. Trông như sen đang cười
6. Tác giả ảnh: Võ Triều Hải
    Riêng tấm này này của tác giả Võ Triều Hải thì tôi sưu tầm vì góc máy rất hay. Nếu tôi cầm máy thì có lẽ tôi sẽ không thể nào biết cách lấy điểm nhấn là phần chúm chím trêm miệng búp hoa và khi "gia công" sản phẩm ảnh thì tôi dễ mắc sai lầm khi phối màu ảnh. Dễ mất điểm nhấn là đỉnh của búp sen ngay,
    Tác giả ảnh thứ hai tôi muốn giới thiệu đó là Phạm Huy Tâm
7. Tác giả ảnh: Phạm Huy Tâm
    Cũng là chụp nghiêng và một bên bông hoa nhưng màu sắc sáng hơn.làm cho người ta nghĩ những đóa sen chụp vào buổi trưa hè. Tôi không rõ lắm về bố cục ảnh nghệ thuật nên không dám đánh giá ảnh theo bố cục.
8. Tác giả ảnh: Phạm Huy Tâm
    Lúc tôi sưu tầm tấm ảnh này của bạn Facebook Phạm Huy Tâm thì tôi bị cuốn hút bởi hình ảnh chiếc lá sen che nắng cho một bông sen kiều diễm. Bông sen e lệ cúi thấp mình dưới sự che chở của chiếc lá. Một ý tưởng "tương trợ" lan tỏa khi ngắm ảnh. Tôi thích bức ảnh này là vì vậy
   Cũng với góc chụp tựa tựa như bức ảnh trên tôi tìm được bức ảnh của bạn Facebook Minh Tuấn dưới đây:
9. Tác giả ảnh: Minh Tuấn
Qua Facebook Trần Thanh Liêm, tôi sưu tầm được một bức ảnh khá hay:
10. Tác giả ảnh: Trần Thanh Liêm
    Anh không tách rời từng bông hoa ra rồi tạo dáng theo hai kiểu như những tác giả ở trên mà anh kết hợp hai kiểu chụp đó vào hai bông hoa đứng bên cạnh nhau để được một tấm ảnh
11. Tác giả ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
   Tôi thích tấm ảnh này của bạn Facebook Nguyễn Thanh Sơn vì góc máy "thoáng khí" hơn. Thấy được nền trời thì tựa hồ như có thêm không khí để thở vậy.
   Chưa thỏa mãn tính tò mò về các góc máy chụp hoa sen. Tôi thiết nghĩ mỗi bông có mỗi vẻ đẹp khác nhau vậy nếu chụp theo một quần thể thì ảnh sẽ nhìn ra sao? Thế là tôi tiếp xúc với ảnh của bạn Facebook Dương Quốc Định
12. Tác giả ảnh: Dương Quốc Định
   Đây là một hình ảnh của một quần thể hoa sen trắng. Tôi thích tấm này vì nó có đủ hoa đã tàn chỉ còn trơ vơ cái đài sen, các bông hoa nghiêng theo mọi hướng trông giống như sự phức tạp của đời sống quần thể.
13.  Tác giả ảnh Dương Quốc Định
    Cũng tương tự ý tưởng như thế, tôi chọn thêm một tấm ảnh quần thể hoa sen hồng. Nhưng tấm này trông có vẻ góc máy đứng xa hơn. Ảnh có không gian hơn. Cụ thể là nhìn sâu và rộng hơn
    Tôi nghe bảo khi làm nên bức ảnh nghệ thuật, cũng phải dùng hiệu ứng gì gì đó. Tôi không rõ. Thế là tôi lại tìm kiếm và xem thử ra sao. Tôi tìm đến ảnh sen của bạn Facebook Thiên Quang. 
14. Tác giả ảnh: Thiên Quang
   Ảnh của tác giả Thiên Quang trông như là chụp trong "khói mờ sen ảnh" ấy. Nhờ hiệu ứng khói sương ấy mà bức ảnh nhìn như sen ở cõi tiên. Mông lung, huyền hiệu và tràn đầy ý nguyện khi nhìn ảnh.

   Người ta bảo hoa đẹp là hoa có bướm ong bay vờn xung quanh. Gái đẹp là gái có nhiều trai tán vây quanh nàng. Hoa sen có vô số các loài có cánh bay đến và bay đi. Bạn Facebook Gà Đầu Bạc (cư trú tại Việt Nam) và Phạm Dung An (cư trú tại Malaysia) của tôi đã đi sâu vào đề tài ong bướm bên sen này:
15. Tác giả ảnh: Gà Đầu Bạc
   Trông như những con ong đan vo ve tán tỉnh các nàng sen. Chúng bay "thám thính" tình hình tươi thắm của các nàng sen để rồi sẽ có lúc "con ong đã tỏ đường đi lối về" như cụ Nguyễn Du đã viết.
16. Tác giả ảnh: Gà Đầu Bạc
   Ong vờn quanh hoa, hoa sao cứ múp míp nõn nà đến nỗi người ngắm ảnh cũng phải thèm thuồng ngắt đóa
17. Tác giả ảnh: Phạm Dung An
Ong đang "tán" hoa......
18. Tác giả ảnh: Gà Đầu Bạc 
Chú chuồn chuồn ngậm ngùi đứng trên phiến lá mà thương cho một kiếp hoa tàn...còn trơ đài nhụy...

19. Tác giả ảnh: Gà Đầu Bạc
  Nắm bắt được tính "háo sắc" của bọn ong bướm và chuồn chuồn. Loài nhện giăng mùng để bẫy bọn chúng. Thế là loài nhện cũng biết lợi dụng vẻ đẹp của hoa sen mà kiếm sống.
  Ban "nàng sen" long lanh trong sương sớm, chói lóa trong nắng mai, đong đưa theo chiều gió và nũng nịu trước những lời tán tỉnh của những loài ong bướm. Đêm về, tưởng rằng nàng sen sẽ được nghỉ ngơi. Ai ngờ....
20. Tác giả ảnh Dương Quốc Định
...có chú ốc sên bò lên mơn trớn khắp cơ thể nàng. Hôn nàng chùn chụt. Nàng oằn mình sung sướng đón chờ những chiếc hôn. Thế nhưng...
21. Tác giả ảnh: Dương Quốc Định
....nào phải đó là sự mơn trớn của chú ốc sên dành cho nàng Sen. Thực ra cái hành động đó là gây khiêu khích rủ rê cô nàng ốc sên ở dưới kia chạy theo chàng ốc. Chàng ốc khôn róc đời! Tiến hàng cuộc "mây mưa" ở nơi cao ráo, gió mát trăng thanh thế này thì ngọt ngào quá. Chỉ có nàng sen là hụt hẩng....
22. Tác giả ảnh: Dương Quốc Định
...Ơ! chúng nó hôn nhau kìa! Chúng đang làm cho nàng sen nghẹt thở
   Hoa đẹp mấy rồi hoa cũng sẽ tàn, gái đẹp mấy rồi gái cũng tàn phai má hồng. Bên cạnh bức ảnh chụp cảnh rực rỡ của hoa sen thì cũng có những bức ảnh cho người ta thấy sự "tàn tạ" dần dần của một bông hoa cuối mùa.
23. Tác giả ảnh: Gà Đầu Bạc
    Một cánh hoa rơi....
24. Tác giả ảnh: Minh Tuấn
   Rồi hai...rồi ba... rồi bốn.... rồi năm....Cánh hoa ơi. Sao nỡ chia xa đài hoa thế?
25. Tác giả ảnh: Trần Tướng Nghị
    Còn lại trơ vơ một mình đài sen giữa mênh mông nước
25. Tác giả ảnh: Trần Tướng Nghị
   Những cánh sen sẽ về đâu khi mùa hoa kết thúc........?!
26. Tác giả ảnh: Vũ Duy Bội
    Đầu mùa  hoa đương thì đẹp thế? Sao cuối vụ, hoa tàn tạ thế hoa ơi! 
27. Tác giả ảnh: Vũ Duy Bội
    Chẳng bù cho lúc xuân xanh thì như thế này!
    Hoa rụng hết cánh rồi thì lại nảy sinh cảm hứng chụp đài sen. Có anh bạn Facebook Thằng Đậu nghịch ngợm với cái ý tưởng phóng to cái núm trên đài sen, để người ta hình dung ra đôi gò bồng đảo của người phụ nữ
28. Tác giả ảnh: Thằng Đậu
   Trông bức ảnh rất ngồ ngộ. Khá khen cho sự khéo đùa của tạo hóa.
     Thực ra nếu phóng nhỏ lại bức ảnh thì cho ta một hình ảnh cái đài sen như thế này:
29. Tác giả ảnh: Phạm Huy Tâm
   Nãy giờ ngắm sơ sơ các kiểu dáng của sen, tôi thấy không ngoa khi sen được ví với gái đẹp. Và những cô gái nên tìm về những cánh đồng sen, những ao sen để tim hiểu vì sao mình được ví với loài hoa ấy.
   Khi tôi nêu viết tin nhắn tin tác quyền ảnh của một vài tác giả được cho là mới cầm máy. Họ hỏi tôi là "ảnh chụp nghiệp dư như thế thì lấy để làm cái gì". Tôi trả lời: "Tôi thích cái nét vụng về của những người mới cầm máy". Đúng vậy, bạn nào đã cầm máy lâu năm ngẫm lại mà xem. Bức ảnh của hôm nay dường như không còn ngây thơ như hôm qua nữa. Vậy nên tôi muốn có những bức ảnh ngây thơ như thế để bộ sưu tập của tôi thêm đa dạng. Dưới đây là hai tấm ảnh của hai bạn như thế. Tôi rất trân trọng ảnh của họ:
30. Tác giả ảnh: Lê Hoàn
31. Tác giả ảnh: Lê Công
    Tôi cũng muốn tìm hiểu cách pha trà sen như thế nào? Hình ảnh ra sao để đưa lên đây như một câu chuyện về cuộc đời và công dụng của loài hoa sen. Nhưng cái duyên với sen chưa trọn vẹn nên có lẽ chưa có đủ ảnh để mà công bố. Hẹn mùa sen 2014 sẽ cố gắng lưu ý các bạn Facebook chụp theo đề tài này vậy. Tất cả những ảnh trên đây đều là do các bạn Facebook của tôi chụp.
  Buôn Ma Thuột, mùa sen 2013
Tây Nguyên Xanh

No comments

Sunday, August 25, 2013

XOÁY SÂU TÂM TƯỞNG, HỨNG TRỌN NIỀM TIN

Tác giả ảnh:  Thiên Hà

   Đã lâu rồi thị không viết cái gì cả. Thị vào mạng xã hội để đọc văn của người ta thôi. Thị đang trong giai đoạn ớn viết và ớn chơi. Thị cứ co ro ở một góc nhà và suy nghĩ mông lung về chuyện đời chuyện nghề. Đến hôm nay, thị thừa nhận thị cũng có tố chất viết lách đấy. Thị có quyền tự mãn về điều ấy vì như thế có nghĩa là đầu óc thị phát triển tương đối là toàn diện. Thì học ngành tự nhiên mà vẫn có thể lêu lổng với dân ngành xã hội thì còn gì bằng. Tất nhiên khi đi chơi với họ, thị phải lấy chuyện văn ra để nói chứ ai lại đem mấy cái công thức chuyên ngành tự nhiên ra mà nói. Thị vẫn có những phút tự mãn như thế.
   Một ngày, thị chào buổi sáng bằng cái nhìn mơ màng như một kẻ nhìn đời sau cơn mê. Thị đủng đỉnh dậy đánh răng rửa mặt. Chỉ khi giọt nước được chòa vào mặt thì thị mới ý thức được mình đã ngủ dậy. Thị thay quần áo, lên gác và thắp hương...
    Thị là một con người có tín ngưỡng. Sáng nào thị cũng thắp hương trên bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên. Thị cảm nhận rằng cái hơi ấm của nhang đèn sẽ tạo cảm giác trang nghiêm, khiến cho khách vào nhà sẽ giữ chữ “lễ” khi nói năng và cử chỉ. Cũng là một cách để thể hiện sự gia giáo. Mà cũng phải thôi, không có gì lạ cả. Sáng nào thị cũng hướng về ông bà tổ tiên trước khi làm việc và trước khi ăn cơm tối bao giờ thị cũng thắp một tuần hương thì chứng tỏ thị có nguồn có cội, chứng tỏ thị cũng tương đối giữ chữ lễ. Sau này thị lấy chồng, thị cũng muốn con cái của thị cũng có cái nếp sống như vậy. Chúng có hướng về nguồn thì sau này thị về già mới nhờ cậy chúng nó được. Bây giờ giới trẻ cho bố mẹ ở trại dưỡng lão đầy. Thất kinh!
    Thị cầm tinh con ngựa. Người ta nói tuổi ngựa là có căn tu cho nên thị cũng ráng sống nhẹ lòng để mà tu rồi còn trả nghiệp nữa. Thị nghĩ tuổi ngựa mà lại dính vào cái kiếp đàn bà con gái thì chỉ có khổ trời ơi cho nên thị muốn tu sớm, tỉnh ngộ sớm để thanh thản đứng trước sóng gió của cuộc đời thị. Thị mới có 23 tuổi chứ mấy. Nhưng mà thị nghĩ gì mà lắm thứ như bà già thế. Người ta bảo thị như bà cụ non. Còn thị tự hào mình có cái tầm cao hơn cái tâm thực tại thôi. Chỉ vì cái tầm cao và xa quá nên cái tâm luôn đau đáu., ray tứt vì những chuyện linh tinh về thế sự. Thị bờm thế. Nghĩ gì lắm thế cho trán sớm có nếp nhăn.
    Nói về trán mới để ý, thị có vầng trán cao và trông bướng bỉnh lắm. Mỗi lúc thị suy nghĩ một điều gì thì cái vầng trán ấy nóng lên, như muốn căng ra. Cả một ngày thị lúc nào cũng khao khát ngủ vì chỉ có ngủ thì cái vầng trán của thị mới thôi nóng ran, cái não của thị mới được nghỉ ngơi phần nào. Hễ thị làm việc gì đó thì thôi chứ nếu ngồi một mình thì lúc nào thị cũng hình dung ra một cái cuộc cãi vã nào đó về một câu nói một lĩnh vực nào đó. Cái não của thị phải bắt kịp cuộc nói chuyện đó để chuẩn bị lời thoại cho các nhân vật trong cuộc.. Mỗi một lần tưởng tượng ra một cuộc cãi vã như thế. Dù bộ não của thị phải làm việc hết công suất để xào nấu lên những lời thoại điêu ngoa sinh động nhưng thị luôn cảm thấy tê tê mê mê, khoan khoái lạ thường. Cứ đối cực bên này vừa có một câu nói làm đau đối cực kia thì thị cười xách mé, ánh mắt khinh miệt và đắc ý lộ rõ. Và rồi khi cuộc cãi vã trong bộ não ấy kết thúc thì thị “vỡ chữ”. Bất giác thị ngửa lòng bàn tay ra trong trạng thái như đang nâng đỡ một cái bát cơm. Trông giống như thị đang hứng chữ, hứng những tri thức mới vừa ngộ ra. Thị hứng chứ thị không nắm tay lại. Vì thị sợ cái cảm giác trống trải của lòng bàn tay khi nắm.
   Lúc ấy lòng bàn tay như nóng ran lên, một lượng khí lan đều và tỏa nhẹ trên lòng bàn tay. Nóng quá nên thị phải ngửa tay cho nhiệt thoát ra. Nhưng thị tuyệt nhiên không ngửa căng bàn tay ra cho nhiệt tỏa nhanh. Vì thị sợ nhiệt ra nhanh quá. Thị lạnh bàn tay.
   Có một nhà thơ đọc tản văn của thị, bảo văn của thị khá cứng cựa rồi nên viết truyện ngắn đi. Thị phởn! Thị ngồi hý hoáy viết truyện ngắn như thật. Nhưng rồi thị xóa hết. Có viết mới biết truyện ngắn là cái đỉnh cao sau cùng của ngành viết. Thị nhận tự vạch ra con đường với văn chương thế này. Thị sẽ khởi nghiệp bằng việc viết tản văn và bút ký. Trong tản văn thì thị sẽ tập trung hai mảng đó là những chiêm nghiệm về những lát cắt của đời sống muôn màu và thể loại tản văn gợi cảm lãng mạn. Trong bút ký thì thị phải viết làm sao cho toát lên được đời sống của thị trong một giai đoạn xã hội nào đó. Làm sao thể hiện được sự biến chuyển của cuộc đời thị gắn liền với sự đổi thay của thế giới quan bên ngoài thị. Viết một cái bút ký để gửi báo thì dễ nhưng viết bút để đời thì cực khó. Người ta đọc báo vì nhu cầu thông tin, thời thế thay đổi thì thông tin thay đổi. Nhưng bút ký thì trường tồn vì đó là tư liệu lịch sử.
   Khi tản văn và bút ký chín muồi thì thị bắt đầu xả thân vào làm phóng sự. Lúc này thị phải có một thu nhập kha khá rồi, tương đối ổn định rồi để thị có thời gian hóng hớt chuyện. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh nói rất đúng. Một người viết phóng sự giỏi là một người biết nghe và thậm chí phải chịu mang danh kẻ chuyên hóng hớt. Bởi vì anh có chịu khó lắng nghe thì người ta mới nói hết ruột gan cho anh biết được. Nắm được “ruột” họ thì mới viết có thần được. Khác với bút ký, bút ký viết chủ yếu về những biến chuyển xung quanh mình, còn phóng sự là viết về người khác, phải đứng trên lập trường của kẻ khác. Phóng sự cũng có thể là bút ký nên nó viết về chính bản thân người làm phóng sự.
   Khi thị đã có vài ba cái phóng sự vừa ý thì thị nghĩ lúc ấy đã tương đối hiểu đời một chút rồi. Thị có kha khá tư liệu cảm xúc biểu hiện của con người trong cuộc sống rồi thì khi ấy thị mới bắt đầu manh nha viết tiểu thuyết. Ở tiểu thuyết thì thị có quyền nói rộng dài để đón chờ một kịch tính, giải quyết kịch tính rồi lại rông dài đi đến một kịch tính mới cho đến hết cuốn. Viết tiểu thuyết chính là sắp xếp kịch tính theo một chiều văn chương nhất định và đi giải quyết chúng một cách thỏa đáng thì được đánh giá là tiểu thuyết hay.
    Từ kinh nghiệm viết tiểu thuyết, thị mới hình thành lối viết truyện ngắn. Người ta cho rằng cắt một đoạn kịch tính trong tiểu thuyết ra rồi thêm phần đầu phần đuôi nữa là một truyện ngắn. Không....Thị không nghĩ như vậy. Tiểu thuyết có thể “câu giờ” để đón chờ kịch tính. Nhưng truyện ngắn mà “câu giờ” thì truyện ấy dở. Thị cho rằng tay viết truyện ngắn cừ khôi ắc hẳn là một “tên lừa đảo” cảm xúc người đọc thứ thiệt.
    Chiếu theo cái luồng suy nghĩ đó thì thị tự biết mình chưa thể viết truyện ngắn được. Vì thị còn thật thà quá, còn thật như đếm khi phơi bày hết mọi cảm xúc của mình trong trang viết thì người ta nắm “ruột” của mình rồi chứ thị còn “lừa đảo” được ai mà đòi “dụ dỗ” người ta theo dõi truyện ngắn của mình. Là thị cứ suy nghĩ thế thôi. Chứ bây giờ thị phải tập trung cho chuyên ngành được đào tạo cái đã. Văn chương thì phải xếp sau vì thị cần tiền để xây dựng sự nghiệp. Văn chương chỉ là một phút trải lòng của thị. Thị cũng chẳng ham cướp cơm của những nhà văn, nhà báo đang sống nhờ chữ nghĩa. Vậy đấy. Thị ngồi nghĩ mông lung và viết mấy dòng như thế đấy.
Buôn Ma Thuột, 25/8/2013
Tây Nguyên Xanh
8 comments