Một lễ mùng năm
tháng năm nữa lại về, cả nhà bấn lên nháo nhác hỏi ngày mai mua gì đây nhỉ?
Những thứ rẻ mà sạch thì đã ngán. Cao lương mỹ vị lạ miệng thì đắt đỏ mà chắc
gì còn tươi ngon đến được cái chợ quê xa phủ xa tỉnh núi non heo hút này. Nhắc
đến chợ lại nhớ cái xe máy bán hàng rong của cô Mai. Cái xóm của mình cách chợ
bốn cây số. Lắm khi các mẹ nhác đi chợ và cũng bởi sợ tốn xăng nên hàng của cô
Mai khá đắt khách. Dù biết giá cả chắc chắn cao hơn ở chợ vì còn tiền lời và
tiền xăng cô ấy chạy vào đây mỗi ngày nữa nhưng vẫn lắm mẹ mua. Buổi sáng ăn
cơm sớm xong, các mẹ đủng đỉnh vừa đi bộ vừa xia răng. Đến quầy hàng thì vừa
đánh lưỡi tanh tách vừa lặt lựa mớ rau miếng thịt
Tác giả ảnh: Nguyễn Thắng |
Hàng được cô Mai
chở bằng chiếc xe Honda cà tang cà rụp, tiếng nổ nghe lẹt tẹt mắc cười. Bọn
mình hay trêu xe cô Mai chạy như người xì hơi địt nới, Đâu khoảng sáu giờ là cô
lò dò chạy xe đến. Bọn con nít như mình tranh nhau đùm xôi được gói trong lá
chuối, ăn ngấu nghiến rồi đạp xe đi học. Mùi xôi quyện với hương lá chuối có lẽ
thơm mãi trong ký ức tuổi thơ của mình. Bây giờ muốn ăn xôi đùm lá chuối cũng
khó. Cuộc sống hiện đại quá, xôi được đơm trong khay vàng mâm bạc, dùng đũa
lóng lánh ánh kim cương để gắp lại chẳng thú vị bằng cầm năm xối gói trong lá
chuối tươi. Ăn bốc tuy nhếch nhác một chút nhưng tuyến mồ hôi tay tiết khi chạm
vào thức ăn công hưởng với sự tiết nước bọt của miệng nên hình như cảm giác
ngon hơn cả.
Người ở chốn nông
thôn thường có thói quen mua nợ bán chịu. Cái xóm của mình toàn dân trồng cà
phê, lời hứa kinh điển khi đi mua hàng đó là “cho chị nợ đến hết mùa cà rồi chị
trả nhé”. Đến hết mùa cà, cô Mai lóc cóc nổ xe lẹt tẹt đến từng ngõ thu tiền
thịt tiền cá cả năm mà người ta nợ. Có người quên hoặc giả vờ không nhớ hay sao
đó mà gân cổ cãi chị có nợ cái nọ cái kia đâu. Cô Mai giở sổ ra rồi họ mới chịu
ngồi te hẻ đếm tiền trả. Có nhà nợ quanh năm suốt tháng, đến cuối mùa thu hái,
chủ nợ các hãng phân bón, thuốc trừ sâu đến bợ cà phê về nhà họ hết. Cô Mai ghé
đòi tiền thịt thì chỉ nhận được hai hàng nước mắt xin khất đến mùa cà năm sau.
Mà có nhiều nhặn gì đâu, khoảng dăm chục nghìn đồng cộng gộp cho vài lượt mua chưa
trả tiền thôi. Nhiều khi đi nhặt nhạnh từng đồng bạc để về ăn Tết mà người ta chửi cô tủn
mủn tùn mùn, có dăm đồng cắc thì xí xoá cho người ta đi chứ đòi làm gì mà ghê
vậy. Cô bán hảng rong, sống nhờ mấy đồng lời mọn ấy mà. Cô chán nên gồng gánh
xuống ngồi ở mé chợ để bán. Thành ra không còn cái quầy hàng rong buổi sáng ở
đầu xóm nữa.
Cái quầy tạp hoá
của bâ Tả cũng vậy. Ban đầu mới mở thì đông khách mua. Bọn con nít như mình
thích mua cốm, ống gạo nổ, hột phồng tôm đỏ đỏ ngắn ngắn và nùi giẻ rách (giống
bánh phồng của người Bến Tre. Nó là bánh tráng mỏng được ngào với mật mía hoặc
nước cốt dừa). Người lớn thì mua bột cà ri hay cân đường, hộp sữa bò, gói muối
và những thứ lặt vặt bị hết ngay lúc đang nước sôi lửa bỏng. Họ bảo con cái đi
mua và dặn là xin bà Tả cho con nợ rồi bữa sau bố mẹ trả. Dần dần bà Tả trở
thành chủ nợ của nhũng món hàng bé nhỏ. Bà ở ngay trong xóm nên đi đòi nợ của
láng giềng cũng khó làm căng như người nơi xa tới. Lần lữa nhiều lần, hàng quán
chẳng có lãi là bao mà tình làng nghĩa xóm cứ hao hụt dần. Bà cũng chán và dẹp
quán.
Sáng nay đứng dưới
tán cây trứng cá nơi mà cô Mai hay đỗ xe, ngắm cái lều xây bằng gạch là quán
của bà Tả ngày xưa. Thấy chênh chao quá, gõ đôi dòng kẻo quên…
Buôn Ama Thuột, 19/6/2015
Tây Nguyên Xanh
Số người xem của bé gần bằng của giáo Chiềng rồi
ReplyDeleteHe he. khéo sắp vượt rồi
Delete