Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 16, 2015

SÁCH LƯỢC “XÀI VỢ NGƯỜI” TRONG CUỘC CHIẾN KINH TẾ

Cánh đồng cây Thanh Long - Ảnh: Đỗ Hữu Tuấn
   Đoàn thương nhân chuẩn bị đi buôn nông sản bên nước láng giềng, trưởng đoàn tìm gặp một quân sư hỏi cách bán được nhiều hàng của mình. Quân sư nói:
    - Đi buôn ở nước láng giềng chẳng khác nào mò sang nhà thằng hàng xóm để tòm tem với vợ hắn. Vợ hàng xóm xinh tươi phơi phới, ngon hết sảy. Nhưng ta thèm thì thằng khác chắc chắn cũng đã dòm ngó từ lâu. Vậy nên phải làm sao mà ta vẫn “dui” được vợ người nhưng không phải đánh nhau với các thằng khác.
    - Ta âm thầm bỏ độc hại bọn dòm ngó ạ?
    - Không! Phải làm cho thằng chồng bị yếu sinh lý. Hắn yếu cái ấy nhưng chân tay nó khoẻ, kèm theo sĩ diện đàn ông. Hắn sẽ đánh chết đứa nào dòm ngó vợ hắn.
    - Nhưng ta cũng thòm thèm vợ hắn?
    - Đó là cái hay của vấn đề. Cách giải quyết có thể liên tưởng đến cách giao thương đấy. Này nhé, hãy mời thằng chồng bằng thứ rượu ngon có chứa chất làm yếu khoản ấy. Càng tâng bốc hắn, càng tỏ vẻ nể phục hắn và càng chuốc rượu thì hắn càng phê pha. Hắn uống nhiều thì chỉ có yếu. Khi ấy ta chỉ cần khơi mào là vợ hắn tự nhào vào nhà ta ngay. Hoa trái trong vườn nhà ấy ngon. Ta xúi vợ hắn hái cho ta và các con ta ăn. Đến khi các con của hắn thèm loại hoa trái ấy, vợ hắn phải sang xin quả do nhà ta trồng. Ta chọn quả sắp ung thối (chưa có mùi nhé) cho các con hắn ăn. Chúng nó ăn lắm sẽ đau bụng, tiêu chảy mất nước. Đau yếu dần dần. Sau này có muốn trả thù giúp cha cũng không đánh lại được. Ấy là trừ cái nguy hại sau này đấy.
    - Có liên quan gì đến đi buôn?
    - Cũng cách làm như thế nhưng áp dụng với kinh tế. Các ngươi hãy phá nông sản của nước làng giếng bằng cách mua lá cây, quả còn non với lý do mua để làm thuốc. Bọn nông dân hám lợi trước mắt sẽ bán lấy bán để, kiệt quệ cái cây. Nguồn cung ứng nông sản của nước làng giềng sẽ yếu kém. Nền nông nghiệp nước ấy chẳng khác nào thằng yếu sinh lý. Đất rộng, nhân lực dồi dào nhưng thành quả chẳng ra sao. Tất nhiên không phải gã nông dân nào cũng tin lời dụ dỗ của ta. Chúng nó sẽ có đứa thu hoạch quả ngon và sạch. Ta mở cửa khẩu cho chúng xuất sang mới giá rẻ mạt. Dân ta ăn uống no say hàng của chúng. Dân của nước láng giếng sẽ có lúc thèm thứ nông sản ấy. Khi đó ta bán hàng do ta sản xuất cho chúng với giá cao. Luật giao thương thì có xuất thì phải có nhập mà. Không nhập hàng của ta, ta đóng cửa khẩu không tiếp nhận thứ khác của chúng. Chúng sợ ngay. Thế là thu lời.
    - Dân bên ấy cảnh giác cao độ với hàng chúng ta lắm. Chỉ cần nhìn mã vạch là chúng cạch mặt ngay.
    - Tâm lý ham đồ rẻ của họ sẽ giúp các ngươi kiếm lời. Đừng lo. Nhớ thêm chút độc hại vào sản phẩm để giống nòi chúng nó què quặt, oặt oẹo thì mới không là mối hoạ cho đất nước ta sau này.
   Sách lược ấy đã bị áp dụng với đất nước bé nhỏ kia cả nghìn năm nay rồi. Thương và giận lắm thay!
Buôn Ama Thuột, 16/5/2015
Tây Nguyên Xanh
---
Trong ảnh là cánh đồng cây Thanh Long. Các điểm sáng chính là đèn. Vào mùa ra hoa, người ta phải chong đèn cho hoa thụ phấn tốt.
No comments

Friday, May 15, 2015

ĐI ĂN ĐÁM CƯỚI NGƯỜI YÊU CŨ

  Về đến nhà, mẹ báo có cái thiệp cưới đấy. Oạch! Ai thế nhỉ? Dạo này có thấy đồn đoán thằng nọ con kia yêu nhau đâu. Xem nào….
   Nhìn tổng thể cái thiệp, có mấy cái tên và địa chỉ gia đình nghe quen quen. Thôi chết tôi rồi, người yêu cũ cưới. Cơ mà ai chủ trương cái món mời người xưa đến chúc mừng ngày lên xe bong vậy trời. Chắc là nó mời cả lớp phổ thông, cái người ghi thiệp đếch biết bố con thằng nào, cứ ghi theo quán tính đây mà. Gọi điện hỏi vài đứa bạn học…đúng thật!
Tác giả ảnh: Huỳnh Võ
   Năm rộng tháng dài chả cưới, tự dưng đi cưới vào mùa hoa phượng nở. Nao lòng bỏ mẹ! Vì vài lý do lèm bèm mà mối tình nảy nở từ thời mài đũng quần trên ghế nhà trường tan thành mây khói với cái kết luận “không hợp nhau”. Chắc do hiểu nhau quá nên chán thì có. Chia tay nhau trong cơm mưa mùa hạ, chân đá xác hoa phượng trên đường về. Người ướt sũng, báo hại sốt cao mấy hôm liền. Nghe như hoạt cảnh trong phim Hàn Quốc ấy nhỉ? Có cái gì hay ho cho bồ xem trước, còn lúc ốm đau mẹ sờ trán ta đầu tiên. Chả nhẽ nói thấy có lỗi với mẹ quá. Sáo rỗng kinh!
***
   Rồi cái ngày ấy cũng đến…
   Đi nhé? Tự hỏi lòng thế. Hơi ngần ngừ là trạng thái dễ hiểu nhưng tất nhiên là đi rồi. Đám cưới thời nay không ngồi theo hàng theo họ nữa. Đủ mâm thì chén, ai biết ai. Đi để biết kẻ đương nhiệm có “ngon” hơn ta không. Mong là hơn ta đi, không là ta hả hê lắm đấy đằng ấy ạ.
   Ở cổng rạp cưới…
   Ồ, cha của đằng ấy nay béo trắng ra nhỉ. Ngày xưa gầy còm nom thảm lắm. Hồi đó, hai đứa ngồi giải bài tập trong phòng, ông cụ ở ngoài phòng khách lượn qua lượn lại. Cứ phải chờ đến lúc ta ra khỏi nhà, ông cụ mới ngồi yên. Mẹ đằng ấy chợt biến sắc khi thấy ta. Đích thị cái danh sách mời bạn bè của con cái không thông qua hai cụ rồi. Chắc luôn! Thôi kệ, cứ vào, đố dám đuổi. Có chăng hai cụ chỉ sợ ta xung phong hát câu “Đành thôi người ơi, chia tay từ đây….”. Bài bất hủ của giọng ca Đàm Vĩnh Hưng đó mà. Đám cưới mà hát bài đó chắc hài lắm. Hỳ!
   Lọt trong cái mâm mười người lạ hoặc. Cả bọn nhịp nhàng gắp và nhấm nháp món ăn. Chốc chốc ta lại ngắm đằng ấy đang sánh vai với kẻ đương nhiệm. Tự dưng loé lên trong đầu câu hỏi “không xót lòng à?”. Hớp một ngụm bia, để nó thấm dần dần qua cổ họng, mắt nhìn xa xăm, thầm trả lời rằng còn gì nữa đâu mà đau. Sau khi chia tay, lắm lúc nhớ quá vẫn dặn lòng rằng người ta chưa lấy ai nghĩa là mình còn cơ hội. Rồi vượt qua, nỗi nhớ, rồi quên và chợt đắng lòng khi nhận thiệp mời ăn cưới. Thế là hết, người đi xa ta mãi…
   Trong bữa tiệc, tự cho mình được uống bia nhiều hơn thường ngày một chút. Lâu lâu sa đà tí, chết ai!
***
   Thế mà toi thật, nhưng là toi túi tiền. Ra khỏi rạp đám cưới, có chú công an giao thông vẫy lại, yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Các chú công an sao khôn vậy, chầu sẵn trước cửa đám cưới. Thằng nào thoát? Ôi tình yêu cũ ơi, tốn công vun đắp hạnh phúc, tốn thời gian chữa lành vết thương sau chia tay, nay tốn tiền mừng ăn cưới, đã thế còn bị phạt vì uống chúc mừng nồng nhiệt quá. Lời như đồn!
Truyện đấy, không phải chuyện!
Buôn Ma Thuột, 15/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, May 14, 2015

MÙA RẾT BÒ

   Có bốn loài côn trùng đại diện cho lượng mưa ở Tây Nguyên. Ấy là Kiến, Cuốn Chiếu, Rết ( còn gọi là rít, tít) và Dế. Vào cuối mùa khô, Kiến chuyển tổ lên cao để ấu trùng không bị úng trong mùa mưa. Khi con Cuốn Chiếu lên cây trú ẩn thì bắt đầu có mưa đầu mùa. Khi Rết bò nhiều trên mặt đất vào buổi tối nghĩa là mưa bắt đầu thường xuyên hơn. Phải đến lúc mưa dầm thì mới có vài con Dế nhảy tong tóc trong nhà. Khi nào thấy Kiến di chuyển xuống gần mặt đất hơn thì dân nhiếp ảnh ở Tây Nguyên sửa soạn ống máy đi chụp hoa Dã Quỳ. Quỳ nở nghĩa là đã chớm mùa khô.
Chim Sả Rừng ăn thịt Rết - Tác giả ảnh: Sam Thuong Dang Ngoc
   Hôm qua xuất hiện con Rết đầu tiên dạo chơi trên sân nhà Tây rồi. Rết là cái con đang bị chim Sả Rừng kẹp ở mỏ đấy. Đó là mặt dưới của nó, mặt trên có màu hung đỏ. Mùa này, anh nào mà đến tán Tây thì đừng có lợi dụng phút sợ hãi thấy Rết bò ngoằn ngoèo trong nhà mà ôm Tây nhá. Hã hã. Thời điểm này, chả mấy khi Tây dám chạm chân trần dưới mặt đất vì sợ Rết “hôn”. He he. Nói không phải điêu chứ hồi phổ thông, có lần đang ôn thi. Tự nhiên thấy như có cái gì sượt qua da mình, cúi xuống nhìn một phát. Xanh mặt luôn! Một con Rết đang ở nơi góc tường. Nói chung là năm nào như năm nấy, phải thấy Rết ở trong nhà mới là người Tây Nguyên. He he.
   Rết cũng là “hung thần”  đối với người nông dân trồng cà phê. Thời điểm này, người ta cày đất ở vùng giao tán giữa hai cây cà phê để đổ phân hữu cơ. Thường thì hai năm phải bón phân bò hoặc phân vi sinh một lần. Cày đất lên thành rãnh to rồi đổ phân vào và cào lá khô rụng ở gốc lấp lại. Mùa mưa có ba đợt bón phân vô cơ dưới gốc nữa nên đằng nào cũng phải cào lá ra. Khổ nhất là bón phân mà tối hôm đó trời không mưa. Hôm sau chủ rẫy phải đi cào lá lại khoả tấp gốc để phân không bị bốc hơi. Tâm lý của nông dân sợ mất phân như thế chứ ngày xưa bọn Tây đốt lửa hừng hực các loại muối trong ống nghiệm mà chúng nó có chịu bay lên trời cho đâu (chỉ biết đổi sang  khác chất khác. He he) Nói ra vậy cho các cụ yên lòng mà các cụ không tin. Cứ đi cào lá lấp cho khổ xác thịt.
   Lại nói đến chuyện cày đất, các cụ nông dân lái máy nổ xình xịch, hùng hục xới đất. Mấy con Rết bị xới vỡ ổ, nó nò toán loạn lên mặt đất. Nhỡ một con bị văng bám vào chân thì ui cha là vẫy với lắc cho nó rớt. Sợ nó bò lên cắn lắm. Nó mà cắn thì thôi chớ, ứa nước mắt vì đau nhức đến lúc gà gáy sáng mới đỡ. Bố của Tây ngày xưa cũng có một ẻm bám lên ống quần. Ông cụ mặc kệ cho máy muốn húc vào đâu thì húc, dãy nảy cho nó rớt cái đã. Sau nhòm lại, thở phào nhẹ nhõm vì con ấy bị xén mất cái đầu rồi. Phần thân bị văng và bám theo quán tính thôi.
   Khi Tây gõ bài viết này thì xác của con Rết bị đập chết tối qua đang bị Kiến vùi. Bọn Kiến cố nhấc toàn thân nó nhưng khó quá. Thế là chúng rỉa từng cái chân cho nhẹ bớt. Gõ đến đây là nhớ cái bài thơ gì gì của cụ Trần Đăng Khoa ấy nhể? À, Đám Ma Bác Giun. Hiện trạng của con Rết giống như thế lắm. Muốn biết bài thơ như nào thì các bạn hỏi thăm bác Gú Gồ nhé. He he.
Buôn Ama Thuột, 14/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, May 13, 2015

CÁI ĐIỆN THOẠI CỦA THẦY

Tác giả ảnh: Nguyễn Việt Tân
   Lại thi!
   Hắn buột miệng nói ra hai tiếng ấy sau khi vô tình ngước cổ lên nhìn thấy hoa phượng nở một chùm ở trên cao. Hoa phượng đỏ bao nhiêu thì khí thế mùa thi lại hừng hực bấy nhiêu. Với một gã thầy như hắn, mùa thi vừa đáng sợ lại vừa ham thích. Hắn sợ phải thấy những giọt nước mắt của học trò thi trượt nhưng thích vì trách nhiệm của hắn gần như hoàn tất sau một mùa thi. Ý thức được điều ấy, hắn hăm hở lên lớp trao những gì tinh hoa nhất cho học trò trong những ngày cuối cùng này.
   Hắn giảng như lên đồng. Nhân lúc học trò làm bài tập, hắn tranh thủ lấy lại sức và tần ngần ngắm cây phượng. Ai xui trồng phượng trong sân trường để lòng người man mác nỗi lòng mỗi lúc hè sang thế không biết. Hắn hơi ghét người khởi xướng vụ này rồi đấy. Hừm! Thích ngắm lắm nhưng buồn lắm phượng ơi.
***
   Đã lâu rồi hắn không đeo đồng hồ. Khi cần thì móc túi quần, lôi điện thoại lên xem giờ luôn. Hôm nay hắn chỉ dạy ba tiết đầu nên về sớm. Lò dò bước vào khu để xe của giáo viên, hắn chợt tái mặt và cuống quýt nắn nắn bóp bóp các túi quần và áo một cách khó hiểu. Chuyện gì thế nhỉ? Hắn không thấy cái Iphone 6 mà cô em gái tặng đâu nữa. Trong giờ ra chơi, hắn còn truy cập mạng bằng điện thoại để tranh thủ đọc báo buổi sáng trước khi vào tiết ba đó mà. Chẳng lẽ có học trò trong lớp 12 kia lấy cắp? Phải làm gì bây giờ? Báo công an điều tra nhé? Cái điện thoại xịn và hơn nữa đó là kỷ vật của em gái bươn trải bán sức lao động tận bên châu Phi, lúc về mua tặng anh trai mà. Hắn muốn báo lắm nhưng rồi lại thôi. Màu đỏ của hoa phượng thêm một lần nhắc nhở hắn rằng cái đứa ăn trộm đang bước vào kỳ thi Quốc Gia – một kỳ thi gieo rắc nỗi hoang mang cho cả thầy và trò.
   Nếu công an tóm được đứa ăn trộm thì sao nhỉ? Cho chừa cái tội ăn cắp! Nhưng tiền đồ của nó sẽ như thế nào? Nó sẽ không được thi. Mai này mỗi khi vấp ngã ở đường đời chỉ vì điểm đen trong bản lý lịch mà nó gây ra trong phút thèm khát ấu trĩ của tuổi học trò, nó sẽ hận hắn lắm. Điên thoại mất rồi có thể mua cái mới nhưng tuổi xuân của học trò chỉ có một mà thôi. Nghĩ đến chuyện mua điện thoại lại làm hắn cáu. Đệt! Nghề giáo cao quý nhất quả đất nhưng lương của thấp nhất nhì quả đất này.
   Thế là hắn quyết định không làm um chuyện. Nhưng hắn lại phải đối mặt với nước mắt lưng tròng của cô em gái thảo hiền. Cô ấy giận vì tấm lòng của mình không được anh trai giữ gìn tốt. Hắn xót, hắn đau, khó chịu vô vàn.
**
   Hai mươi ba năm sau…
   Hắn đã già lắm rồi. Một buổi trưa nắng, gió Lào phà vào căn nhà bé nhỏ của hắn. Hắn đang phe phẩy cái quạt mo, uống ngụm nước chè xanh, bỗng có tiếng gọi thầy ơi vọng vào từ bậc thềm. Hắn hỏi ai đó, ngoài ấy không trả lời. Hắn chậm rãi bước ra. Hắn chết lặng khi thấy cảnh tượng có một người đang quỳ trên hiên nhà mình. Hắn vồn vã hỏi sao lại thế. Người ấy tay dâng chiếc điện thoại cũ mèm, nói trong tiếng nấc nghẹn ngào rằng:
     -  Thầy ơi, đây là cái điện thoại em lỡ lấy của thầy năm xưa. Bao năm tha hương cầu thực, lắm khi túng thiếu trăm bề nhưng chưa giờ em nỡ bán nó. Em coi nó như là một kỷ vật. Mỗi khi nhìn thấy nó là em nhớ đến chuỗi ngày thấp thỏm sợ bị phát hiện. Em lấy nó làm động lực kiếm tiền lương thiện. Nay em không muốn sống trong day dứt nữa, thầy cho em được trả lại và tạ tội với thầy..
   Hắn không biết nói gì. Hắn chỉ biết ôm đứa học trò to tồng ngồng ấy vào lòng.  Hắn vỗ về đứa bé lỡ dại năm nào. Hai thầy trò cùng khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài như đang làm lung linh hình ảnh người Thầy!
Buôn Ma Thuột, 13/5/2015
Tây Nguyên Xanh
---

Truyện cực ngắn này được viết dựa trên chia sẻ trên Facebook của thầy giáo Lê Quốc Châu. Trân trọng kính tặng thầy Lê Quốc Châu vì hành động không yêu cầu điều tra đứa học trò nào đã lấy trộm điện thoại của thầy. Cao cả lắm thầy ạ! Đọc chia sẻ có thật của thầy Lê Quốc Châu tại Đây 
No comments

MỘT THỜI HỌC THỔI SÁO

Tác giả ảnh: Thanh Sơn
   Oa cha ôi, mở Facebook lên, chộ cấy ảnh ni của bác Thanh Sơn ở mô ngoài Hải Phòng ná, mần mềnh nhớ thằng cu dạy thổi sáo tợn. Mô hồi năm tư đại học thì phải, có con em cùng phòng ký túc xá khoe đi học sáo về. Mềnh nghe cũng ưng trong cấy rọt. Rứa là đi học. Thằng nớ, ý là “thằng thầy”, he he, mình mất nết đã kinh, hấn nhỏ tuổi hơn mềnh. Hấn học khoá sau mềnh. Hấn là ngài Quảng Nam hay Quảng Ngãi chi ná, nỏ nhớ! Hấn bị ngài tềnh đá đít theo thằng khác nên buồn thúi rọt, ngồi thổi sáo trong công viên sản xuất thiếu nhi, à nhầm, công viên Thiếu Nhi ngay trước mặt tiền đại học Quy Nhơn luôn. Ngài đi qua đi lại, nghe tiếng sáo thấy là lạ, rứa là bu lại coi. Lâu ngày hấn có “học trò”. Trong đó có mềnh. He he

   Mềnh ra nhà sách, lanh chanh hỏi cí anh bán hàng giá sáo mấy nghìn một cấy. Anh nớ nói rẻ thôi, loại đểu cho con nít chơi thì mười nghìn một ống, em mới học sáo, hổng? Rứa thì nên chọn cấy mười nghìn ni. Mềnh tự ái, mềnh tỏ vẻ ta đây dân âm nhạc sành điệu. Mềnh chê cấy nớ thổi thiệc chi anh. Lấy cấy đắt đắt cho em. Anh nớ nói hàng sáo của quân nhạc viện hay mua thì hơn một triệu một cấy. Mua hông? Hua hội, răng đắt rứa ọ, mềnh đứng ngẫn một hồi rồi giả mần như kiểu có tin nhắn đến, nói xin lỗi anh nha, em phải chạy ra mua cấy ni một chút cho con bạn hấn kịp mần chi chi ná. Hấn nỏ giải thích, em đi mua cấy đã rồi mí biết anh ạ. Rứa là mềnh chuồn sang hiệu sách khác mua loại sáo rẻ tiền tê. He he. Mua cấy đắt thì nỏ có tiền mà mói mặt mua cấy rẻ thì lỡ nổ cí đẳng cấp âm nhạc của mềnh rồi. Ngu ngu độ. Tự mềnh mần nhọc thân mềnh. Nhà sách khác có phải ở gưn đó mô. Đi bộ mỏi cẳng gưn cỏng.

   Mả xưng cha hấn chơ, học thổi sáo khó thôi rồi. Mà nầy, cí câu mả xưng cha mi chơ trong tiếng Nghệ nhà choa nỏ có ý chưởi nặng nề chi mô. Hấn dùng để nhấn mạnh cấy chi đó mà ngài nói đề cập thôi. Đừng có nhiếc con Tây Nguyên Xanh ăn nói mất nết đó nà. Mềnh lại kể tiếp chuyện học sáo.

   Bài học đầu tiền là bịt hết các lỗ rồi thổi mần răng cho hấn kêu là được. Mềnh há mồm thổi gưn troạng trê mà sáo nỏ kêu chút mô. Thằng cha hấn chơ, cức thôi rồi. Mềnh quay sang nói với thằng thầy, mi mần răng bày lại cho ả cấy chơ ả thổi mãi mà nỏ được. Thằng nớ nhăn mặt, nói à cớm, giừ mà thổi chưa kêu ná, Tui hãi ả rồi đó, ai cũng thổi được rồi tề. Mềnh ngại quá, phủi đít ra về. Leo cầu thang lên phòng ký túc xá, ngồi ở góc giường tập thổi. Con bạn ở giường đối diện nói mi thổi cứt chi mà giống rặn ẻ rứa con tê, đưa tau thổi cho mồ. Oa cha, hấn bịt lỗ và thổi kêu rành ngọt. Cấy mui của hấn chu lại khi thổi nhìn tự nhiên thôi rồi. Mui mềnh cứ bặm lại như kiểu gấy chuẩn bị nhân cấy hun đầu đời. he he.

   Bọn tê thổi kêu rồi thì học thổi mấy nốt đồ, rê, mi chi chi đó. Mềnh thổi hông kêu nên bỏ sáo luôn. May chi nà, mua sáo đểu thổi còn chưa được. Khi nớ mà mua cấy triệu bạc về thổi cũng hông kêu thì nghi nhịn ăn cả tháng. He he. Giừ nhớ lại vẫn cứ đưng cười tủm tỉm. Mả xưng cha hấn chơ, nhớ thời sinh viên thôi rồi.
---
Trước khi tán em, các anh phải biết tiếng Nghệ. He he, lâu lâu biên tiếng Nghệ một bữa mà đọc lên líu cả lưỡi. hã hã.
Buôn Ama Thuột, sáng 13/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

CHUYỆN NHÀ HÀNG XÓM

Bọ xít đỏ - Tác giả ảnh: Đặng Bá Tiến
Họ choảng nhau rồi!
Vội vàng chạy sang ngó đôi vợ chồng hàng xóm. Người vợ mắng chồng rằng đã bảo rồi, trời này chưa chắc đã mưa, bón gì mà bón. Giờ vứt hơn năm triệu tiền phân ra phơi nắng rồi. Hu hu. Chị vợ khóc um lên. Anh chồng rít một hơi dài qua kẽ răng, quát cái loại đàn bà ngoa ngoắt quắt xước. Đi bón phân về mệt chết mẹ ra đây mà còn nói cái gì. Họ cãi nhau vì bón phân về mà chiều tối trời không mưa đấy. Chồng bảo bón, vợ bảo không. Nhưng nóng ruột cây đang buổi nuôi trái. Thấy trời có vài đụn mây đen, hai vợ chồng nổ xe chạy đi bón trong vội vã cho kịp mưa. Kết quả là trời chỉ rắc vài hạt mưa đủ ướt sân xi măng rồi thôi. Họ sợ phân bị rữa ra và bay hơi theo nắng gắt. Tiếc phân, tiếc tiền, làm ỏm tỏi lên.

***
Họ lại choảng nhau nữa rồi!
Lần này là vụ gì đây?
Chị vợ vẫn có cái điệu khóc đập tay vào ống chân, lưng gập lên gập xuống, kêu gào ối làng nước ơi sao tôi lấy thằng chồng ngu thế này. giá cà cao không bán lại đi bán giá thấp choẹt. Anh cũng chẳng vừa, đối lại lời vợ rằng con ngẫn biết chó gì mà nói. Không bán thì lấy gì mà mua thuốc phun diệt rệp hả, hả,, hả.
À, ra thế. Họ cãi nhau vì chuyện khi giá cà phê khoảng ba mươi tám nghìn đồng một ký nhân xô thì chị vợ bảo bán đi để còn phân tro cỏ dã. Anh chồng bảo thôi từ từ hẵng bán. Chờ lên bốn chục nghìn một ký cà phê rồi bán. Kết quả cà phê giờ còn ba mươi bảy nghìn tại điểm thu mua. Cây cà phê bị rệp ăn xơ xác hết. Phải mua thuốc phun để giữ quả non.Lại tiếc số tiền đáng nhẽ có thể lấy thêm nhờ giá coa nên chị vợ hét ầm làng..
***
Có người đi chợ về, nói phía ngoài rẫy mưa to lắm. Oạch! Bụng trộm nghĩa phen này hay vợ chồng nhà kia chắc xé xác nhau nữa đây. Phun thuốc trừ sâu mà gặp mưa thì nó rửa trôi hết đi còn đâu. Lại đệp khúc tôi bảo anh từ từ hẵng phun sao anh lại phun cho mà xem. Nhưng không, căn nhà vẫn êm ấm lắm.
***
Sáng ra chị vợ sang trả cái cuốc, vỗ về chị ấy mấy câu rằng đừng trách anh ấy mà tội nghiệp. Nắng mưa là chuyện của trời. Chị ấy cười nhếch mép, bảo thế gian này thừa tiếng chửi và thiếu nụ cười em nhỉ. Sau vài lần cãi nhau, hai vợ chồng tụa vào nhau thức trắng suốt đêm nghĩ về cái kiếp làm nông. Trách trời làm gì cho nghĩ mình bạc phận. Còn có nhau thì hãy cứ vui. em nhỉ?
***
Ở cái xóm của người trồng cà phê vẫn thường hay có những chuyện như thế vào mùa mưa!

---
Truyện đấy, không phải chuyện!
Buôn Ama Thuột, tối 12/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, May 12, 2015

CHUYỆN MÙA MƯA - Phần 2. TRỒNG GIẶM

Nguồn ảnh: Báo Gia Lai Online
   Các bạn có biết hình ảnh này quen thuộc và đẹp vô vàn trong mắt của bé Tây lắm không? Nó là cả một phần “hồn” không những của bé Tây mà của bất kể ai được sinh ra ở vùng nông thôn Tây Nguyên đấy. Ai vô tình đọc báo mà thấy hình ảnh tựa tựa như thế này thì chỉ cào cấu vào lồng ngực cho đỡ nhớ quê thôi. Thật!
   Cuối mùa khô năm nào cũng có nhà nhổ cây cà phê hoặc các cây trồng kém chất lượng khác để đến lúc mưa dầm, đất nhuyễn, các ông bố của bọn Tây đi lên các viện chuyên bán cây giống để mua cây con về trồng. Hình ảnh bố nổ xe công nông và mẹ hoặc một chú hay bác hàng xóm ngồi cong lưng phía sau moóc xe cùng đi được khắc ghi trong tiềm thức của bọn Tây rồi.
    Mùa mưa, đất mến người nên chỗ nào của quần áo cũng đỏ choe đỏ choét hết. Cái tay bố lấm đất đỏ vì cầm bầu cây đã đành nhưng mưa lười rười làm đường nhầy nhụa khiến bùn bắn vào người bố. Mùa mưa, bọn con muỗi cắn bố nhiều hơn. Quần áo bố dày quá, chúng không cắn được nên nhè mặt bố để cắn. Bố ngứa quá nên gãi mặt. Kết quả là trên khuôn mặt nom muốn thơm một phát kia có vài vết đất loẹt xoẹt. Yêu vô cùng, người bố của ta ơi! Bé Tây lại nhại thơ của ai đó rồi. Hí hí.
    Trên cái moóc xe cày (lắm khi bọn trẻ con ở Tây Nguyên như bé Tây gọi xe công nông như thế), có thể là cây Cà Phê con, cây Mấc, cây Nục Nác, cây Cao Su, cây Điều, cây Tiêu, cây Mắc Ca…Riêng cây Mấc và cây Nục Nác (tên khác là Cơn Cà, K’Nốc, So Do Thuyền) được người Tây Nguyên trồng để làm cây trụ cho dây Tiêu leo đấy. Đã từng có trào lưu đổ trụ bê tông cho cây Tiêu bám vào nhưng mùa nắng, trụ nóng quá làm tiêu ngỏm. Thế là người ta phải nghĩ đến tình yêu giữa cây Tiêu với nhiều cây khác. Cây tiêu yêu thân các cây khác như trầu mến thương cau ấy.
   Những ngày này, anh nào đến đây để tán gái Tây Nguyên mà được nghe em nó bảo bố mẹ đi trồng giặm hết cả rồi thì cứ thế a lê hấp xông pha nhé. Bởi vì đi trồng dặm nghĩa là đem cây con trồng thế vào những chỗ đã lôi gốc cây cũ lên. Không phải trồng cả rẫy đâu, một năm người ta chỉ thay mới khoảng hai mươi cây trong rẫy thôi. Thành ra cái rẫy vốn được canh tác hơn hai mươi năm mà nom cà tươi trẻ như mới trồng mấy năm. Trồng xong còn cào lá lấp vào hố nữa. Đến trưa bố mẹ mới về. Các anh tha hồ a bờ cờ với các ẻm. Hí hí. Nghe như kiểu bé Tây bật đèn xanh cho các anh ấy nhỉ? Bài dài rồi, bé Tây ứ biên nữa. Kỳ sau lại đem hình ảnh khác của nông thôn Tây Nguyên lên cho các bạn xem nhé. Ai yêu Tây thì về Buôn Ma Thuột hự hà, hự hà hừ!….hã hã
Buôn Ama Thuột, 12/5/2015
Tây Nguyên Xanh
***
Bấm vào đây để xem kỳ 1: Trỉa Hoa Màu 
No comments

Sunday, May 10, 2015

TRANG PHỤC ĐỜI THƯỜNG CỦA PHỤ NỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN

   Không phải mượn cớ Ngày Của Mẹ để đăng mấy tấm này đâu, chỉ là vì vô tình thấy trên Facebook vào sáng nay, ấn tượng quá nên đăng thôi. Và bạn ấy cũng đăng mấy hôm rồi, không phải đăng để hưởng ứng Ngày Của Mẹ. Hai hình ảnh mang “hơi thở” của năm tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum đấy. Cả năm tỉnh đều có người dân tộc thiểu số với sắc phục truyền thống và quan điểm lối sống có chiều khác biệt nhưng lạ lùng thay, trang phục đời thường của họ lại na ná nhau.
   
   Tất cả phụ nữ trung niên thuộc các sắc tộc khác nhau khi đi chăn bò hay đi chợ thường mặc cái váy đen, ống đứng, dài ít nhất là phủ được mắt cá chân, vai họ đeo gùi. Cái váy đen như than, không bóng bẩy như kiểu váy lụa của người Kinh đâu. Váy đen một cách khó hiểu, đen như màn đêm huyền bí vậy. Tuy nhiên để cho linh động hơn, bây giờ các mí (mẹ trong tiếng Ê Đê) cũng mặc quần rồi. Nhưng quần ấy được làm từ vải vốn dùng để may váy đen đó.. Hôm nào đi kiếm củi, đi chợ thì các mí mang gùi đan bằng mây, tre. Nhiều khi gùi cũng là một phụ kiện cho các mí, các chị và các em gái làm đỏm như kiểu gái người Kinh tung lăng đi chợ với cái túi xách xinh xinh đấy nhé. Hôm nào chỉ đơn thuần là đi chăn bò thì có thể các mí đeo loại gùi bằng bao hoặc vải. vải được các mí may dạng ống dài rồi gắn thêm hai cái quai đeo sau lưng như đeo gùi. Cái ấy nhẹ nên tiện cho hành trình lang thang chăn bò. Họ chăn bò từ lúc còn sương sớm đến quá nửa chiều mới về nhà. Còn áo của họ thì mình chẳng để ý bao gờ vì không có gì khác áo người Kinh hay mặc cả. Có điều họ hay mặc áo khoác mỏng. Nhớ nhé, đó là trang phục đời thường. Còn những bộ áo các bạn thích ướm thử để chụp hình khi du đi du lịch ở Tây Nguyên chỉ được họ mặc trong lễ hội thôi nhé.

   Sáng sáng, õng ẹo đi bộ hít thở không khí trong lành đã thấy các mí cùng các em nhỏ lùa bò ở phía xa rồi. Trên đường đi, các mí nhặt nhạnh ve chai để bán cho đồng nát, kiếm thêm tiền ghé chợ. Dọc đường thấy cành củi khô, các mí cũng gom lại. Để rồi mỗi độ chiều về, nhìn qua cửa sổ, thấy nhấp nhô những bó củi đặt ngang miệng gùi được các mí cõng trên lưng. Họ đi thành một hàng như thể bộ đội hành quân. Ngàn năm nay họ vẫn đi theo hàng như thế, từ tốn không nhoi nhoi muốn vượt mặt người khác bao giờ.
   Đến mùa dâu da chin, mùa ổi trĩu cành, mùa mía ngọt lịm, mùa sắn, mùa bắp, các mí lại gánh từng gùi đem ra chợ bán. Hình ảnh các mí mặc váy ngồi bên lề đường của phố thị để bán nông sản khiến mình thấy xót vô vàn. Người Kinh “khoái” mua hàng của các mí lắm. Họ luôn cho rằng người dân tộc thiểu số thật thà, dễ bị lừa phỉnh, dễ bị ép giá nên dẫm chân nhau để chen mua cho được “hàng Tộc”. Cái từ Tộc được dùng để phiếm chỉ các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên đấy. Ngữ khí khi người Kinh phát âm từ “Tộc” một cách đơn lẻ giống với cái từ “người Thượng” hoặc “người mọi (đọc chệch của Tmoi)” ấy. Chẳng hiểu sao rất nhiều (không phải tất cả) người Kinh ở xứ này lại có tư tưởng khinh rẻ người dân tộc bản địa như vậy. Vấn đề này mình nói nhiều rồi nhưng vẫn muốn nhắc lại để các bạn bớt tin, bớt nghe những lời cợt nhả của ai đó về người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
   Ông bà, cha mẹ chúng ta có thể đã từng dùng từ Mọi, Thượng, Tộc để chỉ người thiểu số. Nhưng chúng ta tiến bộ hơn họ (con hơn cha là nhà có phúc mà), chúng ta không dùng các từ ấy một cách đơn lẻ để dùng làm đại từ nữa nhé. Đừng có ví von: đen như Thương, đen như Tộc, đen như Mọi hay ngu như Đê nữa nhé. Chỉ vì những sự ví von ấy mà nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra ra. Người ta không muốn thống kê mà thôi.
Buôn Ama Thuột, Ngày Của Mẹ 10/5/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Vui Tính (ghi theo nick Facebook)
No comments