Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 30, 2014

BIA SEREPOK

Nguồn ảnh: Facebook Bia Serepak
   Xí mê! Hỡi các anh đang chát với gái. Hỡi các chị đang hòn trách trai. Các mẹ đang mải cho con bú. Các bố đang tơ tưởng vợ hàng xóm. Cho em nói đôi nhời quảng cáo cho bia Serepok quê em chút. Lễ này được nghỉ bốn ngày nhỉ? Nghỉ thì đi hóng gió nhỉ? Thôi thì kính thưa các địa điểm đang mời gọi đôi chân bước tới. Tây Nguyên của em cũng lung linh quyến rủ nhỉ? Các bạn sẽ đi nhé. Mà đi thì sẽ “dự bữa cơm thân mật’ ở chốn đến nhỉ? Nói cho mau hiểu là nhậu. Mà nhậu thì phải có tí men. Có tí men nghĩa là nhâm nhi rượu cần hoặc bia bọt nhỉ? Còn chần chừ gì mà không chọn bia Serepok quê em.
   Bia Serepok cũng là con của bia Sài Gòn. Nhưng nó chưa có nhiều điều kiện để chi trả thêm “phí vị trí” nên phải ở khuất trong góc của các quầy hàng bán lẻ. Những “lão bia” truyền thống đã giàu quá rồi. Họ có tiền thuê nhân viên đến tận các hang cùng ngõ hẽm, các quầy hàng nhỏ lẻ để ngắm ngía, ướm thử tầm mắt của khách khi vào quầy. Họ sẵn sàng bỏ thêm tiền để hàng của họ được ở ngay tầm quan sát phổ biến nhất. Vậy nên bia Serepok cũng cùng chung số phận với những ‘đứa con tỉnh lẻ” khác của bia Sài Gòn. Thôi thì Dak Lak không “mạnh tay” được như Nghệ An. Dak Lak chỉ có thể mời gọi các ‘tình yêu cao nguyên” thể hiện tình cảm bằng cách uống bia của địa phương. Cả đời các bạn uống “lão bia” ở quê rồi, lâu lâu du hý Tây Nguyên, đổi món tí chứ nhỉ? Các bạn thử tưởng tượng đi, trong cơn say chuếnh choáng, các bạn sẽ thấy mọi thứ như nghiêng ngả chiều theo lòng mình. Các bạn được say men bia Serepok, say tình người Tây Nguyên, say non nước Tây Nguyên... Rất ý vị!

   Bia Serepok có bia hơi, bia chai và bia lon. Logo sản phẩm có màu đỏ xen kẽ vàng  rất bắt mắt. Trông nổi như màu áo của chàng trai Tây Nguyên. Tình hình là giới thiệu nãy giờ mỏi mồm rồi. Ấy nhầm, gõ mỏi tay rồi. Đừng phụ công gõ của Tây Nguyên Xanh các bạn nhé!
Buôn Ama Thuột, 30/8/2014
Tây Nguyên Xanh
4 comments

Friday, August 29, 2014

MỘT SÁNG CHỜ CHIM

Tác giả ảnh: Vũ Duy Bội
   Mấy nay thuận trời, ngày nắng đêm mưa. Hôm qua lại có mưa đá nên đoán sáng nay có sương mù. Trước đây cứ tưởng sương mù có từ đêm đến khi mặt trời chiếu thì nó hết. Nhưng sáng nay dậy sớm để ngóng chim bay mới biết là không phải. Dậy từ trời sáng nhờ nhờ, đi bộ ngóng mây hóng gió một lúc sau trời sáng rõ rồi tự nhiên không khí như đặc lại, không gian trở nên mờ ảo. Lúc ấy mới sương giăng đầy lối.   
   Các bà các mẹ đang lan man tản bộ thể dục thì bỗng có tiếng quạ kêu ở phía rặng Muồng xa xa. Các bà bắt đầu kể chuyện ma liên quan đến chim báo điểm gở. Có cô kể, hồi ở Hà Tĩnh, cha mẹ đi làm sớm, một mình cô ở nhà, thấy hai con chim cú mèo cứ phát ra từng tiếng cà rù cà rù, mặt hướng thẳng vào nhà. Cô ném đá cho chúng bay đi. Trưa về cô thuật lại với cha. Cha cô lẩm bẩm khấn điều gì đó rồi cả nhà ăn cơm. Đang ăn thì nghe tiếng con lợn éc một tiếng thê thảm trong chuồng và lăn đùng ra chết. Cha cô ấy phán rằng nhờ khấn xin mà ma không bắt người mà bắt lợn.
  Cô nói giọng Phú Thọ chen vào bảo nhà tớ năm xưa có con cú vào nhà đậu ở cầu thang, êu ôi, nó tròn lẳn, xinh cực, hiền khô, nó để yên cho tớ bắt rồi tớ thả nó đi, cái Hạ cứ bảo coi chừng nhà có chuyện, vậy mà năm ấy có việc gì đâu. Cô Hạ cũng đang bên cạnh, cô ấy cất cái giọng Nghệ nói ì lệ, nhiều khi nỏ biết ra răng cả chị hầy. Tạm dịch là đúng đấy, nhiều khi chẳng biết ra sao cả chị nhỉ. Cô ấy kể tiếp rằng thời bao cấp, cô là công nhân lò gạch (cung ứng gạch cho toàn nông trường cà phê), có bố ông Sách kia, đêm nào cũng có con rắn đất đen thui ngủ ở đầu giường. Nó không cắn ông, ông cũng chẳng đuổi nó. Cô vào nhà thấy cảnh tượng ấy đái ra quần luôn.
   Bà cụ đi bên cạnh vốn là người ngoài Bãi Sở (huyện Tương Dương, Nghệ An) góp chuyện, rằng có ông nọ buổi tối rõ ràng là thấy có con rắn luồn vào trong xe máy. Sáng ra ông ra tiệm bảo họ xói nước cho kỹ để đuổi con rắn ra. Họ soi mãi không thấy. Họ bảo ông ngủ mơ thấy thôi chứ có đâu. Nào ngờ hôm sau, hai vợ chồng nhà ông đang đi bon bon trên đường thì bỗng có con rắn quấn lấy cánh tay. Ông kinh hãi, cố lấy bình tĩnh để dừng xe, tấp vô lề đường nhờ mấy anh thợ gỗ đập nát đầu rắn. Ư như đêm hôm đó ông bị tai biến mạch máu não. Ai nghe kể cũng khiếp.
  Các bà các mẹ tiện thể bàn chuyện cúng sao giải hạn, khuyên này khuyên nọ. Đến khi ngừng nói, thấy mỏi chân nên đám đông tan rã. Kẻ hóng chuyện người lớn trở về nhà thắp nhang, thả hồn theo khói nhang cháy dưới tán cây bồ đề trùm lên bàn thờ lộ thiên, nghe cá rỉa dưới những hòn non bộ, chờ chim bay qua...

  Thanh nhàn quá!
Buôn Ama Thuột, 29/8/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, August 28, 2014

KARAOKE SINH VIÊN

Tác giả ảnh: Hieu HD
   Mấy hôm nay ít chát chít trên Facebook vì bận tải video karaoke cho các cụ hàng xóm. Gớm chửa? Nông nhàn phết nhẩy. He he. Ngày xưa mua đầu đĩa VCD để hát là oai lắm rồi. Nay các cụ “lên đời” máy, mua hẳn loại máy có lỗ cắm USB cho được nhiều bài. Có tiếng lành đồn xa rằng con Tây cả ngày ôm máy tính chứ chả chịu nấu ăn. Các cụ nghĩ chắc con này giỏi in-tờ-nếch lắm. Thế là mấy nay Tây mần “chuyên viên tải nhạc”. He he. Các cụ làm Tây nhớ cái thời sinh viên ăn nhậu quá đi.
   Tây học ngành Hóa. Sư bố cái ngành khốn nạn. Cả lớp của Tây, sáng đi học lý thuyết, chiều thay phiên nhau ủi mặt vào phòng thí nghiệm, tối về viết báo cáo thực hành. Thành ra chuyện hẹn hò cực kỳ vất vả. He he. Chuyện ấy Tây khai sau. Giờ kể cái chuyện nhậu và Cà Rá (karaoke) nhé.
   Các bạn cũng biết rồi đấy, phòng thí nghiệm thì lỉnh ca lỉnh kỉnh mấy thứ dễ vỡ như ống nghiệm, puret, pipet, bình tam giác, ống đong, lọ hoa chất.... Vỡ cái nào thì đền cái nấy. Sinh viên bọn Tây dễ gây hấn với bình tam giác, puret, pipet nhất vì hay phải mần thí nghiệm chuẩn độ (Tìm nồng độ của chất khảo sát. Nếu không ra kết quả thì độ số lại cho chuẩn he he). Chỉ cần lỡ liếc mắt đưa tình với ai đó, bị họ bắt gặp, ngượng quá, tay run, thế là rơi bình tam giác thôi. Vỡ suốt! Nguy hại nhất là vỡ Puret.  Cái ấy đắt lắm. Hôm nào nó vỡ thì ư như tổ thực hành của Tây có tiết mục nhậu xả xui. Rồi thì sau khi thực hành buổi cuối cùng của học phần, đằng nào chẳng nhậu. He he. Nói vậy chứ lâu lâu các bạn khao học bổng hoặc lễ lạc tha hương nên cả bọn có tụm năm tụm bảy để hàn huyên tâm sự ở quán. Dùng từ “nhậu’ cho giống đại gia thế thôi. Thực ra chỉ là kê hai cái bàn, gọi hai cái nồi lẩu cho khoảng mười lăm cháu sinh viên ưu tú. He he. Có tí men vào, cả bọn kéo nhau đi Cà Rá. Sinh viên Quy Nhơn thì hay lượn ở đường Đặng Trần Côn, mấy quán phía sau siêu thị, Nguyễn Thái Học, Lữ Gia hay Nguyễn Lữ gì gì đó. Lâu quá, quên tên đường rồi.
Lần đầu nghe nói đến đi hát Cà Rá, Tây ngần ngừ lắm vì trước khi học đại học, hóng chuyện người nhớn, họ bảo quán Cà Rá là nơi xấu xa. Nhưng mà Tây tò mò cái sự xấu xa quá nên theo chúng bạn, he he. Kết quả là cho đến giờ chẳng biết nó xấu như nào mà thích đi hát cực. Đáng quan ngại nhỉ? Suỵt! Ai nói lại với bố mẹ Tây, Tây ân-phờ-rén ngay! Hãy để Tây mãi ngoan như khi ở nhà. Hã hã.
   Các bạn biết bài ruột của Tây là gì không? Tình Cha! Tây có hiếu phết nhở? Hiếu đâu, thực ra là ngày bé hay nghe nhạc anh Ngọc Sơn hát với các cụ nên thuộc nhõn bài ấy thôi. Lâu lâu, bố về Nghệ, mua được dăm cái đĩa nhạc quê hương. Thành ra còn có thêm mấy bài Một Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh, Hã Tĩnh Mình Thương, Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ. Tây có vẻ thấm nhuần nhỉ? Ứ phải đâu, ít khi có đĩa nhạc trẻ để nghe nên “gu âm nhạc’ khác bạn cùng lứa tí thôi. Tây chẳng chê nhạc trẻ, cũng chẳng thích chỉ trích nhạc tân thời. Có điều vẫn ưa cái gì đó nhè nhẹ. Khỉ thật, nhẹ như vòng tay người yêu mới ưa. He he
   Đi hát với nhiều nhóm, Tây mới nhận ra là người ta thích bài Chú Voi Con Ở Bản Đôn và Hãy Hát Lên. Hai bài ấy được hát để cả bọn nối đuôi nhau múa phụ họa xung quanh người hát. Thường thì hát xong hai bài ấy là về nghỉ. Dài nhỉ? Gõ thế thôi nhé.
Buôn Ama Thuột, 28/8/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, August 27, 2014

NGƯỜI TÂY NGUYÊN QUA ỐNG KÍNH CỦA PHÓ NHÁY TUẤN DŨNG

Lời: Tây Nguyên Xanh
Tác quyền ảnh: Tuấn Dũng
(Đây không phải chấp bút cho tác giả ảnh. Vui lòng không phát sinh những suy nghĩ không đáng có về tác giả ảnh)
***
   Tôi là một gã đàn ông bình thường, thích thưởng thức nghệ thuật. Nói đúng hơn là tôn trọng các loại hình nghệ thuật chứ chưa chắc đã hiểu hết để mà thích. Người ta vẫn nghĩ một gã ít nói, cộc cằn và bất cần như tôi thì biết gì về nghệ thuật đâu. Tiếc rằng họ đã lầm. Tôi cũng có những khoảng lặng và muốn nói lên nỗi buồn sâu kín của mình nhưng tôi không đủ kiên nhẫn để ngồi hàng giờ mà gõ ra những lời tâm sự của mình. Tôi thích đọc hơn viết. Tôi thầm ngưỡng mộ các nhà văn nhà thơ vì họ sao mà khéo giấu tâm sự của mình vào văn đến thế. Đôi lúc tôi chẳng biết giấu buồn vào đâu cho đến một ngày nọ...

   Tôi gặp các em gái đang lấy nước bên bờ suối. Bọt nước làm nền cho màu áo các em nổi lên, lung linh trong nắng. Lòng tôi bỗng chung chiêng theo từng tiếng khỏa nước bởi bàn tay thiếu nữ có nước da mặn mòi. Không rõ vì yêu khoảnh khắc ấy hay yêu cái điều mơ hồ nào đó nhưng tôi biết từ giây phút ấy tôi đã say. Tôi say sưa lưu trữ những cái nhìn của mình bằng nhiếp ảnh. Tôi đi nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, chụp nhiều hơn và hình như tôi cũng bớt buồn nhiều hơn.

   Tây Nguyên (cái nơi tôi thấy quá đỗi bình thường nhưng lại thân thương với lữ khách) là nơi gã người Kinh trong tôi sinh ra và lớn lên. Cái nơi mà người Kinh tồn tại trong ánh hào quang có từ cổ đại của các đồng bào dân tộc thiểu số anh em. Người ta đến với Tây Nguyên để nghiên cứu văn hóa, để được say men rượu cần, say nước da ngăm, say hàm răng trắng ẩn sau làn môi đỏ như hoa Pơ Lang của người bản địa. Người Kinh ở dưới ánh hào quang ấy và giàu lên bằng cách khai thác tiềm năng du lịch, còn người mang ánh hào quang vẫn đói như ngày nào, là sao? Tôi nói quá lên thế thôi chứ người đồng bào nay đã có mức sống khác xưa nhiều rồi nhưng bảo họ đã sướng ngang bằng người Kinh thì không phải. Nhiều khi tôi thấy họ đang bị co cụm, cô lập bởi người Kinh. Tôi quý họ, muốn dựng lại cảnh sống của ông bà bố mẹ họ vào trong ảnh. 
    Tôi thích nghe tiếng giã dạo. Tôi đi tìm hình ảnh chàng Đam San huyền thoại

  Lắm lúc mệt mỏi vì sự xô bồ nơi phố thị....
 ...tôi ước có một gia đình nho nhỏ...
... có hai đứa con thơ...
... chiều chiều trẻ nhỏ ra con thác nô đùa...
... đuổi ong bắt bướm. Chúng thương nhau như....
....ngày xưa chị em tôi thương nhau.
  Tôi sợ con tôi có tâm hồn phẳng như màn hình máy tỉnh bảng. Cái mà người ta đang định “thí điểm đại trà” ở trường học của thành phố xa xôi nào đó. 
   Mê cái thứ ấy rồi, chúng sẽ chẳng biết mình đang sống trên núi hay đồng bằng, chúng chỉ biết vị trí của những nhân vật của trò chơi được hiển thị trên màn hình. Vì ham máy tính quá mà chúng không ra ngoài cửa, không biết ngọn gió, màu nắng, giọt mưa Tây Nguyên. 
  Để rồi chúng ngây ngô khi nhìn mọi vật xung quanh. 
   Đến mùa lễ hội, tôi cố gắng thu xếp dẫn các con đi xem lễ hội – nơi mà ngày nay người ta dùng để giao lưu giữa các tộc người là chính. Lễ hội không còn của riêng bất kỳ tộc người nào nữa, nó là di sản chung của cả nhân loại tiến bộ. Lễ hội thì ở đâu cũng là bình cũ rượu mới. Vậy nên người ta cố gắng tạo cho được loại rượu không sai khác so với rượu cũ. 
  Muốn thế, người ta phải dạy trẻ từ lúc uống sữa mẹ. Nếu không thì còn ai đoái hoài bình rượu nữa? Chợt lo khi nhìn ánh mắt trẻ thơ...

Buôn Ma Thuột, ngày 27/8/2014
***
Chủ trang Tây Nguyên Xanh chỉ chịu trách nhiệm phần lời, không chịu trách nhiệm về ảnh. Nếu các bạn tải ảnh về sử dụng lại thì vui lòng ghi tên tác giả ảnh là Tuấn Dũng
No comments

Tuesday, August 26, 2014

HÀNH NGHỀ THÌ CÓ LƯƠNG, LỢI DỤNG NGHÊ THÌ CÓ LẬU

Tác giả ảnh: Anh Nguyen
   Lâu lâu muốn du nhập vào giới thượng lưu ở quán cà phê. Thích cái điệu búng tàn thuốc lá, đôi mắt lơ ngơ của mấy gã bùi bụi hay là nhìn những ngón tay trắng nõn của các chị vuốt tóc làm duyên nên mời nhà thơ Cụt Hứng đi uống cà phê. Tất nhiên anh Cụt Hứng trả tiền rồi. He he. Anh ấy là giảng viên trường cao đẳng và có làm thơ và viết văn. Có lần đọc bài thơ lục bát của anh ấy thấy cụt hứng vì đang đọc ngon trớn bỗng gặp câu bị gieo sai vần. Từ đó trêu anh là nhà thơ Cụt Hứng. Gọi quen miệng nên anh ấy “chết” với cái danh đó luôn. Mà gần như chỉ có anh em trong hội Nói Tục Cấm Giận mới dám gọi kiểu đó.
   Anh Cụt Hứng có một lý lịch hoành tráng lắm. Thời phổ thông, thằng nào nhìn đểu một chút thôi là anh ấy đánh nó nứt sọ dừa ngay. Khiếp lắm! Mẹ anh ấy đã từng phải thốt lên là cho tôi xin một phút bình yên. Đùng một phát, anh ấy bị sét ái tình đánh vào tim. Anh ấy đã yêu và chiều theo mọi ý muốn của nàng. Hai anh chị cùng thi vào sư phạm chỉ để tiếp tục gần nhau. Ra trường, nhà nàng có nhiều mối quan hệ hơn nên nàng có việc trước. Anh ấy vẫn phải loay hoay ở nhà. Có một ngày nọ, cả xóm đổ xô đến thăm mẹ anh ấy vì cụ khóc ngất khi đứa con trai cuỗm tiền ra khỏi nhà chỉ với một tờ giấy để lại mấy chữ: “Con đã lấy tiền của bố mẹ”. Các cụ sợ anh ấy lại nổi máu giang hồ, phá tiền thì nguy.
   Năm năm sau anh ấy quay trở về thì người yêu đã con bồng con bế bên chồng. He he. Đắng lòng nhưng anh ấy cũng không bất ngờ lắm. Sau này hỏi ra mởi biết anh ấy lấy tiền đó đi học cao học để xin làm giảng viên của trường cao đẳng hiện nay đang công tác. Tự dưng sáng nay muốn biết anh ấy lấy gan đâu mà dám cuỗm tiền đi như kẻ phá gia thế. Tây mon men khơi chuyện:
   - Anh ơi, sao hồi ấy – cái thời mà anh bỏ nhà đi, anh dám cuỗm tiền đi như thế?
   - (Nhoẻn miệng cười) Câu hỏi mang tính kinh điển phết, nhỉ? Ai cũng hỏi anh câu ấy. Riêng cô, anh kể thật. Hồi ấy, số tiền đó là dùng để chạy việc cho anh. Khi nghe bọn cò mồi gọi điện thông báo lo chuẩn bị tiền để anh đi nhận hợp đồng lao động thì bố mẹ anh phải đi cắm giấy tờ nhà đến ngân hàng vay tiền. Vay được rồi, chịu lệ phí này nọ rồi nhưng bọn cò mồi lại hồi sự. Đêm đó, anh chứng kiến mẹ anh tay bấu vào cạnh tủ, quỳ trước bàn thờ bà ngoại khóc ngất, cứng lưỡi luôn. Ngày hôm sau bố anh đi làm, anh sợ bố tự sát nên anh len lén đi theo. Chứng kiến ông cụ ngồi tựa cây cà phê, nước mắt ứa, môi phập phều điếu thuốc. Anh đau như đứt ruột.
Anh ấy ngừng một lát, mặt nhìn rất đăm chiêu. Tây thì sốt ruột nên giục:
   - Rồi sao nữa anh?
   - Đừng có lụp chụp như chó húp cháo nóng thế. Con gái con lứa như vậy là hỏng.
Tây sụ mặt, nghe anh ấy kể tiếp:
    - Lúc đó, anh nghĩ rằng ngồi im nhìn bố mẹ như thế thì mình bất hiếu quá. Thời buổi nhiễu nhương, biết đâu mà tin. Không có việc thì chết chứ chẳng chơi. Anh liều cuỗm tiền đi bỏ vào ngân hàng để làm kinh phí học cao học rồi cố xin ở một trường nào đấy. Hồi đó, đi cắm giấy tờ nhà vào ngân hàng để cho anh học cao học là một khái niệm cực ngớ ngẩn. Mà bản thân bố mẹ rất ghét cho anh học cao học. Vì họ nghĩ học ra rồi cũng phải mất tiền “cúng” cho chúng nó. Anh phải liều, cô ạ. Vậy mà đó lại là lối thoát.
    - Anh không sợ bố mẹ anh tự sát à?
    - Sợ nhưng hồi đó anh suy nghĩ như thằng rồ ấy. Anh tập cho mình cái tính bất cần. Xác định chuyến đi đó có thể ở nhà bố mẹ xảy ra chuyện. Anh thà về nhận nấm mồ còn hơn chứng kiến cảnh đưa ma. Đằng nào anh cũng là thằng bất hiếu. Xoay xở như thế nào cũng thế. Chịu không nổi nữa thì anh uống thuốc ngủ quá liều thôi. Trong ví của anh luôn có một khoản tiền ở góc. Dù thiếu cỡ nào cũng không tiêu nó. Nó dùng để mua thuốc ngủ đấy.
Tây nghe mà nổi da gà. Nhưng vẫn tò mò:
    - (Cười he he) Lúc đi không báo với người tình một câu. Báo hại lúc về chứng kiến cảnh con bồng con bế. Buồn muốn chết không đại ca?
    - Hừm! Bất hiếu thì thiếu thủy chung, cô ạ. Ngẫm ở đời mà xem. Anh tự thấy mình bất hiếu nên anh chẳng muốn cô ấy khổ vì mình.
    - Hồi nhỏ em tưởng anh thi ngành công an cơ. Tướng anh to con, lại hay nổi máu anh hùng mà.
    - Kể rồi mà. Yêu nên xiêu lòng với mọi lời dụ dỗ của nàng. Đừng có vặn vẹo anh. Anh cáu đấy. Thời buổi này làm nghề gì cũng khổ. Thôi thì chấp nhận làm nghề giáo để có cái bình phong, cô ạ.
    - Là sao?
    - Hành nghề thì có lương. Lợi dụng nghề thì có lậu. Hiểu chưa? Đấy, vụ chùa Bồ Đề đấy. Các thầy sư cứ yên tâm tu hành rồi hưởng tiền cúng dường của các thí chủ thì cuộc sống vẫn êm đềm. Nhưng họ muốn có thêm tiền nên lợi dụng “nghề tu” (Nay tu cũng là một nghề đấy) để kiếm tiền bằng cách buôn bán trẻ em. Cái bình phong của các sư lớn quá, dày quá, khó ai đánh thủng. Nghề giáo cũng thế. Làm nghề giáo, cô có thể thâm nhập, hóng chuyện của mọi nghề. Người làm nghề báo cũng hóng chuyện được như nhiều khi người kể chuyện tỏ ra e dè với nhà báo hơn so với nhà giáo. Sau đó cô xào nấu nên truyện rồi viết văn. Cô có tiền nhuận bút. Đó cũng là một khoản thu nhập thêm. Tất nhiên đó là chính đáng chứ không phải lậu như bọn quan lợi dụng chức để bắt chẹt này nọ.
    - Thời anh đã như thế. Thời em còn khó khăn hơn. Trường đại học mọc lên như nấm. Chỉ tiêu sinh viên được rót về ầm ầm. Lực lượng lao động tung ra ào ào hằng năm. Lúc đi học thì là đồng chí nhưng đến nơi xin việc là đối thủ một mất một còn. Chắc phải vô cảm như anh một thời mới sống nổi quá.
   Anh Cụt Hứng nhún vai, bỉu môi, nhướng mày, lắc đầu ngao ngán. Hai anh em uống hết ly Chanh Rum rồi về. Thế đấy, mang tiếng đi uống cà phê nhưng lúc về hơi rượu phảng phất theo gió. Vị mặn của muối ở miệng ly giúp môi đỡ nhạt!
Buôn Ma Thuột, 26/8/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, August 24, 2014

GỬI VỀ ĐIỂM NÓNG

   Đọc báo Người Lao Động, hay tin Thầy bị tố. Muốn gọi điện hỏi thăm Thầy nhưng sợ cái giọng Nghệ nghe qua điện thoại khiến Thầy phải lắc đầu, không nghe được gì cả. Mấy lần Thầy lắc đầu rồi nên Thầy trò chỉ hỏi thăm sức khỏe bằng cách nhắn tin. Vậy nên khi đọc nội dung tin nhắn được công bố trên báo, mình biết ngay đó không phải cách gõ ký tự trên điện thoại của Thầy. Thầy gửi cho cái bản tường trình sự việc đó. Mình tin thầy nhưng phải chờ xác minh cho khách quan. Trong lúc chờ cơ quan chức năng vào cuộc, chẳng biết an ủi Thầy như nào, thôi thì đăm chiêu trở về miền kí ức, gõ cái kỷ niệm bây giờ mới kể cho Thầy đọc. 

   Trong một buổi học nọ, Thầy dạy ảnh hưởng của văn hóa Á Đông vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Thầy lấy ví dụ về tư tưởng trọng nam khinh nữ trong Hán ngữ. Một ví dụ kinh điển mà người làm công tác tuyên huấn hay đưa ra đó là chữ An – Phụ nữ có ở trong nhà thì mới yên ổn được. Mình là “tín đồ” của phim kiếm hiệp, cổ trang Trung Quốc. Phải thú nhận là các nhà làm phim đã khéo léo truyền bá văn hóa nước họ thông qua phim ảnh. Mình rất mê phim. Các bạn biết hậu quả của sự mê rồi đấy. Học xong môn của Thầy, mình mới nghĩ chẳng lẽ Hán ngữ không có gì hay ho thật sự. Mình tìm gặp Thầy, hỏi Thầy ơi, Quy Nhơn mình chỗ nào dạy tiếng Trung. Thầy bảo muốn học thì học Thầy Hưng, Nhưng Thầy Hưng lại bảo Thầy không dạy lớp mới nên bày địa chỉ để xin thầy Hải học. Sau khi học 3 năm Hán ngữ, mình nhận ra rằng “dân tiếng Trung” thường lấy ví dụ chữ Nghĩa để nói lên ý nghĩa tượng hình của chữ Hán chứ ít lấy chữ An. Và đây gần như là luật bất thành văn của dân học chữ Hán, bọn mình dựa vào cách lấy ví dụ của đối phương để nhận biết “đồng bọn”. Mình còn nhớ, học được một tuần thì Trung Quốc gây hấn ngoài biển đảo của chúng ta vào khoảng tháng 3/2011. Hồi đó, bạn bè hỏi đi đâu nhưng mình giấu biệt, không dám nói đi học tiếng Trung vì phong trào hận Trung Quốc dâng lên cao lắm. Mình sợ... bị tẩy chay. Còn nhớ, học được khoảng một năm thì mình tìm lại Thầy để nói rằng “tiếng Trung không chỉ duy nhất chữ An nhé Thầy”. Thầy cười, trêu “cái đồ thù dai nhớ lâu”. Vâng, mình đã học để cãi Thầy. Mình ghét nghe người ta “chửi” ai đó mà lại chẳng biết kẻ bị chửi là đứa như thế nào.


   Sau đó, mình mới bắt đầu hình thành thói quen tay phải cầm bút chì, tay trái nắm cục gôm và đặt sách lên đùi. Thời kỳ đầu đọc sách là một cực hình với mình. Mình chưa quen với việc ngồi hàng giờ chỉ để đọc và tư duy cái vừa đọc. Rất mệt và buồn ngủ. Não bộ lúc ấy chưa chịu phân chia ổ nhớ cho tiếng Trung và vốn từ vựng tiếng Việt về lĩnh vực văn hóa xã hội nên cực kỳ vất vả. Chính nhờ những ngày tháng học Hán ngữ mà sau này mình biết chút ít về viết văn. Đồng tiền đầu tiên do mình tự kiếm ra là nhuận bút. Nhiều khi ngồi cười mỉm một mình vì chẳng hiểu sao lại thế...
   Vậy nên, mình chịu ơn Thầy. Nhờ Thầy “khích tướng” mà mình biết một ngôn ngữ mới, có thêm nhiều niềm vui mới. Dù rằng chẳng biết học chữ ấy để làm gì ngoài cái việc cãi Thầy. Mong rằng cơ quan chức năng sớm cho kết quả điều tra. Theo mình thì dễ ấy mà. Nhờ bên viễn thông cung cấp thông tin chủ thuê bao và lịch sử gửi tin của thuê bao được cho là của Thầy. Cán bộ ngành khoa học hình sự sàng lọc giọng trong đoạn ghi âm cũng như dấu vân tay thì nhanh thôi. Các đồng chí đã từng bắt được kẻ giết người cách đó 3 năm chỉ nhờ một bộ xương vớt từ dưới sông lên thì chuyện này dễ thôi. Yêu lắm, ngành khoa học hình sự!

Tác giả ảnh: Đỗ Dương Tuấn
   Dù tất cả quay lưng với Thầy thì trò vẫn ở lại với Thầy!
Buôn Ma Thuột, 24/8/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments