Tuổi thơ của bọn mình - những đứa con lớn lên bên rẫy cà
phê - đa số không phải phụ giúp bố mẹ hái
cà như trẻ con vùng chiêm trũng. Bọn mình được kỳ vọng rất nhiều. Nó cứ theo
mô-típ thế này: Bố mẹ thoát bùn lầy để đến miền khô ráo làm rẫy. Con cái lại
thoát bụi bẩn ở rẫy để làm một công việc sạch áo ráo tay. Nếu như nông dân trồng
lúa hay nhát con cái rằng có muốn phải chịu cảnh con trâu đi trước cái cày theo
sau hay không thì mỗi khi bọn mình lười học, thường bị bố mẹ dọa là có muốn đi
kéo lưới cà phê, xúc cứt bò đem bán không. Hồi bé, đa số bọn mình một buổi đi học
còn một buổi ở nhà coi nhà và cày cà trên sân. Cày cà thì cũng như cày phơi lúa
thôi. Các bạn hình dung được rồi đấy.
Tác giả ảnh: Diệu Huyền - Thành Huy |
Mình và thằng em trai cũng như đưa bé trong ảnh bên, bố mẹ
giao cho một sân cà phải cày và giữ. Hai chị em ngồi bệt trên sân, túm cà ném
nhau, cười ha hả. Quần áo mẹ giặt mà. Lo gì. He he. Mấy đứa gần nhà còn rủ nhau
bắn bi, đánh khẳng (lấy một khúc gỗ, đâp vào một đầu khúc gỗ khác đã được đút một
đầu xuống lỗ đất cho nó bay lên rồi đập ra xa. Ai đập xa hơn, người ấy thắng).
Mải chơi, không lo học và quên nhiệm cày cà. Đến lúc bố mẹ sắp về thì chạy loạn
xà ngầu, đứa nào đứa nấy lo cày cà để xóa dấu vết chân đạp lên, như thể cà thường
xuyên được cày.
Mấy hôm nay ở nhà coi cà cho bố mẹ, buổi trưa nắng rọi nhất
thì nên cày đảo nhiều nhất. Thế nhưng có lúc mình buồn ngủ quá. Kệ thây tất cả,
ngủ một phát cho sướng con người. Đến chiều mới dậy luôn. Ô hô, lọ mọ dậy vun lại
để lấp liếm sự lười nhác. Hã hã. Thành ra một mẻ có độ dày phủ ngón chân cái
phơi trong ba nắng là khô queo nhưng mình phơi những bốn nắng nếu ...siêng ngủ.
He he.
Ngày xưa, khi chưa mua máy xát bỏ vỏ bọc bên ngoài thì phơi
cà cả quả lâu khô lắm, phải năm đến sáu nắng mới khô một lớp mỏng. Còn nhớ hồi
mình về đón tết Nguyên Đàn năm 2011, lúc đó niên vụ 2010 vừa mới xong. Ớn vô
cùng cho cái năm ấy, đến ngày 29 tết rồi mà cà chỉ hơi hơi heo héo thôi. Cả xóm
tạm thời gom vào để mà đón giao thừa. Những lúc như vậy, người ta ước có lò sấy.
Tổng chi phí xây lò sấy dùng cho gia đình ở thời điểm bây giờ là khoảng 12 triệu
đồng. Thông thường qua lễ Noel thì trời nắng đẹp, lợi cho thế cho việc phơi
phóng.
Khoảng một tuần nữa, các bạn ghé vùng nông thôn ở Tây Nguyên
thì sẽ nghe lác đác tiếng ù ù và thấy bụi bay mù mịt phát ra từ cổng của nhiều
ngôi nhà. Ấy là họ đang xay cả ra hạt nhân thô. Vì bụi như thế nên lắm khi gây
mâu thuẫn láng giềng. Ai cũng ghét bụi bay vào nhà nhưng mà nhà ai cũng có nhu
cầu xay nên phải xay cùng một khoảng thời gian, chứ gần tết hoặc ra giêng (âm lịch)
mới xay thì khó mà được thông cảm. Nhân của cà phơi quả có màu xanh và nhìn bắt
mắt hơn nhân của trái cà bị bóc lớp vỏ bọc rồi phơi hạt còn vỏ lụa.
Cái cảm giác nhặt nhạnh từng hạt cà trên sân khi hốt mẻ khô
cuối cùng để xay thật là thú vị. Moi móc từng ngóc ngách, chợt mừng rơn khi
trong hang hốc nào đó có một nhúm cà. Lắm năm có được nửa rổ cà nhờ moi hang hốc.
Nhiều khi ở chân giường cũng có...cà phê. Lý do là có lúc vội vàng chạy vào nhà
lấy tiền trả cho nhân công. Cà còn ướt nên dính dày dép chân tay theo vào. Có
thể nói, cà ngự trị không gian sống và trong tâm hồn của người nông dân.
Khi xay xát xong, có những bao cà nhân (cà sọ) chưa đủ độ
khô, để lâu sẽ mốc thì được phơi lại. Vì xay cà cho cả mùa cùng một lúc nên thường
là đến tối mịt mới xong. Sáng hôm sau, mẹ hốt trấu bụi vào bao. Chờ các con
quét sân thật sạch rồi thì bố vác những bao cà còn ẩm ra phơi. Những lúc như thế,
hai chị em mình thường hay tí tửng nằm ngửa mặt đón ánh nắng ban mai, lưng tựa
cà phê, chân tay quẫy đạp. Vốc một nắm cà nhân lên hít hà rồi tưởng tượng tết
này sẽ có thứ nọ cái kia. Vâng, bởi mọi lời hứa đều bị hoãn lại sau mùa cà sẽ
được giải quyết...
***
Buôn Ama Thuột, ngày cuối cùng của niên vụ 2014
15/12/2014
15/12/2014
Tây Nguyên Xanh
---
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5, Phần 6, Phần 7, Phần 8, Phần 9 để theo dõi từ đầu nhé.
Vì nguồn ảnh được sưu tầm từ bài viết đồng tác giả Diệu Huyền - Thành Huy, lại không ghi tác giả cho từng ảnh nên mình chỉ có thể ghi nhận cả hai người đó là tác giả ảnh. Đó như là lời cảm ơn hai tác giả ảnh đã đưa cuộc sống vùng nông thôn Tây Nguyên ra cả nước và có thể là thế giới. Ảnh được sưu tầm tại báo Ngôi Sao
0 comments:
Post a Comment