Khoảng trước năm 1993 đất ở xứ này còn trống mênh mông. Cái
nông trường này mới lập từ năm 1976, lấy đồn bốt cũ của Mỹ làm trụ sở công ty.
Sau thời kỳ đổi mới, đất được phân theo lô rồi giao cho công nhân canh tác. Công
dân phải trả tiền mua 49% diện tích lô đất ấy rồi hằng năm phải nộp 51% tổng sản
lượng cho công ty. Mỗi năm công ty cấp lượng phân bón cho 51% của họ thôi. Đến
khi rầm rộ chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì vài năm sau đó mới thực
sự khoán tất cả cho công nhân. Sản lượng được quy theo công thức mới. Chẳng biết
công thức tính thế nào nhưng trước khi giao khoán, 1 hecta phải nộp 6 tấn 8 tạ
22 kg quả tươi cho công ty. Cũng từng ấy diện tích nhưng sau khi khoán chỉ nộp
gần 4 tấn quả tươi. Tuổi cây cà phê được 20 năm thì công ty hạ sản lượng hải nhập
lần thứ nhất. Sau đó cứ cách 2 năm lại hạ thêm một lần cho đến khi nhổ cây đi
bán lấy gỗ thì thôi. Lúc ấy chủ lô cũng sắp sửa làm thủ tục về hưu rồi.
Tác giả ảnh: Ngọc Tâm |
Dù anh có bị hái trộm bao nhiêu đi nữa thì sản lượng nộp cho
công ty phải đủ. Không có thì nộp tiền thay thế cà phê. Vậy nên xuyên suốt mùa
cà phê là nỗi sợ hãi bị trộm cà. Nhà ai cũng phải làm một cái lán (lều) nho nhỏ
ở rẫy để tối ra đó ngủ và canh trộm. Thế sao lại gọi là “ngủ lô”? Như trên đã
nói đấy, đất được phân theo lô nên sau này người ta dùng “lô” để thay thế cho từ
“rẫy” trong mọi thuật ngữ tiếng phổ thông hay dùng. Ngủ lô nghĩa là ngủ ở ngoài
lô hay chính là ngủ ở ngoài rẫy. Ở cùng này, người ta nói đi làm lô, ra lô, cái
lô ấy....chứ hiếm dùng từ rẫy.
Lúc gõ bài viết này, tôi đang bị ám ảnh bởi hình ảnh người
phụ nữ cứ chập tối dắt theo hai con chó ra rẫy và đến sáng lại dắt chúng về. Vì
nhiều lý do nên cô ấy phải đơn thân ở vậy làm cà phê nuôi các con. Hình ảnh người
đàn bà phải ngủ ở rẫy gieo cảm giác cảm thương thống thiết cho bất kỳ ai ở xứ
này. Bởi người ta hình dung những kẻ bất chấp tất cả để đi trộm cắp cà phê.
Trong cơn hoảng loạn vì bị phát hiện, chúng đánh người phụ nữ luống tuổi yếu ớt
kia thì ai biết? Đó là chưa kể, dù đã trồng cà phê rồi nhưng xứ này vẫn là nơi
rừng thiêng nước độc. Giữa cánh rừng cà phê ấy, chuyện chết vì trúng gió do
không kịp được sơ cứu đã có xảy ra
Thành thử, thường thì hai người đàn ông chủ lô gần nhau sẽ
làm chung một cái lán. Tối về hẹn nhau ra canh và ngủ chung. Người này xảy ra
chuyện thì người kia lo. Với người phụ nữ kia thì bà vợ nào dám cho chồng canh
chung lán?! Cám cảnh thay, cô ấy phải nằm chung với...chó.
Ngày nay, công ty có thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách
canh phê trong hai tháng mùa cà phê. Buổi tối vẫn có người dạo hết cả một khu vực
nhưng nói thực là canh thì có canh nhưng mất vẫn có mất. Thứ nhất là do các ông
chuyên trách hay hội hè trong lán. Chén chú chén anh ngay giữa đại ngàn thì chỉ
còn thiếu ả đào với thơ nữa là thành chốn bồng lai tiên cảnh. Say khướt nên giảm
lượt đi tuần. Thứ hai nữa là trộm nay biến hóa khôn lường lắm. Nhìn mặt hiền hiền,
buổi chiều bắt chuyện rất êm nhưng đến tối nó là thằng đầu sỏ của băng nhóm trộm
cũng nên. Trộm nắm như lòng bàn tay lịch gác của các chú cảnh vệ. Thế mới tài!
Mệt lắm các “con nghiện” cà phê ạ. Làm ra hạt cà đã khổ rồi
mà bảo vệ nó còn khổ hơn. Chưa kể đau đầu vì giá cả thị trường bấp bênh nữa.
Buôn Ama Thuột, 17/11/2014
Tây Nguyên Xanh
-------
Chú thích: Ảnh ở trên là rẫy cà phê đang mùa đơm hoa kết trái. Khoảng tháng 3 hằng năm, các bạn sẽ được thấy cảnh này ở khắp Tây Nguyên. Hoa cà phê trắng như tuyết vậy
Chúc mừng em nhân ngày 20/11 nhé (Cho hoài niệm tý, he he)
ReplyDeleteHe he. em cảm ơn anh. chúc anh giáo làng Chiềng vui khỏe nhé
Delete