Trời mưa lâm thâm, sáng mở mắt ra, nhấp nháy đôi mi nhìn màu
trời bàng bạc qua cửa sổ. Cái lạnh khiến cho ai đó cuộn tròn trong chăn ấm như
một con mèo lười và ước mong có một chàng hoàng tử đến hôn lên trán và ngọt
ngào gọi: “nàng ơi, dậy đi thôi” rồi chàng nhẹ nhàng nắm bàn tay bé bỏng kéo dậy
bằng hấp lực của tỉnh yêu. Đang miên man, cười tủm tỉm vì cái sự tưởng tượng ấy,
điện thoại của bố kêu ầm lên. Nghe lỏm thì biết có mấy người “dân tộc Cao Bằng”
hỏi nhà mình có đi quét gốc không, nếu không thì họ xin phép được vào lượm mót.
Nghe mà thương quá. Lượm trong cái lạnh ẩm ướt nhớp nháp này ư?
Tác giả ảnh: Duc Anh Nguyen |
Biệt danh “dân tộc Cao Bằng” là để chỉ chung cho tất cả các
dân tộc thiểu số từ vùng núi phía Bắc di cư vào Tây Nguyên sống. Cách gọi này được
người Kinh ở Tây Nguyên lưu dùng để phân biệt với các dân tộc bản địa chứ chẳng
có ý gì. Họ sinh ra ở những rẻo cao nên có lẽ họ cũng chọn rẻo cao, rừng sâu ở
Tây Nguyên sinh sống. Người Kinh không sợ các dân tộc bản địa bằng “tộc Cao Bằng”.
Họ dặn con cái là với người đồng bào đặc biệt là tộc Cao Bằng thì đừng có nịnh
nọt, kẻo dính bùa. Ví dụ nếu vào nhà thấy rổ trứng đặt trong phòng khách thì chớ
có khen cái rổ trứng ấy kẻo dính Ma Gà. Nói chung với bọn mình luôn giữ khoảng
cách với người đồng bào vì những ý niệm mơ hồ ấy.
Năm nay bố mình chạy sang cuối huyện bên cạnh để thuê nhân
công hằng ngày nên quen dược gia đình anh em dân tộc Cao Bằng. Họ thật thà nên
bố thuê hẳn mấy ngày cuối mùa và mai mốt xay cà khô cũng như mùa tưới năm 2015
sắp tới đây sẽ tiếp tục thuê họ. Họ tội nghiệp lắm. Sáng sớm chạy từ huyện Krong
Bông sang Krong Pak mình để làm thuê. Nghe nói chạy 25 cây số đường rừng. Họ không
có rẫy để canh tác ổn định nên quanh năm đi làm thuê vậy đấy. Dân tộc Cao Bằng cùng với các dân tộc thiểu số
bản địa nơi đây đều có điểm chung đó là bị người Kinh cô lập khiến họ co cụm lại.
Chúng ta không cho họ đốt rừng làm rẫy nhưng ngược lại cũng không nhận họ làm
công nhân trong các nông trường. Mình không hiểu được điều này.
Mùa cà phê vừa kết thúc với những chủ hộ cà phê thì lại bắt
đầu mùa lượm mót của những người không có rẫy hoặc rẫy quá ít cà để thu về. Gần
hai tháng phải kéo lưới và căng thẳng thần kinh vì mùa cà phê nên chủ rẫy thường
lười ra rẫy để lượm những trái cà bị đổ trong quá trình thu hái hoặc rụng cho
thời tiết. Như mẹ mình chẳng hạn, chứng đau đầu gối do quét gốc cà phê nhiều
năm khiến mẹ buông xuôi tất cả. Ai ưng lê lết lượm lặt thì cho họ chứ không
kham nổi nữa. Nếu trời nắng thì quang cảnh mùa lượm mót sinh động lắm. Sáng sớm
từng đoàn người được chở bằng xe công nông ra đứng ở đâu đó rồi tỏa ra nhiều hướng.
Chiều trở lại nơi tập kết để lên xe về thôn buôn. Số đi xe công nông này thường
là đồng bào thiểu số. Người Kinh thì đi xe đạp hoặc đi bộ thành hàng rơi rụng dần.
Nhìn vui mắt lắm.
Từ đầu giờ chiều đã thấy mấy bà buôn cà phê nhỏ lẻ chờ ở khắp
các ngã ba ngã tư các con đường hướng ra rẫy rồi. Hễ thấy người lượm mót ló mặt
vác bao ra thì dụ dỗ họ bán. Thực ra người lượm mót cũng muốn có tiền ngay
trong ngày nên bán luôn. Chứ nếu đem về phơi rồi đi thuê xay thì phiền và tốn
tiền thêm. Chi bằng bán luôn mà có tiền mua thịt cá cho con cái vào ngày mai. Bố
mình sáng nay đi nhổ cải về muối dưa, nói cái lô nhà mình được họ lượm sạch
tưng rồi. Có một ngày mà họ dọn sạch hơn nghìn gốc cà. Số lượng “quân mót” đổ bộ
chắc đông lắm đấy.
Khi gõ bài viết này, gió đang thổi phập phù. Trời lạnh tê
chân và mưa rơi trắng trời. Đối lập với màu trắng của bầu trời là những vết nâu
đỏ bám đầy mọi thứ dưới nền đất. Hy vọng không còn ai nói “dân cà phê giàu mà”
khi giao tiếp với mình nữa...
Được đấy, anh xin bài này đấy Tây Nguyên Xanh ơi.
ReplyDeleteAnh cứ lấy. Miễn có ghi nguồn và tác giả là được
DeleteChị thân sinh cao tuổi không đi lượm mót là hợp lẽ. Đáng ra vị Chủ tịch thành phố thất nghiệp cũng phải dụng đậy chân tay. Nhưng e như thế lại "có việc", ảnh hưởng đến uy tín THẤT NGHIỆP chăng? Khó vậy thay...
ReplyDeleteHã hã. chủ tịch bận ôm chăn ngủ bác Mho ạ he he
Delete