Hôm nay, 8/12/2014, là ngày khởi đầu cho đợt nhập cuối cùng
trên toàn công ty. Sau hôm nay, những ai đã nộp đủ số lượng định mức hằng năm
thì được quyền tận thu (hái sạch cà có trên cây). Từ đây, công nhân trồng cà
phê được “thở” theo ý mình. Nếu nói quá lên thì những ngày trước đây không ai
dám thở mạnh vì sợ hơi thở tạo thành gió làm trái cà còn xanh rụng xuống lưới
khi hái. Hái đem về nhà phơi thì không được quá 12% quả vàng và 5% quả xanh.
Hái nhập thì phải 100% chín đỏ. Ai bị phát hiện đang tận thu thì chịu phạt nặng
lắm. Khoảng 10 ngày nữa là kết thúc mùa cà phê. Đáng lẽ xong lâu rồi nhưng công
ty cứ kéo rề...
Lý do kéo thời gian thứ nhất là vì công ty cần phải điều tiết
luồng cà nhập về để không quá tải sân phơi, lò sấy và nhân công xử lý sản phẩm
thô. Thường là họ xay cà quả ra hai hạt nhân còn vỏ lụa, còn phần lớp vỏ ngoài
cùng theo nước chảy theo mương thủy lợi về các hồ chứa. Sau này dân hay đi vớt
lên làm phân vi sinh. Hạt còn vỏ lụa được phơi hoặc sấy khô rồi đem lên máy xay
ra hạt cà phê nhân thô. Sau đó thì nghiễm nhiên là công ty đem đi xuất khẩu hoặc
rang xay rồi tán thành bột đem bán ra thị trường. Họ chia sản lượng ra 3 đợt nhập.
Nếu thời tiết xấu thì mỗi đợt có thể bị chia thành hai đợt nhỏ. Mỗi đợt nhỏ nhập
một nửa của đợt lớn. Nếu nhập quá 10% sản lượng cho phép trong mỗi đợt thì bị
chuyển sang hình thức Bán-Gửi. Nghĩa là lượng cà thừa sẽ được xem là công nhân
gửi cà và bán cho công ty. Chẳng ai muốn bán cho công ty cả. Thật!
Lý do thứ nữa là vì đòi nợ. Trong một năm, người trồng cà
phê bón tổng cộng 6 đợt phân vô cơ. Một đợt đổ phân hữu cơ bắt buộc nữa. Tổng
lượng phân vô cơ tính đeo đơn vị tấn đấy nhé. Không phải ai cũng có sẵn tiền để
mua phân về đầu tư nên đa số họ chọn cách mua nợ rồi đến mùa thu hái trả bằng
hình thức nhập cà quả tươi. Tất nhiên là công nhân phải chịu lãi theo một công
thức nào đó và cái thiệt thòi phải tính đến đó là tốn tiền thuê nhân công hái
nhập. Năng suất hái nhập thì giỏi lắm một cặp hái được 6 bao trong một ngày.
Hái nhập là phải hái chọn và lượm tạp chất lâu nên ngốn công lắm. Giá nhân công
là 170000đ/người/ngày (tính theo thời điểm đăng bài viết này)
Vì hai lý do đó mà công ty cứ kéo dài thời gian ra và cấm tận
thu cà xanh để lấy cho được nợ bằng chất lượng cà cao nhất. Còn cảnh nhập cà
thì các bạn hình dung thế này: Vào buổi chập tối, những cái xe công nông nối
đuôi nhau nhích lên từng chút để chờ đến lượt nhập. Vào đến nơi thì trình phiếu
có mã số công nhân cho kiểm soát viên trước sự chứng kiến của đội trưởng đội sản
xuất. Ban đầu cả xe và người lái di chuyển lên bàn cân. Sau đó đổ hết lượng cà
vào bể chứa rồi lại cả người lái và xe cùng với bao lại lên bàn cân lần nữa. Lấy
số lớn trừ số bé và trừ phần trăm tạp chất (có thể là nước vì trời mưa) thì ra
lượng cà đã nhập.
Mấy năm gần đây, công ty chuyển hẳn sang hình thức khoán sản
phẩm trọn gói và phân đoạn nhận sản phẩm tổ chức tốt nên gần như không có tình
trạng đi nhập cà phê đến tận 8h đêm mới về. Trước đây, các quán cháo lòng ngay
trước mặt công ty có khách nhiều vì lái xe nhập xong cà, đói run tay nên vào ăn
một tô cháo có khi cùng với phụ tá nhấm nháp tí rượu trong cái lạnh của mùa khô
Tây Nguyên rồi mới về. Nhiều chuyện nhiêu khê phát sinh do chuyện ăn lỡ cỡ này
lắm. Gì chứ thấy chồng vê sớm, không say xỉn là các bà vợ mừng cái đã.
Hôm nay, bố mẹ mình chỉ phải hái khoảng 3 cây nữa là ra cà chín để nhập. Phải nhập 7 tạ nhưng hôm qua hái được khoảng 6,5 tạ rồi.
Ngày mai phải hái nhanh hơn để kết thúc trước khi dân mót cà phê tràn sang rẫy
bên cạnh. Mất cắp thì không ai kiểm soát được. Lo!
Buôn Ama Thuột, 8/12/2014
Tây Nguyên Xanh
Ảnh được sưu tầm trên mạng.
Anh đang theo dõi loạt bài này, và có thể sẽ xin về blog anh cả loạt đấy nhé.
ReplyDeleteTây Nguyên Xanh cứ viết cụ thể (cả ngày tháng năm) như vậy nhé. Rất bổ ích !
Em sẽ cố gắng đăng tải trọn gói cho mọi người cùng đọc
Delete