Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 3, 2014

THIÊN NGỌC MINH UY

Nguồn ảnh: internet
    Ba Má đi làm từ khi sớm bửng, để quên điện thoại ở nhà. 8h sáng, lão đội trưởng gọi điện bảo 9h lên hội trường họp gấp. May mà lô cà phê gần nhà chứ không thì Ba về làm sao kịp. Lật đật chạy ra gọi Ba về, Ba cũng lật đật đi xem coi có chuyện chi. Đến trưa về. Ba nói bọn buôn hàng đa cấp tổ chức hội thảo dụ dỗ người mua. Thế mà lão đội trưởng làm như cháy nhà không bằng á. Tự dưng nhớ cái hội Thiên Ngọc Minh Uy đã từng dụ dỗ mình mua máy Ozon ở Quy Nhơn ghê...
    Núp dưới cái danh công ty bán hàng gia dụng Thiên Ngọc Minh Uy, lấy trụ sở ở trên đường Nguyễn Thái Học (Đối diện với quán bánh xeo Cây Me. Cứ chiều chiều, bọn sinh viên hay rủ nhau đi ăn ở quán bánh xèo bán dưới tán cây me to đùng. Vì thế gọi chung là bánh xèo Cây Me. Quán có cách phục vụ “hách dịch” rất độc đáo nên hễ là sinh viên thì đều biết. Mình sẽ kể sau). Hồi đó, mình mới chân ướt chân ráo nhập học. Quy Nhơn những ngày đầu đông, mưa ướt lẹp nhẹp, lại chưa sắm ô nên mình hay trú ở dưới chân tòa nhà trung tâm cũ. Nhiều người trú ở đó lắm. Ngồi lâu cũng buồn mồm, hỏi ngay thằng bên cạnh nó quê ở đâu. Ui cha, giọng Quảng Ngãi mình mê tít thò lò. Thích vì những từ đệm được phát ra ở cuối các câu nói. Những từ đệm đó đã giúp mình phân biệt được giọng Quảng Nam và Quảng Ngãi.
    Hỏi trúng thằng N lớp quản trị kinh doanh. Nó là cánh tay đắc lực cho các đầu sỏ của Thiên Ngọc Minh Uy ở Bình Định. Từ nó, mình biết thêm thằng V (quê Hà Tây)  học ngành Nông Học, cái V (quê Nghệ An) học sư phạm Văn và cả một nhóm bạn khổng lồ vừa rớt đại học mùa thi 2008, đang ôn ở Quy Nhơn. Đáng lẽ là không dính chúng nó nhiều đâu. Nhưng do nhớ nhà nên ăn tối xong, ngày nào mình cũng ló mặt ở bờ biển. Chúng nó lại hay tụ tập ở công viên để đàn, hát và chơi đủ trò nên mình bị cuốn vào hội ấy. Chúng nó tìm cách cho mình và V (Nghệ An) thân nhau với lý do là đồng hương Nam Đàn. Mình đi học nói giọng Nghệ và ít khi ra ngoài mà mình nói nhà ở Tây Nguyên. Vì mình ghét cái kiểu nói dân Tây Nguyên trồng tiêu và cà phê mà xuống sống với dân trồng lúa thì khác gì tiên. Chúng tin mình là gái Nghệ chính cống. Chúng nó ăn nói khéo, luôn khích lệ các bạn tự tin nói trước đám đông. Một đứa hay nói cà lăm ở chốn đông người như mình thì khoái củ tỉ. Đỡ nhớ nhà nữa chứ. Đánh đu với hội này được một tháng trời thì các cụ mới bắt đầu rủ rê đi tham dự hội thảo.
   Tối hôm đó, khoảng 20 cháu sinh viên như mình, gửi xe ở quán bánh xèo Cây Me rồi đi bộ sang tòa nhà đối diện. Bề ngoài nhìn giống hiệu bán đồ gia dụng nhưng tầng hai là nơi tổ chức hội thảo. Mỗi người mới đều bị chi phối bởi một người có đeo bảng tên của Thiên Ngọc Minh Uy. Mình bị thằng N quản lý. Nó phải đưa cho tổng đại điện ở Quy Nhơn năm mươi nghìn để đảm bảo người nó dắt vào không bỏ hội thảo giữ chừng. Cuối buổi họ sẽ trả lại nó sáu mươi nghìn (tiền thừa là tiên công của N) Mới vào, chúng cho xem của một vài nhân vật thu nhập một tháng được mười triệu đồng nhờ tham gia Thiên Ngọc Minh Uy. Đến khi chúng giới thiệu tính năng máy khử trùng bằng Ozon là mình biết bị lừa rồi. Mình nhớ ngay cái hội Hưng Thời Đại đang làm mưa làm gió ở Nha Trang và Buôn Ma Thuột thời năm 2007 và 2008. Mình vẫn hào hứng nghe chúng nó thuyết trình, cũng tình nguyện lên giả vờ đòi uống ly thuốc sâu như chúng mời. Gút lại buổi thuyết trình là chúng bảo hãy mua nhanh máy Ozon, soong nồi, phụ kiện của nữ giới với giá trên trời. Mình bảo các anh ơi, em chưa có tiền. Chúng bày cho mình gọi điện lừa bố mẹ rằng con cần tiền để học chứng chỉ tiếng Anh và Tin học. Khi bố mẹ gửi tiền thì đem tiền đó mua sản phẩm và nghiễm nhiên trở thành thành viên của Thiên Ngọc Minh Uy. Chúng nó có cái luận điệu rất hay đó là lớn rồi, chẳng lẽ hàng tháng còn ngả tay xin tiền cha mẹ à.
   Thằng N ngày nào cũng nhắn tin hỏi có tiền chưa. Mình bảo nóng ruột lắm nhưng bố mẹ chưa gửi. Nó lại tỏ vẻ quan tâm bằng cách xin biết ngày sinh của mình để sau này anh em Thiên Ngọc Minh Uy tổ chức sinh nhật cho mình. Hờ hờ, nó không biết mình bị dị ứng với vụ sinh nhọt này. Hình như một tháng rưỡi sau, mình không ra công viên Thiếu Nhi nữa mà lên eo Nín Thở ngắm biển. Tránh mặt chúng nó nên chúng cũng lơ mình. Sau này mình hỏi mấy đứa ở Quảng Ngãi, chúng bảo bố của thằng N cày nát thị trường Quảng Ngãi rồi nên nó phải cố bám bọn sinh viên để lừa. Cả N và V đều bỏ học đại học để chạy theo bán hàng cho Thiên Ngọc Minh Uy. May cho T lớp mình và V lớp văn đã chịu tiếc ba triệu để đoạn tình với bọn nó. Còn mình thì nhớ đời về chuyện tin bạn bè thưở sinh viên.
Buôn Ma Thuột, 3/5/2014

Tây Nguyên Xanh
6 comments

Friday, May 2, 2014

BÚT

   Ngồi nhớ thời điểm này 3 năm trước. cả lớp đang hồ hởi chuẩn bị lên xe vào Sài Gòn xem thực tế sản xuất. Lục tìm cái bộ sưu tập bút mua ở trỏng. Ai dè thấy cái bút mực này. Nó là cây bút Hồng Hà, là chiến hữu của mình trong cuộc chiến tốc ký chống lại những pha giảng nhanh của Thầy Cô. he he. Mình không ngoáy bằng bút bi được, do loại bút ấy trơn thế nào ấy. Dùng bút bơm mực thì thật chữ mình và không bị quá đà khi ngoáy, lại ít bị lem tay. Chẳng hiểu sao viết bút bi thì tay mình hay dính mực. còn bút bơm mực thì không.

    Cái bút mực Hồng Hà này sẽ chẳng được tậu nếu hôm đó mình lùng được bút Kim Tinh (Hero) chính hãng của Trung Quốc. Lùng sục nát cái phố Quy Nhơn, từ nhà sách Đại Chúng ( nơi có thâm niên 50 năm bán văn phòng phẩm ở Quy Nhơn), sang nhà sách Lê Lợi rồi về Fahasha đều gặp phải Hro chứ không phải Hero. Nhìn thì giống Hero nhưng đuôi bút bằng chứ không lõm, bề mặt vỏ không láng bằng Hero. Cái tem chống hàng giả thì có thể bị xé ra mà không hề dính keo trên thân bút. Thất thểu đi bộ về quầy sách chi nhánh của nhà sách Văn Hóa Gia Lai trên đường Ngô Mây (Nay không còn quầy nữa), thấy nó. Vặn thân bút ra, biết nó là loại bơm mực bằng cách bóp chứ không phải xilanh nên mới mua. Hoài nghi chất lượng nét lắm nhưng mua đại cho đỡ ghiền bút mực. Thế mà lại hay.

    Mua lọ mực tím Thiên Long về, bơm vào. viết ưng ngay. Chỉ buồn một cái là vỏ bút bằng sắt nên nhanh gỉ. May cái ngòi không gỉ. Cứ tiết nào cần chép nhiều vào vở thì dùng đến nó. Tuy nhiên nó chưa bao giờ dùng khi làm bài thi hoặc kiểm tra vì bài thi được lưu trữ lâu dài nên sợ mực bút này sẽ phai. Mực viết máy thời giờ nước nhiều hơn dầu. Chán! 


    Nó cũng là cây bút được nhiều bạn viết trong lớp viết thử vì họ hiếu kỳ. Được cưng quá nên nó chảnh hay sao á. Chỉ viết trơn tru nếu bơm mực tím, còn mực xanh và mực đen thì kiểu gì cũng nét nhợt nhạt, khó chịu. Huhu. Gõ đến đây lại nhớ cái bút con mèo lắm xưa. Bút ngắn ngắn, đầu con mèo trắng tinh, dễ thương lắm nhưng mà do cái tật có mới nới cũ. Vứt bút đi đâu rồi ấy. Ai ở Hà Nội hay Sài Gòn lùng bút này dùm Tây Nguyên Xanh với. Ở Dak Lak không thấy bán nữa.

------
Buôn Ma Thuột, 2/5/2014
Tây Nguyên Xanh
1 comment

Wednesday, April 30, 2014

CHẤM LỬNG - 12

TNX: Viết blog mấy năm rồi. Tự nhiên thấy văn mình già hẳn. Chẳng như đầy hy vọng như ngày mới chơi. văn dạo này cứ buồn thườn thượt. Hôm nay viết lại giọng văn như thuở mới chơi blog
Tác giả ảnh: Giang Nhansac
   Sáng sớm bảnh mắt, có cái tin nhắn hỏi lễ lạc mày có đi đâu không? Ối giời! Hỏi đúng người đang cô đơn, bạn xuôi theo bè đến những vùng non sông hùng vĩ thưởng ngoạn cảnh vật nên tiên rồi. Ở nhà thui thúi, chúi mũi lên mạng chứ làm gì nữa trời.
   Ra quét cái sân, thấy chó nhà hàng xóm đến tán nhau. Cắn nhau vì tranh giành một cá thể cái, kêu ăng ẳng. Vào nhà lau bàn ghế, thấy dấu chân mèo đầy ra. Chắc chắn đêm qua chú Mun lại dắt một ẻm Tam Thể về nhà cùng đùa giỡn. Bọn này Vip lắm. Tán tỉnh nhau trên ghế, trời đêm qua mưa nẫu nuột nguyên một đêm, uớt nhèm nhẹp, chúng vào nhà tán nhau là phải. Thế đấy, chó mèo cũng biết gần nhau ngày lễ.
    Ra sau vườn, thấy cái dáng là lạ bước lên thềm nhà thằng bạn. Chốc chốc lại thấy bạn ra mắt ý tứ, miệng cười xoen xoét hỏi nặng không em. Thôi rồi, vợ chưa cưới của hắn đấy mà. Nghe nói chúng hắn dạm ngõ từ hồi mồng sáu tết. Giờ nghĩ lễ, chúng về nhà trai chơi. Đành vu cho nhớ thời thơ ấu để giấu nhẹm nỗi chạnh lòng của hiện tại. Nhiều khi ngồi nghĩ ất ơ rằng nếu không có quê hương, không có thời thơ ấu thì người ta chẳng biết giấu nỗi nhớ tình ái vào đâu cả. Nhỉ?
    Cuối cùng mở điệu Xẩm Thương xứ Nghệ “Thập Ân Phụ Mẫu” nghe. Nghệ sĩ Hồng Lựu nói đúng. Khi vui mà nghe dân ca quê nhà thì niềm vui nhân đôi, nghe khi buồn thì nỗi buồn hóa thanh âm du dương ru ta ngủ quên những niềm đau thâu thẳm. Đấy, may mà có xứ Nghệ để mà vu khống nhớ nơi ấy rồi có thể hét toáng lên mạng rằng “tôi đang buồn vì nỗi nhớ mông lung”. Chứ không gã người yêu lại văn vẹo, hỏi có anh rồi sao còn tương tư anh nào. Hí hí.
    Hôm nay là ngày quan trọng của toàn quân toàn dân Việt nhỉ? Một ả chíp hôi đang tuổi ăn tuổi yêu như cái đứa đang gõ bài viết này thì chỉ muốn nói một câu rằng: “Xin kính cẩn nghiêng mình tri ân những anh hùng đã hy sinh xương máu cho những nụ hôn trong bình yên được tồn tại ở mọi thời đại”.
    Hết! Gõ mỏi tay rồi. 
Buôn Ma Thuột, 30/4/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Tuesday, April 29, 2014

NHỚ CƠM CHAY 120 NGÔ MÂY-QUY NHƠN

Nguồn ảnh: afamily.vn
   Cứ tháng Năm sắp về là nhớ Quy Nhơn như nhớ người yêu cũ. Hôm nay, ngày ăn chay đầu tháng, nhớ quán cơm 120 Ngô Mây điếng người. Ngày ăn chay đầu tiên sau khi nhập học, Gái nạp cái card mệnh giá 50 000 đồng cho điện thoại, đứng trước cổng trường, nhìn địa chỉ rồi bắt đầu "đổ bộ" xuống phố biển. Nguyện rằng cứ đi, hết đường thì rẽ. Nếu lạc đường thì gọi 056 1080 hỏi đường về lại số 170 An Dương Vương. Thế rồi chẳng lạc vì đường ở ngay mồm mà. Vòng đường thế quái nào mà đứng ở đường Nguyễn Thái Học khi nào không biết. Mỏi chân. khát miệng rồi nên hỏi quán cơm chay. Họ chỉ cho quán cơm ở ngay chùa ni sư Lộc Uyển. Ăn ở đó hai bữa. Nghe bạn bè kháo nhau quán cơm chay ở 120 Ngô Mây rất ngon. Thế là 14 ngày sau tìm đến quán đó.
   Vào quán, ngồi nhầm chỗ của một cụ là khách hằng ngày ở quán. Mon men hóng hớt thì biết được quán này khởi thủy là bán cơm mặn. Từ khi người con trai của ông chủ bị chết thì họ phát nguyện bán cơm chay. Gái thấy hương vị của canh và nước sốt của quán rất khó tả. Lần sau cố tình đến sớm để lân la mần quen với bà chủ. Rồi cũng được tự ý múc canh (có cái nhiều hơn nước), khuấy nồi canh mới biết họ không nêm các gia vị ngoài chợ. Canh và nước sốt được nêm bằng đường phổi Quảng Ngãi.
   Bà chủ là người Quảng Nam nên đôi lúc quán đóng cửa vì bà về quê thăm cháu. Quán mở cửa hàng ngày nhưng trừ ngày 16 và mồng 2 âm lịch hàng tháng vì đó là ngày nghỉ bất di bất dịch của quán. Người quy y tam bảo hay ăn dai ngày 1 và 15 của tháng, quán cơm chay hai ngày đó đông đặc người. Phục vụ nhiều nên họ phải nghỉ vào ngày tiếp theo để lấy lại sức.
   Nhờ giọng Nghệ mà gái rất được cưng ở các quán hàng ở Quy Nhơn đấy nhé. Hôm nào gái kể tường tận vụ Nghệ Gừng này sau. Gái thân với bà chủ nên có hô ăn nợ, tận 14 ngày sau ăn lại mới trả. Có khi là do mới rút tờ tiền mệnh giá lớn, không nỡ để họ mất nhiều tiền lẻ nên cũng hôm sau ăn mới trả. Vậy mà bốn năm trời ăn ở đó đấy.
   Sau này có ăn ở quán cơm Hiển Nam trên đường Trần Thị Kỷ nhưng không thể nào quên 120 Ngô Mây được.
Nhớ thiệt á

Buôn Ma Thuột, ngày mồng 1 tháng 4 năm Giáp Ngọ
Tây Nguyên Xanh

No comments

Sunday, April 27, 2014

TẠM BIỆT MÙA KHÔ

Tác giả ảnh: Xuân Chiến
    Có bao giờ sáng ra, bạn mở nồi để lục cơm nguội ra mà thấy kiến nhiêu hơn cơm chưa? Hoặc là buổi tối tự nhiên ve kêu oe oe bất chợt, dế lên nhảy tong tóc quanh cái bóng điện khi bạn đang đọc sách, đi ra sân đôi lúc gặp con cuốn chiếu bò lổm ngổm, sang nhà hàng xóm nghe ai đó bảo có người phải đi bệnh viên vì tít (con rết) cắn chưa? Lên Tây Nguyên ngay những ngày này bạn nhé. Đó là dấu hiệu của mùa mưa về đấy. Các sinh vật trong đất nhạy cảm lắm. Kiến sợ mưa ngập nên dời tổ lên cao, chúng nhạy cảm với thức ăn hơn bình thường. Các loài khác cũng thế.
    Những ngày này, người ta gấp rút nhổ cây đốt rẫy để kịp mưa xuống nhiều thì bắt đầu trồng trỉa. Người trồng cà phê đang nhổ những cây sản lượng thấp, phơi đất để mùa mưa về tái canh.
Do giá hạt tiêu cao hơn hạt cà phê nên nhiều buôn làng chặt cà phê trong vườn nhà để trồng hồ tiêu. Cũng chưa hẳn là họ vì lợi nhuận. Đôi khi do con cái đã công ăn việc làm, tuổi của họ cũng ở buổi xế chiều, họ chọn trồng tiêu cho bớt hao sức khi chăm sóc. Ít ra về mùa thu hái thì không phải kéo bạt lưới nặng nề như trồng cà phê. Vì vậy bây giờ đang là mùa gỗ cà phê. Họ mua gỗ cà phê với giá 7000đ/gốc về đốt thành than. Than củi cà phê cháy đượm, lâu và nhiệt lượng lớn nên rất được chuộng. Những gốc đẹp, có ụ to thì được phát mại với giá 300.000đ/gốc để cho vào xưởng điêu khắc.
    Các vườn ươm đang rộn ràng chuẩn bị cho “mùa hái tiền” sắp về. Mùa mưa là muồng trồng trỉa nên người dân đi mua cây giống. Ngoài những loại cây trồng truyền thống thì người dân Tây Nguyên đã mở lòng hơn với cây Macca (Có giá trị y học, nước bạn tặng Việt Nam mười hạt giống và ta đã lai tạo, thử nghiệm thành công ở Tây Nguyên) và một vài chủng cây trồng mới khác.
    Nắng quá nên cây bị khô lá, còn trở thân sống vật vờ trên đất. Tôi tưởng chúng chết rồi. Ai ngờ trời đổ mưa thì mấy ngày sao có mầm xanh trên thân cằn ấy. Thật kỳ diệu! Chúng có sức sống bền bỉ và chịu đựng đáng nể. Mùa hoa Dã Quỳ (Cúc Quỳ, Hướng Dương Mexico) là vào đầu mùa khô chứ không phải mùa mưa. Vì vậy ai đó đến Tây Nguyên rồi thì đừng về gõ tản văn kiểu như là “Anh ngắm em – Dã Quỳ giữa những ngày mưa ngâu tháng bảy” nhé. Chết em!
    Báo cáo sơ bộ thế. Ai cần thanh tra sự thật thì lên Tây Nguyên đi anh. Hã hã.

Buôn Ma Thuột, 27/4/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments